Việt Nam và Triết học: Suy nghĩ về Trần Ðức Thảo

Việt Nam và Triết học: Suy nghĩ về Trần Ðức Thảo

  • Nguyễn Hữu Liêm
  • Gửi đến BBC từ San Jose, Hoa Kỳ

5 giờ trước

\"Triết
Chụp lại hình ảnh,Triết gia Trần Đức Thảo (1917-1993)

Trong tháng 9 vừa qua, phát biểu của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN Võ Văn Thưởng ở đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam rằng nước này “cần những triết gia tầm cỡ” đã khơi dậy cuộc tranh luận về triết học và ý thức hệ XHCN. Một số bài viết đã nhắc đến triết gia Trần Đức Thảo (1917-1993và quyết định bỏ Pháp để đem triết học Marxist \’cao siêu\’ tới VNDCCH sau trận Điện Biên Phủ. Cuộc đời đầy bi kịch, bị bao vây, hắt hủi của ông Trần Đức Thảo ở Hà Nội được cho là hệ quả của sự ngây thơ \’trí thức Tây học\’ trong môi trường chủ nghĩa Mao siết chặt tư duy của cả một dân tộc vì nhu cầu chiến tranh. Nhưng ông đã sai hay đúng qua sự dấn thân đó? Chúng tôi giới thiệu bài của LS Nguyễn Hữu Liêm từ Hoa Kỳ về triết học và sự lựa chọn của Trần Đức Thảo:

Ở tiền bán thế kỷ 20, khi trí thức tả phái trên thế giới tham dự vào duy vật biện chứng của Marx, đi đôi với năng lực phủ định triết học Hegel một cách cuồng nhiệt, không ngạc nhiên khi những con người thuộc những khối lịch sử mới thời đó đã bị cuốn trôi vào trận cuồng phong tư tưởng này.

Trong đó có những con người lịch sử Việt Nam – nổi bật nhất là Trần Đức Thảo. Trên bình diện triết học, Trần Ðức Thảo là một triết gia xứng đáng để tiếp nhận Marxism như là một chủ thuyết hành động praxis, cho vấn nạn lịch sử dân tộc ở giai đoạn lịch sử đó.

Khởi đi từ Hegel và Husserl, Thảo (xin phép được gọi tên) cho rằng chỉ có Marxism là có khả năng giải quyết những vấn đề mà hiện tượng luận Husserl nêu lên. \”Chân lý phải được minh định trong tiến trình trở nên, vốn không phải là sự chuyển động của Ý niệm (Idea), mà là của một thời tại tính sinh thực (actually lived temporarity).\”(1) Ðây là điểm mà Hegel cũng đã nhấn mạnh trong suốt các công trình triết học chính trị.

Nhưng Thảo, theo chân Marx, chuyển hướng ý thức sinh nghiệm, không vì cứu cánh của ý thức, mà là cho một giải pháp đối với thực trạng xã hội vốn là nguyên nhân cho tất cả khổ đau. Thảo kêu gọi những con người lịch sử phải nhận ra rằng, \”Cái thể thức áp chế chính là chiếc chìa khóa cho tính huyền bí của tiên nghiệm.\”(2)

Nắm rõ được hành trang tư tưởng của Hegel qua cơ sở biện chứng duy vật của Marx và phương pháp luận của Husserl, Thảo tin tưởng là mình đã tìm ra được con lộ tư tưởng và hành động cho những con người lịch sử mới của Việt Nam.

Trở về Hà Nội với sinh khí cách mạng độc lập và vô sản đang lên của dân tộc, Thảo bắt đầu thuyết giảng về lịch sử triết học Tây phương vào đầu năm 1955 bằng một tiền đề chủ nghĩa chắc nịch:

Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tư tưởng là phát xuất từ đời sống xã hội trong đó căn bản là quan hệ sản xuất – và sức sản xuất của xã hội. Ý thức là thuộc thượng tầng kiến trúc xây dựng trên cơ sở là chế độ kinh tế của xã hội. … Chúng ta nghiên cứu lịch sử tư tưởng là để cụ thể hóa và chứng minh một cách có hệ thống mệnh đề căn bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trên đây, tức là chứng minh rằng tư tưởng của con người xuất phát từ thực tế và nó có một vai trò thiết thực trong đời sống thực tế. Chúng ta không chứng minh mệnh đề đó một cách hoàn toàn khách quan mà sẽ chứng minh trong phạm vi lịch sử của chủ nghĩa duy vật.(3)

Từ Marx, Thảo xác định một lập trường triết học rõ ràng, không nghi ngờ, rằng duy vật biện chứng là một chủ nghĩa, một \”biểu hiện lập trường vô sản cách mạng xuất hiện trong quá trình đấu tranh giai cấp lịch sử,\” và nó là \”một công cụ tinh thần, để chúng ta nắm vững nội dung giai cấp và xã hội của nó\” (sđd). Triết học không phải \”vì óc tò mò\” cho kiến thức, mà ngược lại, nhằm để chứng minh một tiền đề triết học nay đã trở thành một mệnh đề lịch sử vốn phát xuất từ một chọn lựa chắc mãn cho một lập trường chính trị. Thảo muốn lập lại một lần nữa tiền đề của Marx rằng triết học không phải là để hiểu lịch sử mà phải cho mục tiêu thay đổi lịch sử. Chủ quan tính qua ý chí lịch sử, biện minh bằng triết học, sẽ kiến tạo một sự thể lịch sử thực nghiệm làm bản thể luận mới cho năng động ý thức.

