Lầu Năm Góc lên tiếng về vai trò của quân đội nếu bùng phát tranh cãi về kết quả bầu cử Mỹ

Lầu Năm Góc lên tiếng về vai trò của quân đội nếu bùng phát tranh cãi về kết quả bầu cử Mỹ

September 26, 2020

\"\"

Tuần này, việc Tổng thống Donald Trump từ chối cam kết thực hiện chuyển giao quyền lực trong hòa bình nếu thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng Mười một, đã làm dấy lên những nghi ngờ rằng đương kim Tổng thống có thể sử dụng các công cụ quyền lực để kéo dài thời gian tại vị bao gồm cả vai trò Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, trong một lá thư gửi tới Quốc hội hồi tháng Tám, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, tướng Mark Milley khẳng định, quân đội Mỹ sẽ không đóng vai trò dàn xếp các tranh chấp bầu cử.

“Hiến pháp và luật pháp nước Mỹ cùng các bang đã thiết lập thủ tục tiến hành bầu cử và giải quyết tranh chấp về kết quả bầu cử… Tôi không cho rằng quân đội Mỹ là một phần của quy trình đó”, ông Milley viết trong thư.

“Trong trường hợp xảy ra tranh chấp về một khía cạnh nào đó của cuộc bầu cử, tranh chấp cần được giải quyết bằng tòa án và Quốc hội Mỹ chứ không phải là quân đội”, tướng Milley cho biết thêm.

Còn hôm thứ Năm (24/9), phát ngôn viên Brook DeWalt của Lầu Năm Góc nhấn mạnh với CNN, “Bộ Quốc phòng không đóng bất kỳ vai trò nào trong chuyển giao quyền lực hậu bầu cử”.

Mặc dù vậy, một số nhà bình luận vẫn tỏ ra nghi ngờ, liệu ông Trump có cố gắng chỉ đạo quân đội hành động nhân danh mình bằng cách sử dụng Đạo luật Chống bạo động hay không? Theo nhiều chuyên gia quốc phòng, bất kỳ động thái kích hoạt đạo luật nào cũng sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Lầu Năm Góc.

Trong khi ông Trump vẫn chưa khẳng định việc sẽ triển khai quân đội liên quan đến kết quả bầu cử thì đối thủ Joe Biden đã công khai đề cập tới khả năng các nhà lãnh đạo quân đội sẽ có một vai trò nhất định trong việc lật đổ ông Trump, nếu ông từ chối rời khỏi Nhà Trắng bất chấp bị thất bại trong cuộc bầu cử. Ý kiến này khiến nhiều quan chức và chuyên gia quân sự không hài lòng.

“Chắc chắn quân đội sẽ không đóng vai trò gì trong dàn xếp tranh chấp”, cựu cố vấn an ninh quốc gia, tướng về hưu HR McMaster nhấn mạnh ngày 24/9.

“Những ai cho rằng quân đội sẽ tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực, đều rất vô trách nhiệm”, ông McMaster nói thêm, đồng thời cảnh báo, “quân đội không nên dính dáng vào chính trị đảng phái và thậm chí không hiện diện trong bất kỳ cuộc thảo luận chuyển giao nào giữa các chính quyền”.

Theo Soha

Bài Liên Quan

Leave a Comment