Làm sao để nhân quyền thành niềm tự hào quốc tế cho Việt Nam?

Làm sao để nhân quyền thành niềm tự hào quốc tế cho Việt Nam?

  • GS Nguyễn Hữu Liêm
  • Gửi tới BBC từ San Jose, Hoa Kỳ

22 tháng 10 2020Cập nhật 7 giờ trước

\"Gia
Chụp lại hình ảnh,Gia đình chờ đón các tù nhân được trả tự do tại một nhà tù ở Hải Dương, Việt Nam năm 2013

Cứ mỗi lần nhà nước Việt Nam bắt giam và truy tố một nhà hoạt động, một nhân sĩ theo Điều 117 hay trước đó Điều 88 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam, thì thế giới và chính phủ Việt Nam lại tung ra những tố cáo lẫn nhau.

Gần đây nhất là vụ Phạm Đoan Trang, Nguyễn Năng Tĩnh, hay Nguyễn Đình Quý – phía quốc tế lần nữa lên tiếng chỉ trích, lên án; phía Việt Nam thì phản đối và phủ nhận các cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Phía Ân Xá Quốc tế hay Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới thì cho đó là vi phạm nhân quyền vì chính quyền “đàn áp những người bất đồng chính kiến.” Phía chính phủ Việt Nam thì đáp trả rằng họ chỉ “truy tố những kẻ vi phạm pháp luật” và cho rằng những lời chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền là “ngang ngược,” “vô căn cứ” và “can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ “ của một quốc gia có chủ quyền.

Khác biệt về điểm đứng, góc nhìn

\"Phạm
Chụp lại hình ảnh,Nhà báo bất đồng chính kiến Phạm Đoan Trang bị bắt hôm 7/10/2020

Phía quốc tế thường lấy tiêu chuẩn nhân quyền trên cơ sở tự do cá nhân mà trong đó quyền tự do ngôn luận, phát biểu quan điểm chính trị, chỉ trích chính quyền, là các quyền công dân cơ bản. Hiến Chương Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, mà Việt Nam đã đồng thuận ký kết tuân thủ, đã nói rõ về các quyền cơ bản đó.

Đảng CSVN lại nhìn nhân quyền qua lăng kính giá trị tập thể. Họ luôn nói quyền con người không thể tách rời khỏi quyền lợi và nhu cầu an ninh, ổn định quốc gia. Mỗi nước có quyền thi hành luật pháp theo tiêu chuẩn và nhu cầu riêng. Việt Nam cũng thường viện dẫn lịch sử chống ngoại xâm nhằm bảo vệ quyền tự quyết và sống còn dân tộc như là một biểu hiện nhân quyền tối thượng.

Câu chuyện quen thuộc nầy, ngôn ngữ qua lại như thế, nghe hoài cũng trở nên nhàm chán. Với không ít người, đây là những điệp khúc chạy đi chạy lại từ đĩa nhạc cũ kỹ. Đến nỗi mỗi lần nhà nước Việt Nam bắt giữ một nhân sĩ hoạt động chính trị, thì các ngôn từ cũ lại được hai phía đưa ra như là một bản văn sớ cúng thần linh nơi đình làng cho nhu cầu nghi thức và khẩu hiệu. Thực chất hai bên đều biết phía đối diện chẳng chú tâm bao nhiêu, người ta gọi là \’nói cho có\’.

Đối tượng “dâng sớ” cho cộng đồng nhân quyền quốc tế là vị thần tôn vinh chức năng và giá trị tự do cá thể.

Trong khi đó vị thần của chính quyền Việt Nam là một huyền thoại từ quá khứ đầy hào quang lịch sử vốn chỉ coi trọng nhu cầu quốc gia đại thể là trên hết.

Cần thiện chí hòa giải từ hai phía

Vậy làm thế nào để cung cách đối thoại về nhân quyền cho Việt Nam được đặt trong một khung tham chiếu mà hai phía không cần phải lập lại những ngôn từ gần như vô nghĩa, hoàn toàn thiếu tác dụng?

Trước hết, cả hai phía nên chấm dứt và không cần phải lên tiếng “dạy dỗ” nhau về nhân quyền nữa. Khung tham chiếu về giá trị và đối tượng khán thính giả trong câu chuyện nầy, không phải là một khối khái niệm trừu tượng, hay là một thần đế mơ hồ để tôn vinh.

Thay vào đó, tôi nghĩ rằng hai phía, quốc tế và Việt Nam, hãy nhìn vào những ý nghĩa và tác dụng thực tiễn vượt qua quá trình đầy những lời qua tiếng lại vốn không đi đến đâu. Cả hai bên phải biết nhân nhượng, điều tiết quan điểm cứng ngắt của mình, và tránh những tuyên bố thuần tính chất khẩu hiệu.

Về phía các cơ quan nhân quyền, báo chí quốc tế, trước khi lên án về một vụ bắt bớ hay kết án nào đối với các nhân sĩ hoạt động, thì hãy nghiên cứu nội dung sự kiện (facts) một cách khách quan. Hãy áp dụng sự kiện hành vi vào luật pháp Việt Nam với quy chuẩn Hiến chương Nhân quyền Liên Hiệp quốc hiện hành nhằm đi đến một kết luận rằng Việt Nam đã vi phạm điều khoản nào về pháp chế, về tinh thần và chủ địch của các điều khoản nhân quyền quốc tế, và đã vi phạm điều khoản nào theo Hiến pháp Việt Nam.

