Chuyện Lê Quý Đôn bỏ tính kiêu ngạo, trở thành nhà bác học lớn
- Trần Hưng
- Chủ Nhật, 20/09/2020
Lê Quý Đôn là một trong những thiên tài kiệt xuất của Việt Nam, nhưng tuổi trẻ ông lại nổi tiếng là người kiêu ngạo. Dân gian còn lưu truyền vài câu chuyện giúp ông từ bỏ tính xấu này, trở thành thiên tài xuất chúng.
Lê Quý Đôn là vị quan thời Lê Trung Hưng, đồng thời cũng là nhà thơ, nhà bác học lớn của nước ta. Từ nhỏ ông đã được xem là thần đồng, 5 tuổi đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi, 12 tuổi đã đọc rất nhiều sách về bách gia chư tử.
Năm 17 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương đỗ đầu tức Giải nguyên. Năm 1752 khi 26 tuổi, ông thi Hội và đỗ đầu tức Hội nguyên. Vào đến thi Đình ông lại đỗ đầu tức Bảng nhãn (do kỳ thi này không lấy Trạng nguyên) và được Triều đình bổ nhiệm làm quan.
Tuổi trẻ, đỗ đầu, lại làm quan to, Lê Quý Đôn sinh ra kiêu căng tự phụ. Tuy nhiên tính xấu này đã thay đổi sau khi ông trải qua một vài sự việc, có việc được ghi chép lại trong “Đại Nam chính biên liệt truyện”, cũng có việc truyền khẩu trong dân gian.
Bấy giờ, Lê Quý Đôn tự tin mình đã đọc hết cả sách trong thiên hạ, thiên kinh vạn quyển. Ông bèn sai người làm tấm biển treo ngay trước ngõ vào nhà mình với hàng chữ: “Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn” (Nghĩa là: Trong thiên hạ, ai không hiểu chữ gì thì hãy đến mà hỏi).
Khi thân phụ ông là tiến sĩ Lê Phú Thứ qua đời, người quen đến đưa tang rất đông, trong đó có một ông cụ mà Lê Quý Đôn không biết. Ông cụ nói: “Cháu còn nhỏ, chứ lão là bạn thân với cha cháu từ xưa. Nhưng vì nhà nghèo, đường xa, lại tuổi già sức yếu nên ít đi lại thăm hỏi nhau. Nay nghe tin cha cháu qua đời, nghĩa tử là nghĩa tận nên lão đến để có câu đối viếng. Lão run tay, cháu hãy lấy giấy bút, lão đọc, nhờ cháu viết hộ”.
Lê Quý Đôn giấy ra, ông cụ đọc “chi”, Lê Quý Đôn không biết viết chữ chi nào vì trong chữ Nho có nhiều từ đồng âm khác nghĩa, nên chờ ông cụ nói tiếp, nhưng ông cụ lại nói tiếp “chi”.
Lê Quý Đông lấy làm lạ hỏi lại rằng: “Bẩm ‘chi’ nào ạ”. Ông cụ liền nói: “Ối, anh ơi, con anh đậu đến Bảng nhãn mà chữ ‘Chi’ cũng không biết viết, thế mà treo bảng ngoài ngõ để cho người đến hỏi, thì sao trả lời được kia chứ?”
Lúc này Lê Quý Đôn cũng ngượng chín cả người, nhất là có nhiều nho sĩ đến kính viếng ở xung quanh. Rồi ông cụ liền đọc tiếp 2 vế đối thật hay:
Chi chi tam thập niên dư, xích huyện hồng châu quân thượng tại
Tại tại sổ thiên lý ngoại, đào hoa lưu thủy Tử hà chỉ?!
Nghĩa là:
Trải qua ba chục năm hơn, xích huyện hồng châu anh còn đó.
Xa xôi ngoài ngàn dặm đó, hoa trôi nước cuốn bác về đâu?!
Câu đối quá hay và lạ khiến Lê Quý Đôn cùng các nho sĩ đều lấy làm kinh ngạc. Còn ông cụ thì cứ phủ phục trước linh cữu người đã mất nói: “Ới anh ơi, anh bỏ đi đâu để con anh đỗ đến Bảng nhãn mà chưa biết viết chữ ‘chi’ anh ơi”. Lạy xong, cụ già chống gậy ra về. Dù Lê Quý Đôn có mời mãi nhưng ông nhất định không nán lại.
