Giải mã chiến dịch của Mỹ nhằm loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ

Giải mã chiến dịch của Mỹ nhằm loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ

Đại Nghĩa | DKN 

\"\"/
Ảnh chụp màn hình Twitter

Apple, Google và những người ông lớn khác đang chuyển dịch sản xuất để chuẩn bị cho thị trường công nghệ toàn cầu ‘tách rời’ do thương chiến Mỹ Trung.

Thông điệp khẩn

Đó là một buổi sáng mùa hè nóng nực ở Đài Bắc khi một số quan chức của Viện Hoa Kỳ Đài Loan (AIT), thực chất là đại sứ quán Hoa Kỳ, đến thăm lãnh đạo cấp cao của một công ty công nghệ lớn, nhà cung cấp chính cho Apple, Nikkei Asia cho biết.

Không giống như các chuyến thăm xã giao trước đây, lần này họ bỏ qua lời thăm hỏi và đưa ra câu hỏi thẳng thừng ngay sau khi ngồi xuống: “Tại sao ông không chuyển nhiều hơn sản xuất của mình ra ngoài Trung Quốc?” họ hỏi. “Sao các ông không chuyển nhanh hơn?”

Những người tham gia mô tả cuộc trò chuyện là “nghiêm trọng và đáng lo ngại”. 

“Chúng tôi cảm thấy không ổn”, một người nói. “Họ đã hỏi nhiều câu hỏi mà chúng tôi không biết liệu chúng tôi có thể trả lời hay không. Các câu trả lời có thể liên quan đến các chiến lược chưa được báo cáo về bản thân và khách hàng của chúng tôi”.

Nhưng thông điệp rất rõ ràng: Chính phủ Mỹ đang trực tiếp kêu gọi công ty của ông cắt đứt quan hệ với Trung Quốc, ông nói.

\"\"
Ảnh chụp màn hình Twitter

Các quan chức Mỹ cũng đã gặp một số nhà sản xuất chip hàng đầu của Đài Loan – những công ty có sản phẩm được sử dụng bởi Huawei Technologies, nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc mà Washington cáo buộc làm gián điệp cho Bắc Kinh. Tương tự, các cuộc gặp dường như là một nỗ lực nhằm lôi kéo các công ty này về phía Mỹ trong cuộc chiến công nghệ đang leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, nhiều nguồn thạo tin nói với Nikkei Asia.

“Họ ở đây để đảm bảo rằng chúng tôi hiểu rõ ràng về các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và cho chúng tôi biết lập trường của Mỹ về Huawei”, một nguồn tin trong ngành công nghiệp chip cho biết. “Nhưng chúng tôi xem những lời đó như một lời cảnh báo.”

Đối với các giám đốc điều hành ngành công nghiệp điện tử của Đài Loan, các cuộc gặp là một dấu hiệu khác cho thấy cuộc chiến giành vị trí tối cao về công nghệ giữa hai siêu cường trên thế giới leo thang lên một mức độ mới. Cuộc chiến bắt đầu vào năm 2016 với các lệnh trừng phạt ZTE và ngày càng nghiêm trọng hơn khi Washington gia tăng sức ép đối với các công ty Trung Quốc, mà theo họ là đang đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Alex Capri, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Washington đã vũ khí hóa chuỗi cung ứng công nghệ trong chất bán dẫn, để làm chậm lại tham vọng công nghệ của Trung Quốc”. Ông nói, Mỹ đang hướng tới mục tiêu “đàn áp mô hình chủ nghĩa kỹ trị chuyên chế của Bắc Kinh”.

Các giám đốc điều hành Đài Loan hiểu thông điệp mang tính khẩn cấp này: Di chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, giảm quan hệ với các khách hàng Trung Quốc như Huawei và sát cánh với Mỹ, hoặc đối mặt với tình huống xấu nhất có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của Washington.

Buộc phải lựa chọn

Ý tưởng gỡ bỏ chuỗi cung ứng công nghệ phức tạp đã phát triển ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua là điều không tưởng chỉ hai năm trước đây. Nhưng áp lực từ chính quyền tổng thống Trump đã biến điều này thành hiện thực, với các công ty từ Apple đến Google đã rút lui từ Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia trong 36 tháng qua.

