Việt Nam với mô hình Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Tân Thủ Tướng Nhật
Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sau một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 19/20/2020. ReutersViệt Nam với mô hình Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Tân Thủ Tướng Nhật00:00/09:39
Hôm 18/10/2020, tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đến thăm Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên ở cương vị này. Chuyến đi mang lại những gì cho Việt Nam? Nhân dịp này, phóng viên Giang Nguyễn của RFA có cuộc phỏng vấn với ông Nicholas Szechenyi – Phó Giám đốc, chuyên gia về Nhật Bản thuộc Ban Nhật Bản – Chương trình Châu Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Washington DC.
Giang Nguyễn: Xin chào ông Nicholas Szechenyi. Xin ông cho biết vắn tắt về chính sách đối ngoại của tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, và đặc biệt trong quan hệ với Việt Nam về mặt kinh tế và chiến lược nói chung?
Nicholas Szechenyi: Trọng tâm chiến lược chính sách đối ngoại của Thủ tướng Suga được phát triển dưới thời người tiền nhiệm Shinzo Abe theo khái niệm mà Nhật Bản nói đến là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và rộng mở. Chiến lược này đặt trọng tâm vai trò lãnh đạo của Nhật Bản về mặt ngoại giao và kinh tế trong phối hợp với các nước khu vực hướng đến sự ổn định và thịnh vượng tương lai không chỉ cho khu vực Đông Nam Á mà kể cả Đông Bắc Á.
Vì vậy, mô hình Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở là một khung và có nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau mà Nhật Bản muốn theo đuổi với các quốc gia khác theo khung đó. Tôi nghĩ việc Thủ tướng Suga trước tiên đến Đông Nam Á có ý nghĩa cho thấy Nhật công nhận tầm quan trọng của các nước Đông Nam Á như là một trung tâm động lực trong khu vực. Tại đó có quá nhiều đa dạng. Khu vực này có hoạt động kinh tế mạnh mẽ, những đất nước đang phát triển. Dĩ nhiên có những tuyến đường thiết yếu cho nền kinh tế biển của khu vực… Tất nhiên Nhật Bản có mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ và gần đây đã kết nối với các nước cùng chí hướng khác như Úc và Ấn Độ về các vấn đề an ninh khu vực. Nhưng Nhật Bản cũng quan tâm đến việc phối hợp với các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như với Hiệp hội ASEAN. Cho nên chuyến thăm của một nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản như ông Suga đến đây là điều hiển nhiên để nói lên tầm quan trọng của Đông Nam Á cho tương lai của khu vực.
Đối với Việt Nam chuyến thăm này có một số vấn đề trong chương trình nghị sự.
Thứ nhất là hợp tác kinh tế, Nhật Bản là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển hàng đầu cho Việt Nam. Hai bên có một mối quan hệ thương mại rất mạnh mẽ. Ngoài ra Nhật Bản đang cố gắng khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư nhiều hơn vào Đông Nam Á để đa dạng hóa chuỗi cung ứng khu vực. Mảng kinh tế trong mối quan hệ với Việt Nam vô cùng quan trọng, khả năng là họ sẽ tuyên bố bán thiết bị quốc phòng cho Việt Nam. Trước đây Nhật Bản đã cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam để nâng cao nhận thức về chủ quyền hàng hải. Từ đó chúng ta có thể hình dung được việc cung cấp các loại thiết bị quốc phòng khác cho phép Việt Nam giám sát tốt hơn các khu vực lân cận. Đó là một mục trong chương trình hợp tác an ninh nhưng nó cũng liên quan đến hợp tác kinh tế.
