Các khoản tiền của cựu lãnh đạo Đông Đức biến đi đâu?

Các khoản tiền của cựu lãnh đạo Đông Đức biến đi đâu?

  • Phạm Thị Hoài
  • Nhà văn ở Berlin, CHLB Đức

9 tháng 10 2020

\"Bức
Chụp lại hình ảnh,Bức tranh graffiti của Dmitry Vrubel trên Bức tường Berlin vẽ nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev đang hôn Erich Honecker của Đông Đức

Các lãnh đạo hàng đầu của CHDC Đức đã lấy hàng triệu đồng tiền \’của giai cấp vô sản\’ bỏ vào tài khoản ở Phương Tây.

Khi còn ung dung cầm quyền và tin chắc các biến động thời cuộc ở Cộng hòa Dân chủ Đức tuy đáng lo ngại nhưng rồi sẽ lắng xuống vào tháng Năm 1989, Đảng SED (Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức) có 2.260.979 đảng viên chính thức và 64.016 đảng viên dự bị, tổng cộng 2.324.995, chiếm 13,8% dân số 16,8 triệu, một tỉ lệ vượt cả 11% của Đảng Quốc xã (NSDAP).

Để so sánh: Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại có 5,2 triệu đảng viên, chiếm chưa đầy 5,5% dân số 95,5 triệu; Đảng Cộng sản Trung Quốc có 90 triệu đảng viên, chiếm 6,4% dân số 1,4 tỉ.

Không tính anh cả Liên Xô, trong các đảng cộng sản thuộc khối Đông Âu cũ thì SED hùng mạnh nhất về cả sức người lẫn sức của. Ở thời điểm CHDC Đức thở những hơi cuối cùng và độc quyền lãnh đạo của SED bị loại khỏi Hiến pháp (điều 1 khoản 1) ngày 01/12/1989, đảng này vẫn còn sở hữu một khối tài sản với hơn 6 tỉ Mark Đông Đức trong ngân hàng, một đế chế rộng lớn gồm hàng ngàn tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trong ngoài nước cũng như vô số bất động sản.

Trong đó có những địa chỉ nổi tiếng như đặc khu Bộ Chính trị ở Wandlitz hay khu biệt thự cho các lãnh đạo cao cấp khác ở Pankow, tất cả tổng trị giá khoảng 10 tỉ, chưa kể những chiếc tủ bọc thép của Trung ương Đảng, chật ních dollar, đồng hồ, bạc thỏi, và vàng bọc răng.

Tại Deutsche Handelsbank (Ngân hàng Thương mại Đức), một tài khoản công vụ mang số 0528 của Bộ trưởng Công an (Stasi) Erich Mielke còn một số dư 38 triệu, khi nhân vật bị căm ghét nhất ở Đông Đức này bị bắt để tạm giam điều tra ở tuổi 81. Đó chỉ là một trong những tài khoản đặc biệt của nhà nước SED, ngoài kế hoạch chính thức và thậm chí ngoài vòng luật pháp, để thanh toán các thương vụ phi xã hội chủ nghĩa, kiếm ngoại tệ, mua chui những mặt hàng bị phương Tây cấm vận, đặc biệt là hàng công nghệ cao cho công nghiệp vi điện tử của Đông Đức, hỗ trợ tài chính cho các tổ chức của Đảng Cộng sản Đức (DKP) ở Tây Đức và Tây Berlin.

Song kếch xù nhất là tài khoản Tổng Bí thư mang số 0628 cũng ở ngân hàng nói trên. Khi Erich Honecker đã bị truất quyền, tước đảng tịch, mất căn nhà ở Wandlitz và đang cùng vợ lang thang tìm chốn nương thân, tài khoản 0628 còn 2,2 tỉ. Đó hoàn toàn là tiền bán tù chính trị. Sau khi xây tường che chở thiên đường xã hội chủ nghĩa, Đông Đức nảy ra sáng kiến xuất sang Tây Đức một mặt hàng độc quyền: chính trị phạm. Đổi bằng hàng hóa phương Tây và ngoại tệ mạnh, đồng DM của Tây Đức. Vừa thanh lý được loại rác độc hại nhất mà xã hội Đông Đức không muốn tái chế, lại vừa được miếng và được tiếng nhân đạo.

