Dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ: Vì sao ông Đinh La Thăng sắp ra tòa?
4 giờ trước
Vụ án \”Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng\” xảy ra tại Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ sắp khiến cựu ủy viên Bộ Chính trị đang ngồi tù Đinh La Thăng lại phải ra tòa lần nữa.
Vụ án này, khởi tố lần đầu tháng Sáu 2018, đã khiến hàng loạt lãnh đạo ngành dầu khí – của PVN, PVB, PVC vướng vòng lao lý, trong đó có ông Đinh La Thăng trong tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN kiêm Trưởng ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).
Hồi tháng Bảy, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cho hay đang tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử sơ thẩm 09 vụ án trọng điểm theo đúng kế hoạch.
Trong đó có Vụ án \”Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng\” xảy ra tại Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ.
Trước khi bị truy tố ở vụ Ethanol Phú Thọ, ông Đinh La Thăng đang phải chấp hành án tổng cộng 31 năm tù do sai phạm tại PVN và PVC.
Tháng 2/2020, ông Đinh La Thăng tiếp tục bị truy tố do sai phạm liên quan đến một dự án thuộc Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB).
Hậu quả của việc thực hiện dở dang dự án Ethanol Phú Thọ (dừng từ năm 2013) được xác định gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, chỉ tính riêng tiền lãi đã thiệt hại 540 tỷ đồng.
Điều tra của công an nói gì?
Kết luận điều tra của công an Việt Nam, hoàn thành tháng Hai 2020, cho biết ngày 29/10/2007, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch hội đồng quản trị PVN, chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol khu vực phía Bắc.
Cuối năm đó, PVB được thành lập để làm chủ đầu tư dự án, cổ đông sáng lập là các công ty con của PVN chiếm 49% vốn điều lệ.
Ngày 12/9/2008, PVB có quyết định về việc phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu TK05 xây nhà máy ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ để sơ tuyển lựa chọn nhà thầu.
Công an kết luận ông Đinh La Thăng \”biết\” Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) chưa từng làm về Ethanol, tài chính lại gặp khó khăn, nhưng ông Thăng đã \”định hướng giao thầu cho PVC thực hiện dự án này\”, theo kết luận điều tra.
Ví dụ, khi chủ trì họp với PVC ngày 30/7/2008, ông Thăng kết luận \”cho phép từ nay đến năm 2010, đối với các công trình chuyên ngành đặc thù và các công trình có yêu cầu đặc biệt trong ngành dầu khí được ưu tiên giao thầu cho PVC\”.
Thực hiện chỉ đạo của PVN, PVB đã không tổ chức đấu thầu mà chuyển sang lập hồ sơ yêu cầu để liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/ Delta-T theo quy trình chỉ định thầu.
Điều tra nói mặc dù PVB và PVC biết liên danh nhà thầu \”không đủ năng lực, kinh nghiệm\” nhưng từ sau cuộc họp ngày 7/5/2009, hai công ty này chỉ đàm phán về giá và nội dung hợp đồng EPC mà không khắc phục các tồn tại về năng lực, kinh nghiệm của liên danh nhà thầu.
Công an kết luận liên danh nhà thầu \”không đáp ứng được điều kiện năng lực, kinh nghiệm theo yêu cầu của hồ sơ\”, \”không đủ điều kiện năng lực để thực hiện gói thầu TK05 Dự án Ethanol Phú Thọ\”.
Đến ngày 27/3/2013, dự án này bị dừng thi công.
\’Hành vi phạm tội\’
Công an Việt Nam kết luận ông Đinh La Thăng dù biết liên danh nhà thầu không đủ chất lượng nhưng vẫn \”chỉ đạo quyết liệt và ra quyết định\” giao cho họ thực hiện gói thầu TK05.
Trong quá trình điều tra, ông Thăng được nói đã \”thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác\”. Do bị can từng có \”thành tích xuất sắc trong công tác\”, phía công an cũng đề nghị Viện kiểm sát áp dụng các tình tiết giảm nhẹ khi truy tố.
Trong vụ án Ethanol Phú Thọ còn nhiều bị cáo khác bị truy tố.
Ví dụ bị can Vũ Thanh Hà, tổng giám đốc PVB, bị kết luận đã giúp việc thẩm định đấu thầu thành lập hồ sơ yêu cầu loại bỏ một số tiêu chí đánh giá.
Hồi tháng 2/2020, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố các đối tượng gồm:
- Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí;
- Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Phó trưởng Phòng Đầu tư dự án, Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí;
- Phạm Xuân Diệu, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam;
- Nguyễn Ngọc Dung, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC);
- Đỗ Văn Quang, nguyên Trưởng ban Kinh tế kế hoạch (sau là Ban Kinh tế đấu thầu), Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam;
- Trần Thị Bình, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
- Khương Anh Tuấn, nguyên Phó trưởng phòng Thương mại; Lê Thanh Thái, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh
- Hoàng Đình Tâm, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB).
9 vụ án trọng điểm
Như đã nói ở trên, hồi tháng Bảy tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 18 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo.
Khi đó, cơ quan này nói đến hết năm 2020, tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử sơ thẩm 9 vụ án trọng điểm theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo:
(1) Vụ án \”Vi phạm các quy định về quản lý đất đai\” xảy ra tại Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát (Sabeco), quận 1, thành phố Hồ Chí Minh;
(2) Vụ án \”Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí\” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh;
(3) Vụ án \”Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng\” xảy ra tại BIDV và các đơn vị liên quan;
(4) Vụ án \”Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng\” xảy ra tại Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ;
(5) Vụ án \”Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí\” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan;
(6) Vụ án \”Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí\” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên;
(7) Vụ án \”Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí\” xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn;
(8) Vụ án \”Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng\” xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank);
(9) Vụ án \”Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng\” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.