Trận Tết Mậu Thân 1968: Mặt trận Sài Gòn-Chợ Lớn
Oct 10, 2020 cập nhật lần cuối Oct 10, 2020
Vann Phan/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – Cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân 1968 của Cộng Quân đã bị tổn thất nặng nề và phải rút khỏi căn cứ Khe Sanh mà họ bao vây ở vùng Tây-Bắc Huế, gần biên giới Việt-Lào.
Với trận này, Cộng Quân đã tấn công vào thủ đô Sài Gòn cùng 25 tỉnh lỵ và thành phố trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, kể cả cố đô Huế, khởi sự từ đêm 29 Tháng Giêng, 1968, tức là đêm Giao Thừa Tết Mậu Thân, và kéo dài cho đến ngày 20 Tháng Ba năm đó. Nhưng Cộng Sản không ngờ, dù các lực lượng Cộng Sản đang giữ nhiệm vụ “điệu hổ ly sơn” (tức là dụ quân Mỹ rời xa các tỉnh, thành đang là mục tiêu của các cuộc tấn công bất ngờ của quân Cộng Sản) thì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) và Hoa Kỳ chiếm lại thành phố Huế từ tay Cộng Quân.
Các nhà viết quân sử cho rằng trận Tết Mậu Thân bao gồm tất cả ba đợt, và các trận đánh vào dịp Tết Nguyên Đán chỉ là đợt 1. Còn đợt 2 của cuộc chiến, từ ngày 5 Tháng Năm đến ngày 15 Tháng Sáu, là trận tấn công lần thứ nhì của Cộng Quân vào vùng Sài Gòn-Chợ Lớn. Và đợt 3, kéo dài từ 17 Tháng Tám tới 30 Tháng Chín, là những cuộc tấn công lẻ tẻ chỉ để gây tiếng vang vào một số tỉnh, thành tại miền Nam Việt Nam.
MẶT TRẬN SÀI GÒN-CHỢ LỚN
Cộng Quân đã mở tới hai đợt tấn công lớn vào vùng Sài Gòn-Chợ Lớn vì tính cách trọng yếu của thành phố thủ đô miền Nam Việt Nam và cũng vì Cộng Quân tin rằng nếu người dân Đô Thành Sài Gòn mà nổi dậy hợp tác với họ thì những nơi khác sẽ theo gương đó mà nổi dậy theo, và rồi chiến thắng cuối cùng sẽ về tay quân Cộng Sản Bắc Việt.
Sau đây là tóm tắt diễn tiến các cuộc tấn công của Cộng Quân và các cuộc hành quân phản công của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại các quận và phường, khóm trong phạm vi Đô Thành Sài Gòn, gồm cả khu Chợ Lớn và vùng ven đô, theo hai tác giả Võ Trung Tín và Nguyễn Hữu Viên trong tài liệu nhan đề “Tổng Công Kích của Việt Cộng năm Mậu Thân, 1968” trên trang mạng hon-viet.uk.com.
Đợt 1
Chiến sự khỏi đầu lúc 1 giờ sáng ngày 30 Tháng Giêng, 1968, tức Mùng Một Tết Mậu Thân, khi Cộng Quân bắn B-40 và nổ súng tấn công vào cổng gác bên đường Nguyễn Du của Dinh Độc Lập nhưng bị toán cảnh sát canh gác dinh phản ứng kịp thời và đẩy lui.
Đến khoảng 3 giờ sáng, Cộng Quân tấn công vào Đài Phát Thanh Sài Gòn nhưng đã bị quân Nhảy Dù giữ an ninh nơi đó đánh bật ra. Đồng thời, một lực lượng khác của Cộng Quân cũng mở cuộc tấn công thẳng vào Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trên đường Thống Nhất nhưng không chiếm được nơi này.
