Bộ Công an, Bộ Thông tin CSVN tiếp tay Bí thư Đắk Lắk ‘xử’ người tố cáo

Bộ Công an, Bộ Thông tin CSVN tiếp tay Bí thư Đắk Lắk ‘xử’ người tố cáo

October 2, 2020

\"\"
Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường (ám xám, giữa). Courtesy of Bao Dak Lak

Trong lúc vụ tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường đạo luận văn tiến sĩ chưa được làm rõ trắng đen, Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông CSVN được ghi nhận nhanh nhẩu “vào cuộc” giúp ông này “xử lý” hai cá nhân và một tờ báo. 

Hai người bị bắt, một tờ báo bị phạt

Hôm 2/10, Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Đắk Lắk chính thức phát đi thông tin về vụ bắt giữ ông Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn với cáo buộc “Vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự CSVN năm 2015.

Đây là hai người tố cáo Bí thư Cường, nhưng hệ thống truyền thông nhà nước khi tường thuật vụ này đều không dám nêu danh tính ông Cường.

Theo Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Đắk Lắk, ông Quý và ông Tuấn “đã khai nhận hành vi bàn bạc, thống nhất, có tổ chức thực hiện tội phạm, cố ý loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.

“…Dư luận quần chúng nhân dân trong tỉnh đã đồng tình ủng hộ và kiên quyết phê phán đối với những nhận thức lệch lạc dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội của Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn. Đây là hoạt động có dấu hiệu hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, thông qua bôi nhọ, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp. Quá trình giải quyết vụ án đã được các cơ quan tố tụng tiến hành công tâm, khách quan, trên quan điểm thượng tôn pháp luật,” theo Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Đắk Lắk.

“Quá trình xử lý vụ việc các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk bảo đảm phương châm ‘thượng tôn pháp luật’, thực hiện đầy đủ quy trình tố tụng, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo và được sự đồng ý của cơ quan ngành dọc ở Trung ương,” Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Đắk Lắk kết luận.

\"\"
Mạng xã hội cho rằng ông Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, bị công an tỉnh Đắk Lắk bắt cóc một tháng sau ngày cưới, theo chỉ đạo của Bí thư Bùi Văn Cường. Courtesy of Nguoi Lao Dong

Cũng trong hôm 2/10, tại cuộc họp báo, ông Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an CSVN khẳng định: “Quá trình điều tra cho thấy Hoàng Minh Tuấn và Phạm Đình Quý bước đầu khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Cơ quan điều tra đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để mở rộng điều tra và xử lý hai bị can này theo đúng quy định của pháp luật.”

Người ta không thấy ông Xô giải thích vì sao ban đầu vụ công an tỉnh Đắk Lắk được cử lên Sài Gòn bắt giữ ông Quý “âm thầm” và hành vi này bị cộng đồng mạng cho là “bắt cóc phi pháp”. Công luận cũng không rõ liệu ông Quý và ông Tuấn có được giữ quyền im lặng cho tới khi được luật sư trợ giúp pháp lý, trong lúc họ đang bị công an giam giữ.

Liên quan vụ này, hai ngày trước, tạp chí Môi trường và Xã hội, nơi đăng bài của ông Quý tố cáo Bí thư Cường, bị Cục Báo chí, Bộ Thông tin Truyền thông CSVN xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng ($2,156) và đình bản 2 tháng với cáo buộc “Thông tin sai thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.

‘Đất nước bị quyền lực chi phối một cách vô pháp’ 

Như vậy, đến thời điểm này, với “sự trợ giúp đắc lực” của Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông CSVN trong việc “xử lý” rốt rẻng hai người tố cáo và một tờ báo, Bí thư Cường không cần công khai ra mặt phản hồi về cáo buộc đạo luận văn nhắm vào ông. 

Cách hành xử của ông Cường cho thấy “uy lực” của một vị bí thư Tỉnh ủy, sẵn sàng nhờ “cả hệ thống chính trị vào cuộc” để trấn áp thông tin bất lợi về mình, nhất là trong bối cảnh chỉ còn khoảng ba tháng là diễn ra Đại hội 13. Giữa vụ ồn ào, giới quan sát nêu suy đoán rằng Bí thư Cường nhiều khả năng sẽ trở thành người đứng đầu Bộ Thông tin Truyền thông CSVN nếu không có vụ bê bối nào xảy ra trước ngày Đại hội 13 khai cuộc vào đầu năm 2021.

