Freedom House vinh danh người biểu tình Hồng Kông với Giải thưởng Tự do
- Frank Fang
- Thứ Hai, 21/09/2020
Freedom House đã trao ‘Giải thưởng Tự do’ năm 2020 cho phong trào ủng hộ dân chủ Hồng Kông trong việc đấu tranh chống lại ĐCSTQ xâm phạm quyền tự do của Đặc khu này.
“Freedom House vinh danh những người biểu tình Hồng Kông,” tổ chức tư vấn chính phủ có trụ sở tại Washington cho biết trong buổi trao giải trực tuyến được tổ chức vào ngày 16/9 kèm lời giải thích: “Hồng Kông hiện đã gia nhập vào các nhóm bị ĐCSTQ áp bức nghiêm trọng.”
Tuy vậy, tổ chức này nói rằng họ không thể công khai danh tính của bất kỳ ai trong phong trào này bởi vì điều đó sẽ “khiến cuộc sống của họ gặp nguy hiểm.” Freedom House chỉ ra rằng kể từ khi Luật An ninh quốc gia của Bắc Kinh có hiệu lực tại Hồng Kông vào cuối tháng 6, “nhiều sinh viên đã bị giam giữ, các nhà lãnh đạo biểu tình bị bắt, các nhà hoạt động bị mất tích, và các giáo sư thì bị sa thải.”
Phong trào ủng hộ dân chủ kêu gọi bảo vệ quyền tự do và pháp quyền của Hồng Kông đã bắt đầu diễn ra từ tháng 6 năm ngoái, với hàng triệu người Hồng Kông xuống đường để phản đối dự luật dẫn độ (hiện đã được hủy bỏ) của chính quyền Đặc khu. Kể từ đó, phong trào này tiếp tục phát triển nhằm kêu gọi quyền dân chủ lớn hơn, chẳng hạn quyền phổ thông đầu phiếu cho cử tri thành phố.
Sau khi Bắc Kinh ban hành Luật An ninh quốc gia gây tranh cãi nhằm trừng phạt những tội danh mơ hồ như ly khai và lật đổ với mức án tối đa là tù chung thân, chính phủ Hoa Kỳ đã thu hồi quy chế thương mại đặc biệt dành cho Hồng Kông, đồng thời trừng phạt các quan chức Hồng Kông và Đại lục chịu trách nhiệm làm suy yếu quyền tự trị của Đặc khu hành chính.
Tổ chức trao thưởng nói: “Tất cả chúng ta đều trông đợi ngày mà chúng ta có thể xướng danh họ. Quyền tự do sẽ chiếm ưu thế và chế độ cộng sản Trung Quốc không thể kiểm soát được tinh thần con người.”
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ) và Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Đảng Cộng Hòa) đã phát biểu tại sự kiện trực tuyến này.
Bà Pelosi nói: “Sự dũng cảm phi thường của những người biểu tình Hồng Kông tương phản hoàn toàn với một chính phủ hèn nhát từ chối tôn trọng luật lệ và nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” mà chính họ đã hứa cách đây hơn hai thập kỷ.”
Năm 1984, Trung Quốc và Anh đã ký một hiệp ước quốc tế được gọi là Tuyên bố chung Trung – Anh, trong đó nêu ra các điều khoản về việc Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Theo hiệp ước, hiến pháp thu nhỏ của Hồng Kông – còn được gọi là Luật Cơ Bản đã được soạn thảo để bảo đảm Đặc khu có quyền tự trị cao trong 50 năm kể từ năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ.”
Ông Rubio nói: “Tôi không thể nghĩ đến một nhóm nào tốt hơn người dân Hồng Kông, đặc biệt những người đã tham gia bảo vệ nền dân chủ và tự do, để được Freedom House vinh danh năm nay.”
Ông nói thêm: “Mặc dù chúng ta cảm thấy kinh hãi khi nhìn thấy những gì Bắc Kinh đang làm tại Hồng Kông, nhưng chúng ta được truyền cảm hứng bởi sự dũng cảm và tầm nhìn của những người đang chiến đấu để đòi hỏi và bảo vệ nền dân chủ.”
Nhà hoạt động Hồng Kông Nathan Law, hiện đang ở London sau khi trốn khỏi Hồng Kông vào đầu tháng 7, cũng phát biểu tại sự kiện trực tuyến này.
Anh Law nói: “Hồng Kông là tuyến đầu trong cuộc xung đột giữa chủ nghĩa độc tài và các giá trị dân chủ.”
Anh nhận định chính phủ các nước phương Tây như Hoa Kỳ và Anh, đã đóng vai trò quan trọng trong việc “kiềm chế sự bành trướng độc đoán của Trung Quốc” và trong việc yêu cầu Bắc Kinh giải quyết các vi phạm nhân quyền.
Nhà hoạt động trẻ cho biết: “Đối với tôi, muốn tự do cần phải có sự thận trọng không ngừng đối với các bất công trong xã hội.”
Vào ngày 8/9, cảnh sát Hồng Kông thông báo trên trang Facebook của mình rằng 10.016 người đã bị bắt kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình quy mô lớn tại thành phố này vào tháng 6 năm ngoái cho đến ngày 6/9 năm nay.
Trong số những người bị bắt giữ, 2.210 người bị cáo buộc các tội danh như “bạo loạn” và “tụ tập bất hợp pháp.”
Frank Fang / The Epoch Times