Mỹ cáo buộc TQ là “kẻ săn mồi” với các “giao dịch tồi tệ” cho Sri Lanka và Maldives
- Lê Vy
- Thứ Tư, 28/10/2020
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Tư 28/10 đã lên tiếng tố cáo chính quyền Trung Quốc với các giao dịch tồi tệ và vô luật pháp ở Sri Lanka và Maldives, hai quốc đảo trong khu vực Ấn Độ Dương mà Mỹ coi là nạn nhân của sự bóc lột tàn tệ của Trung Quốc.
Ông Pompeo đang thăm Sri Lanka và Maldives để cảnh báo hai nước này đề phòng việc Trung Quốc cho vay và đầu tư – những hoạt động Mỹ cho rằng “mang tính săn mồi tiềm tàng.”
“Với các giao dịch tồi tệ, vi phạm chủ quyền và vô luật pháp trên đất liền và trên biển, Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là kẻ săn mồi; nhưng Hoa Kỳ theo cách khác, chúng tôi đến với tư cách một người bạn và một đối tác,” ông Pompeo nói trong cuộc họp báo tại thủ đô Colombo của Sri Lanka.
Tuy vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Dinesh Gunawardena tỏ ra không muốn dính líu đến cuộc đấu khẩu về Trung Quốc. Ông cho biết Sri Lanka sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước thân thiện.
Ông nói: “Sri Lanka là một quốc gia trung lập, không liên kết, cam kết vì hòa bình. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục quan hệ với Hoa Kỳ và với các bên khác”.
Tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các cường quốc gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang tích cực đẩy mạnh hoạt động ngoại giao để tăng cường quan hệ với Sri Lanka trước vị trí chiến lược của quốc gia này.
Ấn Độ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến cấp Thủ tướng với Sri Lanka vào ngày 26/9. Sau đó, Nhật Bản tổ chức hội nghị đối thoại vào ngày 1/10 về các vấn đề an ninh, an toàn hàng hải và đại dương. Hôm 9/10, nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đến thăm Colombo để tham dự một loạt cuộc họp với Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và anh trai của ông, Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, về các biện pháp tăng cường quan hệ song phương.
Trung Quốc đã mang tới cùng với chuyến thăm của ông Dương khoản tài trợ phát triển trị giá 90 triệu đôla Mỹ cho Sri Lanka để chi trả cho chăm sóc y tế, giáo dục và cung cấp nước ở các vùng nông thôn.
Trong chuyến thăm của mình tới Colombo, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo dự kiến sẽ thảo luận về ba hiệp ước Hoa Kỳ – Sri Lanka, bao gồm Hiệp ước của Millennium Challenge Corporation (MCC) trị giá 480 triệu đôla Mỹ để hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Sri Lanka; Thỏa thuận Mua lại và Phục vụ chéo (ACSA) và Thỏa thuận về Tình trạng Lực lượng (SOFA) – sẽ cho phép các quân nhân Hoa Kỳ tiếp cận dễ dàng hơn để hoạt động ở Sri Lanka.
George Cooke, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Bandaranaike ở Colombo, cho biết: “Đây chính xác là những gì Sri Lanka cần” khi đề cập đến sự bùng nổ của các cam kết ngoại giao gần đây.
Ông Cooke nói rằng do xung đột kéo dài hàng thập kỷ trên hòn đảo và áp lực quốc tế lên chính phủ để chấm dứt cuộc nội chiến chống lại người dân tộc thiểu số Tamil, Sri Lanka đã không thể vạch ra một con đường rõ ràng cho tương lai của mình. Ngày nay, ông nói, “hòn đảo đang dần tiến tới khả năng đó”.
Nhưng Malinda Seneviratne, một nhà bình luận chính trị Sri Lanka, cho biết sự hiện diện rộng khắp của Trung Quốc ở Sri Lanka và sự nghiêng về phía “thân Trung Quốc” của Tổng thống Rajapaksas sẽ là rào cản đối với Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.