\"Enrich
Chụp lại hình ảnh,Enrich Honecker

Giá của 20 tù nhân đầu tiên là 3 toa tàu chở phân bón kali. Gói 320.000 DM cho 8 người tiếp theo, mỗi người 40.000 DM, còn phải chuyển bằng tiền mặt, xách tay, giao lén như trong phim điệp viên, song các thương vụ tuyệt mật này sau đó nhanh chóng được thanh toán qua tài khoản 0628.

Trong vòng 40 năm tồn tại, Đông Đức tống 250.000 người bất đồng chính kiến vào ngục và đến mùa Thu 1989 bán được 33.755 tù nhân cho Tây Đức, giá sau này bị đẩy lên tới 95.847 DM một đầu người, xác định trên cơ sở những tổn thất mà mỗi tù nhân lương tâm gây ra cho xã hội, cộng thêm chi phí giáo dục và đào tạo ngành nghề.

Dù nguy cơ tiếp tay cho những phi vụ buôn người này là có thật, chính quyền Bonn vẫn quyết định ưu tiên cứu tù chính trị từ bên kia bức tường. Ngoài tổng cộng 3,4 tỉ DM chuộc chính trị phạm, Bonn còn phải trả lệ phí để 250.000 người Đông Đức được sang định cư ở Tây Đức đoàn tụ gia đình.

Ăn chơi riêng và cất tiền ở nước ngoài

Nguồn ngoại tệ ngoài kế hoạch này cũng được chi ngoài kế hoạch. Trước hết là hàng xa xỉ cho giới lãnh đạo. Tại đặc khu Wandlitz, khi Bộ Chính trị đã mất đặc quyền, các nhà báo ngỡ ngàng đứng trước chuối tươi, dứa hộp, sô-cô-la Bỉ, cà-phê Thụy Sĩ, whisky Scotland, pho-mát Hà Lan, sâm-banh Pháp, giày dép Ý, quần bò Levi’s, vòi nước Grohe, máy ảnh Canon, lò nướng Miele, xe Volvo và Citroën, tuy không xa hoa lộng lẫy, thậm chí có phần tiểu thị dân tẻ nhạt, song là những thứ không thể mua bằng tiền của nền kinh tế kế hoạch.

Đích thân Honecker đã quyết định cho mua quá nửa số băng video tươi mát ở Tây Berlin, tổng trị giá 1,3 triệu. Sinh nhật tròn 70, đồng chí Tổng Bí thư được nhân vật số 2 trong nhà nước vô sản, đồng chí trùm Stasi Mielke, tặng một dinh thự trị giá 43 triệu bên hồ Drewitz để vui hưởng thú đi săn quý tộc, trong khi Mielke, cũng ham săn thú, dùng 22 triệu sửa sang một lâu đài bên hồ Wolletz cho bản thân, còn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Willi Stoph, cũng mê săn bắn, ngự ở một dinh thự 8 triệu bên hồ Müritz.

Một phần đáng kể khác được chi cho phép màu thể thao Đông Đức, để gắn 203 huy chương vàng olympic lên ngực chế độ. Ba cỗ máy sắc ký khí của Hewlett & Packard, mỗi chiếc nửa triệu, mua qua một công ti ngụy trang ở Thụy Sĩ và thanh toán bằng tài khoản 0628, được đầu tư không phải để ngăn chặn mà để kiểm soát và che giấu chương trình doping cưỡng bức do nhà nước tiến hành.

Một Dự án Manhattan trong thể thao, kiểm soát bằng một mạng lưới gồm 3.000 mật vụ. Ít nhất 12.000 vận động viên Đông Đức chuyên nghiệp bị đầu độc cho sứ mệnh cao cả, 2000 trong số đó chịu những hậu quả sức khỏe không thể chữa lành cho mình và cho con cái, 300 người thiệt mạng, nhiều hơn số nạn nhân bị bắn chết khi vượt tường.

Bộ Chính trị bị giải tán, độc quyền lãnh đạo bị tước bỏ, hàng trăm ngàn đảng viên vừa tháo chạy vừa vứt lại lề đường hành trang Mác-Lê, song giữa trận cuồng phong giật sập trong phút chốc toàn bộ guồng máy khổng lồ của một đảng đã toàn quyền thống trị 40 năm ấy, một nhóm đảng viên SED nhạy thời cuộc, nhanh trí khôn, đứng đầu là luật sư tài ba và hùng biện Gregor Gysi, đã hiểu ngay rằng giải thể SED lúc này là kéo theo tranh chấp pháp lý khôn lường về khối tài sản không thể coi thường ấy, và có thể mất trắng.

