Thiếu Tá Lê Quang đánh giặc tới ngày tàn cuộc chiến

Thiếu Tá Lê Quang đánh giặc tới ngày tàn cuộc chiến

Thiếu Tá Lê Quang và Sư Đoàn 2 Bộ Binh đuổi Việt Cộng khỏi đồi 252

Oct 17, 2020 cập nhật lần cuối Oct 24, 2020

Văn Lan/Người Việt

PORTLAND, Oregon (NV) – “Tôi gia nhập Khóa 1/68 trường Trừ Bị Thủ Đức, ra trường được học thêm khóa tình báo và nhảy dù, đa số anh em tốt nghiệp cùng khóa về các đơn vị Nhảy Dù, Lôi Hổ, riêng tôi về Quân Khu 1, trình diện Sư Đoàn 2, lúc đó do Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Toàn chỉ huy và tôi được đưa về đại đội Trinh Sát của Trung Đoàn 4.”

\"\"
Sinh Viên Sĩ Quan Lê Quang trong khóa học chiến thuật giai đoạn 2 Thủ Đức. (Hình: Lê Quang cung cấp)

Đó là lời cựu Thiếu Tá Lê Quang kể với phóng viên nhật báo Người Việt tại nhà của ông ở Portland, Oregon. Câu chuyện của ông, dù đã hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn bật lên được khí thế của người chiến sĩ tung hoành trên chiến trường năm xưa.https://70beda28c4d8d35453b0b5c0cb7ca7bc.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-37/html/container.html

Khi lên trung học, vì thấy vùng đất Quảng Ngãi nơi ông sinh sống tình hình rối ren, chiến tranh khiến người dân ở các quận xa như Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, Sơn Hà, chạy về thành phố khổ sở vô cùng, mất hết nhà cửa, cuộc sống rất bi thảm, không thể ngồi học ở trường được nữa, ông xin đi lính.

Tốt nghiệp trường Trừ Bị Thủ Đức ông về làm toán trưởng Trinh Sát 4 nằm ở Rừng Leng, trực thuộc Trung Đoàn 4, Sư Đoàn 2, lãnh thổ chính là vùng Quảng Tín, Quảng Ngãi và Trung Đoàn 4 là lực lượng tăng phái, đôi khi tăng phái cho Quân Đoàn 2 hành quân vào vùng Bình Định, An Lão, An Túc.

Trận đầu tiên trong đời lính năm 1969

Ông kể, lúc đó Trung Úy Hồ Đăng Xứng là đại đội trưởng trinh sát, sau đó do thiếu nhân sự nên ông được giao trung đội trưởng coi luôn ba toán gồm toán 1 (Hắc Long), toán 2 (Bạch Long), và toán 3 (Bạch Hổ). Nhiệm vụ của toán trinh sát là mỗi lần nhảy toán, lực lượng trinh sát phải yểm trợ viễn thám.

“Năm 1969, trong vùng lãnh thổ phụ trách, tôi đi khắp các quận, đi theo các trung đoàn trong các khu vực hành quân. Khi tôi dẫn theo trung đội làm nút chận ở cầu Tú Sơn ở làng Tú Sơn, xã Nghĩa Điền, thì trung đội tôi tiêu diệt được một số Việt Cộng, còn một số tên chạy thoát. Tôi thấy anh em còn đang vướng bận, sẵn trớn tôi chạy vượt lên rượt theo tiêu diệt luôn bốn tên trên đồng ruộng, đó là trận đụng độ đầu tiên trong đời lính chiến. Từ trận đó tôi được lên làm đại đội phó, tất cả các mục tiêu đều do tôi dẫn anh em lôi bộ đi trước,” ông nhớ lại.

Ông trầm ngâm nhớ trận Cầu Sông Vệ 1972. Sông Vệ với chiều dài khoảng 80 km, nằm trong địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, bắt nguồn từ vùng núi phía Nam huyện Ba Tơ, với độ cao khoảng 800 mét, từ thượng nguồn sông Liêng, chảy theo hướng Tây Nam-Đông Bắc, qua các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, giáp ranh giữa Mộ Đức và Tư Nghĩa. Cầu Sông Vệ là cây cầu huyết mạch trên quốc lộ 1, nếu cầu Sông Vệ bị sập thì đường quốc lộ từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, cho tới Huế đều bị ngưng trệ, giao thông từ dân sự cho tới quân đội đều bị bế tắc.