\"\"
Bài báo khiến tạp chí Môi trường và Xã hội bị Bộ Thông tin Truyền thông CSVN phạt tiền và đình bản. Web screen capture

Nhà báo tự do Đoàn Bảo Châu ở Hà Nội, bình luận trên mạng xã hội về vụ bắt giữ ông Quý: “Một xã hội muốn tiến tới công bằng, văn minh, thượng tôn pháp luật thì quyền lực không thể được dùng một cách tuỳ tiện như vậy được. Điều đáng buồn hơn nữa là báo chí cũng vào hùa để biện minh cho việc bắt bớ này là hợp lý, họ nói rằng đây là việc bắt giữ khẩn cấp với người bị tạm giữ chứ không phải bắt khẩn cấp. Với tôi thì có uốn éo câu chữ thế nào, bản chất cũng vậy thôi.”

“[Ông] Bùi Văn Cường, người bị tố cáo đạo văn tiến sĩ hoàn toàn có thể chứng minh cho sự chính trực của mình nếu tiến hành khởi kiện để làm rõ trắng đen. Tôi hiểu cái chức bí thư tỉnh ủy nó to đến đâu và quyền lực đến đâu, việc dùng công an để bắt khẩn cấp người tố cáo mình là trong tầm tay nhưng đấy không phải là một cách làm đường hoàng và thượng tôn pháp luật.

“Điều đáng buồn, đáng sợ ở đây là việc dùng quyền lực để ‘cả vú lấp miệng em’, bịt đi tiếng nói của người dũng cảm, dám nói lên sự thật. Nếu đất nước này cứ bị quyền lực chi phối một cách vô pháp như vậy thì đấy là một thực trạng vô cùng đáng buồn, vô cùng đáng sợ bởi nó sẽ khiến giới trí thức chưa kịp thức đã phải giả vờ ngủ, lương tri chưa kịp đứng lên đã phải núp kín trong sự an toàn hèn nhát. Cả một đạo đức dân tộc, cả một tinh thần chính trực của một dân tộc sẽ bị cùn mòn và sa đọa,” ông Châu viết thêm.

Trong một diễn biến khác, trong một post trên trang cá nhân về sự khác biệt của tranh cử kiểu Mỹ và “cuộc chạy chức ngầm” ở Việt Nam, Luật sư Ngô Anh Tuấn bình luận: “…Người dân Việt quan tâm tới chính trường Mỹ vì họ thiếu thứ mà người dân Mỹ đang có. Ở đó, họ yêu ai, bênh ai là việc của họ; hứng chí lên họ ‘tổng sỉ vả’ ứng viên phe đối lập mà không sợ bị quy chụp trách nhiệm. Còn ở Việt Nam, chửi lãnh đạo được coi là ‘phạm húy’ và khả năng dính vào pháp luật là vô cùng cao.”

“Nhà nước này là của nhân dân, những quan chức đương nhiệm hoặc sắp sửa ngồi vào ghế trống là những công bộc của dân (theo đúng lý thuyết hiện hành), vậy thì tại sao nhân dân không có quyền bình phẩm, thậm chí chê bai hay là đuổi việc họ? Tại sao họ không dám đứng ra tranh cử với nhau để nhân dân thấy được tài năng, thế mạnh của họ để quyết định lá phiếu của mình mà thay vào đó là những cuộc sắp xếp, chạy đua âm thầm với nhau? Hàng chục tướng tá công an, quân đội, hàng trăm quan chức lớn nhỏ trước khi bị áp giải bằng xe thùng vào trại giam, tỷ lệ phiếu bầu của họ trong các kỳ đại hội luôn chiếm tỷ lệ trên 90%, thậm chí là 100% – đây là lỗi của người dân bầu cho họ hay là lỗi của sự sắp xếp để khi người bỏ phiếu không có lựa chọn thứ hai?,” Luật sư Tuấn bình luận. 

Định Tường

Bài Liên Quan

Leave a Comment