Mối quan hệ Việt-Nhật rất thú vị vì nó bắt đầu thể hiện những mối liên hệ giữa hợp tác kinh tế và an ninh. (Lãnh vực thứ 2) tất nhiên Việt Nam, cũng như Nhật Bản, đang ở tiền tuyến của sự cưỡng bức của Trung Quốc trong lãnh vực hàng hải. Thủ tướng Suga sẽ không công khai chỉ trích Trung Quốc trong chuyến đi này. Đó không phải là mục tiêu của họ. Nhưng tôi cho rằng Nhật Bản và Việt Nam có lợi ích chung trong việc thảo luận về thách thức an ninh lớn này trong khu vực và tôi nghĩ khả năng Nhật sẽ xuất khẩu thiết bị quốc phòng là điều quan trọng trong bối cảnh này.
Điều thứ ba tôi muốn đề cập đến là tầm quan trọng của các thể chế trong khu vực Đông Nam Á đối với mô hình Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật. Việt Nam với tư cách là chủ tịch ASEAN năm nay có vai trò cực kỳ quan trọng và Nhật Bản muốn trao đổi quan điểm với các nhà lãnh đạo và điều phối chương trình nghị sự vốn rất quan trọng để giải quyết các thách thức và mục tiêu chung trong khu vực.
Giang Nguyễn: Ông cũng nêu lên mong muốn của Nhật làm sao để đa dạng hóa cơ sở sản xuất của các hãng Nhật. Việc này sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam như thế nào?
Nicholas Szechenyi: Tôi nghĩ nỗ lực nâng cao năng lực là một khía cạnh quan trọng trong chiến lược khu vực của Nhật ở Đông Nam Á. Chiến lược của Nhật đối với Trung Quốc rất đa dạng. Một mặt Nhật, cũng như Việt Nam, đang phải đối mặt với sự cưỡng bức của Trung Quốc. Vì vậy điều rất quan trọng đối với Nhật là tăng cường khả năng phòng thủ của họ, củng cố quan hệ liên minh với Hoa Kỳ để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc. Nhưng mặt khác Nhật cũng có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Quan hệ ngoại giao ổn định với Trung Quốc có lợi cho họ. Trong khi tìm cách ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc, đồng thời Nhật Bản cũng sẽ tìm cách để can dự với Trung Quốc về mặt ngoại giao, tìm ra những vấn đề mà họ có thể đối thoại được với Trung Quốc và các nước khác về quy tắc và chuẩn mực cần được áp dụng trong phát triển của Châu Á. Nhật đang tiến hành một cách rất tinh vi để giữ cân bằng liên hệ phức tạp này.
Đối với quan hệ Nhật-Việt, chúng ta thấy Nhật không nhất thiết phải nỗ lực để kiềm chế Trung Quốc hoặc gây áp lực đối với các nước ở Đông Nam Á đứng về phe Trung Quốc; bởi lẽ đó không phải là điều được mà động lực khu vực phản ánh. Tuy nhiên, đối với một quốc gia như Việt Nam đang phải đối mặt với sự cưỡng bức giống như Nhật Bản, họ có chung lợi ích trong việc ngăn chặn sự xâm lược này trong tương lai. Nếu các hoạt động xuất khẩu thiết bị quốc phòng được triển khai trong tương lai, đó là một yếu tố trong chiến lược của Nhật đối với Trung Quốc. Nhật không muốn kiềm chế Trung Quốc. Nhật có cách tiếp cận với Trung Quốc một cách toàn diện, nhưng họ cũng ngày càng sẵn sàng hợp tác hơn với các nước khác như Việt Nam muốn đứng lên chống lại áp lực của Trung Quốc. Nên việc Nhật Bản và Việt Nam đàm phán với nhau về những thách thức an ninh này là điều hiển nhiên.
Nhật có cách tiếp cận với Trung Quốc một cách toàn diện, nhưng họ cũng ngày càng sẵn sàng hợp tác hơn với các nước khác như Việt Nam muốn đứng lên chống lại áp lực của Trung Quốc. Nên việc Nhật Bản và Việt Nam đàm phán với nhau về những thách thức an ninh này là điều hiển nhiên. – Ông Nicholas Szechenyi
Giang Nguyễn: Nhật Bản có quan tâm đến những thay đổi về mặt chính trị hay làm sao để có một xã hội dân chủ hơn tại Việt Nam? Liệu vấn đề nhân quyền có được đề cập đến trong các cuộc đàm phán?