\"\"
Trên đường hành quân từ Quảng Trị về Quế Sơn, Quảng Nam, năm 1972. Đại Úy Lê Quang (thứ hai, phải), Đại Đội Trưởng Trinh Sát 4. (Hình: Lê Quang cung cấp)

“Lúc đó bọn địch đã bao vây quận Mộ Đức và toàn quận bị áp lực rất mạnh, trong khi Trung Đoàn 4 đã nhảy vô một tiểu đoàn ở động cát ngoài quận Mộ Đức để yểm trợ quận trong mặt trận ngoài đó, và Trung Tá Chước ra lệnh cho tôi bằng mọi cách phải giải tỏa cho được cầu Sông Vệ. Sông Vệ lúc đó nước lớn không thể lội qua được, phía đầu cầu bên phía Nam thì mất an ninh vì đã bị địch chiếm, còn chạy trên cầu sẽ bị địch bắn rất nguy hiểm. Sau một thoáng suy tính, tôi xin cấp trên cho hai thùng phuy sắt dồn đầy thân cây chuối tươi bên trong, tôi cho lăn qua cầu, sau mỗi thùng phuy có ba người, tổng cộng là sáu người núp, trong đó có tôi,” ông kể.

“Vì chúng tôi ở trên mặt cầu cao hơn hầm ẩn núp của bọn Việt Cộng nên chúng không thể làm gì được vì đã có thùng phuy che chắn phía trước. Khi hai thùng lăn tới đầu cầu phía Nam, bọn địch từ dưới cầu bắn xối xả, có một quả B40 bắn trúng thùng phuy nhưng mảnh đạn văng ra ghim vào đụng tới thân cây chuối bên trong thôi. Cả sáu người lính núp sau hai thùng, cứ thế thùng lăn phía trước, chúng tôi bò núp phía sau mà tấn công vô. Tôi giữ cây M79, một lính khác giữ cây M18, còn lại tất cả chỉ mang lựu đạn, cứ thế mà bò dần đến đầu cầu,” ông kể tiếp.

Ông ra lệnh cho mọi người đi theo, khi nào thấy ông quăng cái áo của ông tới đâu thì theo chỗ đó phóng xuống. “Vì chiếc áo đó có một may mắn là khi tôi mặc nó trong trận đánh trước, đã từng bị đạn pháo kích nổ cách khoảng 2 mét mà tôi không hề hấn gì, thành ra mọi người đều tin tưởng nó như lá bùa hộ mạng vậy!” ông Quang cười nói.

“Thế là khi bò tới gần đầu cầu phía Nam, tôi bắn một quả M79 lọt vô ngay cửa hầm ẩn núp của bọn chúng, lập tức tôi quăng cái áo xuống đó để lính phóng theo nép sát ngay bờ hầm. Tôi quăng tiếp liền trái lựu đạn khói vô hầm, còn bồi thêm mấy trái M79, đồng thời lính bắn yểm trợ theo hàng loạt M18 vào mấy căn nhà chòi phía sau, lúc đó lô cốt bên phía Nam bị địch chiếm đã bị đại liên bên ta khống chế nên bất khiển dụng. Lính nhào vô quăng tiếp lựu đạn vào hầm, tiêu diệt mấy tên Việt Cộng trong đó, tịch thu súng,” ông nhớ lại.

Toàn bộ cầu Sông Vệ dài khoảng 500 mét được giải tỏa hoàn toàn, khoảng 8 giờ tối. Ông và đồng đội nghỉ ngơi, chờ tới sáng đánh tiếp vô làng Mộ Đức.

\"\"
Cựu Thiếu Tá Lê Quang tại đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập trường Võ Bị Thủ Đức tại Washington, DC, 2001. (Hình: Lê Quang cung cấp)

Phá tan cứ điểm cầu Sông Vệ của Việt Cộng

Khó khăn của mọi người là ngôi nhà lầu ở ngã ba đã bị địch chiếm, trên đó Việt Cộng đặt cây đại liên án ngữ. May nhờ ông chủ ngôi nhà lầu chạy thoát ra được hiến kế với ông rằng, phải phá căn nhà thì mới tiến tới được. Ông chủ nhà cho biết thêm, trên lầu còn có súng cối, phía sau có cả cây 75 ly nữa.