Sau khi cha mất, Lê Quý Đôn thường hay lên chùa cầu siêu. Một lần thấy ông đến, nhà sư trong chùa mừng rỡ nói:
Quan Bảng tới chùa, may mắn làm sao! Bần tăng có điều muốn nhờ quan chỉ giáo. Chả là đứa tiểu đồng của bần tăng nghe người nào đó đố chữ, về hỏi, nhưng bần tăng nghĩ không ra, nên đành theo lời quan Bảng dạy ‘Nghi nhất tự lai vấn’. Câu đố thế này, xin quan chỉ giáo cho:
Thượng nhi bất thượng,
Hạ nhi bất hạ,
Thả nghi tại hạ,
Bất khả tại thượng.
Nghĩa là:
Trên không thể trên,
Dưới không thể dưới
Nhưng nên ở dưới
Không thể ở trên
Lê Quý Đôn vắt óc suy nghĩ cũng không sao nghĩ ra được. Lúc này tiểu đồng bỗng ở ngoài chạy vào và nói cậu đã giải được rồi. Lê Quý Đôn hỏi thì tiểu đồng nói đó là chữ nhất (一).
Câu đầu: “Thượng nhi bất thượng” là chữ Thượng 上 mà không có phần trên, nên thành chữ Nhất 一.
Câu hai: “Hạ nhi bất hạ” là chữ Hạ 下 mà không có phần dưới, nên cũng là chữ Nhất 一.
Câu ba: “Thả nghi tại hạ” là chữ Thả 且 và chữ Nghi 宜thì có chữ Nhất 一 ở phía dưới.
Câu bốn: “Bất khả tại thượng” là chữ Bất 不 và chữ Khả 可 thì chữ Nhất 一 ở phía trên.
Lê Quý Đôn biết dụng ý người ra câu đố là lấy ngay chữ “nhất” trong tấm biển “Nhất tự lai vấn” để chế nhạo mình. Cộng với chuyện bị cụ già giễu cợt trong đám tang cha, ông liền hiểu ra rằng thiên hạ còn lắm người giỏi, vậy mà không ai kiêu căng như mình.
Về đến nhà, việc đầu tiên Lê Quý Đôn làm là sai người cất tấm bảng đó đi. Từ đó ông bỏ tính kiêu ngạo của tuổi trẻ, chăm chú nghiên cứu, học hành, nhờ đó mà trở thành nhà bác học lớn trong lịch sử Việt Nam.
Bên cạnh chuyện bỏ tính kiêu ngạo này, Lê Quý Đôn còn phạm một sai lầm nữa trong cuộc đời. Đó là vào khoa thi Hội 1775, ông đã điều đình với học trò giỏi của mình là Đinh Thì Trung đổi quyển cho con mình là Lê Quý Kiệt. Không ngờ khoa ấy chúa Trịnh đánh cược với vua Lê, cho rằng Thì Trung đỗ đầu, dẫn đến việc duyệt lại bài thi, khám phá ra việc đổi quyển. Từ đó học trò đắc ý của Lê Quý Đôn bị đi đày, con ông bị giam rồi giáng làm dân thường. Có thể nói Lê Quý Đôn thành bởi khoa cử, mà khoa cử cũng là vết đen lớn nhất trong đời ông vậy.
Ngẫm mà thấy đạo học ở nước ta mấy trăm năm trước đã bắt đầu xuất hiện vấn đề lớn. Dẫu rằng vẫn có thể đào tạo ra nhân tài, nhưng về tổng thể là trượt dốc rất dài, đến ngày nay thì lại càng nổi rõ. Tội nằm ở khoa cử chăng? Hay là nằm ở lòng người?
Trần Hưng
Tác phẩm
Bộ sách Lê Quý Đôn toàn tập: Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử.
Theo GS. Dương Quảng Hàm, Lê Quý Đôn thật là một nhà bác học ở đời Lê mạt: một tay ông đã biên tập, trứ thuật rất nhiều sách. Tuy tác phẩm của ông đã thất lạc ít nhiều, nhưng những bộ còn lưu lại cũng là một cái kho tài liệu để ta khảo cứu về lịch sử, địa dư và văn hóa của nước Việt…Có thể chia các tác phẩm chữ Hán của ông ra làm năm loại như sau:
1. Các sách bàn giảng về kinh, truyện
- Dịch kinh phu thuyết (Lời bàn nông nổi về Kinh Dịch), gồm 6 quyển.
- Thư kinh diễn nghĩa (Giảng nghĩa Kinh Thư), gồm 3 quyển, đã được khắc in, có tựa của tác giả đề năm 1772.
- Xuân thu lược luận (Bàn tóm lược về kinh Xuân thu).
2. Các sách khảo cứu về cổ thư
- Quần thư khảo biện (Xét bàn các sách), gồm 4 quyển, đã khắc in, có tựa của tác giả (đề năm 1757), của Chu Bội Liên (người nhà Thanh) và của Hồng Hải Hi (sứ Triều Tiên đề năm 1761).