Vậy là một đại hội đại biểu đặc cách ngay trong tháng 12/1989 ra quyết định còn đảng còn tiền, tiếp tục SED, chỉ cải tên thành SED-PDS, tức gắn thêm đuôi “Xã hội Chủ nghĩa Dân chủ”, toàn trị xỏ giày dân chủ qua đêm.

Trong một khóa chuyển hóa hệ thống cấp tốc, tài sản của giai cấp vô sản được ào ạt giải ngân. Hàng trăm triệu diễn biến thành cổ phần ở 160 công ti tư bản; hàng trăm triệu hào phóng đóng vai tín dụng dài hạn, thậm chí lên đến 100 năm, cấp vốn để 40.000 đồng chí trung kiên trở thành những nhà tư sản thành đạt; hàng trăm triệu chảy ra nước ngoài, trong đó ồn ào nhất là áp-phe với một công ti ma mang tên Putnik: hóa đơn lập khống để thanh toán những khoản như chi phí đào tạo và chữa mắt cho 350 sinh viên các nước thuộc thế giới thứ ba ở cái gọi là Trung tâm Vô sản Quốc tế tại Moskva lên đến 107 triệu; và hàng loạt các biến thái khác, lúc này 15 triệu rò rỉ sang Luxembourg, lúc khác dăm ba triệu đi đường tắt sang Vienna…

\"Nước
Chụp lại hình ảnh,Người dân, trong đó có thanh niên, học sinh, đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của chế độ cộng sản ở Đông Đức và đánh dấu 30 năm ngày bức Tường Berlin sụp đổ

Năm năm sau, 1995, cơ quan tín thác Treuhand phụ trách việc xử lý khối tài sản công ở Đông Đức mới chốt xong thỏa thuận với SED bộ mới và hậu duệ PDS: đảng này phải từ bỏ quyền thừa kế toàn bộ tài sản cũ cũng như tất cả các khoản tín dụng và tài sản ở nước ngoài, đổi lại bằng quyền sở hữu hợp pháp tài sản hiện có, trước hết là 4 bất động sản trị giá 30 triệu DM.

Trong 16 năm hoạt động, Ủy ban Độc lập Thanh tra Tài sản của các Đảng phái và Đoàn thể ở CHDC Đức (1990-2006) truy tìm được khoảng 2 tỉ DM. Tháng 9 vừa rồi, nhà nước Đức thu hồi được 140 triệu Euro, khoản tiền lớn cuối cùng của SED từ một nhà băng Thụy Sĩ, kịp cho kỉ niệm 30 năm thống nhất đất nước. Song con số thất thoát từ những tài sản cất giấu chưa tìm ra vẫn lên tới vài trăm triệu.

Chỉ riêng đồng chí Jürgen Wetzenstein-Ollenschläger, một chánh án khét tiếng từng kết án vô số người bất đồng chính kiến ở Đông Berlin, góp phần đội giá chính trị phạm, sau đổ tường lập ngay văn phòng luật sư với thân chủ đầu tiên là trùm Stasi (công an mật), Erich Mielke, đã ẵm gọn 17 triệu DM và biến mất cho đến nay vô tăm tích.

Sau khi được ra tù trước thời hạn vì tuổi cao sức yếu, Mielke sống những ngày cuối cùng bằng khoản lương hưu 800 DM trong một căn hộ thuê, hai phòng, 64 m2, ở một tòa nhà lắp ghép tại quận Hohenschönhausen, Đông Berlin, và qua đời trong một nhà dưỡng lão.

Lương hưu của Honecker nhiều hơn chút ít, 852 DM. Tài khoản cá nhân của ông tại Ngân hàng Tiết kiệm Berlin với 200.000 Mark Đông Đức bị đóng băng và xung công quỹ. Tháng Giêng 1993, khi được đình chỉ truy tố vì lý do sức khỏe, cựu Tổng Bí thư SED ra khỏi trại tạm giam điều tra ở Berlin-Moabit với 1409 đồng 54 xu trong túi. Đồng DM của một nước Đức đã thống nhất.

Bài đã đăng trên trang blog các nhân Pro&Contra (www.procontra.asiacủa tác giả, người hiện sống và làm việc tại Berlin, Đức. Tựa đề bài đăng ở đây do BBC đặt.

Bài Liên Quan

Leave a Comment