“Tôi bèn rút vô phía dưới căn nhà, quăng lựu đạn lên lầu thì bọn chúng hất xuống làm bị thương một lính nữa. Tôi nghĩ không xong, bèn trình lên Trung Tá Lê Bá Khiếu, trung đoàn trưởng, xin cho tôi cây 106 ly để pháo vô. Ông Khiếu cho rằng không ăn thua gì, bèn cho hai cây 105 ly bắn trực xạ. Tôi kêu ông Quyên, pháo đội trưởng Tiểu Đoàn 21 Pháo Binh, bắn làm sao chỉ bể tường nhà thôi, đừng bắn sập nguyên căn nhà vì còn người dân bị kẹt ở trong, hơn nữa khi bể từng mảng tường chỉ còn mấy trụ cột bê tông thôi, bọn địch không còn chỗ núp sẽ dễ tiêu diệt hơn,” ông Quang nhớ lại.

“Sau mấy phát pháo, tôi gọi pháo binh điều chỉnh tác xạ chính xác khiến tường nhà bị bể hết, khi bốn người lính nhào vô gom gạch bể chất thành một đống cao, tôi liền phóng tới quăng quả lựu đạn lên lầu nhưng lại bị hất rớt xuống. Sau bốn lần quăng lựu đạn lên, bọn chúng cầm cự thêm 20 phút, rồi lính tôi mang vô hai cây đại liên tiêu diệt đám trên lầu. Khi lên lầu mới thấy một cối 81, một đại liên phòng không 12 ly 7, cả cây 75 nữa. Phía Nam ngôi nhà còn một đám Việt Cộng cố thủ ở dưới đất, bị lính trên lầu với hai cây đại liên quạt xuống, bọn chúng lớp chết lớp bỏ chạy,” ông cho hay.

Ông cười tươi nói: “Từ đó căn nhà lầu này, vốn được coi như đài quan sát Sông Vệ của Việt Cộng, đã bị xóa sổ, bọn chúng bị tiêu diệt khoảng 20 tên. Và người Quảng Ngãi xưa nay khi nói về các trận đánh ở địa phương, họ thường nhắc tới trận cầu Sông Vệ, ai cũng biết.”

\"\"
Cựu Thiếu Tá Lê Quang (thứ tư, trái) cùng các cựu sĩ quan Sư Đoàn 2 Bộ Binh và chiến hữu hội ngộ tại Nam California năm 2018. (Hình: Lê Quang cung cấp)

Trận đồi 252 năm 1973

Năm 1973, trên lãnh thổ quận Nghĩa Hành giáp ranh với quận Minh Long là ngọn đồi 252 đã bị Việt Cộng chiếm để chặn đường vô giữa bến xe với thị xã Minh Long. Việt Cộng chiếm ở đó hơn tháng trời chưa giải tỏa được, Trung Đoàn 4 với ba tiểu đoàn và Tiểu Đoàn 69 Biên Phòng bao vây Việt Cộng với kế hoạch là mở lại con đường tỉnh lộ từ Minh Long đi về thị xã.

“Vừa tới nơi, tôi bị bắn một quả 75 ly ngay vô bộ chỉ huy, tôi nghĩ phải tìm cách đánh ngay chốt này liền chứ không thể để lâu được. Thế là bằng nhiều cách, khi thì hỏi những người trong đơn vị bạn đóng gần đó, khi thì giả làm thường dân đi vô chợ để hỏi thăm tình hình, khi thì hỏi thăm anh em nghĩa quân, đồng thời nghiên cứu hướng bắn quả 75 đầu tiên ngay khi tôi vừa mới đến,” ông nói.

