Iran và Trung Quốc – Một liên minh chống Mỹ ?
Sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Trung Đông ngày càng mạnh mẽ. Trung Đông cũng trở nên quan trọng hơn đối với Bắc Kinh trong những năm gần đây, không chỉ vì nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, mà còn vì tầm quan trọng của khu vực này trong “Con Đường Tơ Lụa Mới” (Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường).
Chuyên gia Didier Chaudet trên trang Asialyst ngày 01/10/2020 nhận định Bắc Kinh vẫn chưa đủ khả năng quân sự để nuôi dưỡng ảnh hưởng ở Trung Đông, nhưng Trung Quốc lại có một sức mạnh kinh tế đáng kể và một chính sách đối ngoại thực dụng, từ chối lập liên minh để tránh bị lôi kéo vào những xung đột không có lợi cho mình. Trung Quốc ưa thích « quan hệ đối tác chiến lược » được xếp theo các mức độ khác nhau, từ quan hệ « đối tác hợp tác hữu nghị » (tăng cường hợp tác song phương trên một số chủ đề, chẳng hạn như thương mại) đến cao nhất là « đối tác chiến lược toàn diện » (hợp tác toàn diện về các vấn đề khu vực và quốc tế). Tại Trung Đông, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được dành cho các quốc gia quan trọng nhất đối với các mục tiêu của Trung Quốc, trong đó phải kể đến Iran.
Những tiết lộ mới đây cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của Teheran đối với Tập Cận Bình : hồi tháng 07, báo Mỹ New York Times tiết lộ rằng Bắc Kinh đang đàm phán với Teheran một kế hoạch 25 năm để có được nguồn cung ứng dầu mỏ ở mức giá thấp, nhưng trên hết là khoản đầu tư 400 tỷ đô la của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Iran (đặc biệt là giao thông), viễn thông và an ninh mạng. Thỏa thuận cũng nói đến khả năng hợp tác quân sự, thông qua phát triển vũ khí cũng như trao đổi thông tin để chống khủng bố, các nhóm ly khai và buôn bán ma túy.
Mỹ có cần lo ngại về quan hệ Iran – Trung Quốc ?
Thông báo về kế hoạch trên đã khiến chính quyền Trump lo ngại. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố việc Trung Quốc và Iran xích lại gần nhau sẽ « gây mất ổn định » ở Trung Đông, đẩy Israel, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất vào vòng nguy hiểm. Washington hiểu rằng sự xích lại gần nhau giữa đối thủ chính của Mỹ trên trường quốc tế và ở Trung Đông ít nhất sẽ khiến chính sách gây áp lực tối đa đối với Iran trở nên khó khăn hơn nhiều.
Dường như nỗi lo của Washington là hơi quá ! Một mặt, một thỏa thuận như vậy sẽ phải được Quốc Hội Iran chấp nhận, nhưng cuộc tranh luận nội bộ ở Iran cho thấy việc phê chuẩn sẽ không đơn giản chút nào. Mặt khác, ở Trung Đông, Trung Quốc cũng với quan hệ tốt với những kẻ thù không đội trời chung của Iran như Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Israel.
Còn về phía Trung Quốc, chuyên gia Didier Chaudet cho rằng Bắc Kinh tăng cường các mối quan hệ song phương không nhằm tạo liên minh chống Tây phương. Bằng chứng là vào mùa hè vừa qua, Bắc Kinh giúp Riyad phát triển khả năng hạt nhân. Ả Rập Xê Út luôn bị ám ảnh bởi mối nguy hiểm đến từ Iran. Nếu Riyad muốn trang bị hạt nhân, thì chỉ là để cạnh tranh với Teheran. Cho đến nay, Tập Cận Bình cũng không có biểu hiện gì là sẵn sàng đối đầu trực diện với Washington để bảo vệ Teheran.
Một mối quan hệ tương đối và được mong chờ ?
Trước hết, thỏa thuận Iran – Trung Quốc là phản ứng của Iran đối với việc chính quyền Donald Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân được xây dựng thời Obama. Thông điệp của Teheran rất rõ ràng : nếu thiếu người đối thoại hợp lý ở phương Tây, Iran có thể tiếp cận với các nước mạnh khác. Thực ra, ý tưởng về một thỏa thuận hợp tác giữa Teheran và Bắc Kinh đã có từ năm 2016, trong chuyến thăm Teheran của Tập Cận Bình sau khi có thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Đến năm 2019, ngoại trưởng Iran Javad Zarif tới Bắc Kinh để trình bày bức sơ thảo thỏa thuận. Các con số đưa ra có thể là đã được phóng đại, nhưng cho thấy là về lâu dài Trung Quốc muốn phát triển cơ sở hạ tầng của Iran để quốc gia này gia nhập hoàn toàn vào Con Đường Tơ Lụa Mới. Và có thể Iran là một phần của giải pháp giúp Trung Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào eo biển Malacca trong việc vận chuyển nhiên liệu.