Lúc 3 giờ 45 phút sáng 31 Tháng Giêng (Mùng Hai Tết), Cộng Quân tấn công vào một phi đạo tại Phi Trường Tân Sơn Nhứt, nơi họ bị các lực lượng Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa và Thiết Giáp Hoa Kỳ đánh trả dữ dội, khiến Cộng Quân phải tháo chạy vào khu vực hãng dệt Vinatexco gần đó. Vào buổi chiều cùng ngày, các đơn vị Biệt Động Quân từ Thủ Đức và Hóc Môn được điều động về đánh quân địch tại khu vực Hàng Xanh và Xa Lộ Biên Hòa.
Ngày 1 Tháng Hai (Mùng Ba Tết), một lực lượng lớn gồm tám tiểu đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến cũng đã được điều động về thủ đô để đánh dẹp Cộng Quân tại những ổ kháng cự của địch tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, khu vực Trường Sinh Ngữ Quân Đội, Trường Tổng Quản Trị, Trại Trần Hưng Đạo, Trung Tâm Huấn Cụ và Thính Thị, Trại Cổ Loa, Trại Phù Đổng… Cùng ngày, hoạt động của Cộng Quân trên toàn quốc có phần suy giảm, mặc dù họ vẫn còn bám trụ tại các đô thị và thành phố như Sài Gòn, Huế, Ban Mê Thuột, Kon Tum, Mỹ Tho, Vĩnh Long…
Ngày 5 Tháng Hai (Mùng Bảy Tết), Chiến Dịch Trần Hưng Đạo, dưới quyền tổng chỉ huy của Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, khởi sự hành quân giải tỏa thủ đô và thanh toán địch quân. Tướng Viên chia Sài Gòn-Chợ Lớn và vùng ven đô (bao gồm các quận và phường, khóm từ nội thành Sài Gòn ra đến Hạnh Thông Tây, Xóm Mới, Lạng Sơn, Xóm Dừa, Gò Vấp, Thông Tây Hội, Trại Cổ Loa…) thành sáu khu vực trách nhiệm do các lực lượng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Quân Đoàn 3, Cảnh Sát Quốc Gia, và các đơn vị chiến đấu Hoa Kỳ phụ trách. Giao tranh giữa ta và địch tại vùng thủ đô và ven đô tiếp diễn cho đến ngày 10 Tháng Hai thì quân ta mới dẹp tan hết các ổ kháng cự lẻ tẻ của Cộng Quân.
Đợt 2
Dù bị đánh tan tác trong đợt 1 của cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân vào Đô Thành Sài Gòn và vùng phụ cận, các đơn vị Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng, từ ngày 5 Tháng Năm, 1968, lại tái xâm nhập vào vùng Sài Gòn-Chợ Lớn để mong lập được kỳ công sau khi đã rút ưu, khuyết điểm từ các trận đánh trong đợt 1.
Cũng vẫn theo hai tác giả Võ Trung Tín và Nguyễn Hữu Viên, lần này Cộng Quân tập trung đánh chiếm những khu đông dân cư, lựa chọn những địa thế khó xoay trở cho quân bạn, như những khu dân nghèo với nhà cửa chen chúc và đường hẻm chằng chịt, khiến cho các hoạt động cứu thương, cứu hỏa và thanh toán các ổ kháng cự của địch gặp rất nhiều khó khăn.
Cuộc tấn công đợt 2 của Cộng Quân khởi sự lúc 3 giờ sáng ngày 5 Tháng Năm, tức chỉ hai ngày sau khi Washington và Hà Nội thỏa thuận chọn thủ đô Paris của Pháp làm địa điểm mở cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt cuộc xung đột võ trang kéo dài tại Việt Nam.
Một vụ nổ làm rung chuyển Đài Truyền Hình Sài Gòn trên đường Hồng Thập Tự, và tiếp theo đó là những đợt xung phong của Cộng Quân vào các công thự và địa điểm chiến lược tại đô thành. Trước đó, đặc công Cộng Sản đã rải truyền đơn trên đường Cô Giang và đường Cô Bắc nhằm xách động quần chúng theo họ mà nổi dậy chống chính quyền tại các khu Cầu Kho, Chợ Cầu Muối, Đề Thám, Bùi Viện… Tiếng súng AK-47 của Cộng Quân đã nổ ran tại khu Phan Đình Phùng-Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc quận 1, khu Chùa Bà Lớn thuộc quận 3, khu Khánh Hội thuộc quận 4, khu Trần Nhân Tôn thuộc quận 5, khu Chợ Lớn, khu Kho Quân Cụ ở Gò Vấp, khu Phú Thọ Hòa gíáp ranh với Gia Định… làm cho nhiều nhà dân bốc cháy.
Ngày 6 Tháng Năm, Cộng Quân tấn công khu Ngã Tư Bảy Hiền, Nghĩa Trang Quân Đội Pháp và Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô.
Ngày 7 Tháng Năm, các lực lượng Nhảy Dù thanh toán các ổ kháng cự của dịch tại Cổng Phi Long của Bộ Tư Lệnh Không Quân, rồi tiến vào giải tỏa khu Nhị Tỳ Quảng Đông ở Chợ Lớn, nơi một số đông Cộng Quân đang cố thủ và kháng cự mãnh liệt.
Ngày 8 Tháng Năm, quân bạn tiếp tục cuộc tấn công giải tỏa các chốt của Cộng Quân tại khu 18 Thôn Vườn Trầu và xã Nhị Bình. Cùng ngày, cuộc chiến cũng lan tới các khu An Phú Đông, Chợ Cầu, Tân Thới Hiệp, Hóc Môn… Trận chiến tại đây tiếp diễn cho đến ngày 11 Tháng Năm mới chấm dứt sau khi Cộng Quân tháo chạy.
Ngày 25 Tháng Năm, Cộng Quân lại xâm nhập khu Đồng Ông Cộ và Ngã Năm Bình Hòa cũng như vào quận 6 ở Chợ Lớn. Các cuộc giao tranh dữ dội giữa Thủy Quân Lục Chiến và Cộng Quân diễn ra tại khu chùa Tập Thành ở Chợ Lớn và lan cả sang các khu Ấp 7, cầu Sơn, cầu Băng-Ky, Cây Quéo, và Cây Thị. Các cuộc đụng độ kéo dài cho tới ngày 5 Tháng Sáu, với các cuộc tấn công phối hợp của Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến vào các toán Cộng Quân vẫn còn cố thủ tại chùa Tập Thành.
Rồi chiến sự lại lan qua vùng Cây Quéo, khu tứ giác Ngô Tùng Châu-Hoàng Hoa Thám-Lê Quang Định và một con đường nhỏ khác.
Ngày 6 Tháng Sáu, chiến sự lan tới khu chùa Trúc Lâm và đường Ngô Tùng Châu.
Ngày 7 Tháng Sáu, lực lượng Nhảy Dù tái chiếm khu chùa Linh Sơn, nơi Cộng Quân kháng cự rất mãnh liệt, đến nỗi phần lớn cây cối tại đây đều cháy đen, các bụi tre bị bứng gốc, nhiều ngôi nhà bị tan hoang, và máu me loang lổ cùng mùi tử khí xông lên nồng nặc.
Sáng ngày 8 Tháng Sáu, Biệt Cách Nhảy Dù nhảy vào trận địa tại khu vực trường Đức Tín trong trận đánh xáp lá cà bằng lựu đạn suốt đêm với Cộng Quân đang cố thủ tại đây, khiến địch quân, (thuộc Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn Đồng Nai mới xâm nhập) kinh hãi tháo chạy.
Đến ngày 10 Tháng Sáu, lại có ác chiến tại vườn cây rậm rạp quanh Trung Tâm Tịnh Xá ở gần đường Trần Bình Trọng, nơi một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đang án ngữ. Chiều cùng ngày, Cộng Quân khởi sự tẫu tán vào khu rừng cây rậm rạp phía sau chùa Dược Sư, nơi họ đã bố trí khoảng 50 hầm hố để chuẩn bị tử thủ, nhưng rồi họ bỏ chạy luôn.