“Sau khi nghiên cứu kỹ, tôi lập kế hoạch đánh, bởi vì Việt Cộng nghĩ rằng dựa vào địa hình khó như vậy thì không ai vào được. Thay vì đánh ngay phía trước địch, tôi đi vòng ra sau lưng địch khoảng cây số, từ đó đánh thẳng vô bộ chỉ huy của chúng. Tôi dẫn hai trung đội vào ngay tận bộ chỉ huy của chúng, từ ngoài đi vô hai bên là núi hẹp, ở giữa có con sông và một khoảng ruộng trống, bọn địch dựa vào địa hình đó mà nghĩ lính mình không thể vào được. Tôi đã ba lần hỏi thăm người dân đều trả lời giống nhau về đường đi,” ông cho hay.

Trong trận này, trung đội của ông tịch thu cả kho súng của Việt Cộng gồm đại bác 75 ly, 82 ly, súng cộng đồng 12 ly 7… Tối hôm sau, trung đội đột kích trở lên chiếm luôn chốt 252, tịch thu cây 60 và thêm vài súng cá nhân.

Nhưng đêm thứ ba, Việt Cộng trở lại, đem cả trung đoàn tấn công chiếm lại đồi 252. Không nao núng, ông cùng trung đội tấn công tới tấp.

“Khi chiếm được đồi 252, tôi trấn ở đó luôn khoảng một tháng sau, dù có nhiều đề nghị tôi về bộ chỉ huy nhưng tôi không đồng ý, lúc đó chỉ nghĩ rằng mình phải ở ngoài mặt trận chiến đấu, chịu trách nhiệm với quốc gia, với dân tộc, với đơn vị và đồng đội. Sau trận đó tôi bàn giao lại đồi 252 cho Địa Phương Quân trấn giữ, Tiểu Đoàn 2 rút về đi cùng với Trung Đoàn 5 đánh vô Quế Sơn, Hậu Đức, Tam Kỳ là vùng trách nhiệm của Trung Đoàn 5 để giải tỏa áp lực cho Tiên Phước. Từ đó bọn địch không bao giờ trở lại đồi 252 được nữa,” ông Quang kể tiếp.

Sau trận đồi 252 ông Lê Quang được thăng cấp Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/5, Sư Đoàn 2 Bộ Binh vào Tháng Mười Một, 1973, lúc ông mới 25 tuổi. (Văn Lan) [qd]

Oct 24, 2020 cập nhật lần cuối Oct 24, 2020

Văn Lan/Người Việt

PORTLAND, Oregon (NV) – Sau trận đồi 252 trên lãnh thổ quận Nghĩa Hành giáp ranh với quận Minh Long, ông Lê Quang được thăng cấp Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/5, Sư Đoàn 2 Bộ Binh vào Tháng Mười Một, 1973, lúc ông mới 25 tuổi.

\"\"
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (trái) trao Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương cho Thiếu Tá Lê Quang (thứ hai, phải), Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/5 tại mặt trận Nghĩa Hành, năm 1974. (Hình: Lê Quang cung cấp)

Ngồi tại nhà ở Portland, Oregon, cựu Thiếu Tá Lê Quang kể tiếp với phóng viên nhật báo Người Việt về trận Núi Đầu Tượng và Núi Đánh Khương năm 1974, trận Bàn Quân Suối Đá năm 1975, rồi chuyện đời sau chiến tranh. Mỗi câu chuyện của người sĩ quan Khóa 1/68 trường Trừ Bị Thủ Đức mới hiểu vì sao ông bị Cộng Sản bắt ngồi tù đến 14 năm ở Tiên Lãnh.https://9544b92b4bce5f2b273c3e264cb024d9.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-37/html/container.html

Trận Núi Đầu Tượng và Núi Đánh Khương năm 1974

Khoảng Tháng Mười, 1974, khi Cộng Sản đưa Lữ Đoàn 52 vô quyết chiếm quận Nghĩa Hành, nơi có núi Đánh Khương và núi Đầu Tượng là hai cao điểm nằm về hướng Tây Nam quận Nghĩa Hành chừng khoảng 2 cây số. Nếu Nghĩa Hành bị chiếm thì thị xã Quảng Ngãi coi như bị pháo kích dài dài khi Cộng Sản đặt pháo trên hai ngọn núi bắn xuống. Hai núi này là chốt điểm cao độ, Cộng Sản chế ngự trên đó để quan sát toàn tỉnh Quảng Ngãi để báo cáo cho Bộ Binh của họ nằm ở dưới đồng bằng hoạt động.