Nhưng cho đến nay Bắc Kinh và Teheran mới cụ thể hóa ý tưởng có từ năm 2016, điều này cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng phản đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran và quan hệ này không được xây dựng để chống lại nguyên trạng trong khu vực. Chuyên gia Didier Chaudet nhấn mạnh đương nhiên là mối quan hệ Trung Quốc – Iran là quan trọng, nhưng đánh giá quá cao quan hệ này, hay nói về một liên minh, là hiểu sai về tình hình Trung Đông và chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Thỏa thuận Israel – Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là hành động của Mỹ nhằm chống lại Iran và Trung Quốc ?
Hiệp ước hòa bình giữa Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất và Israel, sau đó là với Bahrain, tạo thành các thỏa thuận Abraham, được giới thiệu là để nhắm vào lợi ích của Iran và Trung Quốc. Chính quyền Teheran hiểu rõ Iran thực sự là một trong những đối tượng mà mối quan hệ hợp tác giữa Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất nhắm vào. Một vị tướng Iran không ngần ngại phát biểu là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất sẽ phải chịu trách nhiệm nếu các lợi ích quốc gia của Iran bị tấn công ở Vịnh Ba Tư. Iran lo ngại về khả năng gián điệp và phá hoại của Mossad. Đối mặt với sự hợp tác giữa Israel và các nước Ả Rập có sự hậu thuẫn của Mỹ, Iran có thể cảm thấy đang bị bao vây và sẽ khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Người ta có thể nghĩ rằng những khó khăn của Teheran không ảnh hưởng đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, Iran là một đối tác quan trọng đối với Trung Quốc, cho nên nếu Teheran bị đe dọa hoặc suy yếu khiến bạo lực ở Trung Đông bùng nổ, hoặc về lâu dài Teheran phải khuất phục trước các lực lượng thân Mỹ thì điều đó lại không tốt cho các lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.
Bắc Kinh cũng có thể nghĩ rằng thỏa thuận Abraham có thể nhắm vào chính Trung Quốc. Mặc dù nhấn mạnh sự hài lòng của Trung Quốc trước những nỗ lực giảm căng thẳng ở Trung Đông, nhưng Bắc Kinh cũng nhắc lại là ủng hộ quyền tự quyết của người Palestine và mong muốn đóng một vai trò xây dựng trong việc xây dựng một Nhà nước cho người Palestine. Bằng cách này, Bắc Kinh gián tiếp nhắc lại vấn đề Israel và Palestine có vai trò mấu chốt mà nếu không giải quyết được thì hòa bình chỉ là một ảo tưởng. Trung Quốc không tin là thỏa thuận hòa bình đó (thỏa thuận Abraham) có thể mang lại sự ổn định cần thiết cho « Con Đường Tơ Lụa Mới », tức là gián tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.
Về phía Mỹ, mặc dù thỏa thuận Abraham không có các điều khoản « chống Trung Quốc », nhưng vào ngày thỏa thuận Israel-Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất được công bố, Washington cho biết gần đạt được một thỏa thuận khác với Israel, nhằm loại Trung Quốc ra khỏi sự phát triển mạng 5G ở Israel. Trong những tháng gần đây, Mỹ cũng công khai thúc giục các nước vùng Vịnh lựa chọn hoặc Bắc Kinh hoặc Washington.
Ngoài ra, thỏa thuận hòa bình được công bố còn gắn với một dự án liên minh giữa Mỹ, Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tập trung vào an ninh hàng hải. Được cho là để chống lại Iran, liên minh này sẽ bảo vệ tự do lưu thông hàng hải ở eo biển Hormuz (vốn giữ vai trò thiết yếu đối với thương mại quốc tế về chất đốt) và eo biển Bab-el-Mandeb, nối kênh đào Suez và Ấn Độ Dương. Gần đây, có một tin đồn dai dẳng về một căn cứ cho tình báo Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất trên đảo Socotra để theo dõi các hoạt động của Trung Quốc, Pakistan và Iran ở eo biển Bab-el-Mandeb.
