Nguy cơ khi các trường đại học Mỹ nhận hàng tỷ USD từ Trung Quốc và nước khác

Nguy cơ khi các trường đại học Mỹ nhận hàng tỷ USD từ Trung Quốc và nước khác

22/10/2020


\"Tư
Tư liệu- Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos phát biểu tại Phòng Báo chí James Brady ngày 27/3/2020, ở Washington.

Bộ Giáo dục Hoa Kỳ hôm 20/10 công bố một phúc trình, tố cáo một số trường đại học hàng đầu của Mỹ không tuân thủ luật quy định rằng các trường đại học phải báo cáo tất cả các khoản tiền tặng hay hợp đồng với nước ngoài, nếu số tiền cao hơn 250.000 đô la.

Thông cáo báo chí của Bộ Giáo dục nói một số trường đại học hàng đầu nước Mỹ đã nhận 6,5 tỷ USD từ các nguồn tài trợ nước ngoài mà không báo cáo. Các nước ngoài được nêu trong báo cáo gồm Trung Quốc, Nga, Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), và Qatar.

Điều 117 của Đạo luật Giáo dục Cấp Đại học Hoa Kỳ đòi hỏi các trường đại học và cao đẳng phải báo cáo minh bạch những khoản tiền tặng và hợp đồng với nước ngoài, nhưng trong năm qua, Bộ Giáo dục phát hiện nhiều trường đại học có liên hệ tài chính hàng tỷ USD với nước ngoài mà không báo cáo.

Phát biểu tại lễ công bố phúc trình, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos nói:

“Mối đe dọa từ ảnh hưởng của nước ngoài đối với nền giáo dục bậc đại học của Mỹ là có thực. Hành động của chúng tôi hôm nay bảo đảm rằng sinh viên Mỹ, các nhà giáo và người đóng thuế Mỹ có thể theo dõi những món tiền này”.

Bà DeVos nói minh bạch các khoản tài trợ từ nước ngoài là luật, nhưng từ lâu, không được thực thi nghiêm túc. Bà nói từ nay, mọi sự sẽ đổi khác.

Kể từ năm 2019, Bộ Giáo dục đã mở các cuộc điều tra vào hàng chục trường đại học hàng đầu nước Mỹ, kể cả Đại học Harvard và Đại học Yale, và phát hiện các đại học Mỹ không báo cáo ít nhất 6,5 tỷ USD nhận được từ nước ngoài.

Phúc trình của Bộ Giáo dục đề cập tới thông tin liên quan tới các trường đại học Georgetown, Texas A&M, Cornell, Rutgers, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), và Đại học Maryland.

Một số trường khác đang được điều tra và đang cung cấp thông tin, hoặc chưa cung cấp tài liệu, theo phúc trình.

Phúc trình dài 34 trang cập nhật tin về một cuộc điều tra do Bộ Giáo dục tiến hành từ năm ngoái để tìm hiểu liệu các trường đại học của Mỹ có báo cáo đầy đủ các hợp đồng với nước ngoài, hay các khoản tiền tặng cao hơn 250.000 USD trong một năm, hay không.

Nội dung chính của phúc trình

Hai trường đại học không báo cáo một cách chính xác nguồn tài trợ từ nước ngoài cho trường đại học của họ tại Doha, Qatar, một phần do chính phủ Qatar cung cấp. Hội Qatar đã dùng ảnh hưởng tài chính để hạn chế tự do ngôn luận..

Huawei, tập đoàn viễn thông khổng lồ được Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn, có liên hệ tài chính với hầu hết các trường đại học và cao đẳng bị điều tra. Huawei nhắm vào các vấn đề quan trọng cho an ninh quốc gia, như khoa học hạt nhân, nghiên cứu robot, và các dịch vụ ‘đám mây’trên mạng.

Hai công ty Trung Quốc hợp tác với một đại học Mỹ trong một dự án phát triển các thuật toán AI (trí tuệ thông minh) để tăng cường khả năng kiểm soát đám đông, và công nghệ dự đoán hành vi mà chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng vào các mục đích xấu.

Một khoản tiền tặng lớn của Hoàng tử Ả rập Xê út Alwaleed bin Talal cho Đại học Georgetown giúp nước này có tiếng nói trong chương trình giảng dạy các chủ đề liên quan tới Trung Đông.

Và một trường đại học đã nhận 25.000 USD để tài trợ cho một hội thảo về an ninh mạng từ công ty Kaspersky Security Solutions, tình nghi có liên hệ với chính quyền Nga.

Các bản tin của báo WSJ và Bloomberg tiết lộ thêm chi tiết về các trường đại học liên hệ.

Báo WSJ nói một trường đại học có thể xác định được là MIT, đã ký nhiều hợp đồng và thỏa thuận trị giá 11 triệu đôla với tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc từ năm 2013.

\"Đại
Đại học Georgetown, thủ đô Washington DC


Một trường đại học, mà qua phúc trình có thể xác định là Đại học Georgetown, từng làm việc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, “thu về 2.360.807 USD” qua một sự dàn xếp chứng minh “một mức độ tương tác đáng kể” với Trung Quốc, hậu thuẫn một chương trình trao đổi học thuật với các quan chức cộng sản thông qua Trường Đảng Trung ương của Trung Quốc.

Các trường đại học Mỹ nói chung vẫn bảo vệ các chương trình hợp tác quốc tế của họ, nói rằng những quy định hiện thời có nội dung không được rõ ràng về việc các trường đại học phải báo cáo tài chính.

Một người phát ngôn của Đại học Cornell thừa nhận một số sai lầm về vấn đề báo cáo tài chính trong quá khứ, và nói nhà trường đã có những nỗ lực đáng kể từ tháng 7/2019 để công bố chính xác các khoản tài trợ từ nước ngoài.

Một trường đại học, có thể được nhận diện là Cornell, thừa nhận đã không cung cấp tài liệu cho Bộ Giáo dục về hoạt động của nhà trường ở Qatar trong các phúc trình trước đây, nói rằng họ thật sự không biết giải thích sai lầm này như thế nào, theo phúc trình của Bộ Giáo dục.

Luật pháp hiện hành không cấm các trường đại học Mỹ nhận các khoản tài trợ từ nước ngoài, nhưng nhà trường có trách nhiệm báo cáo đầy đủ và minh bạch.

Chính phủ Mỹ lo ngại các ngân khoản đến từ nước ngoài ‘là những sợi dây thòng lọng’ có kèm theo điều kiện, cho phép các chính phủ nước ngoài tiếp cận kết quả nghiên cứu về những đề tài nhạy cảm, hoặc hạn chế tự do học thuật trong một số đề tài.

Phúc trình của Bộ Giáo dục viết:

“Các viện nghiên cứu của Mỹ là những kho báu công nghệ, dẫn đầu các lĩnh vực cạnh tranh với nước ngoài, chẳng hạn như khoa học nano. Từ quá lâu, các định chế này cho phép các chính phủ nước ngoài và các công cụ của họ tiếp cận kho báu đó ở mức chưa từng thấy trong một môi trường thiếu minh bạch và không qua sự kiểm soát của ngành, Bộ Giáo dục và các cơ quan đối tác của Bộ”.

Các nhà điều tra của Bộ Giáo dục kết luận rằng “nhiều định chế giáo dục của Mỹ chủ động kêu gọi và nhận tiền tài trợ nước ngoài”, và bày tỏ lo ngại rằng liên hệ tài chính này có thể ảnh hưởng tới tiến trình đưa ra quyết định của các trường này, và có thể phương hại tới ‘lợi ích quốc gia, và các giá trị Mỹ’”.

Đa phần các đại học Mỹ đã ngưng nhận tài trợ của Huawei từ năm 2018, nhưng nhiều trường đại học hàng đầu trước đây đã ký các hợp đồng lớn với Huawei, phúc trình cho biết.

Một ví dụ điển hình được WSJ đề cập tới là trường MIT, đã ký hợp đồng với Huawei trị giá 11 triệu USD từ năm 2013, bao gồm các thỏa thuận về nghiên cứu cho một số dự án hoặc chương trình cụ thể.

Một nữ phát ngôn nhân của đại học MIT nói nhà trường không có thỏa thuận nào đang thực hiện với Huawei. Người phát ngôn cho biết cách đây hơn 2 năm, đại học MIT đã xác định những phương cách để cải thiện và báo cáo các khoản tiền tặng và hợp đồng với nước ngoài, và đã áp dụng những biện pháp đó từ tháng 1/2019.

Phúc trình của Bộ Giáo dục nói nhiều chương trình được Huawei bảo trợ bao gồm các đề tài liên quan tới các công nghệ có tính cạnh tranh như công nghệ robot, công nghệ bán dẫn, và các ‘dịch vụ đám mây’ trên mạng. Người phát ngôn của Huawei không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của WSJ.

Bộ Giáo dục nêu bật nhiều lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm khác trong đó các đại học Mỹ hợp tác với các đối tác nước ngoài, và nói rằng Bộ Giáo dục muốn khuyến khích các cuộc thảo luận công khai về các hoạt động đó.

Chẳng hạn như một hợp đồng giữa một trường đại học được nhận diện là Đại học Maryland với tập đoàn Alibaba của Trung Quốc để phát triển những thuật toán AI để tăng cường khả năng giám sát các đám đông.

Lo ngại về ý đồ của Trung Quốc tung tiền ra mua công nghệ và ảnh hưởng trên thế giới, chính phủ Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc điều tra đặc biệt về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hệ thống giáo dục cấp cao của Mỹ.

Tháng 2 năm nay (2020), một cuộc điều tra cho thấy 2 trường đại học danh giá nhất nước Mỹ, Đại học Harvard và Đại học Yale, bị phát hiện đã nhận ít nhất 6,5 tỉ USD từ Trung Quốc và Ả rập Xê út mà không báo cáo.

Bộ Giáo dục Mỹ yêu cầu đại học Harvard công bố các khoản tiền tặng đến từ các chính phủ nước Trung Quốc, Qatar, Ả rập Xê út, Iran, Nga, cũng như chi tiết các hợp đồng với nước ngoài.

Hãng tin Reuters lúc đó trích tuyên bố của Bộ Giáo dục nói rằng Đại học Yale trong 4 năm qua đã nhận ít nhất 375 triệu USD tiền tặng của nước ngoài mà không báo cáo. Bộ Giáo dục Mỹ yêu cầu Đại học Yale cung cấp hồ sơ các khoản tiền tặng của Ả rập Xê út, Trung Quốc – kể cả của Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất nước, và Học viện Yenching của Đại học Bắc Kinh, Đại học Singapore và Qatar.

Bài Liên Quan

Leave a Comment