Trung Quốc cưỡng ép 500.000 người Tây Tạng vào các chương trình ‘lao động cưỡng bức’
Đại Nghĩa | DKN 23/09/2020 493 lượt xem
Sau khi mở rộng hàng loạt các trại cưỡng bức lao động trong các cuộc đàn áp với người tu luyện Pháp Luân Công, người bất đồng chính kiến… những năm gần đây chế độ Trung Quốc đang áp dụng phương thức đàn áp này với người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, phật tử Phật giáo Tây Tạng.
Theo một bài viết trên tờ The Guardian hôm 22/9, chính quyền Trung Quốc đang mở rộng “chương trình lao động” hàng loạt ở Tây Tạng, mà các chuyên gia đã so sánh với các hoạt động lao động cưỡng bức ở Tân Cương, theo bằng chứng thu thập được bởi một nhà nhân chủng học người Đức và đã được xác thực bởi Reuters.
Theo các tài liệu phân tích bởi nhà nghiên cứu Adrian Zenz – viện nghiên cứu Jamestown Foundation của Mỹ, chính quyền Trung Quốc đã thiết lập định mức để cưỡng ép di dời hàng trăm ngàn lao động nông thôn Tây Tạng ra khỏi vùng đất của họ đến các cơ sở “theo kiểu quân đội” để “đào tạo” họ thành các công nhân trong nhà máy.
Các tài liệu bao gồm một thông báo của chính quyền khu vực Tây Tạng cho biết 15% dân số – tức hơn 500.000 người – đã trải qua chương trình đào tạo trong bảy tháng đầu năm nay. Trong số đó có gần 50.000 người được chuyển đến làm việc tại Tây Tạng và hàng nghìn người được gửi đến các khu vực khác để làm những công việc với mức lương thấp như sản xuất đồ dệt may và xây dựng.
Chương trình đã được áp dụng tại Khu tự trị Tây Tạng vào năm 2019 và 2020 nhằm thúc đẩy việc đào tạo và chuyển giao “lao động thặng dư ở nông thôn”, một thuật ngữ cũng được sử dụng trong sách trắng do Bắc Kinh xuất bản hồi tuần trước nhằm biện hộ cho các chương trình lao động cải tạo của họ ở Tân Cương.
Nhà nghiên cứu Zenz viết rằng, chính sách di chuyển lao động cho phép lao động nông thôn được đào tạo nghề tập trung “kiểu quân đội”, nhằm mục đích cải cách “tư duy lạc hậu” và bao gồm đào tạo về “kỷ luật lao động”, luật pháp cùng ngôn ngữ Trung Quốc.
Các báo cáo khác do ông Zenz ghi lại lưu ý rằng quá trình này đòi hỏi phải “làm loãng ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo” (Phật giáo Tây Tạng), bên cạnh chính sách khuyến khích người Tây Tạng chuyển đất của họ cho các hợp tác xã do chính phủ điều hành.
Ông Zenz viết: “Bằng chứng tổng thể cho thấy sự hiện diện có hệ thống của nhiều yếu tố cưỡng chế”, bao gồm các chỉ tiêu bắt buộc và hướng dẫn nhằm tạo “áp lực” lên cấp dưới hoàn thành các mục tiêu, đưa chỉ tiêu vào điểm “đánh giá cán bộ đảng viên’ hàng năm.
Ông cho biết có rất nhiều sự tương đồng giữa chương trình này với chương trình đào tạo cưỡng chế tại Tân Cương. Ví dụ như:
– Cả hai đều có chung nhóm mục tiêu. Chúng đều tập trung cao độ vào việc cưỡng chế một nhóm thiểu số yếu thế thay đổi phương thức sinh kế truyền thống của họ.
– Sử dụng diễn tập quân sự và quản lý huấn luyện theo phong cách quân nhân để rèn luyện kỷ luật và tuân thủ; nhấn mạnh sự cần thiết phải “chuyển đổi” tư duy và bản sắc của người lao động, cải tạo tình trạng “lạc hậu” của họ.
– Dạy luật và tiếng Hán nhằm làm suy yếu “ảnh hưởng tiêu cực” của tôn giáo.
– Áp chỉ tiêu cụ thể và gây áp lực lớn lên các quan chức để đạt được các mục tiêu của chương trình.
Theo Zenz, các tài liệu chính sách quan trọng tiết lộ các quan chức đảng phải đáp ứng chỉ tiêu nghiêm ngặt hoặc đối mặt với hình phạt. Các công ty sử dụng số lượng công nhân tối thiểu và các công ty môi giới địa phương sẽ được thưởng tiền.
Trong một tuyên bố với Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã “phủ nhận mạnh mẽ” các cáo buộc lao động cưỡng bức, và nói rằng Trung Quốc là một quốc gia có pháp quyền, và rằng người dân lao động một cách tự nguyện và được hưởng lương thỏa đáng.
“Cái mà những người có động cơ ẩn giấu này gọi là ‘lao động cưỡng bức’ đơn giản là không tồn tại. Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ phân biệt đúng sai, tôn trọng sự thật và không bị lừa dối bởi những thông tin sai lệch”, tuyên bố có đoạn.
Bắc Kinh đang chịu áp lực ngày càng lớn của quốc tế trong việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, trong đó bao gồm việc bắt giam hàng loạt để cải tạo, giám sát, hạn chế thực hành văn hóa và tín ngưỡng, tôn giáo và cưỡng bức triệt sản phụ nữ. Các chuyên gia nói rằng các hoạt động này cấu thành nên tội ác diệt chủng văn hóa.
Các cáo buộc đã bị Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận, vốn tuyên bố các chính sách của họ là nhằm mục đích chống khủng bố và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, các nhà báo và các nhóm nhân quyền bị hạn chế rất nhiều trong việc tiếp cận các trại giam bí mật.
Zenz là một nhà nghiên cứu độc lập chuyên về Tân Cương và Tây Tạng. Công việc của ông bao hàm việc kiểm tra các tài liệu của chính phủ Trung Quốc. Nghiên cứu của ông là nguồn thông tin chính về các chương trình lao động cải tạo ở cả hai khu vực và đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông nhà nước Trung Quốc.