Khi YouTube giúp kiểm duyệt
<A>Bài báo trên tờ TAZ (online) – Hiếu Bá Linh dịch
Nhà nước Việt Nam hình như đang lạm dụng các cáo buộc như vi phạm quyền cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân để gỡ bỏ các video phê phán xuất phát từ nước Đức.
Sau đây là bản dịch bài báo của ký giả Sven Hansen, Biên tập viên chuyên về châu Á của tờ TAZ, đăng trên nhật báo Đức TAZ (báo in) số ra hôm nay ngày 29.09.2020:
“Xin chào thoibao.de”, đây là lời chào mở đầu một e-mail chuẩn hóa từ cổng video YouTube gửi đến ban biên tập tờ Thời Báo, một phương tiện truyền thông của người Việt lưu vong. \”Chúng tôi muốn thông báo với bạn rằng chúng tôi đã nhận được khiếu nại về bảo vệ dữ liệu từ một cá nhân liên quan đến nội dung video của bạn\”.
Tiếp theo là các links dẫn đến các video mà ban biên tập chỉ trích chính phủ Việt Nam đã tải lên YouTube từ Berlin, nơi tờ Thời Báo đặt trụ sở từ năm 2008. YouTube yêu cầu kiểm tra tính hợp pháp của các video – và đe dọa sẽ xóa chúng nếu điều này không được tuân thủ.
Trang web Thoibao.de đã bị chặn tại Việt Nam từ năm 2017; Tổng biên tập người Đức gốc Việt Lê Trung Khoa vẫn tiếp tục điều hành trang này từ nước ngoài, cũng như một kênh YouTube và một số trang Facebook. Tờ Thời Báo được cho là đối trọng với các phương tiện truyền thông bị kiểm duyệt ở nhà nước độc đảng Đông Nam Á. Ông Lê cho biết, có khoảng 20 triệu lượt truy cập mỗi tháng, 80% trong số đó từ Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ tháng 10 năm 2019, ông ấy thường xuyên nhận được email từ YouTube, tương tự như email được trích dẫn ở trên – cho đến nay đã có hơn 40 email và 7 video đã bị chặn [hầu hết là bị chặn ở Việt Nam, ở ngoài Việt Nam vẫn xem được], ông Lê nói với tờ TAZ. Vào tháng 4 năm 2019, một video của Thoibao.de trên YouTube đã bị xóa không chỉ đối với người dùng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đó là tường thuật sự kiện Chủ tịch nước và là Tổng bí thư đảng quyền lực CSVN bị đột quỵ.
YouTube đe dọa chặn video, nhưng không thông tin cụ thể
Chính phủ Việt Nam dường như đứng sau các báo cáo về các video được đề cập. Email cảnh báo đầu tiên từ YouTube ở Đức hồi tháng 10 năm 2019 nêu rõ chính quyền Hà Nội là bên khiếu nại. Một video của Thoibao.de sau đó đã bị chặn ở Việt Nam mà ông Lê không được thông báo về điều luật nào mà ông ta bị cho là đã vi phạm, và cũng không cho cơ hội kháng cáo.
Những video sau đó, ít nhất ông Lê cũng được thông báo trước qua email. Ông bao giờ cũng hỏi YouTube: “Vui lòng cho tôi biết ở giây phút thứ mấy của video mà đơn khiếu nại về bảo vệ dữ liệu đề cập đến. Tôi không thể kiểm tra nếu không có thông tin này”. Nhưng YouTube không bao giờ trả lời (nhưng cũng không chặn những video này).
Ông Lê trả lời YouTube rằng chắc chắn rằng ông ta không vi phạm bất kỳ quyền bảo vệ dữ liệu hoặc quyền cá nhân nào, và không phổ biến bất kỳ nội dung bạo lực hoặc khiêu dâm nào. Sau đó, ngày càng thường xuyên hơn, các thẩm tra của chính YouTube xác nhận là Thoibao.de không vi phạm quyền cá nhân theo luật Đức.
Liệu “lực lượng 47” của quân đội Việt Nam có đứng sau các yêu cầu chặn?
Ông Lê phỏng đoán rằng những khiếu nại của Việt Nam là về đoạn băng dài 40 giây mà luôn luôn được dùng để mở đầu các video tin tức. Trong đó có hình ảnh Tổng thống Mỹ, nguyên thủ quốc gia và đảng CS Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban EU và Thủ tướng Đức, cũng như nguyên thủ quốc gia và đảng CSVN, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ông Lê lấy hình ảnh từ các trang chính thức của chính phủ Việt Nam.