Hai eo biển Hormuz và Bab-el-Mandeb nối với eo biển Malacca nổi tiếng, rất quan trọng cho kinh tế và các dự án địa chính trị của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh có khả năng hành động ở eo biển Malacca, điều này có thể gây hại cho Trung Quốc. Với thỏa thuận này, Washington khẳng định sự thống trị của hải quân đối với các khu vực thiết yếu cho thương mại hàng hải của Trung Quốc.
Một thỏa thuận hòa bình vừa tích cực vừa tiêu cực cho lợi ích của Trung Quốc ?
Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất muốn tránh căng thẳng gia tăng với Teheran. Dubai vốn dĩ ủng hộ dự án Những Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc và là thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á do Bắc Kinh khởi xướng. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất có hơn 200.000 người Trung Quốc sinh sống, là nơi đặt trụ sở của 4.000 doanh nghiệp Trung Quốc và Dubai được ví như một Hồng Kông khác.
Về phía Israel, nếu phải lựa chọn giữa đồng minh lâu đời Mỹ và đối tác kinh tế Trung Quốc, Israel sẽ dễ dàng quyết định. Nhưng trước mắt, nước này không cho rằng Trung Quốc là một mối đe dọa. Israel không cần tiền của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng các công ty Trung Quốc lại có sức hấp dẫn đối với các chủ dự án cơ sở hạ tầng ở Israel. Trung Quốc là một nhà đầu tư lớn, nhất là về công nghệ nên vẫn là một đối tác kinh tế quan trọng, do đó, Israel sẽ chọn cách thực dụng : nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ khi cần thiết, nếu không thì lại tiếp tục hưởng lợi từ các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao có lợi với Trung Quốc. Vì vậy, thỏa thuận giữa Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất không hẳn là một điều tồi tệ đối với Trung Quốc : cho đến nay cả hai nước dường như vẫn coi mối quan hệ với Trung Quốc là một nguồn cơ hội.
Tuy nhiên, vẫn có 2 điểm có thể gây ra lo ngại đối với Bắc Kinh. Một mặt, Teheran là một phần quan trọng trong cuộc chơi của Trung Quốc ở Trung Đông nhưng vẫn là một trong những lý do chính dẫn đến các thỏa thuận Abraham. Mặt khác, việc Mỹ phản đối sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Đông là rõ ràng và có thể thúc đẩy các cuộc chiến tranh lạnh có hại cho Trung Đông, ngăn cản sự ổn định của khu vực này. Cũng chính vì điều này mà nhiều nước muốn được đặt dưới sự bảo vệ của Mỹ.
Trung Quốc đang tự khẳng định là yếu tố không thể thiếu ở Trung Đông. Bắc Kinh có thể hiện diện nhiều hơn mà không khuấy động căng thẳng trong vùng. Mong muốn hợp tác với tất cả các nước, từ Israel đến Iran qua bán đảo Ả Rập, từ chối các liên minh độc quyền, lại có khả năng kinh tế, Trung Quốc trở thành đối tác có giá trị của các quốc gia trong khu vực, thậm chí các nước Trung Đông đều muốn có sự hiện diện của Trung Quốc. Nhưng mong muốn đầu tư mạnh của Trung Quốc vào khu vực này lại bị cản trở bởi thái độ duy trì « chiến tranh lạnh » giữa các đối tác chính trong khu vực, như căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út với Iran, giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Ả Rập Xê Út, và giữa Iran và Israel … Sự phụ thuộc của một số nước vào Hoa Kỳ chỉ có thể thúc đẩy cái gọi là cuộc « chiến tranh lạnh » lần thứ hai trở thành tâm điểm mối quan hệ giữa các quốc gia trong vùng.
Iran là một quốc gia hoàn toàn độc lập với Hoa Kỳ và là mục tiêu của cả Washington và các lực lượng thân Mỹ trong khu vực. Do vậy, ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực tùy thuộc vào tương lai của Iran. Nếu cuộc « chiến tranh lạnh » ở Trung Đông chống Iran ngày càng bớt căng thẳng, thì đương nhiên các cơ hội của Trung Quốc sẽ bị giảm đi. Chính vì thế, sự ổn định của Teheran và sự gia tăng sức mạnh của Bắc Kinh tại Trung Đông sẽ gắn bó với nhau trong những năm tới.
Theo RFI