Stilwell: Chuyến thăm của ông Pompeo cho thấy cam kết mạnh mẽ với châu Á
03/10/2020
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tới châu Á vào tuần tới thể hiện cam kết mạnh mẽ của Washington đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực, Reuters dẫn lời nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á, ông David Stilwell, nhận định hôm 2/10.
Trước đó trong ngày, ông Pompeo cho biết ông sẽ vẫn tiếp tục chuyến đi tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ, ngay cả sau khi có tin Tổng thống Donald Trump có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.
Ông Pompeo hiện đang ở châu Âu và sẽ đến Tokyo vào Chủ nhật. Ông nói với các phóng viên đi cùng trong chuyến thăm Croatia rằng cả ông và vợ đều có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 20 phút trước khi hạ cánh xuống Dubrovnik vào ngày 2/10.
Ông Pompeo, người đứng thứ tư trong hàng ngũ sẽ kế nhiệm tổng thống nếu cần, cho biết ông đã gặp Tổng thống Trump lần cuối vào ngày 15/9.
Nhận định trước các phóng viên, ông Stilwell nói Hoa Kỳ coi quyết định của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga về việc đón tiếp ông Pompeo như một sự tái khẳng định quan hệ đối tác ngày càng bền chặt.
Ông Stilwell nói cuộc họp cấp bộ trưởng của Nhóm Bộ tứ, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, vào thứ Ba tới có thể sẽ không đưa ra một tuyên bố chung. Nhà ngoại giao này nói thêm rằng mặc dù nhóm chia sẻ các giá trị chung, nhưng vẫn có những quan điểm khác nhau.
Ông Stilwell gọi mối quan hệ Mỹ-Nhật là “nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Ông nói nhóm Bộ tứ, mà Trung Quốc tố cáo là một nỗ lực nhằm kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, tập trung vào việc thúc đẩy hơn nữa “tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và phổ quát”, đặc biệt là khi các chiến thuật xâm lược và cưỡng bức (của Trung Quốc) gia tăng trong khu vực”.
Các cuộc thảo luận gần đây giữa Bộ tứ tập trung vào việc xây dựng hợp tác về nhiều vấn đề, bao gồm an ninh hàng hải và công nghệ thiết yếu, cơ sở hạ tầng và chống khủng bố, vẫn theo lời ông Stilwell.
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3 tháng 11.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xung đột về các vấn đề từ thương mại, cạnh tranh công nghệ và an ninh đến nhân quyền và phản ứng đối với đại dịch COVID-19, vốn lần đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái.
Các đồng minh và đối tác của Washington ở châu Á chia sẻ lo ngại của Hoa Kỳ về hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc và các yêu sách chủ quyền lãnh thổ sâu rộng, nhưng các nhà phân tích nói họ cũng lo ngại về cách nói trong một số bài phát biểu chống lại Bắc Kinh của ông Pompeo và Tổng thống Trump.