Ngày 11 Tháng Sáu, mặt trận Cây Quéo, cứ điểm cuối cùng của các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập vào Đô Thành Sài Gòn trong khu tứ giác Lê Quang Định-Trần Bình Trọng-Ngô Tùng Châu và đường ranh Xóm Thơm chính thức ngưng tiếng súng.
Mặc dù đã bị đánh tan tành, Cộng Quân vẫn tiếp tục pháo kích bừa bãi vào nhiều nơi tại Đô Thánh Sài Gòn, kể cả Phi Trường Tân Sơn Nhứt, gây tổn thất nhân mạng đáng kể cho thường dân vô tội, mãi cho đến ngày 22 Tháng Sáu mới chấm dứt hẳn.
Thật khó mà đưa ra con số thương vong chính xác của Cộng Quân và các lực lượng Đồng Minh tham chiến tại mặt trận Sài Gòn-Chợ Lớn.
Theo các số liệu trên trang mạng history.net, tính đến cuối Tháng Ba, 1968, sau khi mặt trận Sài Gòn-Chợ Lớn, đợt 2 và mặt trận Huế kết thúc, có khoảng 45,000 Cộng Quân đã bị giết trên toàn quốc, trong khi số binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử trận là khoảng 5,000 người và số quân Mỹ thiệt mạng là chừng 3,900 người (với con số thiệt hại về nhân mạng của Cộng Quân cũng trong khoảng thời gian trên tại mặt trận Huế là khoảng 5,200 người, của QLVNCH là khoảng 460 người, và của Hoa Kỳ là khoảng 220 người).
VÌ SAO CỘNG QUÂN THẢM BẠI TẠI TRẬN SÀI GÒN-CHỢ LỚN?
Ít nhất cũng có tới bốn lý do có thể giải thích tại sao Cộng Quân đành chịu thảm bại tại mặt trận Sài Gòn-Chợ Lớn qua hai đợt giao tranh đẫm máu với các lực lượng phản công của QLVNCH trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968, mặc dù họ luôn nắm được yếu tố bất ngờ trong những giờ phút đầu của trận chiến:
Thứ nhất, niềm tin rằng dân chúng thủ đô Sài Gòn, cũng như ở các tỉnh, thành khác tại miền Nam Việt Nam sẽ đồng loạt nổi dậy và theo về cùng với đoàn quân quân “giải phóng” để lật đổ chế độ “Mỹ-Thiệu” và “giành lấy chính quyền về tay nhân dân” là một niềm tin vô căn cứ. Bởi vì, chỉ dựa trên những tin tức lỗi thời có gốc rễ từ thời sinh viên, học sinh bị Cộng Sản đầu độc mà xuống đường chống “bọn Thiệu-Kỳ” và vào giai đoạn giới trí thức miền Trung thân Cộng muốn tách rời vùng đất này khỏi chính quyền trung ương theo “Đế Quốc Mỹ” tại Sài Gòn trong những năm từ 1964 đến 1966. Dân chúng miền Nam Việt Nam, vào thời điểm diễn ra trận Mậu Thân 1968, đã đủ trưởng thành để biết rằng chỉ có chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mới đem lại tự do, no ấm và hạnh phúc cho toàn dân mà thôi.
Sự thật thì sau khi QLVNCH được toàn dân giao phó trách nhiệm điều hành đất nước đồng thời bảo vệ miền Nam Việt Nam chống quân xâm lược Cộng Sản từ miền Bắc vào sau cuộc đảo chánh và ám sát Tổng Thống Ngô Đình Diệm hồi Tháng Mười Một, 1963, và nhất là sau khi nền Đệ Nhị Cộng Hòa được thành lập vào Tháng Mười Một, 1967, dân chúng Miền Nam Tự Do dần dà đặt hết niềm tin tưởng vào chính quyền quốc gia, và chỉ có một thiểu số còn nghe theo những lời tuyên truyền xảo trá của Cộng Sản mà thôi. Điều này giải thích tại sao khi quân Cộng Sản Bắc Việt và Việt Cộng đánh vào Sài Gòn thì đa số dân chúng đã tìm cách chạy trốn đi nơi khác, và thậm chí còn cộng tác với các lực lượng quân đội và cảnh sát trong nỗ lực đánh bật Cộng Quân ra khỏi phường, khóm của họ.
