Cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra trong lĩnh vực tình báo

Cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra trong lĩnh vực tình báo

Ngày đăng 19-09-2020P.V.L

Trong suốt chiều dài lịch sử, con người vẫn luôn theo dõi lẫn nhau. Để tìm hiểu những gì người khác đang làm hoặc dự định làm, người ta giám sát, theo dõi và nghe trộm bằng cách sử dụng các công cụ và không ngừng cải tiến chúng, tuy vậy nó không bao giờ thay thế được con người.

\"\"/

Trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống tự động đang thay đổi tất cả những điều đó. Trong tương lai, máy móc sẽ theo dõi máy móc để biết máy móc khác đang làm gì hoặc dự định làm gì. Công việc tình báo vẫn sẽ bao gồm đánh cắp và bảo vệ bí mật, nhưng cách thức thu thập, phân tích và phổ biến những bí mật đó về cơ bản sẽ khác.

Các nhà tương lai học về quân sự cũng nhận ra một sự thay đổi lớn tương tự và một số người đã gọi sự trỗi dậy của Trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống vũ khí tự hành là một “cuộc cách mạng trong lĩnh vực quân sự”. Tương tự, đây cũngcó thể gọi là một “cuộc cách mạng trong lĩnh vực tình báo”. Thông qua cuộc cách mạng sắp tới, máy móc sẽ không chỉ là công cụ để thu thập và phân tích thông tin. Chúng sẽ có thể tự xử lý thông tin tình báo, tự ra quyết định và thậm chí nhắm mục tiêu tấn công vào các hoạt động tình báo của các hệ thống máy móc khác. Mối quan tâm cuối cùng của những cỗ máy này vẫn sẽ là các mối quan hệ chính trị, xã hội, kinh tế và quân sự của con người nhưng hoạt động tình báo do máy móc thực hiện sẽ hoạt động với một tốc độ, quy mô và độ phức tạp mà hoạt động tình báo do con người tự đảm nhiệm sẽ không thể nào sánh kịp. Cuộc cách mạng về tình báo mang tính tất yếu không thể đảo ngược. Quá trình đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ là động lực dẫn đến cuộc cách mạng trên phạm vi thế giới. Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ cần phải đón nhận cuộc cách mạng và chuẩn bị cho một tương lai bị thống trị bởi AI, nếu không sẽ có nguy cơ mất đi lợi thế cạnh tranh.

Sự lên ngôi của hoạt động tình báo do máy móc đảm nhiệm

Các cuộc cách mạng không tự dưng mà có. Nguồn gốc của nó bắt nguồn từ thế kỷ 20, khi các công nghệ mới như viễn thông và máy tính ra đời khiến cho các kỹ thuật và phương pháp tình báo được nâng lên một tầm tinh vi mới. Con người vẫn là chủ thể của hoạt động tình báo nhưng thay vì tận mắt quan sát, nghe lén bằng chính đôi tai và phân tích, dự đoán bằng trí óc của mình, con người đã sử dụng các cảm biến và công cụ tính toán ngày càng mạnh mẽ để nâng cao khả năng của mình.

Trong 20 năm qua, xu hướng này đã tăng tốc, dẫn đến lượng dữ liệu sẵn có cho các cơ quan tình báo tăng lên nhanh chóng. Các loại cảm biến thương mại và những loại không phổ biến cho người dân như các chương trình tự động (bot) trên không gian mạng, máy bay không người lái tự hành hay những vệ tinh nhỏ trên không gian vũ trụ giờ đây tạo ra lượng thông tin nhiều đến nỗi vượt quá khả năng tự xử lý của con người. Vào năm 2017, Cơ quan Tình báo Không gian Địa lý Quốc gia Mỹ (NGA) dự đoán rằng lượng dữ liệu mà các nhà phân tích của họ phải xử lý sẽ tăng gấp một triệu lần trong vòng 5 năm. Quá nhiều dữ liệu được tạo ra trong một khoảng thời gian ngắn đã dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt để xử lý được tất cả chúng, đây chính là động lực thúc đẩy việc ứng dụng mô hình tự động hóa, phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu. Áp lực để không bị bỏ lại phía sau là rất lớn: cơ quan tình báo của quốc gia nào có thể nhanh chóng xử lý một lượng lớn dữ liệu phức tạp sẽ có lợi thế hơn những quốc gia không làm được.

