Một cựu sĩ quan công an Belarus trốn sang Ba Lan
5 giờ trước
Andrei Ostapovich vừa lên tiếng với báo Nga kể lại hành trình ông vượt rừng trốn sang Ba Lan sau khi phê phán chế độ của tổng thống Alexander Lukashenko.
Làm việc trong cơ quan điều tra của Bộ Công an Belarus, ông Ostapovich đã nộp đơn từ chức hồi tháng 8, sau khi \”chứng kiến cảnh đồng nghiệp bắt và đánh người biểu tình, bất chấp pháp luật\”.
Kể lại cho trang Moscow Times, tờ báo Nga có phiên bản tiếng Anh (bài hôm 22/09/2020), ông nói:
\”Tôi tận mắt chứng kiến việc cảnh sát hành xử vô luật lệ\” sau khi họ bị bắt vì tội phá một xe công an trong cuộc biểu tình ở thủ đô Minsk.
Ngày 16/09, ông nộp đơn từ chức và sang Moscow trú ngụ như nhiều người Belarus khác – công dân Belarus có thể đi lại, vào CHLB Nga bình thường.
Nhưng sau khi đăng tải trên Instagram đơn từ chức và lời kêu gọi \”đuổi cổ tên độc tài\”, ông Ostapovich trở nên nổi tiếng trong thế giới nói tiếng Nga.
Vì bạn bè ở Minsk nói ông bị chính quyền \”cho vào sổ đen\” và lo ngại cho an ninh cá nhân, Andrei Ostapovich đã thuê xe đi sang Latvia.
Tuy nhiên biên phòng Nga không cho ông sang Latvia, với lý do \”phòng chống dịch Covid-19\” và ông được phía Lativa tư vấn là hãy đến lãnh sự quán của họ ở Pskov tìm trợ giúp.
Tại thành phố vùng Đông Bắc nước Nga này, ông Ostapovich bị an ninh Liên bang Nga giữ và tra hỏi, theo lời kể của ông cho tờ Moscow Times.
Tờ báo nói ban biên tập đã liên lạc với Cục An ninh Liên bang (FSB) của Nga để xác nhận điều này nhưng không được hồi đáp.
Vì lý do không rời Nga bằng đường hợp pháp sang Latvia, ông Ostapovich đã trốn vào rừng và vượt biên bằng đường bộ từ Belarus sang Ba Lan.
Theo đài Deutsche Welle của Đức, đã có hiện tượng một số sĩ quan cảnh sát Belarus từ chức vì không muốn phải tham gia đàn áp người biểu tình.
Một số người, như đại uý Yegor Yemeljanov công khai danh tính của mình khi bỏ quân phục cảnh sát, còn một số người khác như trung tá Alexander và điều tra viên Vladimir, chỉ nêu tên, không nêu họ khi trả lời truyền thông nước ngoài về lý do bỏ việc.
Tuy thế, những người này đều cho rằng vụ đánh người biểu tình tàn bạo trên phố Okrestina, Minsk sau bầu cử là bước ngoặt khiến họ cảm thấy không thể phục vụ trong Bộ Công an Belarus nữa.
\’Nhân đạo nhất thế giới\’
Hôm 07/09/2020, Bộ trưởng Công an Belarus Yury Karajeu nói rằng \”hàng trăm người biểu tình đánh cảnh sát trọng thương\”, và cảnh sát nước ông \”nhân đạo nhất thế giới\”.
Chính quyền nói có ít nhất 600 người bị bắt vì tội gây rối và hành hung nhân viên công quyền, và 30 nhân viên cảnh sát \”phải vào viện bị thương tích\”, tính đến tuần đầu tháng 9.
Hôm 23/09, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người tái đắc cử trong cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng trước, đã bất ngờ tuyên thệ nhận chức buổi lễ không được báo trước.
Truyền thông nhà nước cho biết hàng trăm quan chức và khách mời đã tham dự buổi lễ tại Cung Độc lập ở trung tâm Minsk nhưng công chúng không hề được thông báo về sự kiện này như các lần tuyên thệ nhậm chức trước của ông Lukashenko.
Trong diễn văn nhậm chức, nhà lãnh đạo Belarus nói \”ông không thể bỏ người dân và đất nước\”.
Nhưng ông cũng cam kết sẽ bảo vệ hiến pháp, \”tự do và dân chủ\” cho Belarus.
Vụ tuyên thệ \’chui\’ bị báo chí quốc tế chú ý nhiều vì chính quyền Belarus còn không xác nhận tin là sẽ có buổi lễ khi được giới chức ngoại giao dò hỏi.
Cho tới nay, một số quốc gia EU nói họ không công nhận ông Lukashenko là tổng thống Belarus.
Bộ trưởng ngoại giao nước láng giềng Lithuania Linas Linkevicius viết trên Twitter rằng lễ tuyên thệ của Lukashenko \”là trò hề\”.