Thứ nhì, các cán binh Cộng Sản Bắc Việt đã đánh giá quá thấp khả năng chiến đấu của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, nhất là các lực lượng bộ binh và bán quân sự như Cảnh Sát Quốc Gia. Trong khi đó, dù được trang bị vũ khí có phần yếu kém so với quân chính quy Cộng Sản từ ngoài Bắc vào, các lực lượng này đã hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị tổng trừ bị và trừ bị quân đoàn, như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, và cả Biệt Cách Nhảy Dù. Từ đó, họ cùng phối hợp chiến đấu gắt gao trong nỗ lực giành lại những phần đất và những khu phố bị mất vào tay địch quân khi Cộng Sản đã bội ước mà mở cuộc tổng tấn công bất ngờ vào những ngày Tết thiêng liêng của dân tộc.
Thứ ba, Bộ Tham Mưu Quân Đội Nhân Dân Việt Nam ở Hà Nội đã quá tin tưởng vào chiến thuật nghi binh và đánh lừa địch quân của họ khi dùng Khe Sanh làm mồi nhử nhằm thu hút các đơn vị tinh nhuệ của Hoa Kỳ rời xa các thành thị tại miền Nam Việt Nam, để rồi tạo thành một lỗ hổng trong kế hoạch phòng thủ các tỉnh, thành của Việt Nam Cộng Hòa, là nơi các cuộc tấn công bất ngờ của Cộng Quân nhắm tới.
Điều bất ngờ lý thú là, vào giờ chót, Tướng William Westmoreland, tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Việt Nam, đã không điều động hết tất các các tiểu đoàn tác chiến của Mỹ vào Khe Sanh mà vẫn để lại chung quanh Sài Gòn 27 tiểu đoàn để phòng hờ, thay vì chỉ có 14 tiểu đoàn theo kế hoạch ban đầu. Quyết định này đã giúp cho phía Hoa Kỳ cò đủ lực lượng tham gia tác chiến cùng với QLVNCH, để một mặt chiếm lại cố đô Huế và mặt khác giúp đẩy lùi Cộng Quân ra khỏi những nơi họ tạm chiếm tại Sài Gòn và vùng phụ cận.
Thứ tư, một yếu tố bất ngờ đã giúp đẩy nhanh tiến trình quét sạch các toán quân Cộng Sản ra khỏi Đô Thành Sái Gòn, đó là sự trưởng thành vượt bực và sức chiến đấu dũng cảm của các lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Đô Thành Sài Gòn.
Theo tác giả Trần Minh Công trong bài viết “Mậu Thân tại Quận Nhì Sài Gòn” trên trang mạng ongvove.wordpress.com, Cảnh Sát Dã Chiến Việt Nam Cộng Hòa đã đi từ vai trò “dẹp bạo loạn trong thành phố,” với đối tượng là những cuộc biểu tình bạo động chống chính phủ, sang vai trò “tác chiến trong thảnh phố” để có thể chung vai, sát cánh với các lực lượng thiện chiến như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, và Biệt Cách Nhảy Dù trong nhiệm vụ tấn công và tiêu diệt các ổ kháng cự của Cộng Quân tại một số phường, khóm trong các quận của Đô Thành Sài Gòn hồi Tết Mậu Thân. Điều đó nói lên vai trò thiết yếu của các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia trong nỗ lực chung của các lực lượng võ trang Việt Nam Cộng Hòa, cùng hy sinh chiến đấu giành lại từng mái nhà, từng con đường, và từng khu phố bị mất vào tay Cộng Quân trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968.
(Vann Phan)