“Khi Tiểu Đoàn 2/5 tăng phái cho Sư Đoàn 3 ở Quảng Tín, được lệnh vào giải tỏa áp lực tại Nghĩa Hành, chiếm lại núi Đánh Khương và núi Đầu Tượng. Buổi chiều tôi vô làng Nghĩa Hưng, nhờ tin tức dân chúng và Ban 2 Sư Đoàn cho biết tình hình, tối đó tôi cho toán đột kích phía mặt sau sông Vệ, sau lưng núi Đánh Khương, còn bên này tôi đánh lên,” ông Quang kể.

“Tôi xin sư đoàn và trung đoàn cho nới rộng vòng đai và được chấp thuận. Tôi cho một trung đội lội qua sông sau lưng núi Đánh Khương thuộc quận Mộ Đức, khi tới vị trí tôi đưa đại đội đi phía sau tách ra khỏi trung đội đó chứ không đi về phía trước nữa, bởi vì nếu từ dưới làng đánh thẳng lên là coi như đưa mặt cho họ đánh. Khi đột kích từ phía sau lưng núi đánh lên, cả chốt địch hơn 30 tên bị tiêu diệt, nhưng ngược lại bên mình bị vướng mìn bị thương bốn người và chết một,” ông kể tiếp.

“Sau khi vòng đai được mở rộng để tiến lên chiếm lại núi Đầu Tượng là cứ điểm cao nhất ở đó, thường đi từ giữa lên thì an toàn hơn nhưng tôi cho một trung đội cập theo sông Vệ, vòng qua phía Minh Long nằm phía Tây Nam núi Đầu Tượng. Tối hôm sau tôi mới đột kích đúng nơi ấn định, từ duới chân phía sau núi Đầu Tượng tôi tấn công lên. Từ đêm đó đến trưa hôm sau mới lên được tới đỉnh, có năm tên bị tiêu diệt, lấy được một đại liên phòng không cùng một số súng cá nhân, phía dưới thì lực lượng Địa Phương Quân vào giải tỏa những làng trong quận Nghĩa Hành,” ông kể thêm.

Xong trận đó năm 1974, khoảng Tháng Hai ông lại đi ra Quảng Tín, hành quân qua các quận Mộ Đức, Đức Lương, Sa Huỳnh, xong rút về Tam Kỳ. Đến cuối Tháng Hai, 1975, ông ra Quảng Tín trong trận Bàn Quân Suối Đá.

\"\"
Thiếu Tá Lê Quang, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/5, hình chụp năm 1974. (Hình: Lê Quang cung cấp)

Trận cuối cùng khi tàn cuộc chiến, bị thương ba lần không chết

Khi đụng nhiều trận ở Tiên Phước, Suối Đá, Bàn Quân, Dương Huê, ông Lê Quang bị thương nhiều lần nhưng không chết. Trận cuối cùng ở Tiên Phước, Suối Đá, Bàn Quân là căn cứ hỏa lực của tiểu khu, Tiểu Đoàn 2/5 do Thiếu Tá Lê Quang chỉ huy tăng phái cho Tiểu Đoàn 3/5, cùng với một tiểu đoàn Địa Phương Quân của Tiểu Khu Quảng Tín tăng phái và một đại đội Trinh Sát 5/5.

“Tôi lên giải tỏa Suối Đá xong, tiếp theo giải tỏa an toàn cho Dương Huê, từ đó vô lấy lại căn cứ Bàn Quân là căn cứ hỏa lực của Tiểu Khu Quảng Tín đã bị bỏ lại. Khi chiếm được Dương Huê cũng là lúc tôi bị thương ở tay, phải bàn giao lại cho người phó, tôi chỉ đem theo mấy khẩu cối 81 và khẩu 75 rút lui về phía sau để có thể yểm trợ phía trước nếu bị địch pháo vô,” ông Quang kể.

Nằm ở chốt chận, khi một quả 75 rơi trúng, miểng đạn khiến ông Quang bị thương lần thứ hai nơi bả vai. Ông nằm đó cầm cự hai ngày đêm, đến khi ông điều động rút hết xuống núi thì sáng hôm sau Ban 3 cho biết chỉ còn đủ đạn đánh một ngày đêm nữa thôi.

