Đại sứ Đức tại Việt Nam nêu trách nhiệm lên tiếng về vấn đề Biển Đông

Đại sứ Đức tại Việt Nam nêu trách nhiệm lên tiếng về vấn đề Biển Đông

\"HìnhHình minh hoạ. Đại sứ Đức tại Việt Nam – TS Guido Hildner Đại sứ quán Đức ở Hà Nội

Chúng tôi thấy có trách nhiệm phải lên tiếng về vấn đề Biển Đông vì là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Đó là trả lời của Đại sứ Đức tại Việt Nam, Tiến sĩ Guido Hildner, vào ngày 30 tháng 9 khi được báo giới hỏi về tuyên bố gần đây của Anh, Pháp, Đức trong vấn đề Biển Đông và công hàm mà 3 nước này gửi lên Liên Hiệp Quốc hồi giữa tháng 9 phản bác yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vừa nêu trong cùng ngày, dẫn phát biểu vừa nêu của Đại sứ Đức Guido Hildner đưa ra tại cuộc họp báo ở Hà Nội.

Đại diện nước Đức tại Việt Nam còn khẳng định rằng quan điểm của ba nước Anh, Pháp và Đức về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và không thay đổi. Theo Đại sứ Đức tại Việt Nam thì UNCLOS là kim chỉ nam để giải quyết các vấn đề trên biển vì công ước này có đầy đủ nội dung, bao trùm và hoàn thiện mọi vấn đề từ chủ quyền biển đảo đến việc giải thích các thuật ngữ được sử dụng và cách giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh.

TS Guido Hildner cho biết lý do vì sao ba nước Anh, Pháp và Đức ra tuyên bố về Biển Đông vào thời điểm này: trước hết vì tất cả những gì liên quan đến an ninh, tự do hàng hải và hàng không đều liên quan đến quyền lợi của Liên minh Châu Âu (EU); việc lên tiếng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và các nước khác là thành viên trong UNCLOS 1982.

Hôm 16 tháng 9 vừa qua, Bộ Ngoại giao nhóm 3 nước Anh, Pháp, Đức gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, phản đối yêu sách chủ quyền bị cho là quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông và khẳng định quyền tự do hàng hải, hàng không qua khu vực này.

Công hàm này của ba nước Anh, Pháp, Đức là công hàm mới nhất gửi đến Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Giới chuyên gia gọi đây là ‘cuộc chiến công hàm’ khởi đầu với công hàm của Malaysia gửi cho Liên Hiệp Quốc vào thàng 12 năm ngoái; tiếp đến là công hàm của các nước Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Hoa Kỳ, và Australia.

Bài Liên Quan

Leave a Comment