Mỹ điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ, vì sao?
Oct 6, 2020 cập nhật lần cuối Oct 7, 2020
Hiếu Chân
Chính phủ Hoa Kỳ hôm Thứ Sáu tuần trước mở cuộc điều tra cung cách thương mại của Việt Nam – một bước đi có thể dẫn tới việc tăng thuế suất nhập cảng lên hàng hóa Việt Nam giống như đang làm với hàng hóa Trung Quốc. Sự kiện này bắt nguồn từ đâu, sẽ đi đến đâu, và tại sao lại xảy ra vào lúc này?
Báo The New York Times dẫn lời Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Mỹ (USTR) nói sẽ xem xét hai vấn đề: Việc Việt Nam nhập cảng và chế biến gỗ súc mà cơ quan này cho rằng được thu hoạch và buôn bán bất hợp pháp; và việc Việt Nam bị cho là định giá thấp đồng bạc để giá hàng hóa xuất cảng được rẻ đi một cách không công bằng – hành vi được coi là thao túng tỷ giá bất hợp pháp.
Theo báo Wall Street Journal, điều tra việc nhập cảng, chế biến và gỗ của Việt Nam chỉ là chuyện nhỏ, “quy mô giới hạn” (limit in scope) vì xuất cảng đồ gỗ của Việt Nam chỉ bằng một phần nhỏ so với hàng dệt may và công nghệ. Nhưng thao túng tỷ giá là chuyện lớn, là một biện pháp chính sách mà các nước có nền kinh tế “phi thị trường” như Trung Quốc áp dụng để hạ giá thành sản phẩm xuất cảng, chiếm lợi thế trên thị trường quốc tế đồng thời làm cho giá hàng nhập cảng trở nên đắt đỏ, hạn chế tiêu dùng hàng ngoại và gián tiếp hỗ trợ sản xuất trong nước. Ấn định tỷ giá đồng tiền thấp để đẩy mạnh xuất cảng, hạn chế nhập cảng là cách để đạt được thặng dư trong thương mại quốc tế, tăng tài sản trong quỹ dự trữ ngoại hối của quốc gia. Trung Quốc đã làm như vậy trong mấy chục năm nay và Việt Nam cũng học đúng bài học như vậy.
“Tổng Thống Donald Trump cam kết chắc chắn chống lại cung cách thương mại không công bằng, gây thiệt hại cho người lao động, doanh nghiệp, nông dân và người chăn nuôi của Mỹ. Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận kết quả cuộc điều tra và quyết định có những hành động thích hợp,” ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, tương đương bộ trưởng, cho biết.
Cuộc điều tra được thực hiện theo Khoản 301 Luật Thương Mại 1974 – cùng điều luật mà Mỹ đã áp dụng để khởi động cuộc thương chiến chống Trung Quốc năm 2018. Nếu phát hiện hành vi không công bằng, Mỹ sẽ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam như đang làm với Trung Quốc cho dù việc đó khó xảy ra trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng Thống Trump.
Từ thao túng tiền tệ đến thặng dư thương mại
Số liệu của Mỹ cho biết, thặng dư của Việt Nam trong buôn bán với Mỹ tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo dữ liệu của Bộ Tài Chánh, khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là $38.3 tỷ, tăng lên $39.4 tỷ năm 2018, $55.7 tỷ năm 2019. Trong nửa đầu năm nay 2020 mặc dù đại dịch COVID-19 làm ngưng trệ các hoạt động thương mại toàn cầu, xuất cảng hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng và Việt Nam đạt thặng dư với Mỹ hơn $34.8 tỷ, hứa hẹn số thặng dư năm nay sẽ còn cao hơn năm ngoái.
Chính phủ của Tổng Thống Trump đặc biệt ác cảm với tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài của Mỹ với một số đối tác Châu Á và luôn đòi hỏi các đối tác này phải tăng mua hàng của Mỹ. Tháng Sáu năm ngoái, khi cuộc thương chiến Mỹ-Trung lên cao, ông Trump bất ngờ đưa ra nhận định Việt Nam “còn tệ hơn” Trung Quốc trong việc buôn bán với Mỹ, cùng lúc ông quyết định tăng thuế lên mặt hàng thép nhập cảng từ Việt Nam.
Người Mỹ nghi ngờ Việt Nam thao túng tiền tệ để giành lợi thế xuất cảng như vậy. Cuối năm ngoái, Bộ Tài Chánh Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “coi chừng” (watch list) về thao túng tiền tệ, cùng với Trung Quốc, Đức, Ireland, Ý, Nhật, Malaysia, Singapore, và Nam Hàn nhưng chưa quyết định điều tra. Tháng Tám vừa qua, Bộ Tài Chánh mới chính thức công bố Việt Nam thao túng tiền tệ sau cuộc điều tra của Bộ Thương Mại về mặt hàng vỏ xe hơi Việt Nam nhập cảng vào Mỹ. Bộ Tài Chánh cũng cho biết, trong năm 2019 Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam mua vào $22 tỷ bổ sung cho quỹ dự trữ quốc gia, từ đó làm tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ bị giảm 4.7%. Cũng theo bộ này, từ năm 2015 đến nay, tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ bị giảm 6.2%.
