EU muốn chấm dứt chương trình ‘thị thực vàng’ cho giới nhà giàu Trung Quốc
- Gia Huy
- Thứ Ba, 29/09/2020
Trong nhiều năm, giới nhà giàu Trung Quốc đã đầu tư vào đảo Síp và Malta để đổi lấy hộ chiếu Liên minh châu Âu (EU), còn được gọi là “thị thực vàng.” Hiện tại, Brussels muốn chấm dứt chính sách này.
Theo SCMP, lời kêu gọi ngừng chính sách ‘thị thực vàng’ đến từ cấp cao nhất của Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, khi Chủ tịch Ursula von der Leyen lên tiếng trong bài phát biểu đầu tiên của bà tại liên minh vào đầu tháng này.
Bà nói: “Các giá trị của châu Âu không phải để bán.”
Bà thẳng thắn nêu ra vấn đề, “Việc vi phạm luật pháp không thể được dung thứ. Tôi sẽ tiếp tục bảo vệ [điều này] và tính toàn vẹn của các thể chế châu Âu chúng ta, đó là sự ưu việt của luật pháp châu Âu, quyền tự do báo chí, sự độc lập của cơ quan tư pháp hay việc bán các hộ chiếu vàng?”
Ủy ban châu Âu EC thậm chí còn đang xem xét khả năng đưa các quốc gia thành viên EU chuyên cấp loại thị thực vàng ra tòa, nhằm gây sức ép chính trị lên các quốc gia này để họ ngừng chính sách mua bán hộ chiếu.
Về cơ bản, ‘thị thực vàng’ mang đến cho người sở hữu nó tư cách công dân châu Âu đầy đủ. Hộ chiếu này rất hấp dẫn do có quyền tự do đi lại giữa các nước quốc gia trong liên minh. Trong khi đó, người có hộ chiếu Trung Quốc không được miễn thị thực khi vào hầu hết các quốc gia EU.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, trong 10 năm tính đến 2018, EU đã chào đón 6.000 công dân mới và gần 100.000 người cư trú mới thông qua chương trình thị thực vàng.
Hiện tại, bốn thành viên EU cung cấp hộ chiếu và 12 quyền cư trú kinh doanh thông qua chương trình thị thực vàng. Ba quốc gia gồm Bulgaria, Síp và Malta có cả hai chương trình, trong đó Síp và Malta dường như được các nhà đầu tư Trung Quốc ưa chuộng nhất.
Một phát ngôn viên của EC cho biết: “Do bản chất của quyền công dân EU, các chương trình này có quan hệ đến toàn bộ liên minh. Ủy ban sẽ xem xét việc tuân thủ luật pháp EU và sẽ đưa ra các biện pháp pháp lý nếu xét thấy cần thiết.”
Uỷ ban cũng nêu những quan ngại về các chương trình cấp quốc tịch cho nhà đầu tư và một số rủi ro cố hữu, đặc biệt liên quan đến an ninh, rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng.
Nữ phát ngôn cho biết ông Didier Reynders, ủy viên tư pháp châu Âu, đã liên hệ với ba nước thành viên để trực tiếp nêu lên các quan ngại này.
EU chịu sức ép phải hành động sau khi một cuộc điều tra của Al Jazeera vào tháng trước phát hiện rằng hàng chục người nhận được thị thực vàng Síp từ năm 2017 đến 2019 mà lẽ ra những người này cần phải bị từ chối do “những nguy cơ cao” chiếu theo các quy định luật pháp.
Bài báo của Al Jazeera nêu ra tên của một số doanh nhân Trung Quốc đã nhận được những hộ chiếu như thế. Những người này đồng thời đang là cố vấn cho ĐCSTQ trong tổ chức Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Bất chấp quan điểm cứng rắn của EU, các đại lý dịch vụ nhập cư Trung Quốc dường như không tỏ ra lo lắng, nhiều trang web vẫn tiếp tục quảng bá lộ trình này để trở thành công dân châu Âu.
“Liên minh châu Âu là một liên minh lỏng lẻo, và chủ tịch ủy ban EU thực sự không thể nói thay cho chính phủ các quốc gia thành viên,” bà Crystal Tan, quản lý của Công ty dịch vụ tư vấn nhập cư Cheuk Yuet tại Quảng Châu cho biết.
Bà Tan nói rằng bà và các đại lý khác không tin rằng chương trình thị thực vàng sẽ chấm dứt.
Bà cho biết: “Như chúng ta có thể thấy, các chương trình như thế đang mang lại thu nhập khổng lồ cho Síp, Malta, Bồ Đào Nha và thậm chí cả Tây Ban Nha.”
Quốc đảo Síp ở Địa Trung Hải yêu cầu đầu tư ít nhất 2,2 triệu euro (2,6 triệu USD) nhưng không cần phải sống ở đó. Trong vòng 6 tháng, nhà đầu tư có thể có hộ chiếu EU với quyền sống và làm việc tại tất cả 27 quốc gia trong khối và được miễn visa vào hơn 170 quốc gia trên thế giới.
Tại Malta, nhà đầu tư có thể nhận hộ chiếu này nếu họ đóng góp 650.000 euro cho quỹ phát triển quốc gia của chính phủ; đầu tư 150.000 euro vào các cổ phiếu và trái phiếu được chính phủ phê duyệt; hoặc mua bất động sản có giá thấp nhất 350.000 euro và cam kết cư trú ít nhất 5 năm.
Các công dân không thuộc EU cũng có thể được cung cấp một lộ trình đến cư trú ở Bồ Đào Nha nếu họ mua một bất động sản trị giá ít nhất 500.000 euro, hoặc có thể thấp hơn nếu mua bất động sản tại những khu vực ít đông đúc hơn hoặc các khu vực được ưu tiên để tái phát triển.
EU không thể cấm các chương trình mua bán thị thực của các nước thành viên, nhưng đang tìm cách để biến các chương trình này trở nên bất hợp pháp, bao gồm cả biện pháp thông qua tòa án. Và mặc dù chưa có thời gian cụ thể, nhưng nhiệm kỳ của bà Von der Leyen kéo dài đến 5 năm.
Bà Tan cho biết nếu các nước EU đóng chương trình này, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ vẫn có nhiều lựa chọn khác.
Bà Tan nói: “Thậm chí nếu một số quốc gia thành viên đáp ứng với lời kêu gọi của chủ tịch EU bằng cách chấm dứt chương trình hộ chiếu vàng, giới giàu có Trung Quốc sẽ tìm các địa điểm khác, ví dụ: Saint Kitts và Mexico đang cung cấp các chương trình tương tự. Đối với khách hàng Trung Quốc, miễn là hộ chiếu mới có thể cung cấp sự thuận lợi cho việc đi lại và giúp chuyển tài sản ra nước ngoài, nhu cầu sẽ không bao giờ thiếu.”
Gia Huy (theo SCMP)