Sự chuyển đổi đồng thời sang các hệ thống tự hành và trí tuệ nhân tạo của quân đội các nước trên thế giới chỉ làm tăng thêm áp lực cạnh tranh: các cơ quan tình báo cần có khả năng xác định được và hỗ trợ cho các hệ thống chiến đấu tiên tiến. Hiện tại, quân đội Mỹ đang vận hành hơn 11.000 hệ thống bay không người lái và nhiều hệ thống dưới nước, trên mặt đất và cả trong không gian vũ trụ. Ngoài ra, các đơn vị an ninh mạng của Hoa Kỳ phải đối phó với hàng triệu chương trình tự động (bot) trên các mạng máy tính toàn cầu cũng như hàng tỷ thiết bị kết nối bằng công nghệ Internet vạn vật (IoT) hoạt động như các cảm biến thu thập dữ liệu. Những hệ thống đang ngày càng phát triển này cần có trí thông minh của riêng chúng để vận hành, có nghĩa là theo thời gian chúng sẽ trở thành bên tiếp nhận chính thông tin tình báo.

Hơn cả một cuộc cách mạng sẽ là sự chuyển đổi mục tiêu tình báo sang nhắm vào các hệ thống tự hành, nghĩa là khi máy móc bắt đầu theo dõi và đánh lừa các máy khác. Một kịch bản khả dĩ trong tương lai có thể liên quan đến một hệ thống trí tuệ nhân tạo có nhiệm vụ phân tích một câu hỏi cụ thể, chẳng hạn như liệu kẻ thù có đang chuẩn bị cho chiến tranh hay không. Hệ thống thứ hai do đối thủ vận hành có thể cố tình đưa ra dữ liệu gây nhiễu để làm giảm khả năng phân tích nhắm vào hệ thống thứ nhất. Hệ thống thứ nhất thậm chí có thể nhận biết được thủ đoạn này và loại bỏ dữ liệu sai lạc trong khi vẫn tỏ ra nó đang bị đánh lừa, từ đó đánh lừa lại hệ thống đã lừa nó. Loại lừa dối giữa gián điệp và gián điệp này luôn là một phần của hoạt động tình báo nhưng nó sẽ sớm xảy ra giữa các hệ thống máy móc tự hành hoàn toàn. Trong một vòng thông tin khép kín như vậy, hoạt động tình báo và hoạt động phản gián có thể diễn ra mà không cần sự can thiệp của con người.

Để hiểu được đâu là nguy cơ, hãy xem xét một trường hợp tương tự trong lĩnh vực tài chính. Các hệ thống giao dịch định lượng tốc độ cao (high-speed quantitative trading systems) sử dụng các thuật toán để phát hiện những thay đổi trên thị trường chứng khoán toàn cầu, phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để đưa ra dự đoán và sau đó tự động thực hiện giao dịch chỉ trong vài micro giây. Con người không thể thực hiện việc này với lượng lớn dữ liệu trong thời gian nhanh như vậy. Để không bị tụt lại phía sau, ngay cả những công ty đầu tư lớn nhất cũng ngày càng phải dựa vào các hệ thống giao dịch định lượng trên máy tính. Để cạnh tranh với nhau, các cơ quan tình báo cũng sẽ ngày càng phải dựa nhiều hơn vào công nghệ trí tuệ nhân tạo và các hệ thống tự hành.

