Mỹ – Ấn 2+2: Thỏa thuận quân sự quan trọng được ký kết
3 giờ trước
Ấn Độ và Hoa Kỳ vừa ký một thỏa thuận quân sự về chia sẻ dữ liệu vệ tinh nhạy cảm trong bối cảnh có căng thẳng ở biên giới Ấn Độ – Trung Quốc.
Những dữ liệu như vậy được coi là thiết yếu trong việc bắn trúng tên lửa, drones và các mục tiêu khác với độ chính xác cao.
Thỏa thuận này được công bố sau khi cuộc gặp cao cấp thường niên \”2+2\” diễn ra ở New Delhi hôm thứ Ba.
Các chuyên gia nói việc tăng cường quan hệ Mỹ – Ấn nhằm đối trọng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đã có cuộc gặp với người đồng nhiệm Ấn Độ ông Rajnath Singh. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng gặp Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar.
\”Trong suốt hơn hai thập niên, quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta đã phát triển vững chắc về thực chất, các bình diện và tầm quan trọng,\” Ngoại trưởng Jaishankar nói hôm thứ Ba. Ông nói thêm rằng các cuộc đàm phán sẽ cho phép hai nước \”phối hợp mạnh mẽ hơn về các vấn đề an ninh quốc gia.\”
Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Căn bản về Hợp tác Địa Vệ tinh, hay BECA, là một trong số ít các thỏa thuận và Mỹ ký kết với các đối tác thân cận. Nó cho phép Ấn Độ tiếp cận một loạt dữ liệu địa vệ tinh và hàng không thiết yếu cho hoạt động quân sự.
Hai nước cũng ký một số các thỏa thuận khác trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân, khoa học trái đất và y học thay thế. Nhưng BECA là thỏa thuận quan trọng nhất.
Nó cho phép Hoa Kỳ \”cung cấp cho phía Ấn Độ dữ liệu hỗ trợ dẫn đường và hàng không tối tân của các phi cơ do Mỹ cung cấp\”, một nguồn tin quân sự Ấn Độ nói với hãng tin Reutuers. Điều đó cũng có nghĩa Hoa Kỳ có thể lắp đặt các thiết bị dẫn đường tiên tiến trên các phi cơ nước này cung cấp cho Ấn Độ.
Thỏa thuận này được ký tại thời điểm Ấn Độ đang có một trong những đợt căng thẳng nghiêm trọng nhất với Trung Quốc trên đường biên giới tranh chấp giữa hai nước ở vùng Himalaya.
Hai mươi binh sỹ Ấn Độ đã chết trong một cuộc xung đột nổ ra giữa quân đội hai bên hồi tháng Sáu, dẫn đến các cuộc đàm phán ngoại giao kéo dài hàng tháng nhằm làm dịu căng thẳng. Nhưng đàm phán chưa giúp làm giảm tình hình thù địch tới nay.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng xấu đi trong những tháng gần đây với việc Tổng thống Donald Trump liên tiếp chỉ trích cách Bắc Kinh xử lý đại dịch virus corona. Hoa Kỳ cũng chỉ trích việc Trung Quốc áp đăt luật an ninh mạng mới ở Hong Kong, sau khi có các cuộc biểu tình lớn.
Dây đu ngoại giao hẹp
Vikas Pandey, BBC News, Delhi
Thỏa thuận này là hết sức quan trọng, trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Hoa Kỳ dường như cảm nhận được cơ hội trong căng thẳng biên giới Trung – Ấn và muốn tăng cường vai trò của mình ở khu vực.
Thỏa thuận được coi là một dấu hiệu cho Trung Quốc thấy rằng Washington coi Dehli là đồng minh quân sự thân cận. Và điều này có lẽ sẽ củng cố giọng điệu chống Trung Quốc của chính quyền Trump.
Nhưng các quan chức Ấn Độ sẽ phải giữ thăng bằng trên dây đu ngoại giao rất hẹp.
Delhi tiếp tục có các cuộc đàm phán cấp quân sự với Bắc Kinh để làm dịu tình hình ở biên giới và một giải pháp hòa bình là tốt nhất cho lợi ích của họ. Ấn Độ sẽ không muốn có xung đột, cho dù chỉ ở mức hạn chế, tại thời điểm khi nước này đang phải chiến đấu lâu dài chống đại dịch.
Điều này được thấy rõ trong các thông cáo mà các nhà lãnh đạo hai nước đưa ra tại cuộc họp báo hôm thứ Ba.
Mặc dù ông Singh và ông Jaishankar không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc trong thông cáo của mình, ông Esper cũng như ông Pompei đều nhắc tới Trung Quốc.
Ấn Độ cũng sẽ phải cẩn thận về quan hệ với Nga. Sẽ rất thú vị để quan sát nước này giữ cân bằng các quan hệ quân sự và chiến lược với Washington và Moscow ra sao.
Thỏa thuận này là một bước tiến trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ quân sự Mỹ- Ấn. Ấn Độ là một trong những nước mua thiết bị quân sự lớn nhất thế giới, nhưng 60-70% các thiết bị của nước này là do Nga cung cấp.
Hoa Kỳ muốn thay đổi điều này và đã trở thành nước cung cấp thiết bị quân sự tăng nhanh nhất trong những năm gần đây.
Chuyến thăm của hai bộ trưởng Hoa Kỳ lần này củng cố \”cam kết làm sâu sắc thêm hợp tác quân sự\” của Hoa Kỳ và Ấn Độ, theo một thông cáo chính thức ra sau khi bộ trưởng quốc phòng hai nước, ông Esper và ông Singh nói hôm thứ Hai.
Đây là cuộc đàm phán thường niên \”hai cộng hai\” giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Cuộc đàm phán đầu tiên được tổ chức ở Delhi hồi 2018. Cuộc đàm phán lần này theo kế hoạch đáng lẽ diễn ra hồi đầu năm, nhưng đã bị hoãn do đại dịch và diễn ra chỉ một tuần trước ngày bầu cử Mỹ. Các nhà phân tích nói thời điểm của chuyến thăm cho thấy Ấn Độ là một ưu tiên đối với Hoa Kỳ.
Sau Ấn Độ, ông Pompeo và ông Esper sẽ tiếp tục đi thăm khu vực châu Á, với các điểm dừng ở Sri Lanka, Maldives và Indonesia.