Triển vọng mối quan hệ Việt – Ấn trong bối cảnh chính sách Hướng Đông của Ấn Độ
Hình minh hoạ. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi, Ấn Độ hôm 24/1/2018 Reuters
ASEAN-Ấn Độ
Tháng 6-2019, ASEAN đưa ra “Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, thúc đẩy sự hợp tác giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ấn Độ hưởng ứng tích cực chủ trương này, công khai thừa nhận địa vị trung tâm của Đông Nam Á ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hoan nghênh ASEAN đưa ra quan niệm chiến lược của mình ở khu vực này.
Ở cấp độ khu vực, Ấn Độ đã nâng cấp toàn diện quan hệ với ASEAN. Đó là việc tăng cường lòng tin chính trị, cộng với sự phụ thuộc chiến lược ngày càng sâu sắc hơn. Dự kiến trong 5 năm tới, Ấn Độ sẽ xây dựng kênh tài chính đặc biệt và mạng lưới thông tin nhanh chóng, mời các nước ASEAN tham gia vào quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế của Ấn Độ.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 ngày 3/11/2019 tại Bangkok, Thái Lan, các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh Ấn Độ triển khai Chính sách Hành động hướng Đông, tích cực ủng hộ vai trò trung tâm cũng như nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng cộng đồng của ASEAN.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ với ASEAN và nhấn mạnh ASEAN nằm ở trung tâm Chính sách Hành động hướng Đông và Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ, tích cực ủng hộ quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Quan hệ thương mại và đầu tư cũng được tăng cường. Tháng 1-2015, Hiệp định Thương mại tự do dịch vụ và đầu tư Ấn Độ – ASEAN chính thức có hiệu lực, thúc đẩy hiệu quả sự dịch chuyển tự do của nguồn nhân lực và dòng vốn, bù đắp cho những thiếu sót của hiệp định thương mại hàng hóa giữa hai bên.
Quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Ấn Độ đang tiến triển rất tích cực những năm qua với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2018 đạt 80,8 tỷ USD và FDI từ Ấn Độ sang các nước ASEAN đạt 1,7 tỷ USD. Ấn Độ và ASEAN lập kế hoạch kim ngạch thương mại song phương năm 2022 sẽ đạt 200 tỷ USD.
Xem xét từ quan hệ song phương, từ khi đưa ra chính sách hướng Đông năm 1991 đến nay, quan hệ Ấn Độ – ASEAN đã gặt hái được thành quả mang tính giai đoạn, tạo ra nền tảng vững chắc cho hai bên đi sâu hợp tác kể từ năm 2014 đến nay.
Hình minh hoạ. Thượng đỉnh Ấn Độ – ASEAN ở Lào hôm 8/9/2016 Reuters
Thứ nhất, ở cấp độ chính trị, lòng tin chiến lược giữa Ấn Độ và ASEAN không ngừng được tăng cường.
Thứ hai, hợp tác kinh tế tiểu vùng và khu vực được tăng cường toàn diện, nền tảng kinh tế để tăng cường hợp tác giữa hai bên đã được thiết lập vững chắc. Và cuối cùng, từ khi Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường” với những ảnh hưởng kinh tế, chính trị không ngừng được thúc đẩy, cơ hội của Ấn Độ đối với Đông Nam Á trở nên tích cực hơn rất nhiều, là cơ sở cho sự hợp tác giữa hai bên.
Quan hệ Việt Nam – Ấn Độ trước mối đe doạ Trung Quốc
Ngày 21/8, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã gặp Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla và thông báo tóm tắt cho ông Shringla tình hình liên quan đến sự quyết đoán gia tăng và phô trương vũ lực của Trung Quốc ở Biển Đông. Vài ngày sau, Ấn Độ và Việt Nam đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế và quốc phòng hơn nữa trong một cuộc họp trực tuyến của Ủy ban hỗn hợp Ấn Độ-Việt Nam về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học và công nghệ, được đồng chủ trì bởi Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh. Bằng cách phát triển đáng kể hợp tác với Việt Nam, Ấn Độ có thể sẽ thu hút được các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á để phát triển quan hệ đối tác trong bối cảnh chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.
Quan hệ Việt Nam- Ấn Độ là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất mà Ấn Độ có được ở khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ giữa hai bên từ Đối tác chiến lược năm 2007 lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Điều này có nghĩa rằng, cả hai quốc gia đã đầu tư nhiều hơn vào việc thúc đẩy quan hệ song phương của họ trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cả hai quốc gia đều cảnh giác trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và đã xây dựng mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn xung quanh vấn đề đó. Thực tế, Việt Nam đã rất nhiều lần hoan nghênh sự can dự của Ấn Độ tại Biển Đông. Hà Nội đã gia hạn cho công ty dầu lửa ONGC Videsh Ltd (OVL) của Ấn Độ tiếp tục thăm dò Lô dầu khí 128, là khu vực tranh chấp trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hơn nữa, vào năm 2019 OVL đã tìm cách gia hạn thêm hai năm để thăm dò lô dầu khí của Việt Nam. Cần phải thấy rằng, lô dầu khí này không có lợi ích kinh tế đáng kể với Ấn Độ, tuy nhiên, việc gia hạn diễn ra trong bối cảnh New Delhi muốn duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ trước các động thái quyết đoán của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp. Hơn nữa, Hải quân Ấn Độ cũng được phép sử dụng cảng Nha Trang, phía Nam của Việt Nam, để sử dụng các dịch vụ nghỉ ngơi và hồi phục (R&R), ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng.
Hợp tác quốc phòng được coi là khía cạnh cực kỳ quan trọng trong mối quan hệ song phương. Ấn Độ đã thể hiện sự sẵn sàng tăng cường khả năng quân sự của Việt Nam. Năm 2014, New Delhi thông báo mở rộng hạn mức tín dụng (LOC) trị giá 100 triệu USD cho Việt Nam để đóng 12 tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam và chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao trong năm 2020.
Năm 2016, Ấn Độ đã công bố thêm LOC trị giá 500 triệu USD cho Việt Nam để hỗ trợ mua các thiết bị quân sự từ Ấn Độ. Một lĩnh vực hợp tác chiến lược khác là khả năng của Ấn Độ cung cấp đào tạo và bảo dưỡng các thiết bị quân sự, đặc biệt khi Ấn Độ đã phát triển một trình độ cao trong việc xử lý các thiết bị quân sự của Nga. Phạm vi đối tác chiến lược này dự kiến sẽ phát triển khi mà các thương vụ quốc phòng của Nga dự kiến sẽ gia tăng ở Đông Nam Á.
Các thách thức trong quan hệ hai bên
Tuy nhiên, bất chấp những bước phát triển này, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ vẫn thiếu động lực do không đạt được kết quả đáng kể nào liên quan đến các vụ mua bán tên lửa hành trình BrahMos và tên lửa đất đối không Akash. Hơn nữa, việc Ấn Độ miễn cưỡng tối đa hóa sự hợp tác chiến lược với Việt Nam dường như đi ngược lại với chính sách “xoa dịu” của New Delhi với Bắc Kinh. Tuy nhiên, các xu hướng gần đây cho thấy Ấn Độ sẵn sàng điều chỉnh định hướng chính sách đó do sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc dọc theo biên giới với Ấn Độ cũng như khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn hơn. Các bước đi được tính toán đã được thực hiện theo hướng đi này với việc Ấn Độ thể hiện sự sẵn sàng để đóng một vai trò tích cực hơn tại Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava phát biểu trong một cuộc họp báo hàng tuần rằng, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và thương mại hợp pháp trên các tuyến đường biển quốc tế. Ông Srivastava nói: “Biển Đông là một bộ phận của chung toàn cầu. Ấn Độ có lợi ích lâu dài với hòa bình và ổn định ở khu vực. Chúng tôi kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở ở những tuyến đường biển quốc tế này, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS)”.
