Căng thẳng Biển Đông: Phát hiện tàu khảo sát TQ ngoài khơi miền Trung VN
16 tháng 10 2020
Trung Quốc đã đưa một tàu khảo sát, được hộ tống bởi lực lượng cảnh sát biển, vào vùng biển Việt Nam ở Biển Đông, theo Benarnews.
Sự việc này được cho là xảy ra vào thời điểm nhạy cảm về mặt ngoại giao.
Thủ tướng mới của Nhật Bản dự kiến có chuyến thăm Việt Nam vào tuần tới. Tờ Nikkei hôm thứ Tư đưa tin Nhật Bản đang có kế hoạch bán thiết bị quốc phòng cho Việt Nam – một động thái có khả năng bị Trung Quốc phản đối bởi nước này vốn coi Nhật Bản là đối thủ chiến lược.
Chưa thấy Việt Nam có động thái phản đối chính thức hành động này của Trung Quốc.
Hôm 15/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng Việt Nam phản đối cái gọi là \’thành phố Tam Sa\’ mà Trung Quốc áp đặt phi pháp cho các thực thể ở Biển Đông, liên quan tới thông tin khoảng 400 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Trường Sa và Hoàng Sa, theo Tuổi Trẻ.
Hành trình của tàu thăm dò Trung Quốc
Tàu khảo sát và nghiên cứu Shiyan-1 rời Vịnh Hải Khẩu, thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc hôm thứ Hai (12/10) và cách tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam 70 hải lý vào thứ Ba (13/10), theo dữ liệu được đánh giá bởi Đài Á Châu Tự Do, một tổ chức đối tác của BenarNews.
Tính đến sáng thứ Tư (14/10), tàu Shiyan-1 cách bờ biển tỉnh Bình Định 78 hải lý. Cả hai khu vực này đều nằm dọc theo bờ biển miền Trung của Việt Nam.
Tàu khảo sát Shiyan-1 được vận hành bởi Viện Âm học, một trung tâm nghiên cứu chuyên về âm học dưới nước của Viện Khoa học Trung Quốc, theo cơ sở dữ liệu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế. Tàu này từng bị hải quân Ấn Độ trục xuất khỏi Đông Ấn Độ Dương vào tháng 12/2019 vì nghi ngờ lập bản đồ địa hình đáy đại dương cho mục đích quân sự.
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 2305 hộ tống tàu Shiyan-1 tiến vào vùng biển Việt Nam hôm thứ Hai, nhưng sau đó rời đi theo hướng ngược lại, quay trở lại Hải Nam.
Dữ liệu cũng thấy năm tàu do Cơ quan Giám sát Nguồn lợi Thủy sản của Việt Nam điều hành dường như đang theo dõi cả hai tàu Trung Quốc khi chúng tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
RFA phát hiện tàu Shiyan-1 hôm 16/7 tiến hành một cuộc khảo sát trải dài gần 330 hải lý trên một khu vực rộng lớn của quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo đá và rạn ở nửa phía bắc của Biển Đông mà Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Sau đó nó tiến về khu vực cách Chichijima, một hòn đảo xa xôi hẻo lánh của Nhật Bản, khoảng 230 hải lý về phía đông nước này, và khảo sát ở đó cho đến ngày 24/8.
Thời điểm nhạy cảm ngoại giao
Hôm thứ Tư, Nhật Bản đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông khi bắt đầu các cuộc hội đàm thường niên giữa Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, người vừa nhậm chức cách đây một tháng, đã gọi điện cho người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Hai (12/10) để lên kế hoạch cho chuyến thăm Việt Nam tới đây trong bối cảnh có các dấu hiệu cho thấy Tokyo đang đẩy mạnh tham gia vào lĩnh vực an ninh ở Đông Nam Á.
\”Nhật Bản sẽ làm việc với các quốc gia khác nhau để hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Đó là ý tưởng của chúng tôi,\” Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết trong cuộc họp báo sáng thứ Tư, theo SCMP.
Tuần này, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông với Hải quân Hoa Kỳ. Cuối tuần, Nhật Bản đã tiến hành một cuộc diễn tập tác chiến chống tàu ngầm riêng ở Biển Đông, và sau đó sẽ thực hiện một chuyến thăm cảng tại Vịnh Cam Ranh của Việt Nam.
Trung Quốc đang dõi theo các cuộc điều động tàu ngầm của Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm thứ Hai: \”Chúng tôi hy vọng rằng quốc gia có liên quan sẽ không làm những điều phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực\”.
Ông Triệu nói điều trên khi đang công du 5 nước Đông Nam Á trong tuần này gồm Campuchia, Malaysia, Lào, Thái Lan và Singapore, không thăm Việt Nam.