Tham chiến 4 mặt trận cùng lúc, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “thất bại thảm hại”?
Truyền thông thế giới vừa đưa ra bình luận về tuyên bố của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan liên quan tới vấn đề Syria. Ông Erdogan đã thông báo rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắt đầu một chiến dịch quân sự khác ở khu vực phía Bắc Cộng hòa Ả Rập.
Tuyên bố này được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trong lễ khánh thành đập Reyhanli ở tỉnh Hatay. Theo ông Erdogan, Ankara sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo an ninh dọc biên giới phía Nam của mình.
“Vẫn còn những khu vực do khủng bố kiểm soát ở Syria. Và những khu vực này phải được giải tỏa. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng cho việc này”, ông Erdogan nói rõ.
Theo giới phân tích, khủng bố theo quan điểm của Tổng thống Erdogan là các nhóm vũ trang thuộc Đảng Công nhân Kurdistan của các tay súng người Kurd.
Bình luận về tuyên bố trên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, giới chuyên gia cho rằng ông Erdogan quyết định thử đi theo con đường mà Sultan Suleiman nổi tiếng của Đế chế Ottoman đã bước qua, với mục đích tìm lại hào quang xưa.
Các nhà phân tích lưu ý, Tổng thống Erdogan thực sự sẵn sàng tiến hành chiến tranh trên bốn mặt trận cùng lúc, đó là: Syria, Libya, Kavkaz, cũng như khu vực phía Đông Địa Trung Hải.
Tại Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm đóng tỉnh Afrin và tiếp tục hỗ trợ các tay súng đối lập kiểm soát địa bàn hai tỉnh Idlib và Aleppo thuộc khu vực Tây Bắc.
Bên cạnh đó, Ankara còn tích cực tiến hành chính sách bành trướng tại khu Đông Bắc của Syria với mục đích “nhổ tận gốc” lực lượng vũ trang người Kurd tại đây.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn tích cực ủng hộ Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) trong cuộc nội chiến tại quốc gia Bắc Phi này, Ankara chính là đồng minh lớn nhất của họ.
Ngoài cung cấp hậu cần, vũ khí trang bị thì Thổ Nhĩ Kỳ còn tiến hành chiến dịch lớn nhằm đưa các tay súng đánh thuê từ những vùng đất do họ kiểm soát tại Syria sang chiến đấu cho GNA, quân số theo ước tính lên tới trên 2 vạn người.
Trong cuộc xung đột mới nhất tại khu vực Kavkaz, Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc đã âm thầm cung cấp máy bay không người lái tấn công Bayraktar TB2 cho quân đội Azerbaijan, cũng như cho tiêm kích F-16 yểm trợ hỏa lực hạn chế.
Tương tự như ở Libya, trên chiến trường Nagorno-Karabakh cũng có những tay súng đánh thuê người Syria do Thổ Nhĩ Kỳ đưa sang để tham chiến trực tiếp dưới ngọn cờ của đồng minh.
Nhưng nghiêm trọng nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ là cuộc xung đột tại Đông Địa Trung Hải, khi Ankara tiến hành thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Hy Lạp, bất chấp phản đối từ Liên minh châu Âu.
Hành động này của Ankara đã khiến hình thành một liên minh để chống lại họ, với những quốc gia có tiềm lực quân sự và kinh tế rất đáng nể trong đó nổi bật là Pháp và Ai Cập – những đối thủ mà Thổ Nhĩ Kỳ khó chiến thắng kể cả đấu tay đôi.
Các chuyên gia phương Tây lưu ý, đối với bản thân Tổng thống Erdogan, cách tiếp cận mà ông ta theo đuổi có thể kết thúc tồi tệ, vì “chính sách tập trung vào chủ nghĩa quân phiệt như vậy cuối cùng sẽ mất đi sự ủng hộ từ công chúng Thổ Nhĩ Kỳ”.
Quan trọng hơn, giới phân tích cho rằng tiềm lực của Ankara không đủ mạnh để căng mình trên cả 4 mặt trận như vậy, nếu tiếp tục duy trì chính sách trên thì thất bại sẽ là điều tất yếu.
Theo Kiến thức