“Lúc đó tôi muốn chơi sát ván luôn, tôi vừa đi vòng quanh xem lại tình hình thì một quả 75 rơi trúng ngay tảng đá tôi đang đứng, làm tôi bị thương nặng nơi mắt, lủng ruột và cả thân mình đầy mảnh đạn. Đây là lần bị thương thứ ba, nặng nhất suýt chết và tôi ra lệnh không ai được báo là tôi bị thương,” ông Quang cho biết.

“Khuya đó rút đến chỗ an toàn, tôi nghĩ cái chết của mình cũng không có gì quan trọng, nhưng anh em vì thương mà dìu mình đi, nếu bị tổn thất thêm nữa lại càng bi đát hơn. May khi tôi ngồi dựa vào bụi rơm thì nhờ gặp người dân, hai cha con họ bỏ tôi lên võng khẩn cấp chạy qua mấy chốt chặn của Việt Cộng, và nói rằng đưa bà vợ bị thương nặng đi bệnh viện. Lúc đó họ lấy mền trùm tôi lại và máu chảy thấm ướt cả võng xuống đất. Sau đó nhờ Trung Úy Nguyễn Kỷ, phụ tá Ban 4 của trung đoàn chở về trạm xá tiểu khu Quảng Tín,” ông nhớ lại chuyện đã gần nửa thế kỷ.

Ông Quang bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó Tư Lệnh Sư Đoàn 2, Thiếu Tướng Trần Văn Nhựt lúc 10 giờ tối khi hay tin tôi bị thương đã bay trực thăng vô trực tiếp chở tôi về bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Nếu không kịp thì tôi đã chết, đó là đêm 23 Tháng Ba, 1975. Sáng hôm sau mất Tam Kỳ và đó cũng là trận cuối cùng của tôi!”

\"\"
Cựu Thiếu Tá Lê Quang (trái) bên vị chỉ huy năm xưa, cựu Đại Tá Lê Bá Khiếu, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 4 Sư Đoàn 2 Bộ Binh, trong ngày hội ngộ Sư Đoàn tại Nam California năm 2018. (Hình: Lê Quang cung cấp)

Trở về nhà, bắt đầu đời tù

Ông Lê Quang nằm ở bệnh viện Đà Nẵng đến qua đầu Tháng Năm, 1975, nhờ vợ chồng Đại Tá Lê Bá Khiếu cho tiền khi vô thăm ở bệnh viện Đà Nẵng, ông mới có tiền mướn ghe đi vào Nha Trang để tìm đường vô Tổng Y Viện Cộng Hòa Sài Gòn chữa trị tiếp.

“Đi lang thang nơi bờ sông, tôi còn mặc nguyên bộ đồ bệnh viện, thời may gặp gia đình Bác Sĩ Tùng cho đi theo tới Vũng Tàu, khi tôi vào tới Tổng Y Viện Cộng Hòa Sài Gòn, trình bày bệnh lý của mình, được cho nằm đó cho đến khi được gắn mắt giả,” ông nhớ lại.

“Ngày 5 Tháng Năm, 1975, có hai bộ đội đến bên giường kêu tôi phải về Quảng Ngãi trình diện. Tôi trình bày tình trạng là phải chờ giấy hẹn của bác sĩ đến ngày 10 Tháng Năm để được lắp mắt giả, từ đó hai tên lính theo gót tôi sát, trong khi tôi luôn tính cách tìm đường về miền Tây để trốn thoát,” ông nói thêm.

Ông kể tiếp: “Khi được lắp mắt giả xong, tôi phải trả tiền xe chở hàng cho tôi và cả hai tên lính về Quảng Ngãi. Khi ra tới Tam Quan cách đèo Bình Đê còn hơn 2 cây số, tôi ngồi phía trước chung với tài xế còn hai tên lính ‘hộ tống’ ngồi phía sau khoang chở hàng. Ông tài xế chỉ đường khi tới bến xe Quảng Ngãi, thấy bến xe ôm phải nhảy xuống đi xe đạp ôm trốn về nhà. Vào nhà tôi ăn chưa hết tô mì gói thì đã thấy cả đám lính Việt Cộng bao vây trước sau nhà kêu mở cửa, tôi dứt khoát không mở cửa và bảo nếu muốn gặp tôi thì sáng mai hãy tới.”

