Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường bị tố điều công an bắt người
Mạng xã hội đang dấy lên ý kiến đòi làm rõ hai vụ bắt người “mờ ám” ở Sài Gòn và Nha Trang, được cho là liên quan đến vụ Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường bị tố cáo “đạo luận án tiến sĩ” trước đó.
Hai vụ bắt giữ ngoài địa bàn của công an tỉnh Đắk Lắk
Liên quan vụ ông Phạm Đình Quý, một võ sư, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn, “bị công an mời làm việc” 5 ngày chưa về, tờ Tuổi Trẻ hôm 28/9 dẫn lời ông Phạm Đình Phú, anh trai ông Quý rằng công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận việc ông Quý “đang bị tạm giữ” nhưng không cho người thân được gặp với lý do “đang trong quá trình điều tra”. Gia đình ông không hề thấy lệnh bắt.
Vụ bắt giữ ông Quý diễn ra vào đêm 23/9, thời điểm ông cùng vợ mới cưới đang đi ăn trại một quán gần trường Đại học Tôn Đức Thắng, trước sự chứng kiến của nhiều người. Theo tường thuật của gia đình, ông Quý cùng vợ “bị khống chế và vây bắt do công an thực hiện”. Sau đó, vợ ông được thả với điều kiện “không được kể cho người thứ ba về vụ bắt giữ”.
Liên quan vụ này, hôm 27/9, mạng xã hội lan truyền đơn kêu cứu của ông Phạm Đình Trang, bố ông Quý, gửi đơn cầu cứu đến “tứ trụ” CSVN. Ông Trang viết trong đơn: “Công an tỉnh tỉnh Đắk Lắk áp chế vây bắt [ông Quý] như một vụ bắt cóc chứ không phải mời về điều tra, không có lệnh bắt của tòa án và Viện Kiểm sát.”
Điều kỳ lạ là tờ Tuổi Trẻ và Sài Gòn Giải Phóng khi đưa tin về vụ công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ ông Quý không dám nhắc đến chi tiết ông Quý được cho là tác giả bài viết “Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố ‘đạo luận án,’ gian dối học thuật’ đặt nghi vấn ông Bùi Văn Cường đạo văn trong khi thực hiện luận văn tiến sĩ tại Đại học Hàng hải Việt Nam.
Ông Quý chỉ là một trong hai người bị bắt trong vụ tố cáo liên quan Bí thư Cường. Cũng trong hôm 27/9, mạng xã hội xuất hiện một đơn kêu cứu khác của bà Dương Thị Cẩm Vân tố cáo chuyện chồng bà, ông Hoàng Minh Tuấn, giáo viên tại trường Trung học Lê Thánh Tôn ở Nha Trang, bị công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ hôm 20/9.
Bà Vân viết trong đơn là trước khi bị bắt, ông Tuấn đã làm đơn khiến nghị lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc làm luận án tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường, bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk “có một số thông tin và tài liệu không đúng với quy định.”
Tuy vậy, hiện chưa thấy các báo nhà nước tường thuật vụ bắt giữ ông Tuấn cũng như phản hồi chính thức từ Bí thư Cường về cáo buộc nêu trên.
‘Đất nước có còn quốc pháp?’
Đó là câu hỏi mà Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu đặt ra trên trang cá nhân về vụ bắt ông Phạm Đình Quý.
“Không ai bênh vực cho võ sư tiến sĩ Phạm Đình Quý. Chỉ đòi hỏi đối xử với ông Phạm Đình Quý theo đúng pháp luật. Nếu ông Phạm Đình Quý có tội, thì tội đó phải được tuyên bởi một bản án của tòa án thượng tôn pháp luật.”