Hôm thứ Hai, Đại sứ quán Trung Quốc ở Colombo đã chỉ trích Mỹ về chuyến thăm của ông Pompeo, nói rằng chuyến thăm được thiết kế để “gieo rắc và can thiệp vào quan hệ Trung Quốc – Sri Lanka, đồng thời ép buộc và bắt nạt Sri Lanka”.
Theo James R. Holmes, một nhà phân tích quốc phòng và J.C. Wylie, Chủ tịch về chiến lược hàng hải tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ ở Newport, Rhode Island, Hoa Kỳ có nhiều động lực để tăng mức độ can dự với Sri Lanka.
Ông Holmes nói: “Hãy nhìn vào bản đồ để biết lý do tại sao Washington muốn tiếp cận Sri Lanka”, đồng thời chỉ ra rằng Mỹ muốn tăng cường lực lượng ở khu vực Ấn Độ Dương trong cuộc cạnh tranh chiến lược hàng hải với Trung Quốc.
Ông Holmes lập luận rằng cơ sở hỗ trợ hải quân của Mỹ trên Diego Garcia, một hòn đảo thuộc lãnh thổ của Anh ở Ấn Độ Dương, cách Sri Lanka khoảng 1.700km về phía nam mà Washington thuê, từng hữu dụng nhưng giờ đã không còn phù hợp với chiến lược trên biển lớn ở Ấn Độ Dương của Mỹ. Sri Lanka mang tới một lựa chọn tốt hơn với vị trí trung tâm của nó nằm ngoài mũi phía nam của tiểu lục địa Ấn Độ, ông nói.
Mối quan hệ Hoa Kỳ – Sri Lanka trong những năm gần đây đã trở nên căng thẳng mặc dù Colombo vẫn miễn cưỡng cho phép sự hiện diện lớn hơn của Hoa Kỳ tại hòn đảo. Hai nước cũng có khoảng cách tồn tại liên quan đến các vấn đề nhân quyền.
Nhưng việc thiết lập lại mối quan hệ đang được thực hiện. Bộ Ngoại giao Mỹ muốn hợp tác với Sri Lanka về “mục tiêu chung về phát triển kinh tế bền vững và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” trước chuyến thăm của ông Pompeo.
“Chúng tôi khuyến khích Sri Lanka xem xét lại các lựa chọn mà chúng tôi đưa ra để phát triển kinh tế bền vững, trái ngược với các hành vi phân biệt đối xử và không rõ ràng”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm, ám chỉ tới cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các dự án liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường vốn bị cáo buộc đã khiến một số quốc gia, trong đó có Sri Lanka, gánh những khoản nợ chồng chất.
Năm 2017, Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm với giá 1,1 tỷ USD. Chính phủ Sri Lanka đã sử dụng số tiền này để trả các khoản vay mà họ đã nhận từ Trung Quốc để xây dựng cảng ngay từ đầu.
Theo Gateway House, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mumbai, Trung Quốc nổi lên là nguồn cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức và đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu của Sri Lanka trong thập kỷ 2005 – 20015, cung cấp các khoản vay và viện trợ lên tới 12 tỷ USD trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng, cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Ngoài ra, đầu tư tư nhân của Trung Quốc đã đạt mốc 2 tỷ USD.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Sri Lanka, chiếm hơn 3 tỷ USD giá trị hàng hóa. Trong khi đó, viện trợ của Hoa Kỳ cho Colombo kể từ năm 1948 đã lên tới 2 tỷ USD. Gần đây nhất, Hoa Kỳ đã cung cấp 39 triệu đôla để nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải của Sri Lanka và hỗ trợ thêm 5 triệu đôla trong đại dịch COVID-19.
Các chuyên gia cho rằng sự chuyển dịch chiến trường chính trị – quân sự từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đã nâng tầm quan trọng của hai hiệp định quân sự – ACSA và SOFA – mà Mỹ muốn ký với Colombo.
Lê Vy (theo SCMP)