Cộng đồng tình báo thay đổi để thích ứng

Khi máy móc dần đóng vai trò chính trong việc thu thập, phân tích và xử lý thông tin cũng như trở thành đối tượng nhắm đến của các hoạt động tình báo, thì toàn bộ cộng đồng tình báo Hoa Kỳ sẽ cần phải phát triển để theo kịp sự thay đổi. Sự phát triển này phải bắt đầu với những khoản đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa, bên cạnh đó là những thay đổi trong cách thức hoạt động cho phép các cơ quan có thể vừa xử lý lượng dữ liệu khổng lồ vừa chuyển trực tiếp kết quả xử lý đến các máy móc tự động. Vì trên thực tế, mọi thứ đều được kết nối thông qua các mạng máy tính và điều này tạo ra một số dạng dữ liệu hoặc tín hiệu điện từ nên lĩnh vực tình báo tín hiệu (signals intelligence) cần phải là trung tâm trong sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo. Và lĩnh vực tình báo về dữ liệu không gian địa lý (geospatial intelligence -GEOINT) cũng vậy. Khi vệ tinh và các loại cảm biến xuất hiện ngày càng dày đặc, mọi thứ trên trái đất sẽ sớm bị theo dõi liên tục từ trên cao, một trạng thái mà Trung tâm nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ liên bang Mỹ đã gọi là “Trạng thái độc nhất GEOINT” (GEOINT Singularity). Để có thể xử lý lượng dữ liệu đang được tạo ra, lĩnh vực tình báo về dữ liệu không gian địa lý cũng như tình báo tín hiệu sẽ cần phải cải tiến nhanh chóng năng lực trí tuệ nhân tạo của mình.

Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ hiện được chia theo các chức năng khác nhau, thu thập và phân tích các loại thông tin tình báo rời rạc, chẳng hạn như thông tin dạng tín hiệu hoặc thông tin về không gian địa lý. Cuộc cách mạng về tình báo có thể sẽ buộc cộng đồng tình báo phải xem xét lại liệu việc phân chia như vậy có còn hợp lý hay không. Thông tin điện từ vẫn sẽ là thông tin điện từ cho dù nó đến từ một vệ tinh hay một thiết bị sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT). Sự khác biệt về nguồn gốc không mấy quan trọng nếu không ai nghiên cứu dữ liệu thô và một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện ra các mẫu hình của tất cả dữ liệu ngay lập tức. Tương tự, sự phân chia giữa tình báo dân sự và tình báo quân sự cũng sẽ bị xóa mờ vì cơ sở hạ tầng dân sự, chẳng hạn như các hệ thống viễn thông, vẫn có thể được sử dụng như hệ thống thông tin liên lạc trong quân sự. Với những thực tế này, việc tách biệt các chức năng tình báo có thể cản trở hơn là hỗ trợ các hoạt động tình báo.

Cuộc cách mạng về tình báo cũng có thể đặt ra nhu cầu thành lập các tổ chức mới. Nếu như bản thân con người từng đóng vai trò chính trong hoạt động tình báo thì sự khác biệt đó giờ đây thuộc về thiết bị chẳng hạn như một phần mềm, một cảm biến hay một máy bay không người lái tự hành. Các hoạt động tình báo sẽ ngày càng tập trung vào những thiết bị này, nghĩa là không chỉ theo dõi bản thân thiết bị mà còn theo dõi các nhà thiết kế, nhà phát triển và chuỗi cung ứng sản xuất ra chúng. Trong tương lai gần, việc hiểu biết về trí tuệ nhân tạo, công nghệ tự hành, các chuỗi cung ứng và vốn đầu tư mạo hiểm sẽ quan trọng như việc hiểu về hệ tư tưởng chính thống của Hồi giáo trong quá khứ. Hoa Kỳ có thể cần các tổ chức mới để nghiên cứu những lĩnh vực này. Ở mức tối thiểu, Hoa Kỳ sẽ cần phải mở rộng các đơn vị tình báo kinh tế và công nghệ hiện có giống như đã từng mở rộng các đơn vị chống khủng bố sau vụ 11/9.