“Khi mà những người được xã hội tôn trọng như võ sư, lại có học vị tiến sĩ, lại thành danh trong các cuộc đấu võ, lại giảng dạy ở trường đại học, lại có các học trò đạt các giải thưởng quốc gia và quốc tế về võ thuật, mà lại bị đối xử theo luật của kẻ mạnh, thì đó là lúc quốc pháp không được tôn trọng, là lúc mạng người mong manh, là lúc kẻ mạnh làm điều họ thích làm,” ông Chu viết.
“Hành động của võ sư Phạm Hữu Quý không phải là nhằm lật đổ chế độ. Các vị đại biểu Quốc hội, là đại diện của cơ quan lập pháp, không thể làm ngơ,” vị tiến sĩ đưa ra lời kêu gọi.
Cùng thời điểm, võ sư, nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu, bình luận trên mạng xã hội: “…Công an Đắk Lắk làm thay công việc của những nhà khoa học, làm thay luôn tòa án, thay Viện Kiểm sát, đột ngột bắt người tố cáo mà không hề có cơ sở pháp luật nào. Thích bắt là bắt và có luôn tội danh là ‘Vu cáo người khác’. Các đồng chí công an Đắk Lắk có vẻ làm việc hăng hái mẫn cán quá nhưng nếu đất nước này cứ vận hành kiểu công an trị như vậy thì tôi e rằng các nhà khoa học, tòa án, Viện Kiểm sát sẽ thất nghiệp hết, lương dành cho bộ máy sẽ giảm đáng kể nhưng đất nước sẽ thành một trại súc vật.”
“Để dư luận được rõ, tôi đề nghị công an Đắk Lắk nên công bố cơ sở pháp lý khi bắt võ sư tiến sĩ Phạm Đình Quý. Chắc hẳn trong ấy sẽ có lá đơn “kêu cứu” của ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, người bị tố cáo đạo văn trong luận án tiến sĩ. Ông Cường phải có tác động gì thì công an Đắk Lắk mới hăng hái một cách ‘kì lạ’ đến vậy chứ,” theo Facebook Chau Doan.
Chân dung một bí thư tỉnh ủy
Ông Bùi Văn Cường, 55 tuổi, hiện là ủy viên Trung ương Đảng CSVN, ngồi ghế bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk từ hồi tháng 7/2019.
Đáng lưu ý, trước khi nắm giữ vị trí này, ông làm chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan chủ quản của trường Đại học Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn
Nhà quan sát Phạm Ngọc Hưng lên tiếng trên trang cá nhân: “Việc bí mật bắt tiến sĩ Quý, rồi sau đó phản ứng trước dư luận bằng cách chối bắt người, thay thế bằng ‘mời làm việc’ cho thấy ông bí thư Đắk Lắk có điểm yếu. Ông sợ dư luận chú ý đến vụ đạo văn, nhất là trước kỳ Hội nghị Trung ương tháng 10/2020 sắp xếp nhân sự trình Đại hội [13]. Đấy là lý do mà trong vụ bắt ông Quý để điều tra vụ án ‘Vu khống đạo luận văn tiến sĩ’, ông có thể thua, ngay cả khi tống được ông Quý vào tù.”
“Nếu ông Cường không bịt được bằng chứng đạo văn phơi bày và mổ xẻ trước công chúng, thì ông sẽ suy yếu trước Hội nghị Trung ương. Việc ông suy yếu sẽ mở đường cho những đối thủ chính trị của ông trở thành đồng minh của ông Lê Vinh Danh, giúp ông Danh lật ngược thế cờ. Khả năng ấy không phải nhỏ,” ông Hưng viết.
Bình luận của ông Hưng đề cập vụ ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng mới đây bị đình chỉ, “cắt hết chức vụ trong Đảng”. Vụ này được cho là có liên quan đến cáo buộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là “chủ quản hờ thu đoạt lợi ích thật” từ trường Tôn Đức Thắng.
Trên website Đại học Hàng Hải Việt Nam hiện vẫn còn lưu đề tài luận văn tiến sĩ của ông Bùi Văn Cường là “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt-bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng”.
Định Tường