\"Marx
Chụp lại hình ảnh,Du khách chụp ảnh với tượng Marx và Engels tại Berlin.

Triết học ở đâu trong Tập thể Cách mạng?

Thảo là một thành tố trong giòng sống của lập trường tư tưởng cho một tập thể cách mạng và chính trị dân tộc trong một giai thời mà con người trong cuộc mang đầy nhiệt huyết của tự tin và tự mãn. Không có gì hạnh phúc cho bằng là một chiến sĩ cách mạng vô sản dân tộc thời đó. Mọi yếu tố và điệu kiện khách quan và chủ quan đồng quy về một mối. Mọi việc, mỗi ngọn lửa, từng ngọn gió, từng cơn thuỷ triều có vẻ như là theo ý chí của mình – hay là ngược lại, ý chí của mình đuợc minh xác bởi hiện tượng sử tính nghiệm thực.

Ở đó, triết học không cần mệnh danh cái gọi là \”khách quan tính\”; tất cả là chọn lựa cho một chủ đích chính trị có tầm vóc lịch sử mà nội dung và chủ hướng của sự chọn lựa này đã được chọn lựa sẵn và dọn lên trên mâm cỗ tuyển lọc từ một thời quán chuyển mình của dân tộc. Tự do triết học, mà Thảo đang hành hoạt, là sự minh giải cho chu vi chọn lựa đó: đi tìm gốc rễ cho mệnh đề giá trị mà con người ở giai đoạn đó đã quyết định dấn thân.

Và đâu là cái Ðạo Lý lịch sử trong biện chứng sinh hữu cho dân tộc Việt Nam? Của những năm sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ít nhất là cho một nửa nước, nửa dân tộc, thì thần đế của con người lịch sử mới ở đó là ý thức hệ Marxism trên thực thể vững chắc của Ðảng Cộng Sản Việt Nam – đó là khi mà cái Ðạo làm người Việt đã trở nên là làm theo ý chí của Ðảng. Sự chắc mãn của lịch sử biến thành chắc mãn của tập thể tổ chức – và sử mệnh trở nên là biến số của chủ quan duy ý chí. Ở đó, triết học của Thảo là một tiếng trống phụ thêm cho một cuộc diễn hành ngoạn mục của một thế hệ dân tộc bước đi theo tiếng gọi chắc mãn của ý thức và ý chí sử mệnh này.

Câu hỏi: Cái chắc mãn trong ý thức về Ta đối với sử mệnh dân tộc này đến từ đâu? Thảo, trong quá trình phê phán hiện tượng luận của Husserl đã có câu trả lời từ trước: Không có một cái ý thức tiên nghiệm (eidetic) về Ta thuần trừu tượng và độc lập bởi chính nó để có thể quy giảm (epoche) thành một đối tượng quán sát. Cái Ta này không có gì là huyền bí cả, vì tất cả nội dung ý nghĩa về cái ta nầy \”không gì hơn nhưng chỉ là một sự hoán vị biểu tượng của tính vận hành vật thể của quan hệ sản xuất vào trong một hệ thống vận hành chủ ý để từ đó chủ thể tiếp nhập khách thể một cách duy ý tưởng trong sự tái sản xuất ra nó tự trong ý thức của chính mình. Ðó là lý do chân thực cho cái Ta tự-ngã này, vốn đang là trong thế gian, kiến lập thế gian trong nội tính của những hành vi sinh động của mình.\”(4)

Tức là sự chắc mãn về cái Ta trong lịch sử dân tộc là trong năng động giải phóng của dân tộc, trên căn bản sinh nghiệm khách quan, mà ta tiếp nhập để rồi tự tái kiến tạo cho ta qua kinh nghiệm sống bởi ý thức của ta. Và cái Ta nầy là cái Ta của dân tộc, và dân tộc, như là một cấu trúc liên hệ sản xuất thuần kinh tế, là nguồn gốc của cái Ta trừu tượng. Ta chỉ là một hoán thể của một thời quán cách mạng đầy chắc mãn về chính mình và về cứu cánh của sinh hữu.

