Mỹ kêu gọi đóng góp thông tin điều tra Việt Nam về buôn gỗ lậu và thao túng tiền tệ

Mỹ kêu gọi đóng góp thông tin điều tra Việt Nam về buôn gỗ lậu và thao túng tiền tệ

07/10/2020


\"Xe
Xe chở gỗ lậu được khai thác tại Campuchia đang chờ ở khu vực biên giới Bavet để sang Việt Nam.

Theo sau thông báo về việc khởi động điều tra Việt Nam về tình trạng khai thác gỗ lậu và thao túng tiền tệ theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại, cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) vừa công bố chi tiết thủ tục và quá trình điều tra đối với Việt Nam, trong đó kêu gọi công chúng đóng góp thông tin liên quan cho cuộc điều tra dự kiến sẽ kéo dài cả năm.

Thông cáo của cơ quan thương mại Mỹ cho biết cuộc điều tra được tiến hành “theo chỉ đạo của Tổng thống Donald J. Trump” về hai vấn đề quan trọng, bao gồm: hành vi, chính sách và phương thức thực hiện của Việt Nam liên quan đến nhập khẩu và sử dụng gỗ buôn lậu hay khai thác lậu; và hành vi, chính sách và phương thức thực hiện của Việt Nam có thể góp phần vào việc định giá thấp đồng tiền và gây hậu quả lên thương mại Mỹ.

“Tổng thống Trump cam kết kiên quyết chống lại các hành vi thương mại bất công, gây hại cho nhân công, doanh nghiệp, nông dân và chủ trang trại của Mỹ”, thông cáo dẫn lời Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert E. Lighthizer nói.

Cơ quan thương mại Mỹ cho rằng việc sử dụng gỗ bất hợp pháp trong các sản phẩm gỗ để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là “gây hại cho môi trường và không công bằng đối với nhân công và doanh nghiệp Hoa Kỳ”, vốn buộc phải tuân thủ quy định là chỉ được sử dụng gỗ được khai thác hợp pháp.

Ngoài ra, cuộc điều tra cũng nhắm đến vấn đề thao túng tiền tệ của Việt Nam, vì hành vi này bị cho là “không công bằng, có thể gây hại cho công nhân và doanh nghiệp Mỹ khi phải cạnh tranh với các sản phẩm của Việt Nam có thể đã bị định giá thấp hơn một cách giả tạo do phá giá tiền tệ”, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Lighthizer nói thêm.

Mục 301 của Đạo luật Thương mại cho phép USTR điều tra các đối tác thương mại của Hoa Kỳ để xác định xem họ có vi phạm các hiệp định thương mại quốc tế hoặc gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng cho thương mại Mỹ hay không.

Nếu bị kết luận vi phạm, cơ quan của Mỹ có thể sẽ đưa ra các biện pháp để loại bỏ tình trạng bất công thương mại và bảo vệ quyền lợi của Mỹ theo lệnh của Tổng thống.

Các biện pháp được cho phép thực hiện bao gồm áp đặt thuế quan hoặc hạn ngạch đối với hàng hóa nhập khẩu từ đối tác thương mại bị kết luận vi phạm, đình chỉ các lợi ích của hiệp định thương mại và ký kết các thỏa thuận với đối tác thương mại để giải quyết những tác động tiêu cực mà các hành vi vi phạm gây ra.

Được biết, các cuộc điều tra đối với Việt Nam là cuộc điều tra thứ tư và thứ năm mà cơ quan của Mỹ thực hiện kể từ năm 2017 khi USTR bắt đầu điều tra về các chính sách và việc thực thi thương mại không công bằng của Trung Quốc. Sau kết quả điều tra đó, USTR đã áp đặt bốn đợt thuế liên tiếp đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, và tiến hành các cuộc đàm phán, trong đó Trung Quốc đã phải cam kết và nhượng bộ nhiều vấn đề để được gỡ bỏ hay đình chỉ một phần thuế quan.

Trong thông báo chi tiết, cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cũng yêu cầu công luận đóng góp thông tin cho cuộc điều tra, bao gồm thông tin liên quan đến mức độ gỗ lậu nhập vào Việt Nam, mức độ sử dụng gỗ lậu tại nơi sản xuất hay trong các sản phẩm gỗ của Việt Nam, các chính sách, hành vi hay thực tế tại Việt Nam liên quan đến nhập khẩu và sử dụng gỗ lậu, chính sách, mức độ và thực tế phá giá tiền tệ của Việt Nam…

Cơ quan thương mại của Mỹ cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên cơ quan này không thể tiến hành các buổi lấy ý kiến công cộng. Vì vậy, thông tin cung cấp cho USTR phải được viết bằng tiếng Anh và gửi qua phần “Bình luận” (Comment) trên trang Regulations.gov.

Sau Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia bị chính phủ của Tổng thống Trump đề cập đến khá nhiều lần về vấn đề cạnh tranh không công bằng và thao túng tiền tệ.

Hôm 1/10, khi cơ quan của Mỹ chưa công bố thông tin chính thức về các cuộc điều tra mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời với báo giới rằng phía Việt Nam “đang trao đổi với phía Hoa Kỳ để làm rõ thông tin”.

Trước đó vào tháng 6, thời điểm xuất hiện thông tin rằng Mỹ có thể đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ, bà Lê Thị Thu Hằng nói tại một cuộc họp báo rằng Việt Nam “không thực hiện và không có ý định thao túng tiền tệ để nhằm giành lợi thế thương mại” và các cơ quan của Việt Nam “đã phối hợp trao đổi với Bộ tài chính Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment