Hội luận: Việt Nam hạn chế, ngăn chặn tự do ngôn luận, tiếng nói bất đồng trên Internet
27/10/2020
Hôm 26/10, các chuyên gia về tự do Internet vừa có buổi thảo luận về việc chính quyền Việt Nam thực hiện các chính sách gia tăng hạn chế và ngăn chặn thực thi quyền tự do biểu đạt trên mạng xã hội.
Buổi hội luận do Uỷ ban Cứu người vượt biển (BPSOS) tổ chức, nêu các khía cạnh vi phạm quyền tự do ngôn luận của chính quyền Việt Nam như: sách nhiễu, trừng phạt và bắt bớ các nhà báo, các bloggers và những người biểu đạt quan điểm trên mạng xã hội; sử dụng dư luận viên để tấn công, phỉ báng các người lên tiếng cho quyền con người và đòi hỏi công lý.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nêu các vấn đề như việc chính quyền Việt Nam gây áp lực các công ty cung ứng dịch vụ như Facebook và YouTube kiểm duyệt thông tin với nội dung bị nhà nước cấm đoán; tấn công các trang mạng có nội dung chỉ trích Đảng và Nhà nước; và cài mã gián điệp để theo dõi các nhà hoạt động vì nhân quyền, dân chủ.
Ông Trịnh Hữu Long, Đồng Giám đốc của tổ chức Legal Initiatives for Vietnam (LIV- Các Sáng Kiến Pháp Lý Việt Nam), hiện cư ngụ tại Đài Loan và điều hành tờ Luật Khoa Tạp Chí, một đề án của LIV, nêu nhận định của ông về các xu thế dẫn đến việc gia tăng đàn áp tự do Internet tại Việt Nam trong thời gian qua:
“Trong thời gian qua có người lên tiếng chỉ trích chính phủ, có thêm nhiều người phản kháng và vì vậy có thêm nhiều người bị bắt. Cùng lúc từ năm 2016, Đảng Cộng sản Việt Nam có đường lối cứng rắn hơn về việc chống tham nhũng.
“Sau hiệp định EVFTA thì chính phủ không bận tâm việc đàm phán nữa!
“Trong bốn năm qua, áp lực từ phía Hoa Kỳ cũng giảm đi, đồng thời những tiếng nói cổ vũ cho phong trào nhân quyền trên thế giới cũng giảm.”
Từ Bangkok, Thái Lan, ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc Á Châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), phát biểu tại buổi hội luận trực tuyến:
“Nhiều người đã chỉ ra rằng án tù dành cho những người bất đồng chính kiến Việt Nam dài hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác trong khu vực. Không nơi nào khác ngoài Việt Nam, những tiếng nói bất đồng bị phạt từ 6, 8, 10, 12 năm tù vì phát biểu ôn hòa hoặc tổ chức biểu tình ôn hòa.
“Và điều thú vị ở Việt Nam là chính quyền các cấp làm việc rất tốt trong việc bóp nghẹt những tiếng nói này. Họ có khả năng truyền đạt các mệnh lệnh xuống cấp cơ sở ở các xã, thôn để thực hiện các mệnh lệnh này …khi mà vai trò của Đảng trong việc phối hợp tổ chức, giám sát là rất lớn.”
“Tòa án Việt Nam sẽ làm bất cứ điều gì theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Việt Nam,” ông Robertson nói.
EMBED SHARE
Reuters: Bị VN ‘bóp’ băng thông, Facebook tăng kiểm duyệt
Trả lời câu hỏi của VOA Tiếng Việt về việc làm thế nào để giảm thiểu sự thỏa hiệp giữa Facebook,YouTube, Google với chính quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn tự do phát biểu và kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội, ông Phil Robertson, nói:
“Tôi đề xuất Facebook, Google không nên chấp nhận các bản án của tòa án Việt Nam vì rõ ràng chúng trái ngược với nghĩa vụ của Việt Nam đã ký kết theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó cũng nói rằng luật quốc gia phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Và Việt Nam đã cố tình không thực hiện được điều này…nếu họ chỉ căn cứ theo luật quốc gia không thôi thì chưa đủ.”
Liên quan đến câu hỏi của VOA về tầm ảnh hưởng và tác động của ‘lực lượng dư luận viên’ tại Việt Nam, ông Trịnh Hữu Long nói:
“Lực lượng Dư luận viên đang thống trị không gian mạng Việt Nam. Tôi nghĩ rằng họ phần nào cũng đã thành công, nhưng cũng bị phản ứng dữ dội khi mà càng ngày càng nhiều nhận ra được các chiêu trò của họ.
“Một điều không thể chấp nhận là chính phủ lại dùng tiền thuế của người dân để trả tiền cho những kẻ chuyên thao túng người dân như vậy!”
Ông Robertson nói: “Chúng tôi biết có một vài nghiên cứu về các lực lượng này và chúng tôi mong muốn phối hợp với Facebook để ngăn chặn họ.”XEM THÊM:Việt Nam ‘song kiếm hợp bích’ chống ‘tin giả’ giữa dịch Covid-19
Ông Steven Adair, Chủ Tịch của công ty Volexity, một công ty chuyên về an ninh mạng, nói tại buổi hội luận rằng công ty của ông đã thu thập khá nhiều thông tin về hoạt động của nhóm OceanLotus (Sen Biển), như cài mã gián điệp vào các trang báo điện tử để qua đó xâm nhập máy vi tính của những người quan tâm đến các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền.
Ông Adair nói rằng nhóm OceanLotus đã tấn công vào các trang mạng cổ suý nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam của những người Việt ở Đức, trong đó có tổ chức VETO. Đặc biệt, ông Adair cho biết nhóm tin tặc này được cho là do nhà nước Việt Nam lập ra và tài trợ.