“Sáng hôm sau bọn chúng đem xe tới áp tải tôi về xã, từ đó chúng khai thác hỏi cung tôi bằng những trận đòn ác liệt. Từ đó tôi bị đưa đẩy vô nhà tù ‘cải tạo’ suốt 14 năm trong các trại tù Vực Lim, Kỳ Sơn, Tiên Lãnh. Sau khi ra tù, tôi làm đủ thứ nghề, từ việc làm những công trình lắp ghép ở Vũng Tàu, làm xây dựng chợ Bình Long, Chơn Thành, học về nghề xây dựng ở trường Kỹ Thuật Phú Thọ Sài Gòn,” ông kể tiếp.

Được qua Mỹ theo diện H.O., nhưng ông Quang không thể làm được gì vì cơ thể bị đau yếu bệnh tật với nhiều mảnh đạn trong người. “Cũng may là gia đình đoàn tụ, con cái được thành công nơi xứ người. Hạnh phúc nhất là nhờ ơn trên có sức khỏe là tốt rồi. Tuy ở xứ người nhưng tôi vẫn luôn nhớ về đồng đội mình còn ở lại trong nước,” ông nói.

Nói về tình cảm với vị chỉ huy của mình năm xưa, ông Quang bộc bạch: “Về đơn vị Đại Tá Lê Bá Khiếu mấy tháng sau tôi đã lên trung úy, trong khi ông Khiếu ở đơn vị vẫn còn những lúc thăng trầm, do đó tôi nguyện bằng mọi giá phải đánh giặc làm sao cho ông Khiếu mau lên chức mới thỏa lòng.”

\"\"
Cựu Thiếu Tá Lê Quang (thứ hai, trái) trong ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ tại Vancouver, Washington, năm 2014. (Hình: Lê Quang cung cấp)

“Nhớ nhất là khi tôi bị thương nặng, mấy ngày sau đã thấy Đại Tá Lê Bá Khiếu cùng vợ vào thăm, ông Khiếu rất tình cảm dù là với thượng cấp hay đối với thuộc cấp. Tôi quan niệm ở trong lính, mình luôn là quân nhân gương mẫu, phải thi hành lệnh thượng cấp tối đa và có trách nhiệm với thuộc cấp, và nhờ cảm tình của dân đối với mình, điều đó tôi luôn áp dụng trong suốt thời gian trong quân đội,” ông tiếp.

“Tôi rất trân quý Đại Tá Lê Bá Khiếu, với những kỷ niệm sống chết có nhau từ khi tôi mới về Tiểu Đoàn 2, Sư Đoàn 2 Bộ Binh lúc hãy còn là thiếu úy. Mãi cho đến sau này trong những lúc vào sinh ra tử, tôi với Đại Tá Khiếu phải nói như tình cha con chứ không phải tình huynh đệ chi binh nữa! Ông Khiếu là người chỉ huy ai cũng đều thương quý, từ lương bổng cho lính, cho tới khẩu phần thức ăn, quân trang quân dụng, cả chuyện tình cảm của người lính, ông đều để tâm lo lắng đầy đủ,” ông Lê Quang xúc động nói. (Văn Lan) [qd]

Thiếu Tá Lê Quang quê gốc Quảng Ngãi

Vào Khóa 1/68 trường Trừ Bị Thủ Đức.

Ra trường về Sư Đoàn 2 Bộ Binh, phụ trách Vùng I Chiến Thuật, Khu 12 chiến thuật gồm các tỉnh Quảng Tín, Quảng Ngãi.

Thuộc Đại Đội Trinh Sát 4, Trung Đoàn 4, Sư Đoàn 2 Bộ Binh.

Cấp bậc cuối cùng Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2/5 Sư Đoàn 2 Bộ Binh.

Đánh trận cho đến ngày tàn cuộc chiến.

Trải qua 14 năm tù “cải tạo” ở Tiên Lãnh.

Hiện định cư tại Portland, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment