Hồ sơ FinCEN: Cộng sự của Putin rửa tiền qua ngân hàng Barclays?
5 giờ trước
Một trong những người bạn thân nhất của ông Vladimir Putin có thể đã sử dụng Ngân hàng Barclays ở London để rửa tiền và né các lệnh trừng phạt, theo các tài liệu rò rỉ.
Tỷ phú Arkady Rotenberg quen biết Tổng thống Nga từ thuở nhỏ.
Các hạn chế tài chính, tức là các biện pháp trừng phạt, đã được Hoa Kỳ và EU áp đặt đối với ông Rotenberg vào năm 2014, tức là các ngân hàng phương Tây có thể phải đối mặt với hệ lụy nghiêm trọng khi làm ăn với ông.
Ngân hàng Barclays cho biết họ đã đáp ứng tất cả các trách nhiệm pháp lý và quy định của mình.
Một vụ rò rỉ các hồ sơ mật hay \”báo cáo về các hoạt động đáng ngờ\” của các ngân hàng tiết lộ cách các công ty được cho là do ông Rotenberg kiểm soát đã nắm giữ các tài khoản bí mật.
Các tài liệu, được gọi là Hồ sơ FinCEN, đã được đưa cho chương trình truyền hình chuyên về phóng sự điều tra có tên BBC Panorama của BBC xem.
\’Vòng trong\’
Vào tháng Ba năm 2014, Hoa Kỳ đã trừng phạt kinh tế với Nga sau khi Moscow sáp nhập Crimea thuộc Ukraine.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ khi đó đã đưa tên ông Rotenberg, 68 tuổi, và em trai là ông Boris, 63 tuổi, vào danh sách \”người vòng trong của giới lãnh đạo Nga\”.
Hai người này đã cùng nhau tập võ cùng một nơi tập judo với ông Putin khi họ còn trẻ.
Trong những năm gần đây, các công ty của Arkady Rotenberg đã xây dựng đường xá, đường ống dẫn khí đốt và một nhà máy điện thông qua các hợp đồng do nhà nước Nga chỉ định.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết hai anh em \”đã hỗ trợ cho các dự án riêng của Putin\” và \”kiếm được hàng tỷ đô la trong các hợp đồng cho Gazprom và Thế vận hội mùa đông Sochi do Putin trao cho họ\”.
Năm 2018, Hoa Kỳ đã bổ sung thêm Igor, con trai của Arkady Rotenberg, vào danh sách các cá nhân bị trừng phạt.
Mục đích của lệnh trừng phạt là cắt bỏ những người bị nêu tên khỏi toàn bộ hệ thống tài chính phương Tây.
Tuy nhiên, anh em Rotenberg dường như đã tiếp tục chuyển tiền mặt qua Anh và Mỹ.
Nghệ thuật và rửa tiền
Năm 2008, Barclays mở tài khoản cho một công ty có tên là Advantage Alliance.
Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy công ty đã chuyển 60 triệu bảng từ năm 2012 đến năm 2016. Nhiều giao dịch xảy ra sau khi anh em Rotenberg bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Vào tháng Bảy năm nay, một cuộc điều tra của Thượng viện Hoa Kỳ cáo buộc anh em Rotenberg đã bí mật mua các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền để né các lệnh trừng phạt – Advantage Alliance là một trong những công ty tham gia vào các giao dịch này.
Giới điều tra Mỹ kết luận có bằng chứng chắc chắn rằng Advantage Alliance thuộc sở hữu của Arkady Rotenberg và công ty này đã sử dụng tài khoản Barclays của họ ở London để mua tác phẩm nghệ thuật hàng triệu đô la cho ông.
Một báo cáo nói rằng \”tính bảo mật, ẩn danh và thiếu quy định đã tạo ra môi trường chín muồi cho việc rửa tiền và trốn tránh các lệnh trừng phạt\”. Các nhà đấu giá ở Mỹ và Anh \”không đưa ra được những câu hỏi cơ bản\” về đối tượng mua tác phẩm nghệ thuật.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, Arkady dường như đã trả 7,5 triệu đô la để mua bức tranh La Poitrine của René Magritte.
Vào ngày 17/6/2014, một công ty liên kết với Arkady đã gửi tiền từ Moscow đến tài khoản Barclays của Advantage Alliance ở London. Ngày hôm sau, Barclays chuyển tiền mặt cho người bán ở New York.
Tài khoản đã đóng
Vào tháng 4/2016, Barclays bắt đầu mở cuộc điều tra nội bộ về nhiều tài khoản mà họ nghi ngờ có liên quan đến anh em nhà Rotenberg.
Sáu tháng sau, ngân hàng đã đóng tài khoản của Advantage Alliance sau khi lo ngại rằng nó đã được sử dụng để chuyển các khoản tiền đáng ngờ.
Nhưng hồ sơ báo cáo hoạt động đáng ngờ bị rò rỉ cho thấy các tài khoản Barclays khác có liên kết bị nghi ngờ với anh em Rotenberg vẫn mở cho đến năm 2017.
Một trong những công ty như vậy là Ayrton Development Limited.
Theo hồ sơ, Barclays nghi ngờ các hoạt động của Ayrton và kết luận rằng \”[Arkady] Rotenberg là chủ sở hữu thực sự của Ayrton\”.
Barclays không bình luận khi được BBC Panorama hỏi về việc có bao nhiêu tài khoản mà họ nghi ngờ thuộc sở hữu của anh em Rotenberg.
Người phát ngôn của Barclays cho biết: \”Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã tuân thủ tất cả các nghĩa vụ pháp lý và quy định của mình, bao gồm cả nghĩa vụ liên quan đến các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.\”
Anh em Rotenberg từ chối bình luận về vụ việc này.
Hồ sơ FinCen là tài liệu bí mật rò rỉ tiết lộ cách các ngân hàng lớn cho phép tiền bẩn vào ngân hàng trên khắp thế giới.
Hồ sơ này cũng cho thấy Vương quốc Anh thường là mắt xích yếu trong hệ thống tài chính và London đang ngập tràn tiền mặt của Nga như thế nào.
Thông tin này được BuzzFeed News thu thập được và đã chia sẻ với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và 400 nhà báo trên khắp thế giới.
Chương trình Panorama phụ trách phần nghiên cứu cho phóng sự của BBC.