Ðó là niềm hạnh phúc của Thảo; nhưng cũng là nỗi khổ đau cho ông và cho cả dân tộc Việt Nam. Vì thực thể khách quan trong thực chất là chỉ có một chế độ chính trị đang tự mãn, tự tin và kiêu cường, mà Thảo nhận diện chính mình, ít nhất là trên phương diện tâm lý, cho Thảo một căn bản tự mãn cho triết học của mình. Khi triết học đã trở nên chắc mãn thì nó không còn là một cuộc tìm. Tất cả các vấn nạn, nghi vấn, dằn vặt trên cơ sở tiền đề đã trở thành những mệnh đề đầy tính chất kết luận – chúng là những phán quyết về giá trị trên cơ sở chủ đích của ý chí chủ quan mà không cần quy nạp dữ kiện cho tiến trình biện chứng trong chu vi tự do của cái Ta đầy ý thức.

Cái khung thức và thể cách triết luận của Thảo là một nỗ lực biện chính một chiều: bản chất sự thể khách quan lịch sử quyết định nội dung ý thức cá nhân liên hệ. Cái khung thức này càng được Thảo giải lý nó lại càng trở nên cứng ngắt. Những quy trình biện chứng duy vật vốn làm bậc thang cho ý chí chính trị nay đã trở nên một chiếc thuyền bị đắm trong cái đập nước do chính phương pháp luận này dựng lên.

Khi triết học nhân danh một tiền đề giá trị như là một mệnh lệnh tối cao cho biện minh chính trị và tổ chức thì đó là khởi điểm của sự suy tàn của biện chứng – và là lúc lịch sử đã đánh mất đi nội dung Tự Do của khả thể tự ý thức để đi vào ngõ cụt của nô lệ và áp bức.

Sự chuyển hướng của Thảo, từ một triết gia thuần văn ngữ để trở nên một chiến sĩ cách mạng vô sản Việt Nam, trên bình diện khái niệm, là song song với sự hoán vị của bản thể luận Hegel qua duy vật luận của Marx. Marxism là một phương pháp luận của sự việc lấy cái thường nghiệm để giải thích cái siêu nghiệm.

Còn sự dấn thân cho lý tưởng cách mạng dân tộc của Thảo là một nỗ lực lấy sinh nghiệm để minh xác cho những mệnh đề tư tưởng về ý thức.(5) Cả Marx và Thảo đều rơi vào cái sai lầm lớn của Tây Âu trong hai thế kỷ 19 và 20 là mở cửa tầng dưới thấp – đồng lúc đóng cửa tầng lầu trên – của căn nhà hữu thể để coi con người ngang hàng với thú vật và năng động lịch sử như là một hiện tượng thuần sử kiện.

Marx đánh đổ cái huyền bí luận của Hegel bằng cách phủ nhận toàn triệt mọi tham chiếu của bản thể luận về với một cơ sở tinh thần cao hơn là sự thể nghiệm thực của sinh hữu.

Con người từ đó có thể nhìn thấy góc cạnh đen tối cuả chính mình – nhưng đổi lại, hắn mất nhiều hơn khi tầng trên lầu của ánh sáng Ðạo Lý và những sự thể siêu hình thì hoàn toàn bị đóng kín bởi một ý chí duy chủ quan và thuần nghiệm thực.

Chú Thích

  • Trần Ðức Thảo, Phenomenology and Dialectical Materialism. Bản Anh ngữ bởi D. Herman và D. Morano. D. Reidel Pblishing, 1986. Bản Việt ngữ, Hiện Tượng Luận và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng, dịch giả Ðinh Chân (Nxb Ðại Học Quốc Gia Hà Nội, 2004). Nội dung tác phẩm này phản ảnh đúng cuộc đời của ông: nửa phần đầu là của trí tuệ và nhiệt tâm; nửa phần cuối nông cạn và thất vọng.
  • Sđd.
  • Trần Ðức Thảo, Lịch Sử Tư Tưởng Trước Marx. Phạm Hoàng Gia và Ðức Mộc ghi lại từ các bài giảng ở Hà Nội, 1955-1956 (Nxb Khoa Học Xã Hội, 1995).
  • Trần Ðức Thảo, Phenomenology and Dialectical Materialism.
  • Theo Nguyễn Văn Trung, thì có hai Trần Ðức Thảo: một \”TÐT tiếng Pháp\” là một triết gia; và một \”TÐT tiếng Việt\” là một cán bộ Marxist thuần khẩu hiệu. (Ðối Thoại, California, 1994). TÐT sẽ còn là một đề tài ngoạn mục và hấp dẫn cho trí thức Việt, không những trên bình diện triết học, vốn thoả mãn ít nhiều tự ái dân tộc và mặc cảm trí thức đối với Tây Âu, mà là cái tính chất bi thảm của một trí thức lớn khi về lại Hà Nội. Nếu thiếu vắng một năng thức Ðạo Lý thì không ai bước vào cõi Việt Nam mà không bị thoái hóa.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm từ Hoa Kỳ từ San Jose, California. Trong số các sách của ông đã có cuốn \’Thời tính, Hữu thể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” được xuất bản ở Việt Nam năm 2018.

Bài Liên Quan

Leave a Comment