- Thánh mô hiền phạm lục (Chép về mẫu mực của các bậc thánh hiền), gồm 12 quyển, có tựa của Chu Bội Liên và Hồng Khải Hi đề năm 1761.
- Vân Đài loại ngữ (Lời nói, chia ra từng loại, ở nơi đọc sách), gồm 4 quyển, viết năm 1773. Sách chia làm 9 mục, mỗi mục lại chia làm nhiều điều. Trong mỗi mục, tác giả trích dẫn các sách Trung Hoa (cổ thư, ngoại thư) nhiều quyển hiếm có, rồi lấy ý riêng của mình mà bàn. Xem sách này thì biết tác giả đã xem rộng đọc nhiều.
3. Các sách sưu tập thi văn
- Toàn Việt thi lục (Chép đủ thơ nước Việt), gồm 20 quyển (theo Phan Huy Chú), nhưng hiện còn 15 quyển. Sách do ông phụng chỉ biên tập, dâng lên vua Lê Hiển Tông xem năm 1768. Trong sách sưu tập thơ của các thi gia Việt Nam từ đời Lý đến đời Hậu Lê….Đây là một quyển sách quý để khảo cứu về tiểu sử và tác phẩm của các thi gia.
- Hoàng Việt văn hải (Bể văn ở nước Việt của nhà vua), là sách sưu tập các bài văn hay.
4. Các sách khảo về sử ký địa lý
- Đại Việt thông sử (còn gọi là \”Lê triều thông sử\”), gồm 30 quyển (theo Phan Huy Chú), viết năm 1749. Đây là bộ sử được viết theo thể kỷ truyện (chỉ có phần Bản kỷ là chép theo lối biên niên) chép từ thời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đến vua Lê Cung Hoàng (theo Phàm lệ của tác giả). Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn truyền lại mấy phần là:
-Đế kỷ (2 quyển), chép từ năm Lê Lợi khởi nghĩa (1418) đến năm ông mất (1433).-Nghệ văn chí (1 quyển), chép về sách vở văn chương.-Liệt truyện (11 quyển), chép về các Hậu phi, Hoàng tử, Danh thần (đời vua Lê Thái Tổ) và Nghịch thần (từ cuối đời nhà Trần đến nhà Mạc).
- Đại Việt sử ký tục biên (Nguyễn Hoàn, Lê Quý Đôn, Vũ Miên hợp soạn).
- Bắc sứ thông lục (Chép đủ việc khi đi sứ sang Trung Quốc), 4 quyển, làm năm 1763. Trong sách ghi chép các công văn, thư từ, núi sông, đường sá, chuyện trò, đối ứng trong khi đi sứ (1760-1762).
- Phủ biên tạp lục (chép lẫn lộn về chính trị cõi biên thùy), gồm 6 quyển, làm khi tác giả được cử làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ ở phủ Thuận Hóa (1776). Trong sách biên chép khá tường tận xã hội xứ Đàng Trong (nhất là xứ Thuận Hóa và xứ Quảng Nam) ở thế kỷ 18.
- Kiến văn tiểu lục (Chép vặt những điều thấy nghe), gồm 12 quyển, có tựa của tác giả đề năm 1777. Đây là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Trong sách, tác giả đã đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, đường sá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở…
- Âm chất văn chú, gồm 2 quyển, đã khắc in, chép các bài huấn chú của các nhà ở Trung Quốc, có kèm theo lời đính chính của tác giả.
- Lịch đại danh thần ngôn hành lục, gồm 2 quyển, chép công việc của các danh thần các triều.
5. Thơ văn
- Liên châu thi tập, gồm 4 quyển, chép thơ của Lê Quý Đôn cùng các thi gia khác, và những bài trả lời của các thi sĩ nhà Thanh và Cao Ly làm khi ông đi sứ sang Trung Quốc.
- Quế Đường thi tập (Tập thơ Quế Đường), gồm 4 quyển
- Quế Đường văn tập (tập văn Quế Đường), gồm 3 quyển.
Về văn Nôm, hiện nay chỉ còn:
- Bài thơ thất ngôn bát cú: \”Rắn đầu biếng học\”
- Bài kinh nghĩa: \”Vãng chi nhữ gia, tất kính tất giới, vô vi phu tử\” (Mày về nhà chồng phải kính răn, chớ trái ý chồng).
- Bài văn sách hỏi về câu \”Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công tô điểm má hồng răn đen\”.
- Bài kinh nghĩa: \”Mẹ ơi con muốn lấy chồng\”
- Bài \”khải\” viết bằng văn xuôi chép trong Bắc sứ thông lục.