\”Những món quà vô giá\” tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75
Chủ Nhật, 27/09/2020
Ảnh minh họa: Reuters |
Trong bài phát biểu được ghi hình trước và phát tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm qua (26/9) cam kết sẽ giúp thế giới sản xuất và cung cấp vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng. Không hề nhắc tới cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ mà đất nước đang phải đối mặt, tới căng thẳng gia tăng với nước láng giềng Pakistan hay tranh chấp biên giới kéo dài nhiều tháng qua với Trung Quốc, thay vào đó, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã xem “cả thế giới như một gia đình”, với cam kết đưa ngành công nghiệp dược phẩm mạnh mẽ của đất nước trở thành một “tài sản quốc tế trong đại dịch”.
\”Với tư cách là quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, tôi muốn cung cấp thêm một sự đảm bảo cho cộng đồng toàn cầu. Năng lực sản xuất và phân phối vaccine của Ấn Độ sẽ được sử dụng để giúp toàn nhân loại chống lại cuộc khủng hoảng do Covid-19”.
Trước đó, cũng tại diễn đàn đa phương này, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, Nga sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết cho Liên Hợp Quốc như cấp miễn phí vaccine ngừa Covid-19 cho các nhân viên Liên Hợp Quốc, sẵn chia sẻ kinh nghiệm với tất cả các quốc gia và tổ chức quốc tế trong ứng phó với Covid-19, cũng như cung cấp vaccine ngừa dịch bệnh này của Nga cho nước khác.
“Đất nước chúng tôi đã và đang đóng góp tích cực vào các nỗ lực chống Covid-19 trên toàn cầu và khu vực, cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả về phương diện song phương và đa phương. Để làm được như vậy, trước hết chúng tôi quan tâm đến vai trò điều phối trung tâm, tăng cường năng lực của Tổ chức Y tế Thế giới”.
Lời đề nghị của Nga cấp miễn phí vaccine ngừa Covid-19 cho các nhân viên Liên Hợp Quốc hay cam kết sản xuất vaccine cho toàn nhân loại của Ấn Độ có thể coi là những món quà vô giá, một điểm sáng tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 này, nhất là khi thế giới đã quá “mệt mỏi” với liên tiếp các cuộc khủng hoảng và những cuộc cạnh tranh nước lớn không hồi kết.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua thừa nhận, dịch Covid-19 đã làm rạn nứt mối quan hệ giữa các quốc gia và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đoàn kết chống lại “kẻ thù chung”. Nhà lãnh đạo Anh cũng đề xuất một kế hoạch ngăn chặn các đại dịch toàn cầu trong tương lai, trong đó có việc thiết lập một mạng lưới các phòng thí nghiệm nghiên cứu động vật trên khắp thế giới để xác định các mầm bệnh nguy hiểm trước khi truyền từ động vật sang người. Chia sẻ quan điểm này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu một lần nữa chỉ trích thất bại tập thể trong việc đánh bại đại dịch và cho rằng đã đến lúc các quốc gia phải tái tạo lại hợp tác quốc tế.
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng hơn những bất công trên toàn cầu, đặc biệt là đối với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất và xóa sạch những tiến bộ đạt được trong nhiều thập kỷ. Vì thế, đã đến lúc thế giới phải nhận thức được tầm quan trọng của sự đoàn kết thay vì chia rẽ. Nếu không, tất cả sẽ cùng thua trong cuộc chiến khốc liệt này./.
Theo VOV