Quốc tế phải biết tôn trọng một chu vi vừa phải trong bối cảnh lịch sử và chính trị thực tiễn hiện nay ở Việt Nam vốn đặt trọng tâm vào an ninh nội an, ổn định xã hội và duy trì quyền lực độc đảng. Dù rằng biên độ tôn trọng chủ quyền quốc gia của Việt Nam có thể vi phạm trên bình diện tinh thần nội dung các công ước về quyền con người phổ quát, nhưng đây là cái giá phải trả, vốn cần thiết cho một cuộc đối thoại có ý nghĩa về nhân quyền hiện nay.

Về phía Việt Nam phải nên biết nhân nhượng để nhìn nhận rằng nhu cầu độc quyền chính trị và ổn định xã hội không phải chỉ được duy trì bằng các phương thức trấn áp mạnh tay với ngôn ngữ biện chính thiếu thuyết phục – mà hãy bước lên một bước về phía tiêu chuẩn quyền công dân hoàn vũ.

Bước nhân nhượng vừa phải và hợp lý trong giai đoạn nầy là Việt Nam hãy hủy bỏ điều 117 và trước đó Điều 88 của Bộ Luật Hình sự đi đối với việc vô hiệu hóa các bản án liên hệ.

Bước kế tiếp và hãy thiết lập một quy chuẩn pháp chế về hành vi, ngôn ngữ và hoạt động chính trị mà theo đó, công dân chỉ bị bắt giữ và truy tố hình sự khi họ cổ võ bạo động, âm mưu lật đổ chính quyền bằng vũ lực.

Đây sẽ là một nấc thang chuyển hóa và cải cách pháp chế mang tính thuyết phục cao tới cộng đồng quốc tế. Việt Nam nên tiên phong đi bước đầu tiên vì nhân dân và thế giới mong chờ thiện chí mở đầu nầy.

Chuyển sự xấu hổ thành niềm hãnh diện quốc tế

Không lẽ mỗi lần một nguyên thủ quốc gia vốn rất thân thiện đến thăm Việt Nam đều mở đầu câu chuyện bằng lời khuyến cáo về vi phạm nhân quyền. Dù rằng, những tuyên bố đó chỉ là ngôn ngữ ngoại giao phục vụ chính trị nội bộ cho quốc gia khách đó, nhưng đấy chính là một nỗi nhục lớn trên bình diện quốc thể cho Việt Nam.

Không lẽ một dân tộc hào hùng với cả ngàn năm dựng nước, bảo vệ độc lập thống nhất trước các cường quốc hàng đầu thế giới, lại phải nghe mãi những tuyên bố mang tính dạy dỗ, lên giọng đạo đức từ các bộ ngoại giao, cơ quan truyền thông, các tổ chức dân sự thế giới.

Dân tộc Việt Nam đã hy sinh bao nhiêu thế hệ chiến đấu để được thế giới tôn trọng, nể phục, mà nay chỉ vì vài điều luật hay những bắt bớ, truy tố liên hệ mà trở nên một nhược điểm ngoại giao lớn trên cộng đồng thế giới.

Đã nhiều lần, chính tôi có dịp gặp mặt các phái đoàn ngoại giao cao cấp Việt Nam công tác trên thế giới, trong những lần nói chuyện riêng, họ than phiền rằng bên công an ra những quyết định bắt giam và truy tố các nhân sĩ hoạt động mà không tham khảo và đánh giá hệ quả tác hại với phía ngoại giao.

Cả thập kỷ vun bồi thiện ý trên thế giới về một hình ảnh Việt Nam văn minh, hòa hoãn, tiến bộ lại cứ bị phá hủy bởi những vụ bắt bớ không cần thiết về bình diện an ninh quốc gia, với những bản án vô lý và rất là \’phản chính trị\’.

Tại sao một đằng thì Việt Nam luôn muốn thế giới coi trọng mình, quan tâm đến sĩ diện quốc gia, nhưng một đằng thì cứ tự lấy tro bôi mặt mình? Xin Bộ Công An hãy đắn đo, mang trí tuệ vào sách lược an ninh, để cùng bên Ngoại giao cân nhắc cẩn trọng về hệ quả trên trường quốc tế đối với các hành vi trấn áp như vậy.

Không ai chối cãi rằng Việt Nam trong những thập kỷ gần đây đã thành công và tiến bước khá xa, khá vững mạnh trên tiến trình xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Tuy nhiên, những hành vi bắt giam và truy tố theo Điều 117 và 88 Bộ Luật Hình sự là một điểm nghẽn cần phải vượt qua nhằm đem quốc gia và dân tộc lên một nấc thang tiến bộ mới, hãnh diện đứng ngang hàng với các quốc gia văn minh, tiến bộ trên trường quốc tế.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm từ Hoa Kỳ. Một số sách của ông gồm \’Thời tính, Hữuthể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” được xuất bản ở Việt Nam năm 2018. Hiện ông làm việc tại công ty luật The Law Firm of Henry H. Liem, P. C, San Jose, California.

Bài Liên Quan

Leave a Comment