Bầu cử Mỹ: Tổng thống tiếp theo phải đối mặt với thách thức Đài Loan
- Rupert Wingfield-Hayes
- BBC News
2 giờ trước
Liệu Trung Quốc có đang chuẩn bị xâm lược Đài Loan? Đây là một câu hỏi nóng được tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn Trung Quốc hiện nay. Và đây cũng là một trong những quan tâm địa chính trị hàng đầu cho vị Tổng thống Hoa Kỳ tiếp theo.
Tình hình nóng lên hôm 13 tháng Mười khi Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm căn cứ hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) ở tỉnh Quảng Đông và dặn các binh lính hãy \”chuẩn bị cho chiến tranh\”.
Sau đó, một số tờ báo chạy tít ngụ ý nói Trung Quốc sắp xâm lược Đài Loan.
Nhưng sự thật không phải như vậy. Tuy nhiên, có nhiều lý do các chuyên gia về Trung Quốc đang gấp rút bàn thảo về tương lai của Đài Loan.
Trung Quốc và Hoa Kỳ từ lâu đã đối nghịch nhau về Đài Loan. Bắc Kinh khăng khăng rằng hòn đảo có số dân 23 triệu người thuộc về \”lãnh thổ không thể xâm phạm\” của Trung Quốc.
Washington cho rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải được thực hiện một cách hòa bình.
Trong nhiều thập kỷ, sự bất đồng bế tắc vẫn tiếp tục. Cho tới bây giờ.
Tập Cận Bình tính đến di sản của mình
Có vài lý do tình hình nguyên trạng hiện không thể tiếp tục được. Đầu tiên là ông Tập Cận Bình.
\”Tập Cận Bình muốn lấy lại Đài Loan,\” GS Steve Tsang, giám đốc về viện Trung Quốc thuộc Học viện Nghiên cứu Á Đông và Châu Phi London bình luận. \”Và Tập Cận Bình muốn lấy lại Đài Loan trước khi ông ta trao quyền lực cho người nào lên nắm quyền tiếp theo.\”
Oriana Skylar Mastro, một chuyên gia quân sự Trung Quốc ở Đại học Standord, nói bà nghe thấy hồi chuông cảnh tỉnh về Đài Loan khi ông Tập Cận Bình xóa bỏ thời hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước hồi 2018, trên thực tế cho phép ông làm chủ tịch trọn đời.
\”Bỗng nhiên mọi điều ông ta nói về Đài Loan mang một ý nghĩa mới,\” bà nói. \”Thời hạn mà trước đó ông nói ông muốn giải quyết vấn đề Đài Loan giờ đây gắn liền với tính chính danh và nhiệm kỳ lãnh đạo của ông ta. \”
GS Tsang nói ông Tập Cận Bình tự cho rằng mình là một nhân vật lịch sử lỗi lạc, với một sứ mệnh là hoàn thành điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đi trước, trong đó có Mao Trạch Đông, không làm được.
\”Đặng Tiểu Bình không thể lấy lại được Đài Loan,\” vị giáo sư giải thích. \”Thậm chí Chủ tịch Mao cũng không lấy được Đài Loan. Và nếu Tập Cận Bình lấy được Đài Loan, ông ta không những vĩ đại hơn Đặng Tiểu Bình, mà cả Mao Trạch Đông.\”
Ông Tập Cận Bình đã phát biểu công khai rằng việc thống nhất Đài Loan là \”một yêu cầu không tránh khỏi cho sự hồi sinh vĩ đại của người dân Trung Quốc.\” Thời gian để hoàn thành công cuộc \”hồi sinh vĩ đại\” này là 2019, kỷ niệm 100 năm cách mạng cộng sản. Như vậy là còn 30 năm nữa.
Nhưng cũng có lý do để cho rằng ông Tập muốn hành động trước thời hạn đó.
Sức mạnh quân sự ngày một lớn của Trung Quốc
Điều đầu tiên là Trung Quốc có thể sớm có khả năng quân sự để đánh bại Hoa Kỳ trong một cuộc chiến về Đài Loan.
\”Trong 20 năm qua, câu hỏi lớn mà nhiều người đặt ra là, liệu Hoa Kỳ có bảo vệ các đồng minh và đối tác không?\” bà Mastro, chuyên gia quân sự ở Stanford nói. \”Đó là câu hỏi về quyết tâm. Liệu Hoa Kỳ có hỗ trợ Đài Loan? Nhưng khi quân đội Trung Quốc trở nên tiên tiến hơn, câu hỏi này đã chuyển từ liệu Mỹ sẽ sang liệu Mỹ có thể bảo vệ Đài Loan không?\”
Sự chuyển mình của quân đội Trung Quốc từ một lực lượng \”nhân dân\” có kỹ thuật thấp thành một quân đội kỹ thuật cao đã diễn ra nhanh hơn dự đoán của nhiều người.
Tốc độ và quy mô thay đổi được thấy rõ trong lễ duyệt binh lớn kỷ niệm 70 năm quốc khánh tại Bắc Kinh hôm 1 tháng Mười năm ngoái.
Trong số các xe thiết giáp, pháo binh và bệ phóng tên lửa quen thuộc, có một số hệ thống vũ khí mới rất ấn tượng, trong đó có máy bay tàng hình và drone tàng hình, và cái gọi là \”xe truợt siêu thanh\”. Những hệ thống mới này được thiết kế để tấn công các nhóm hàng không mẫu hạm chiến đấu, nếu họ muốn can thiệp để bảo vệ Đài Loan.
Hạm đội trưởng James E.Fanell là giám đốc của Cơ quan tình báo Hải quân Hoa Kỳ cho hạm đội Hoa Kỳ Thái Bình Dương cho tới khi ông nghỉ hưu năm 2015.
\”Tôi nêu đặc điểm của giai đoạn mà tôi gọi là thập kỷ đáng lo ngại,\” ông nói với tôi từ công việc mới của ông tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva, \”và đó là từ 2020 đến 2030, mà theo tôi là giai đoạn nguy hiểm nhất. Cả cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Chủ tịch Tập Cận Bình đều ra lệnh cho PLA phải có khả năng chiến đấu với quân đội Đài Loan vào năm 2020.
\”Thế nên, trong suốt 20 năm qua họ đã ra lệnh để xây dựng khả năng và tiềm lực để mở một cuộc tấn công quân sự chống lại Đài Loan.\”
\’Thất bại\’ của Mỹ ở Biển Đông
Trung Quốc cũng đang dần thử thách quyết tâm của Hoa Kỳ ở Biển Đông, xem thử Trung Quốc có thể tiến xa tới mức nào trước khi Hoa Kỳ đáp trả trước những đe dọa lên các nước đồng minh.
Theo Hạm đội trưởng Fanell, Hoa Kỳ đã liên tục thất bại trước những phép thử đó, cho phép Trung Quốc kiểm soát Bãi cạn Scarborough ngoài khơi Philippines năm 2012, sau đó không có hành động gì để ngăn cản Trung Quốc xây dựng một loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông.
\”Điều đã xảy ra với Bãi cạn Scarborough từ tháng Tư tới tháng Sáu 2012 là thất bại về chính sách đối ngoại lớn nhất của Hoa Kỳ kể từ khi các máy bay trực thăng của Mỹ cất cánh từ nóc tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn năm 1975,\” ông nói.
\”Nó là một thảm họa và nó thực sự có tác động xấu đến uy tín của Mỹ ở châu Á khi chúng ta không làm gì để bảo vệ Philippines.\”https://bbc.com/ws/av-embeds/cps/vietnamese/world-54719727/p06h8hwd/viChụp lại video,
Hải quân TQ muốn máy bay Mỹ \”rời ngay lập tức\”
Với Trung Quốc, lấy lại Đài Loan không chỉ có ý nghĩa lấy lại \”lãnh thổ đã mất\”. Việc kiểm soát được hòn đảo này sẽ cho phép Bắc Kinh có được cái mà Tướng Douglas MacArthur từng gọi là \”một hàng không mẫu hạm không thể chìm ở Thái Bình Dương.\” Bà Mastro cho rằng chiến thắng của Trung Quốc với Đài Loan sẽ hoàn toàn vẽ lại bản đồ chiến lược của châu Á.
\”Nêu Trung Quốc có cuộc chiến với Đài Loan và chiến thắng, họ sẽ không những thống nhất với Đài Loan, mà về cơ bản, điều đó sẽ chấm dứt vai trò của Hoa Kỳ nhưng một lãnh đạo ở châu Á như chúng ta từng biết,\” bà giải thích. \”Vì thế, từ quan điểm của Trung Quốc, có rất nhiều lợi thế.\”
Ở Washington, hiện có sự công nhận ở cả hai đảng rằng đe dọa của Trung Quốc với Đài Loan ngày một lớn. Trong một chỉ dấu rõ ràng cho Trung Quốc, chính quyền ông Trump đã phê duyệt việc bán hàng tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan, trong đó lần đầu tiên có tên lửa không đối đất tiên tiến.
Rủi ro khi tính nhầm khả năng của quân đội Mỹ
Nhưng hiện chưa rõ Hoa Kỳ sẽ làm gì nếu Đài Loan bị tấn công. Hạm đội trưởng Fanell nói sẽ là sai lầm khi tính sai khả năng của quân đội Mỹ.
GS Tsang cho rằng cũng có bài học cho ông Tập từ các cuộc chiến trong quá khứ. Hoa Kỳ, dù muộn, cũng đã hỗ trợ Hàn Quốc, và Kuwait. Ông nói Trung Quốc không nên đánh giá thấp quyết tâm của quân đội Mỹ khi họ bị khiêu khích.
\”Tinh thần của quân đội Hoa Kỳ là của một đội quân sẽ đánh, đánh và đánh,\” ông giải thích. \”Nếu Trung Quốc xét đến điều đó, tôi nghĩ có lẽ họ có thể sẽ thận trọng hơn trong tính toán của mình và rủi ro tính toán nhầm sẽ được giảm.\”
Nếu bạn cộng thêm sự tức giận và nghi ngờ về Covid-19 vào các vấn đề chiến tranh thương mại, điều tra Huawei, việc hai nước đóng cửa lãnh sự quán của nhau và trục xuất nhà báo, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang ở mức tệ nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn hồi 1989.
Hiện đang có kêu gọi vị tổng thống tiếp theo của Mỹ từ cả hai phía rằng Mỹ nên từ bỏ quan điểm thù hằn và quay lại đàm phán với Trung Quốc. Nhưng những người tôi nói chuyện với đều nhất trí rằng đàm phán theo kiểu cũ đã thất bại.
Họ nói vị tổng thống Hoa Kỳ tiếp theo phải tìm được cách đàm phán mới, trung thực hơn, thẳng thắn hơn và rõ ràng hơn nhiều về trách nhiệm và ý định của mình đối với các đồng minh châu Á, trong đó có Đài Loan.