Các chính trị gia là những người của lịch sử đương đại và các hình ảnh chụp khi họ còn đương chức, thì theo luật Đức, họ không được bảo vệ quyền cá nhân như đối với người dân bình thường.
Ông Lê – người mà trong thời gian đó cũng đã nhận được những lời đe dọa bị giết chết từ những thành phần được cho là của chính quyền ở Hà Nội – nghi ngờ rằng “lực lượng 47” của quân đội Việt Nam đấu tranh trên không gian mạng, đứng sau các yêu cầu chặn này. Các nhà kiểm duyệt có nhiệm vụ làm sạch nội dung chỉ trích chính phủ trên các trang Internet tiếng Việt, số lượng của họ ước tính khoảng 10.000 người.
YouTube ở Việt Nam chặn video xuất phát từ Đức
Vì YouTube ở Đức hiện nay hầu như không sẵn sàng chặn các video của ông Lê, vì được bảo vệ bởi quyền tự do báo chí ở đây, cho nên các yêu cầu chặn của Việt Nam hiện được gửi trực tiếp đến YouTube ở Việt Nam. Đúng ra, YouTube ở Đức chịu trách nhiệm về các video được tải lên từ Đức. Nhưng YouTube ở Việt Nam đã chặn các video đầu tiên của Thoibao.de, mà những video này YouTube ở Đức thấy không có vi phạm gì cả.
Câu hỏi của tờ TAZ, người phát ngôn của YouTube trả lời sau nhiều tuần và chỉ ngắn gọn: \”YouTube hành xử theo luật pháp địa phương của mỗi một quốc gia tương ứng. Nếu video không còn xuất hiện trên YouTube thì video đó hoặc là vi phạm nguyên tắc cộng đồng hoặc là vi phạm luật địa phương\”.
Sau đó, người phát ngôn của YouTube không muốn trả lời những câu hỏi bổ sung. Các câu hỏi của tờ TAZ, chẳng hạn như về nguy cơ YouTube có thể bị Việt Nam lợi dụng làm công cụ kiểm duyệt, viện cớ bảo vệ dữ liệu và quyền cá nhân để kiểm duyệt hoặc hạn chế quyền tự do truyền thông; đã khiến YouTube – thuộc Tập đoàn Google – không trả lời.
“Cách xử sự của YouTube cho thấy công ty này không dành ưu tiên cho trách nhiệm thận trọng, kỹ lưỡng đối với nhân quyền, cho đến khi nào họ không bị buộc phải phản ứng dưới áp lực của công luận”, bà Lisa Dittmer – Trưởng bộ phận Tự do Internet của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới- nói với tờ TAZ.
\”Thiếu hiểu biết về sự lạm dụng của nhà cầm quyền\”
Tương tự như Facebook, YouTube có thể tạo không gian cho các phương tiện truyền thông độc lập ở các các nước không có tự do. \”Tuy nhiên, các công ty dường như thiếu hiểu biết sâu sắc hơn và thiếu quan tâm cần thiết về chiến lược của nhà cầm quyền nhằm chôn vùi các quyền tự do và lạm dụng các chức năng và công cụ báo cáo [khiếu nại] của công ty\”, bà Dittmer chỉ trích.
Trước đây, Chính phủ Việt Nam đã có lần chống lại
Facebook của ông Lê.
Hồi năm 2018/19, những kẻ bị nghi ngờ ủng hộ chính phủ đã thao túng, ngụy tạo trang Facebook của ông ấy, đến nỗi trang Facebook này bị khóa vì kỳ thị giới tính. Chỉ sau khi Tổ chức Phóng viên Không Biên giới can thiệp, ông Lê mới có thể sử dụng Facebook trở lại.
Mặc dù các trang của ông Lê được ưa thích ở Việt Nam, nhưng theo thông tin của ông ấy, Facebook vẫn đang chặn tiền thưởng quảng cáo mà không đưa ra lý do. Tập đoàn này tiếp tục quảng cáo trên các trang Facebook của Thoibao.de, mà đáng lẽ ông Lê được hưởng một nửa số tiền quảng cáo. Ông ta mất khoảng 10.000 Euro mỗi tháng.
Nguồn:
https://taz.de/Videoportal-laesst-sich-missbrauchen/!5713023/
Biên dịch:Hiếu Bá Linhdanlambaovn.blogspot.com