Cả Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam và Bộ Công Thương Việt Nam đều phủ nhận cáo buộc thao túng tiền tệ của phía Mỹ. Ông Lê Minh Hưng, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, nói với báo chí: “Ngân Hàng Nhà Nước chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế.”
Tuy vậy, ông Hưng không tiết lộ một chính sách xưa nay của Việt Nam – có lẽ học từ Trung Quốc – là tỷ giá đồng bạc không bao giờ được tự do lên xuống theo mãi lực của thị trường mà bị Ngân Hàng Nhà Nước khống chế. Trước đây, các đồng tiền như đồng Việt Nam, nhân dân tệ Trung Quốc đều được “neo” vào đồng đô la Mỹ theo một tỷ giá cố định do nhà nước ấn định sao cho có lợi cho chính sách thương mại của họ, bất chấp biến động của thị trường. Sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm 2001, gặp phản ứng dữ dội của các đối tác thương mại, năm 2005 Bắc Kinh đã thay thế biện pháp “neo” tỷ giá bằng biện pháp ấn định “biên độ” tỷ giá, mỗi buổi sáng ngân hàng nhà nước đưa ra một tỷ giá chuẩn và thị trường được mua bán đồng tiền tăng hoặc giảm so với tỷ giá chuẩn trong một khung hẹp, lúc đầu là +/- 0.3%, tăng dần lên +/- 2% từ Tháng Ba, 2014 đến năm 2017. Việt Nam cũng làm y như vậy với “biên độ” hiện nay là +/- 3% so với tỷ giá chuẩn mà Ngân Hàng Nhà Nước đưa ra mỗi buổi sáng. Theo Bộ Tài Chánh Mỹ, năm 2019 tỷ giá chuẩn bình quân mà Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam áp dụng là 23,224 đồng ăn $1, sang năm nay tỷ giá này là 24,314 đồng ăn $1, như vậy Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã giảm giá tiền đồng khoảng 3.5% đến 4.8%.XEM THÊM
Việt Nam có thể phản bác nhưng sau cáo buộc thao túng tỷ giá, có thể chính phủ Mỹ sẽ có biện pháp tăng thuế lên hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam. Những mặt hàng nào sẽ bị tăng thuế, mức tăng là bao nhiêu phần trăm sẽ được quyết định sau và điều đó tất nhiên sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam nói chung, vốn đang chật vật tìm cách hồi phục sau đại dịch COVID-19.
Có nên trừng phạt kinh tế Việt Nam?
Biện pháp tăng thuế nhập cảng hàng hóa Trung Quốc của chính phủ Trump gây khó khăn không nhỏ cho kinh tế Trung Quốc. Một số doanh nghiệp Trung Quốc chơi trò “hồn Trương Ba da hàng thịt,” đưa hàng hóa sang Việt Nam và một số nước khác, đóng gói lại bao bì trước khi xuất sang Mỹ để tránh thuế. (Đây cũng là một yếu tố làm cho xuất cảng của Việt Nam vào Mỹ tăng vọt, ví dụ hàng điện tử xuất cảng từ Việt Nam vào Mỹ tăng tới 76% trong 11 tháng đầu năm 2019). Sự kiện Bộ Thương Mại Mỹ phát hiện và tăng thuế lên sắt thép từ Việt Nam (thực chất là sắt thép Trung Quốc) hồi giữa năm ngoái buộc Hà Nội phải siết chặt việc kiểm soát và cấp phát chứng nhận xuất xứ hàng hóa, ngăn ngừa tình trạng hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam để hưởng lợi.
Nhưng thực tế có nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyển sản xuất sang nước khác một phần để tránh cuộc thương chiến Mỹ-Trung, một phần do thất vọng với triển vọng làm ăn ở Trung Quốc khi nước này không còn là nơi có giá nhân công rẻ và chính quyền chèn ép công ty ngoại quốc để giành thị trường cho công ty nội địa. Không ít doanh nghiệp đã chuyển toàn bộ hoặc một phần cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong đó có các công ty Mỹ như Apple, Google, Nintendo theo chân các ông lớn đã đến trước đó như Intel… Có thể nói, Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc thương chiến hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc. Hàng hóa xuất cảng của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh không chỉ nhờ tỷ giá đồng bạc mà chủ yếu nhờ mức thuế thấp so với hàng hóa cùng loại của Trung Quốc. Việc Mỹ tăng thuế lên hàng hóa Việt Nam có thể chặn đứng hoặc làm suy giảm làn sóng chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang đất nước Đông Nam Á này.
Vì thế, việc chính phủ Mỹ quyết định khởi động điều tra và áp thuế lên hàng xuất cảng của Việt Nam vào lúc làn sóng chuyển ra khỏi Trung Quốc đang bắt đầu đang làm cho nhiều nhà quan sát phải ngạc nhiên. Một số người chống Trung Quốc trong chính phủ Trump cho rằng, thâm hụt thương mại với Việt Nam gia tăng là dấu hiệu cho thấy thành công của cuộc thương chiến Mỹ-Trung chứ không phải là một hiện tượng đáng lo ngại.
Có người cho rằng, nhắm trừng phạt Việt Nam bằng thuế suất là đánh sai mục tiêu hoặc thiển cận. Việt Nam không phải là Trung Quốc. Hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm 3% tổng giá trị hàng nhập cảng của Mỹ vào năm ngoái trong khi tỷ lệ của hàng Trung Quốc là 17.5%. Phần lớn hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ là sản phẩm của các công ty Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ như Nam Hàn, Nhật, Đài Loan. Hàng “bản địa” Việt Nam chỉ có các loại nông sản, thực phẩm có giá trị thấp. Vì thế, dù cán cân thương mại chênh lệch lớn nhưng thực tế Việt Nam không gây nhiều thiệt hại cho người Mỹ. “Trừng phạt Việt Nam vì chênh lệch thương mại với Mỹ, theo một nghĩa nào đó, là cách mà Mỹ ứng phó với một tình huống do chính họ tạo ra,” nhà báo David Hutt nhận xét chua chát trên trang Asia Times.
Ngoài những vấn đề về kinh tế, thương mại, tiền tệ, quan hệ Việt Nam và Mỹ còn bị chi phối qua yếu tố địa chiến lược trong đó Việt Nam nổi lên thành một đồng minh địa chính trị của Mỹ trong cuộc đương đầu với Trung Quốc.
Trong lúc Bộ Thương Mại và Bộ Tài Chánh dựa vào luật thương mại và hành vi thao túng tiền tệ để trừng phạt Việt Nam thì Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao Mỹ lại vận động theo hướng ngược lại, theo đó Mỹ nên ủng hộ Việt Nam phát triển để làm một đầu cầu của “thế giới tự do” ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Giữa hai quan điểm khác nhau đối với Việt Nam, Tổng Thống Trump sẽ quyết định theo hướng nào là chuyện chưa biết trước được.
Không cần tăng thuế, vẫn có cách khác
Có điều vị thế của Việt Nam khá yếu ớt so với Trung Quốc cả về quy mô kinh tế lẫn ảnh hưởng chính trị nên Mỹ không nhất thiết phải áp dụng biện pháp thuế trừng phạt để cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Mỹ có thể áp dụng nhiều biện pháp khác để đạt mục đích thương mại mà không làm tổn hại tới mối quan hệ đối tác vừa nồng ấm trở lại giữa hai cựu thù.
Để xoa dịu nỗi tức giận của ông Trump, trong những năm gần đây, Hà Nội nhiều lần cố gắng làm giảm mức thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách cam kết mua nhiều mặt hàng đắt giá của Mỹ dù không thật cần thiết như đội máy bay Boeing trị giá nhiều tỷ đô la. Gần đây Việt Nam có những động tác ve vãn và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Mỹ như dự án tổ hợp điện – khí hóa lỏng của tập đoàn Mỹ Exxon Mobil tại Hải Phòng và Long An mới được công bố cách đây vài hôm. Dự án tại Hải Phòng có một nhà máy điện 4,500 MW, vốn đầu tư khoảng $5.09 tỷ, và dự án tương tự tại Long An có công suất khoảng 3,000 MW. Hai dự án này được Exxon Mobil cam kết cung cấp liên tục và đầy đủ nguồn nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập cảng trực tiếp từ Mỹ. Cán cân thương mại Việt-Mỹ sẽ cân bằng hơn một khi Việt Nam mua nhiều sản phẩm năng lượng (và nông sản) từ Mỹ mà Mỹ không cần phải áp đặt thuế suất cao lên các mặt hàng nhập cảng từ Việt Nam trừ những thứ bị coi là hàng Trung Quốc đội lốt để tránh thuế.
Còn nếu Mỹ vẫn quyết định thương chiến với Việt Nam như đang làm với Trung Quốc thì điều đó sẽ là tai họa cho kinh tế Việt Nam. Hàng Việt Nam chỉ chiếm 3% giá trị hàng nhập cảng của Mỹ nhưng chiếm tới 20% tổng giá trị xuất cảng của Việt Nam. Nếu cánh cửa vào thị trường Mỹ bị thu hẹp thì số phận của nhiều người lao động Việt sẽ lao đao.
Và điều đó cũng sẽ thúc Hà Nội lún sâu vào ảnh hưởng của Trung Quốc. [đ.d.]