Ngồi trên ranh giới đứt gãy ngăn cách Trung Quốc và Mỹ trong một cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ mới, các công ty của Đài Loan đang bị buộc phải chọn phe, dù không muốn.

“Đây là một thời kỳ rất hỗn luận. Ngành công nghệ trong nhiều thập kỷ chưa bao giờ cần chú tâm đến các biến động chính trị quốc tế như bây giờ”, Tung Tzu-hsien, Chủ tịch Pegatron, nhà cung cấp chính của Apple, gần đây phát biểu tại một diễn đàn về thời đại hậu Covid-19 ở Đài Bắc.

Thực tế là các nhà phát triển chip vẫn dựa vào một số nhà cung cấp công cụ thiết kế và sản xuất chip quan trọng của Mỹ như Applied Materials, Lam Research, KLA, Synopsys và Cadence Design Systems để tạo ra những con chip tiên tiến nhất có thể.

Điều đó đã buộc tất cả các nhà cung cấp chip trên thế giới phải xin giấy phép từ chính phủ Mỹ để bán hàng cho Huawei từ ngày 15/9. Kể từ đó, các công ty cung cấp công nghệ đã rơi vào tình thế gần như không tưởng, phải xoay sở giữa Mỹ và Trung Quốc để tránh hứng chịu cơn thịnh nộ của một trong hai chính phủ.

“Nói chung, các công ty công nghệ đa quốc gia sẽ không muốn chọn phe trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng họ vẫn phải chuẩn bị cho [một] kịch bản tồi tệ hơn có thể xảy ra”, Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng công nghệ cấp cao tại Đài Loan Viện Nghiên cứu Kinh tế, nói với Nikkei.

Tháng trước, chính phủ Mỹ, thông qua AIT, đã công khai lặp lại thông điệp riêng của mình rằng tất cả các nhà cung cấp công nghệ nước ngoài nên rời khỏi Trung Quốc.

Ngày 4/9, Giám đốc AIT Brent Christensen đã tổ chức một diễn đàn về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cùng với các đối tác EU, Canada và Nhật Bản, để công khai ủng hộ việc tách rời khỏi Trung Quốc.

Ông nói: Các công ty quốc tế “ngày càng nhận ra mối nguy hiểm trong việc kết nối tương lai của họ với Trung Quốc” và đã bắt đầu tìm kiếm các trung tâm sản xuất và chế tạo thay thế bên ngoài đại lục.

Ông Christensen đã kêu gọi các quốc gia khác hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng ở những nơi khác. “Những lợi ích và giá trị chung được chia sẻ khiến chúng ta trở thành những đối tác một cách rất tự nhiên, và chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn nếu làm việc cùng nhau”.

Cho đến nay, phản ứng của Trung Quốc vẫn là sự câm lặng, nhưng rất ít giám đốc điều hành công nghệ cho rằng họ có thể tin tưởng vào khả năng nhẫn nhịn của Bắc Kinh. Một nhà cung cấp công nghệ nói với Nikkei rằng họ đã nhận được nhiều yêu cầu gặp gỡ với các quan chức địa phương của Trung Quốc “để uống trà”, và trong các cuộc họp đó, các quan chức sẽ yêu cầu các nhà cung cấp cam đoan không rút lui hoặc cắt giảm việc làm.

\"\"
Tài khoản Twitter Commerce-wealth_DE dẫn một bản tin trong đó Ngoại trưởng Mỹ Pompeo gọi các khoản đầu tư của Huawei vào các nước là “hoạt động săn mồi” (ảnh chụp màn hình Twitter).

Các nhà cung cấp hầu hết đều thận trọng không công khai kế hoạch đa dạng hóa của họ vì sợ chính quyền địa phương Trung Quốc chú ý.

“Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là để bảo vệ bản thân khỏi bị tổn thương trong cuộc chiến giữa hai con voi khổng lồ [Mỹ và Trung Quốc]”, một giám đốc chuỗi cung ứng cho biết, đồng thời nói thêm rằng họ đã cố gắng âm thầm xử lý một số tài sản ở Trung Quốc và lấy tiền ra khỏi đất nước để đầu tư vào Đông Nam Á. 

“Chúng tôi lo lắng tài sản của chúng tôi ở Trung Quốc một ngày nào đó có thể trở thành con tin nếu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục xấu đi”, ông nói thêm.

‘Ra khỏi Trung Quốc’

Đối với ngành công nghệ, nó báo hiệu sự kết thúc của một kỷ nguyên. Trước đây, họ có thể thiết kế các sản phẩm ở phương Tây và sản xuất tại trung tâm công nghiệp ở Trung Quốc, nơi được ngân hàng Bank of America gọi là “Khu vực sinh tồn”, bởi trong suốt ba thập kỷ, khu vực này đã cung cấp sự kết hợp tối ưu giữa các nhân tố chi phí, chất lượng, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. 

Ngành công nghiệp đã bắt đầu một cuộc di cư chưa từng thấy trong hai đến ba thập kỷ. Theo số liệu chính phủ, khoảng 2.000 công ty Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực – bao gồm nhiều nhà cung cấp công nghệ chính – đã cho thấy kế hoạch đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc. 

Nhật Bản đã khởi động một chương trình trợ cấp 220 tỷ yên (2,08 tỷ USD) để khuyến khích các công ty đưa ngành sản xuất về nước và phân bổ thêm 23,5 tỷ yên để tài trợ cho việc chuyển sản xuất sang Đông Nam Á. Tính đến tháng 7 năm nay, gần 90 công ty Nhật Bản đã được chấp thuận trợ cấp, trong khi hơn 1.600 công ty đã nộp đơn xin trợ cấp. Đến lượt mình, Đài Loan đã thực hiện chiến dịch “chuyển sản xuất trở lại Đài Loan” với việc giảm thuế và lãi suất cho vay đặc biệt kể từ cuối năm 2018.

Apple bắt đầu sản xuất hàng loạt AirPods tại Việt Nam từ đầu năm nay và có kế hoạch mang nhiều sản phẩm hơn đến các quốc gia Đông Nam Á, trong khi mới năm ngoái, tất cả các sản phẩm như vậy đều được “made in China”. Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại Cupertino cũng yêu cầu hai nhà lắp ráp iPhone chủ chốt Foxconn và Wistron mở rộng quy mô sản xuất tại Ấn Độ, đồng thời gấp rút đưa một nhà cung cấp quan trọng khác là Pegatron nhanh chóng xây dựng cơ sở tại đây vào mùa hè này.

Samsung Electronics đã đóng cửa các cơ sở lắp ráp điện thoại thông minh cuối cùng ở Trung Quốc vào năm 2019 để chuyển toàn bộ dây chuyền sang Việt Nam và Ấn Độ. Việc sản xuất máy chủ cho các trung tâm dữ liệu của Google, Amazon và Facebook đã chuyển sang Đài Loan trong khi hai năm trước, tất cả các máy chủ như vậy đều được sản xuất tại Trung Quốc.

\"\"
Nhiều hãng công nghệ lớn đã đang chuyển dịch dần sản xuất ra khỏi Trung Quốc (ảnh chụp màn hình Twitter).

“Suy nghĩ của khách hàng đã thay đổi. Căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh buộc họ phải nghĩ đến chiến lược sản xuất của mình, giống như mua bảo hiểm cho chính họ. Trong 2-3 năm tới, bạn sẽ không chỉ thấy những nhà lắp ráp điện tử lớn mà ngày càng có nhiều nhà cung cấp linh kiện chuyển công xuất ra ngoài Trung Quốc để hỗ trợ chuỗi cung ứng mới”, giám đốc điều hành một nhà cung cấp iPhone cho biết.

Sự bùng phát bất ngờ của COVID-19 càng thúc đẩy các nhà cung cấp công nghệ đa dạng hóa rủi ro khi dồn tất cả nguồn lực của họ vào một khu vực duy nhất. Trong khi đó, lo ngại về vấn nạn gián điệp nước ngoài gia tăng đã củng cố thái độ cứng rắn chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc.

