Chiến lược Mỹ tại Trung Đông : Cô lập Iran, ổn định không hoà bình

Chiến lược Mỹ tại Trung Đông : Cô lập Iran, ổn định không hoà bình

September 23, 2020

\"\"

Liên tiếp thua đau tại Hội Đồng Bảo An, bị các đồng minh châu Âu phản đối, Teheran chế diễu, Washington bất chấp. Ba năm sau khi xé hiệp định hạt nhân 2015, chính quyền Donald Trump đơn phương tuyên bố « các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Iran tái hồi hiệu lực » và « những nước vi phạm, kể cả đồng minh, cũng sẽ bị trừng phạt ». Vì sao Mỹ quyết hạ gục Teheran ?

Trong ngày khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (22/09/2020) và kéo dài một tuần với diễn văn, tham luận của 193 thành viên, nhiều nguyên thủ đã than phiền « thái độ đơn phương » kiên định của Mỹ. Chủ trương độc đoán này đã làm cho tổng thống Mỹ Donald Trump bị cô đơn hơn bao giờ hết, nhất là từ khi Washington tuyên bố lệnh trừng phạt Iran, qua các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, có hiệu lực trở lại kể từ thứ Hai 21/09.

Pháp và các đồng minh châu Âu báo trước là sẽ « không khoan nhượng » Mỹ trên hồ sơ Iran trong khi tổng thống Iran Hassan Rohani tiên đoán bất kỳ tổng thống mới của Mỹ là ai, cũng không có lựa chọn nào khác là phải nhượng bộ Iran và Iran có quyền tự do buôn bán kể cả vũ khí.

Đúng là Hoa Kỳ một mình đấu với cả thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ có mục tiêu chiến lược cụ thể và có phương tiện để thi hành mà đầu tiên là áp lực kinh tế.

Washington thiết lập trục Israel-Suni

Trước hết, ngoại trưởng Mike Pompeo báo trước là nếu các thành viên Liên Hiệp Quốc không « làm tròn bổn phận thì Hoa Kỳ sẽ sử dụng các công cụ riêng để trừng phạt các thiếu sót này ». Theo chuyên gia chính trị quốc tế Mỹ Annick Cizel (đại học Sorbonne/La Croix) các biện pháp gây áp lực tài chính đối với Nga, Trung Quốc và Liên Âu sẽ gia tăng trong những tuần lễ tới.

Cuộc đọ sức gay go này thực ra chỉ là mặt nổi của tảng băng sơn. Cũng theo Annick Cizel, nguyên nhân sâu xa là Washington đang « tái phối trí bàn cờ Trung Cận Đông », từng bước bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và các nước Ả Rập. Thành quả đầu tiên là ngày 15/09 vừa qua, một tuần trước khi khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Israel cùng với  Bahrain và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất ký hiệp định bình thường hóa bang giao với sự chứng kiến của chủ nhân Nhà Trắng mà Donald Trump gọi là « bình minh của một Trung Đông mới ». Như vậy, sau Ai Cập và Jordani, tổng cộng đã có bốn nước Hồi giáo thiết lập bang giao với Nhà nước Do Thái, bất kể tình liên đới với Palestine. Những kiến trúc sư của chiến lược này, Mỹ, Israel và Ả Rập tin rằng nhiều nước Ả Rập khác sẽ noi theo qua hình thức này hay hình thức khác. Chuyên gia Israel, Ehud Yaari dự báo 4 nước gồm Ả Rập Xê Út,Oman, Sudan và Maroc.

Tuy nhiên, hầu như chưa có một nhà quan sát nào lạc quan tin vào tuyên bố « rạng đông hoà bình » của tổng thống Donald Trump cho dù có một lãnh tụ chính trị ở Bắc Âu đề nghị tên ông tranh giải Nobel Hòa Bình.

Chủ nhân Nhà Trắng biết rõ là không thể kiến tạo hoà bình trong khu vực mà phe hồi giáo Shia, với Iran lãnh đạo, xem phe Suni và Israel là kẻ thù không đội trời chung. Liên minh Israel với các chế độ Suni là nhằm cô lập Iran, tạo cơ hội làm thay đổi chính trị từ bên trong. Một nhà phân tích khác, Xavier Guignard, thuộc trung tâm chiến lược độc lập Noria Research cho rằng « tham vọng của Donald Trump » không phải xây dựng hòa bình mà đúng ra là để tạo một tình trạng ổn định ở Trung Cận Đông, theo một tương quan lực lượng có lợi cho Israel.

Thế nhưng, chiến lược bao vây Iran với một liên minh giữa Israel và các vương triều vùng Vịnh, về lâu về dài, chỉ làm gia tăng xung khắc. Người Palestine sẽ cực đoan hơn, Iran sẽ củng cố quan hệ với các chế độ và tổ chức võ trang ngoại vi.

Một công đôi ba việc

Câu hỏi đặt ra là làm sao có ổn định nếu không có hoà bình ? Đã thế Mỹ còn bám riết hành hạ chế độ Hồi giáo Iran ?

Theo Annick Cizel, ngoài lý do địa chính trị, chủ nhân Nhà Trắng còn muốn nhân mùa bầu cử để chuộc lỗi quản lý kém đại dịch corona : Nếu hạ gục được Iran, tổng thống thứ 45 của Mỹ có thể tự hào lập được thành tích mà bao nhiêu người tiền nhiệm thất bại từ 1948. Do vậy, chính sách đối ngoại của Mỹ bị biến thành công cụ chính trị để đánh bóng uy tín tổng thống.

Theo RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment