Mỹ quyết tâm ngăn chặn tham vọng chip của Trung Quốc với lệnh trừng phạt SMIC
- Xuân Lan
- Thứ Hai, 28/09/2020
Mỹ đã đánh trúng tâm vào tham vọng duy trì việc tự cung tự cấp chất bán dẫn của Bắc Kinh khi chính quyền Tổng thống Trump đưa ra hàng loạt lệnh cấm đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Sau “bản án tử” với Huawei, đòn trừng phạt mới nhất của Mỹ bao gồm việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với nhà sản xuất chip hàng đầu Semiconductor Manufacturing International Co. (SMIC) của Trung Quốc.
Lệnh cấm trên thực tế được công bố hôm thứ Sáu (26/9) sẽ khiến SMIC rất khó để tiếp tục nhập khẩu những thiết bị quan trọng sản xuất chất bán dẫn.
Mặc dù chỉ thị của Bộ Thương mại Hoa Kỳ chỉ nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ khi hướng dẫn họ đăng ký giấy phép vận chuyển một số mặt hàng được kiểm soát cho SMIC, nhưng nó có thể được mở rộng cho bất kỳ công ty nào khác miễn là có sử dụng công nghệ của Mỹ.
Nếu điều này xảy ra, các công ty như Tokyo Electron cung cấp máy khắc và thiết bị lắng màng cho SMIC; hãng Screen kinh doanh máy làm sạch bề mặt; đến các công ty như Nikon và Canon đã và đang quảng cáo các thiết bị phơi sáng bán dẫn cho khách hàng Trung Quốc… đều sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế của Mỹ.
Xét một cách tổng thể, quy định này có thể làm điêu đứng ngành công nghệ cao của Trung Quốc và phá vỡ tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc tăng khả năng tự cung cấp chất bán dẫn và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
SMIC đã niêm yết vào tháng 7 trên Thị trường STAR Thượng Hải cho đợt chào bán cổ phiếu lớn nhất ở Trung Quốc Đại lục trong 10 năm. Vào tháng 5, đơn vị vận hành nhà máy ở Thượng Hải của tập đoàn SMIC đã nhận vốn từ một quỹ liên quan đến nhà nước.
Tổng số tiền gây quỹ của nhà sản xuất chip trong năm nay được cho là đạt gần 10 tỷ USD khi hãng quyết tâm mở rộng sản xuất và tăng tốc nghiên cứu và phát triển.
Điều này phù hợp với sáng kiến ”Made in China 2025″ của Bắc Kinh, trong đó ưu tiên phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với mục tiêu là nâng mức tự cung tự cấp của Trung Quốc trong lĩnh vực này lên 70% vào năm 2025, từ mức dưới 20% hiện nay. SMIC được xem là lá cờ đầu trong tham vọng này.
Các chip chủ lực hiện tại của SMIC được sản xuất theo công nghệ 55 đến 65 nanomet, với phiên bản tiên tiến nhất 14nm. Công ty được cho là đi sau hai thế hệ so với hãng dẫn đầu thị trường Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) của Đài Loan với công nghệ 5nm.
Theo các nhà phân tích, những hạn chế mới của Hoa Kỳ được áp dụng sẽ khiến giấc mơ tự cung tự cấp chip của ông Tập có vẻ ngày càng khó đạt được vào năm 2025. Tuy vậy, việc này cũng có thể khiến các công ty Mỹ kinh doanh với SMIC đau đầu.
Qualcomm và Broadcom là hai trong số những khách hàng hàng đầu của SMIC, theo truyền thông Trung Quốc. Cả hai công ty đều thuê ngoài một phần sản xuất của họ ở tại SMIC do giá công ty này rẻ hơn TSMC.
Khi căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng, các công ty Mỹ có thể khó tiếp tục dựa vào nguồn cung từ Đại lục. Tuy nhiên, với việc SMIC chỉ chiếm 5% thị trường gia công chip, một số người cho rằng tác động của các hạn chế cũng không đáng kể.
Xuân Lan (theo Nikkei)