Ông Trump ký lệnh nhằm vô hiệu hóa “át chủ bài” của Trung Quốc
0:00/0:00Phía Bắc
Dân trí
Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc về nguồn cung đất hiếm vốn được coi là \”át chủ bài\” của Bắc Kinh.
Sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong ngành công nghiệp khai thác mỏ đất hiếm. Ông Trump chỉ đạo Bộ Nội vụ sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để thúc đẩy việc phát triển các mỏ đất hiếm.
Trước đó, chính quyền Trump từng sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để thúc đẩy việc sản xuất các vật tư y tế trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.
Theo Reuters, sắc lệnh được công bố hôm 30/9 của chính quyền Trump có thể dẫn đến các quy định mới về thuế quan, hạn ngạch hoặc hạn chế nhập khẩu đất hiếm.
Đây được xem là một bước đi của chính quyền Trump nhằm phá vỡ sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc về loại khoáng sản có ý nghĩa quan trọng với ngành công nghệ cao.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học được sử dụng không chỉ trong các sản phẩm dân dụng như điện thoại thông minh, pin hay xe điện, mà còn các công nghệ quân sự quan trọng như động cơ máy bay, tên lửa, vệ tinh và laser. Mỹ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu kim loại và hợp chất đất hiếm.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm như một vũ khí lợi hại để đối trọng với Washington. Từ năm 2004 – 2017, Trung Quốc chiếm tới 80% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ. Trong khi đó, có rất ít nhà cung cấp khác có thể cạnh tranh với Trung Quốc, nơi sở hữu 37% trữ lượng đất hiếm toàn cầu.
Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây cam kết cấp ngân sách cho hai nhà máy phân tách đất hiếm tại Mỹ. Việc Lầu Năm Góc phải can dự trực tiếp vào vấn đề này cho thấy thách thức không hề nhỏ trong việc tìm kiếm một nguồn cung thay thế nguồn cung từ Trung Quốc. Đất hiếm vốn được coi là “át chủ bài” của Bắc Kinh trong mối quan hệ với các nền kinh tế lớn.
Các nghị sĩ Mỹ hồi đầu tháng này cũng đề xuất dự luật lưỡng đảng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc về đất hiếm. Liên minh châu Âu cũng đẩy mạnh nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc này, trong khi Ủy ban châu Âu đề xuất thành lập liên minh đất hiếm vào cuối năm nay.
Thành Đạt
Tổng hợp