Ông Trump ra sắc lệnh nhằm kết thúc thống trị của Trung Quốc với đất hiếm
Bình luậnDu Miên – 02/10/20
Ngày 30/9, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để tăng cường khai thác các khoáng sản quan trọng trong nước, như nguyên tố đất hiếm, để hỗ trợ các công việc khai thác mỏ ở Hoa Kỳ, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất khoáng sản chuyên dụng hàng đầu trên toàn cầu. Các loại khoáng sản thường được sử dụng để chế tạo thiết bị điện tử, vũ khí quân sự và các thiết bị công nghệ cao khác. Năm ngoái, 80% trữ lượng đất hiếm mà Hoa Kỳ nhập khẩu trực tiếp đến từ Trung Quốc.
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong ngành khai thác mỏ của Hoa Kỳ, và yêu cầu Bộ Nội vụ xem xét việc thực hiện Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tài trợ cho chế biến khoáng sản nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta”.
Trong một thông báo, Nhà Trắng cho biết sắc lệnh này sẽ cắt giảm sự chậm trễ không cần thiết trong việc cho phép các hoạt động, mang lại cho người Mỹ cơ hội việc làm, đồng thời cải thiện kinh tế và an ninh quốc gia.
“Chúng tôi sẽ đưa các thợ mỏ của mình trở lại làm việc”, ông Trump nói.
Các cơ quan liên bang cũng sẽ được phép thăm dò và hoạt động để giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác trong việc nhập khẩu khoáng sản.
“Tổng thống sẽ tiếp tục bảo vệ chuỗi cung ứng nội địa của chúng ta đối với các khoáng sản quan trọng khỏi hành vi săn mồi của Trung Quốc”, một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.
Đất hiếm là danh từ chỉ một nhóm 17 loại khoáng chất ít người biết đến và không có chất nào thay thế được chúng.
Ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp khai thác đất hiếm khi ông đang trên đường đến các điểm dừng trong chiến dịch tái tranh cử ở Minnesota. Tháng trước, ông nói với những người ủng hộ trong một chuyến thăm cấp tiểu bang rằng, chính quyền của ông sẽ thiết lập các khoản tín dụng thuế cho các công ty Hoa Kỳ chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc trở lại Hoa Kỳ. Đây là một trong rất nhiều nỗ lực của ông để giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Bắc Kinh và xây dựng lại ngành sản xuất của Mỹ.
Đương kim Tổng thống Hoa Kỳ cũng cho biết, chính quyền của ông sẽ tước bỏ các hợp đồng liên bang đối với các công ty thuê nhân lực tại Trung Quốc, cam kết tạo ra 10 triệu việc làm trong vòng 10 tháng, một phần thông qua kế hoạch kinh tế của ông.
Gần đây hơn, Tổng thống Trump đã nêu ra cơ hội \”tách rời\” nền kinh tế Hoa Kỳ khỏi Bắc Kinh trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình. Động thái này nhằm mang công việc sản xuất từ Trung Quốc và các chuỗi cung ứng quan trọng trở lại Hoa Kỳ.
Năm ngoái, Bộ Quốc phòng đã được Nhà Trắng ra lệnh tăng cường sản xuất nam châm vĩnh cửu từ đất hiếm samarium coban trong nước, vì lo ngại Bắc Kinh có thể hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Loại nam châm này thường được tìm thấy trong tên lửa dẫn đường chính xác, bom thông minh và máy bay phản lực quân sự.
Dù Hoa Kỳ từng là nhà sản xuất khoáng sản hàng đầu thế giới, hiện tại Trung Quốc đang làm bá chủ một phần lớn thị phần trên thị trường. Trung Quốc nắm quyền thống trị này sau khi thay thế các đối thủ cạnh tranh bằng chiến lược để cho mọi loại mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc tràn ngập thị trường toàn cầu trong vài thập kỷ qua.
“Kể từ khi đạt được lợi thế này, Trung Quốc đã khai thác vị thế của mình trên thị trường các nguyên tố đất hiếm bằng cách ép buộc các ngành công nghiệp dựa vào các nguyên tố này phải đưa cơ sở [sản xuất], [quyền] sở hữu trí tuệ và công nghệ của họ đến Trung Quốc”, sắc lệnh hành pháp nêu rõ.
“Ví dụ, nhiều công ty buộc phải tăng thêm công suất nhà máy ở Trung Quốc sau khi nước này đình chỉ xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm đã qua xử lý sang Nhật Bản vào năm 2010, đe dọa các lĩnh vực công nghiệp và quốc phòng của nước này và phá giá nguyên tố đất hiếm trên toàn thế giới\”.
Sắc lệnh hành pháp của ông Trump cũng nhằm mục đích \”giảm bớt yếu tố dễ bị ảnh hưởng của Hoa Kỳ trước sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, thông qua hợp tác và phối hợp với các đối tác và đồng minh, bao gồm cả khu vực tư nhân\”.
Luật riêng biệt liên quan đến khoáng sản đã được 2 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đưa ra trong khoảng năm ngoái, nhưng chúng vẫn chưa được thông qua cho đến nay.
Du Miên