Ông Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ \’tái xuất\’, ca ngợi ‘cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng’

Ông Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ \’tái xuất\’, ca ngợi ‘cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng’

21/09/2020


\"Nguyên
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bức ảnh tại Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội ngày 26/1/2016, vừa xuất hiện trở lại trên truyền hình trong cuộc phỏng vấn nhân ngày truyền thống của Ban Kinh tế Trung ương.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa bất ngờ xuất hiện trở lại trên truyền hình khi trả lời phỏng vấn VTV, trong đó ông ca ngợi sự đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương, mà ông nói là “cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng,” đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Theo một số chuyên gia và nhà quan sát chính trị trong nước, sự xuất hiện của ông Dũng, từng là trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ban là “bình thường” nhưng cũng có thể là “tín hiệu gì đó về thế cân bằng” quyền lực trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13 sắp được tổ chức trong vài tháng tới.

Ông Dũng, người từng giữ chức thủ tướng Việt Nam từ năm 2006 đến 2016, sau khi “thất thế” tại Đại hội Đảng lần thứ 12, đã xuất hiện trên Đài Truyền hình Việt Nam hôm 18/9 khi trả lời phỏng vấn về những đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương (KTTƯ) trong tiến trình hội nhập quốc tế.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đồng bộ, chúng ta đã thực thi nhất quán Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển,” ông Dũng nói trong bài phỏng vấn VTV nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Ban Kinh tế Trung ương, được đăng toàn văn trên trang web của Báo điện tử Chính phủ.

“Là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế-xã hội, Ban Kinh tế Trung ương đã đóng góp quan trọng trong việc hoạch định và thực thi đúng đắn, sáng tạo các chủ trương, chính sách lớn của Đảng ta về phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của đất nước,” ông Dũng nói trong lần xuất hiện phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ khi ông xin “kết thúc nhiệm vụ” vào năm 2016. Lần cuối cùng ông phát biểu được truyền thông ghi nhận là tại phiên họp cuối cùng trên cương vị thủ tướng Việt Nam hồi tháng 3/2016, trong đó ông đưa ra lời khuyên đối với các thành viên chính phủ về hưu, trong đó có bản thân ông, “ráng làm người tử tế, sống tử tế.”

Nhật định về sự xuất hiện bất ngờ trở lại của ông Dũng, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng người từng dẫn dắt ban TKTƯ (nhiệm kỳ 1996-1997) lên truyền hình nói về “cơ quan tham mưu quan trọng của Đảng” nhân dịp kỷ niệm ban này là “bình thường.”

“Việc cựu thủ tướng và nguyên uỷ viên bộ Chính trị có ý kiến theo tôi là việc bình thường,” TS Doanh, từng là một thành viên trong tổ tư vấn kinh tế cho thủ tướng Chính phủ, nói. “Bởi vì ở Việt Nam những vị ấy vẫn có một vị trí chính trị cao và ông Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều nỗ lực kinh tế cho nên ông ý phát biểu như thế là tương đối bình thường trong xã hội Việt Nam.

Cùng quan điểm với ông Doanh, TS Nguyễn Quang A, cũng là một chuyên gia kinh tế trong nước, cho rằng việc một cựu trưởng ban KTTƯ “xuất hiện ở một dịp kỷ niệm của ban đó thì không có gì là lạ cả.”

TS Quang A nói thêm: “Nhưng có lẽ nó lạ là vì trước Đại hội thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam và thực sự là một điều ai cũng biết là ông (Dũng), ông Trọng và phe này phe kia đã có những vấn đề gay cấn trong quá khứ. Và trong bối cảnh như thế ông (Dũng) ít khi xuất hiện, và chỉ tham dự những buổi tang lễ hay kỷ niệm gì đấy nhưng không phát biểu. Nhưng lần này ông ấy phát biểu tôi nghĩ có thể nó là một tín hiệu gì đấy về thế cân bằng của các nhóm (quyền lực) khác nhau trong Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Tại kỳ Đại hội Đảng 12 năm 2016, ông Dũng đã “xin rút” để “về nghỉ chính sách” sau khi có nhiều đồn đoán rằng ông sẽ chạy đua vào chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với ông Nguyễn Phú Trọng.

Trưởng ban KTTƯ hiện nay là ông Nguyễn Văn Bình, từng là thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ ông Dũng làm thủ tướng.

Chiến dịch chống tham nhũng, được truyền thông trong nước gọi là “đốt lò” của ông Trọng – người thâu tóm đuợc nhiều quyền lực trong tay hơn khi kiêm nhiệm chức Chủ tịch vào tháng 10/2018 sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, trong vài năm qua được giới quan sát cho là nhắm vào ông Dũng thông qua một loạt các “đại án” liên quan tới nhiều quan chức chính phủ, lãnh đạo các ngân hàng, và cả ngành công an, dẫn tới việc cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, và cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị kết án tù.

Cuối tháng 8 vừa qua, con trai ông Dũng, Nguyễn Thanh Nghị – bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, cùng hàng chục cán bộ tỉnh này bị kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm do sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017. Theo nhận định của một số nhà quan sát chính trị, sự việc này là một động thái thanh trừng trong nội bộ Đảng trước khi Đại hội Đảng 13 diễn ra vào tháng 1/2021.

Sau hai nhiệm kỳ lãnh đạo, theo nhận định của truyền thông trong nước, ông Dũng đã để lại những “dấu ấn”, như mở cửa thị trường và đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, và cả những hậu quả kinh tế “nghiêm trọng” như nhiều chuyên gia đánh giá vì sự thất bại trong mô hình kinh tế nhà nước.

Tuy nhiên những cải cách của kinh tế của ông Dũng, trong đó ông thúc đẩy để Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo nhận định của Deutsche Welle, bị nhiều thành viên bảo thủ của Đảng Cộng sản, do ông Trọng đứng đầu, chỉ trích là quá sớm và quá sâu rộng, vì lo ngại Việt Nam có thể sớm chệch khỏi con đường xã hội chủ nghĩa.

Bài Liên Quan

Leave a Comment