Nicholas Szechenyi: Tôi không biết vấn đề nhân quyền sẽ được đề cập ở mức độ nào trong chuyến công du của Thủ tướng Suga. Nhưng tôi nghĩ rằng Nhật nói chung rất cam kết với các nguyên tắc về nhân quyền. Chúng tôi vừa hoàn thành một dự án khảo sát hơn 800 chuyên gia chiến lược trên khắp Châu Á và Châu Âu về chính sách đối với Trung Quốc. Điều thú vị là quốc gia sẵn sàng thúc đẩy nhân quyền tại Trung Quốc nhất lại là Nhật Bản. Tôi cảm thấy vấn đề đó là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Nhật và đây là vấn đề mà Nhật sẽ tiếp tục nhấn mạnh trong tương lai. Nhưng riêng chuyến đi này tôi nghĩ sẽ chú trọng đến hợp tác kinh tế hơn cả.
Giang Nguyễn: Ông vừa đề cập đến ODA. Nhật Bản là quốc gia đứng hàng đầu trong việc cung cấp ODA cho Việt Nam. Nhưng các khoản vốn có tác động như ý muốn hay không, khi một số khoản tiền bị sử dụng sai mục đích. Nhật Bản có quan tâm đến vấn đề đó hay khôn?
Nicholas Szechenyi: Nhật có lịch sử lâu dài cung cấp ODA với những nguyên tắc phát triển rất chi li. Tôi không thể nhận định cụ thể về mối quan tâm của họ đối với Việt Nam trong lãnh vực này. Nhưng tôi nghĩ Nhật Bản có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình các quy tắc và tiêu chuẩn gắn liền với sự phát triển kinh tế trong khu vực và đó chắc chắn là một nỗ lực dài hạn. Nhật Bản sẽ tiếp tục ưu tiên đẩy các nguyên tắc cần thiết và điều này có thể sẽ được đề cập trong bàn thảo về ODA cho Việt Nam.
Giang Nguyễn: Ngoài ra còn điều gì mà ông chú ý trong chuyến đi này?
Nicholas Szechenyi: Thật thú vị là khi người tiền nhiệm của Suga, ông Abe từ chức vài tuần trước, đã có một cuộc tranh luận lớn liệu chính sách (đối ngoại) của Nhật Bán sẽ có thay đổi hay không? Ông Suga sẽ làm gì? Chúng ta có đang trong quá trình chuyển đổi không? Theo tôi nhận xét, nhiệm kỳ của ông Suga là một sự tiếp nối và điều này thể hiện rõ nhất trong chính sách ngoại giao trong khu vực.
Điều thú vị là chính ông Abe đã chọn Đông Nam Á là điểm đến đầu tiên vào năm 2013 và ông đã có một bài phát biểu nêu ra 5 nguyên tắc ngoại giao của Nhật Bản trong khu vực, hầu hết là các vấn đề cô và tôi vừa thảo luận. Ông Suga đang thể hiện sự tiếp nối và nhất quán trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại Đông Nam Á. Vai trò lãnh đạo của Nhật trong sự ổn định, nhất quán và tin cậy cực kỳ quan trọng trong khi sự cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực đang là dấu hỏi. Có thể nói là ‘màn ra mắt’ này đối với chương trình ngoại giao của ông Suga trong chuyến đi này cực kỳ quan trọng vì nó thể hiện cam kết của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á và tổ chức ASEAN. Nó cũng cho thấy Nhật Bản sẽ vẫn là nước đi đầu về địa chính trị ở Châu Á, và tôi nghĩ điều đó sẽ khiến Việt Nam, Indonesia và các nước khác rất yên tâm.
Giang Nguyễn: Cảm ơn ông Nicholas Szechenyi đã cho chúng tôi cuộc phỏng vấn hôm nay.
Nicholas Szechenyi: Cảm ơn bạn, rất vui vì chúng ta có thể trò chuyện.