Một người quản lý tại Alpha Networks có trụ sở tại Đài Loan, nhà cung cấp thiết bị định tuyến, bộ chuyển mạch và thiết bị mạng, nói với Nikkei: “Kể từ năm ngoái, khi chúng tôi ngồi lại với khách hàng Hoa Kỳ, câu hỏi đầu tiên của họ là: Bạn có cung cấp linh kiện sản xuất ‘ngoài Trung Quốc không ‘, đặc biệt là đối với những sản phẩm sẽ dùng trong mạng di động không dây? “

Ông nói thêm rằng, kết quả là Alpha Networks đã bắt đầu giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt sản xuất. “Những khách hàng người Mỹ này hiện cho rằng sẽ không an toàn nếu những sản phẩm này được sản xuất tại Trung Quốc”.

Đối với các công ty như Acter Group, công ty xây dựng cơ sở vật chất cho Google và các nhà cung cấp chính của Apple như Pegatron, Wistron và nhiều công ty khác, việc mở rộng chuỗi cung ứng công nghệ ra Đông Nam Á đã trở thành một chất xúc tác tăng trưởng quan trọng. Lai Ming-kun, Tổng giám đốc Acter, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy các dự án tương lai của chúng tôi từ các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đang tăng lên rất nhiều”.

Angie Tsao, giám đốc kiêm người phát ngôn của Acter nói với Nikkei Asia: “Năm ngoái, chúng tôi vừa nghe nhiều thông tin rằng một số công ty đang cố gắng đa dạng hóa sản xuất khỏi ​​Trung Quốc. “Nhưng năm nay, tất cả những tin tức này đã trở thành hiện thực. … Những nhà cung cấp công nghệ này thực sự bắt đầu xây dựng hoặc mở rộng các cơ sở mới và chúng tôi cũng đã phân bổ một số nhân viên Trung Quốc để giúp các doanh nghiệp đang phát triển của chúng tôi ở đó”.

Xu hướng không thể thay đổi

Tuy nhiên, ngay cả trước chiến tranh thương mại, một số nhà cung cấp đã tìm cách chuyển một số hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á trong bối cảnh chi phí gia tăng và tình trạng thiếu lao động ở Trung Quốc. Trong bốn đến năm năm qua, các nhà sản xuất ngày càng khó thu hút đủ công nhân trong dây chuyền sản xuất vào mùa cao điểm. Thiếu công nhân, giá đất và tiền lương tăng cao đã trở thành vấn đề đau đầu chung của các nhà cung cấp trong những năm gần đây, và đã thúc đẩy các công ty tìm kiếm các giải pháp thay thế bên ngoài Trung Quốc.

Sean Kao, nhà phân tích của IDC, cho biết nhiều công ty đã phải chịu chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc trong vài năm và bắt đầu đánh giá một số kế hoạch đa dạng hóa, nhưng không ai trong số họ thực hiện các kế hoạch này cho đến khi chiến tranh thương mại bắt đầu.

Anh Kao nói: 

“Tuy nhiên, không có quốc gia nào có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc. Nhưng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và sau đó là COVID-19, đã kích hoạt làn sóng thúc đẩy tất cả các nhà cung cấp này và khách hàng của họ quyết tâm chuyển ít nhất một số hoạt động sản xuất của họ sang nước khác và bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân … Đây là làn sóng mới, không thể thay đổi được”.

Một chuỗi cung ứng mới đang xuất hiện ở Đông Nam Á và Ấn Độ, chưa đầy 1.000 ngày sau khi làn sóng thuế quan trừng phạt đầu tiên đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc được thực hiện vào năm 2018 khi căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh leo thang.

Các ngành công nghiệp trong các lĩnh vực và các nhà theo dõi thị trường đang chăm chú quan sát cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, nhưng không nhiều người trong số họ tin rằng sự cạnh tranh và căng thẳng địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh sẽ giảm xuống, bất kể ai trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo.

Bài Liên Quan

Leave a Comment