Những triển vọng cho quan hệ Việt – Ấn
Đó chính là lợi ích tốt nhất của Ấn Độ khi thiết lập các quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, những mối quan hệ này hầu như chỉ bó hẹp trong phạm vi khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); do đó, mức độ hợp tác song phương chiến lược vẫn còn thấp. Hơn nữa, bằng cách tăng cường mức độ quan hệ với Việt Nam, Ấn Độ có thể kết hợp khuôn mẫu tương tự trong việc hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á khác như là Philippines, cũng là một quốc gia có yêu sách chính trong tranh chấp ở Biển Đông. Mục tiêu chính của Ấn Độ là duy trì mối quan hệ với Hà Nội và sử dụng nó như một hình mẫu cho các quốc gia khác trong khu vực để thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ hơn. Ấn Độ có thể hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á bằng cách sử dụng các nhân tố tương tự tạo nên mối quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam, như là mở rộng LOC cho việc mua sắm quốc phòng cũng như đào tạo và bảo dưỡng các thiết bị quốc phòng. Các dấu hiệu tích cực có thể nhận thấy giữa Ấn Độ và Philippines, khi cả hai quốc gia đang tăng cường mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn trong bối cảnh sự cưỡng ép gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tương tự, Ấn Độ và Indonesia gần đây đã nhất trí mở rộng mối quan hệ chiến lược giữa hai bên trong các lĩnh vực quốc phòng và công nghệ.
Tuy nhiên, con đường phía trước có hai hướng đi: Thứ nhất, Ấn Độ phải thể hiện cam kết lớn hơn trong khu vực nếu như nước này tìm cách tăng cường vị thế chiến lược của mình ở đó. Bằng cách thể hiện mong muốn và sự sẵn sàng quan tâm đến các vấn đề an ninh mà các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt, Ấn Độ có thể thể hiện các ý định tích cực của mình. Thứ hai, Ấn Độ phải điều chỉnh đáng kể chính sách xoa dịu của mình với Trung Quốc. Lịch sử đã chỉ ra rằng, sự xoa dịu liên tục hầu như luôn dẫn đến việc phương hại các lợi ích an ninh và quốc gia của Ấn Độ. Với tư cách là một cường quốc ở châu Á, Ấn Độ sẽ phải đưa ra các quyết định phản ánh các lợi ích an ninh và quốc gia đang phát triển của mình.
Ngày 14/8/2020, trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma đã nhận định “Ấn Độ và Việt Nam có truyền thống gắn bó với nhau trong các diễn đàn đa phương. Việt Nam đã là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ấn Độ cũng sẽ tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách là thành viên không thường trực vào tháng 1/2021. Sự hiện diện đồng thời của chúng ta trong Hội đồng Bảo an tạo cơ sở mới để hai quốc gia chúng ta hợp tác cùng nhau trong nhiều vấn đề toàn cầu. Nếu nhìn vào thế giới quan của hai nước, cách tiếp cận tổng thể của chúng ta đối với quan hệ quốc tế thì đều có một số điểm chung. Việt Nam và Ấn Độ có quan điểm tương đồng về hầu hết các vấn đề khu vực và quốc tế. Cả hai nước đều ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Ngoài ra, cả Ấn Độ và Việt Nam đều mang lại tiếng nói ôn hòa, hòa nhập và bình đẳng trong diễn ngôn toàn cầu, điều quan trọng đối với ứng xử quốc tế trong thế giới ngày nay. Cả hai quốc gia đều đề cao tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên quy tắc. Cả hai quốc gia chúng ta ngày nay đang đóng góp vào hòa bình và phát triển khu vực và toàn cầu thông qua hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hành động và cam kết nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và đối phó với Biến đổi khí hậu”.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do