Khi cộng đồng tình báo Hoa Kỳ phát triển để theo kịp cuộc cách mạng, việc cần làm song song là phải hạn chế khả năng phát triển của các đối thủ, cụ thể là làm chậm và ngăn chặn đối thủ đạt được năng lực làm chủ hệ thống tình báo vận hành bởi máy móc. Việc cản trở quá trình thiết kế và phát triển các hệ thống tự hành cũng như công nghệ trí tuệ nhân tạo của đối thủ sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Hành động này sẽ phải được tiến hành bí mật, một số việc sẽ do máy móc đảm nhận. Ví dụ: Hoa Kỳ có thể đưa dữ liệu sai lạc vào hệ thống máy học của đối thủ để đánh lừa hoặc ngăn chặn hệ thống AI của đối thủ trở nên mạnh mẽ hơn.

Nhưng cũng giống như Hoa Kỳ sẽ nhắm mục tiêu vào AI và các hệ thống tự hành của đối thủ, cơ quan tình báo của đối thủ cũng sẽ nhắm mục tiêu vào các hệ thống của Hoa Kỳ. Do đó, Hoa Kỳ sẽ cần phải xây dựng các hệ thống phòng thủ mới và áp dụng những hình thức phản gián mới. Để cạnh tranh, các nhân viên phản gián ngoài con mắt biết phát hiện thủ đoạn của đối phương như từ trước tới giờ còn cần có chuyên môn về kinh tế và kỹ thuật hơn bao giờ hết. Nói chung, cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi mọi cấp độ tổ chức của hoạt động tình báo bao gồm các cơ quan phụ trách, việc huấn luyện, công nghệ, cách thức vận hành và hoạt động phản gián.

Cuộc cách mạng xuất phát từ con người

Con người có thể không còn đóng vai trò chủ đạo trong việc thu thập và phân tích thông tin tình báo nhưng mục tiêu cuối cùng của nó vẫn là tìm hiểu các chính phủ, xã hội và quân đội do con người lãnh đạo. Hơn nữa, con người sẽ mang lại sự sáng tạo, sự đồng cảm, hiểu biết và tư duy chiến lược cho hoạt động tình báo mà máy móc khó có thể sánh kịp trong tương lai gần. Do đó, trưởng các bộ phận, nhân viên quản lý mạng lưới tình báo và nhà phân tích dữ liệu vẫn sẽ có những vai trò quan trọng trong tương lai, tuy vậy bản chất công việc của họ có thể thay đổi.

Cuộc cách mạng đang diễn ra và cộng đồng tình báo cần phải chấp nhận và thích ứng với nó. Việc không thích ứng trước sự thay đổi đã từng gây ra thảm họa trong quá khứ. Ví dụ như khi Hải quân Hoa Kỳ không chịu thay thế thiết giáp hạm bằng tàu sân bay thời điểm trước Thế chiến II. Các thủy thủ dẫn dắt Hải quân đã không nắm bắt được những tiến bộ lớn trong sức mạnh không quân, thứ đã cho phép Nhật Bản mở cuộc tấn công tàn khốc vào Trân Châu Cảng. Tương tự, cộng đồng tình báo chủ yếu do các nhân viên tình báo điều hành, họ không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy (hoặc chấp nhận) xu hướng tất yếu của hoạt động tình báo do máy đảm nhận. Các cơ quan tình báo phải phá bỏ các rào cản văn hóa, đầu tư vào công nghệ và dành toàn bộ nguồn lực cho hoạt động tình báo sử dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Nếu Hoa Kỳ không chịu thay đổi, có nguy cơ Trung Quốc hoặc các đối thủ khác sẽ đạt được lợi thế về mặt công nghệ mà Washington sẽ không thể vượt qua.

Bài Liên Quan

Leave a Comment