Mỹ mài \’kiếm sắc\’ tạo sóng sát Trung Quốc
Ngày đăng 30-10-2020T.P
Mỹ công bố thương vụ vũ khí 2,4 tỷ USD cho Đài Loan, gồm 400 tên lửa Harpoon, 100 xe chuyên chở bệ phóng, radar và các hệ thống hỗ trợ.
Mỹ bán tên lửa cho Đài Loan
Không chỉ trực tiếp gây áp lực lên Trung Quốc trong các cuộc chiến kinh tế, thương mại, ngoại giao, Mỹ còn sử dụng linh hoạt mạng lưới đồng minh của mình để gia tăng sức ép. Trong số đó, động thái mới đây của Mỹ liên quan vấn đề Đài Loan và Senkaku/Điếu Ngư rất đáng chú ý.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo cho Quốc hội nước này về việc đã phê chuẩn thương vụ vũ khí trị giá 2,4 tỷ USD cho Đài Loan, trong đó bao gồm 400 tên lửa chống hạm Harpoon, 100 xe chuyên chở bệ phóng, radar và các hệ thống hỗ trợ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Đài Loan sẽ có khả năng sử dụng hệ thống có độ chính xác và hiệu quả cao để đối phó hoặc ngăn chặn các cuộc xâm lược trên biển, bao vây bờ biển và tấn công đổ bộ.
Về phía Trung Quốc, các chuyên gia cảnh báo rằng mặc dù những tên lửa này sẽ không thể đe dọa quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) một cách hiệu quả, nhưng đây là một hành động khiêu khích lớn hơn so với trước đây, vì những vũ khí này không phải để tự vệ mà có thể vươn tới các khu vực ven biển Đại lục.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 27/10 rằng Trung Quốc kêu gọi Mỹ dừng các mối quan hệ quân sự và các hoạt động bán vũ khí cho đảo Đài Loan, đồng thời hủy bỏ những kế hoạch bán vũ khí liên quan để ngăn chặn thiệt hại thêm cho quan hệ Trung-Mỹ.
Theo ông Uông Văn Bân, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan đã vi phạm 3 tuyên bố chung mà Trung Quốc và Mỹ đã ký kết, đặc biệt là tuyên bố ký ngày 17/8/1982, trong đó Chính phủ Mỹ nói rằng họ \”không tìm cách thực hiện chính sách lâu dài về việc bán vũ khí cho Đài Loan, rằng việc bán vũ khí của họ cho Đài Loan sẽ không vượt quá giới hạn, cả về định tính hoặc định lượng… và rằng họ có ý định giảm dần việc bán vũ khí cho Đài Loan…\”.
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn đánh giá của nhà bình luận quân sự tại Hong Kong Tống Trung Bình: \”Các tên lửa của Mỹ có thể gây ra một số mối đe dọa đối với PLA nếu chiến tranh nổ ra giữa hai bờ eo biển Đài Loan, vì vậy đây là bằng chứng cho thấy Mỹ đã vi phạm cam kết của họ trong 3 tuyên bố chung với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc giảm dần việc bán vũ khí cho Đài Loan\”.
Còn theo hãng tin AP, tên lửa Harpoon có khả năng tấn công những con tàu và các mục tiêu trên bộ. Hãng Boeing cho biết tên lửa này sử dụng công nghệ dẫn đường quán tính có hỗ trợ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và mang đầu đạn nổ nặng 500 pound. Nó có thể nhằm vào các địa điểm phòng thủ ven biển, địa điểm đặt tên lửa đất đối không, máy bay không được che chắn, tàu trong cảng, cảng và các cơ sở công nghiệp.
Cùng đồng minh mài “Kiếm sắc”
Ngoài việc đẩy nóng vấn đề Đài Loan, Mỹ dường như muốn tạo thêm sóng khi Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, Trung tướng Kevin Schneider đề cấp tới khả năng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Mỹ được sử dụng để “đưa quân tham chiến bảo vệ” quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông.
Theo Reuters, ông Schneider đưa ra tuyên bố trên trong buổi nói chuyện với các phóng viên vào ngày 26/10 trên một tàu khu trục của Nhật Bản trong cuộc tập chung quy mô lớn mang tên “Kiếm sắc 21” (Keen Sword 21) giữa Mỹ và Nhật Bản được bắt đầu cùng ngày. Ông Schneider cho biết một cuộc tập trận như Keen Sword 21 “thể hiện rõ ràng khả năng liên minh ngày càng tăng của liên minh Mỹ-Nhật”. Trung tướng Schneider nhấn mạnh năng lực vận chuyển quân nhân của hai quốc gia “có thể được sử dụng để đưa quân tham chiến bảo vệ Senkaku”.
Trong khi đó, đài NHK cho biết, các quan chức từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản coi phát biểu của Trung tướng Kevin Schneider như một lời cảnh báo đối với Trung Quốc, nước đang đẩy mạnh các hoạt động ở vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Nhật Bản kiểm soát Điếu Ngư/Senkaku, nhưng Trung Quốc và Đài Loan cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền đối quần đảo này.
Trước đó, hồi tháng 7, ông Schneider đã cam kết hỗ trợ Nhật Bản về quần đảo này. Ông nói rằng Mỹ “hoàn toàn kiên định 100% trong cam kết giúp đỡ” chính phủ Nhật Bản về tình hình (của Điếu Ngư/Senkaku).
Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ, Keen Sword 21 – cuộc diễn tập thực địa hai năm một lần do Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tổ chức – bắt đầu ngày 26/10 và kéo dài đến hết ngày 5/11. Cuộc tập trận này được thiết kế để nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu cũng như khả năng tương tác giữa Nhật Bản và Mỹ, đồng thời củng cố mối quan hệ song phương và thể hiện quyết tâm của Mỹ trong việc hỗ trợ lợi ích an ninh của các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Theo CNN, trong cuộc tập trận Keen Sword 21, phía Mỹ đã cử khoảng 9.000 binh sỹ, một cụm tàu sân bay tấn công cùng hơn 100 máy bay quân sự tham gia. Phía Nhật Bản có khoảng 37.000 quân nhân, một đội tàu gồm 20 tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và 100 máy bay quân sự. Ngoài ra còn có một tàu khu trục nhỏ của Canada tham gia. Nội dung chính tập trung vào khoa mục đưa một lực lượng lớn đổ bộ lên các đảo xung quanh Okinawa – khu vực nằm cách quần đảo Điếu Ngư/Senkaku 400 km về phía Đông. Lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc tập trận năm nay sẽ bao gồm cả hạng mục huấn luyện tác chiến trong không gian mạng và chiến tranh điện tử.
Chuyên gia Corey Wallace tại Đại học Kanagawa nhận định rằng cuộc tập trận Keen Sword 21 sẽ cho thấy mức độ phối hợp giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản đã lên một tầm mới. Mỹ sẽ điều máy bay vận tải MV-22 Osprey hạn cánh xuống tàu JS Kaga – tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản. Theo ông Wallace, \”việc thể hiện khả năng phối hợp tác chiến giữa hai lực lượng trong các tình huống thực tế còn quan trọng hơn so với việc phô trương những vũ khí hạng nặng hào nhoáng mới\”.
Mặc dù cuộc tập trận Keen Sword được tổ chức hai năm một lần, song năm nay cuộc tập trận này diễn ra đúng lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang dâng cao. PLA hiện cũng đang tiến hành hai cuộc tập trận ở Hoàng Hải và Biển Bột Hải. PLA cho biết các cuộc tập trận này sẽ kết thúc lần lượt vào ngày 30/10 và 10/11.