Rừng chết, ‘nước’ hết và vùng đất đáng sống
30/10/2020
Hoàng Hoành Sơn
Báo Thanh Niên đăng bài: Bão số 9 càn quét từ Đà Nẵng đến Phú Yên hôm qua 28.10 khiến nhiều nơi trở nên hoang tàn. Đáng lo ngại, sau bão là lũ ập tới, mưa lớn khiến cây cầu Đăk Pne ở xã Đăk Pne, H.Kon Rẫy bị lũ cuốn trôi, làm cho 438 hộ dân với 1.468 nhân khẩu bị cô lập (1).
Báo Tuổi Trẻ cho biết: Tối 28-10, tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp 45 người dân; báo Lao Động thông báo bão số 9 gây thiệt hại nặng nề, khiến 57 người chết và mất tích, 28 người bị thương, gần 1.000 ngôi nhà bị sập và hư hỏng (2).
Và báo Plo cho biết: Quảng Nam sẽ có lũ đặc biệt lớn khi thuỷ điện Đăk Mi 4, A Vương và Sông Bung dự kiến xả qua tràn với lượng lớn, cảnh báo lũ đặc biệt lớn trên sông Vu Gia. Tổng mực nước xả về hạ lưu sông Vu Gia của cả ba thuỷ điện lúc 16 giờ (ngày 28-10) là 6.452 m3/s (3).
Đấy chỉ mới đầu mùa gió bão mà tình hình đã nghiêm trọng như thế. Theo dự báo thời tiết, giữa tuần đến sẽ thêm cơn bão Goni đi thẳng vào miền Trung nữa. Nếu thế, đây có phải là vùng đất đáng sống như lời quảng cáo của chính quyền cộng sản chăng?
Miền Trung vốn là mảnh đất đón những bước chân Nam tiến của người Việt xưa, kể từ đời nhà Trần năm 1307 (4). Đây là miền đất cả ngàn năm “gươm khua, ngựa hí, quân reo” và cả thiên tai nhân họa. Miền đất đó mấy tháng nay hết là tâm dịch, lại đến tâm lũ và nay là tâm bão. Tôi có cảm tưởng như cả thiên nhiên cũng đang nổi điên với miền Trung đau thương này. Nên cả miền đất và người dân cứ mãi họa vô đơn chí và đón nhận tất cả với lòng nhẫn nhục, âm thầm chịu đựng.
Nhưng đâu là nguồn cơn cho mọi đau thương này?
Ý niệm của những người cộng sản muốn biến “sỏi đá thành cơm” và vì thế cũng xuẩn ngốc biến luôn ngôi nhà chữ S thành một nơi khắc nghiệt chống lại con người. Những khí thải ô nhiễm do sử dụng những năng lượng hóa thạch; những chất thải công nghiệp nặng từ các khu công nghiệp, đặc sản của quốc gia đang phát triển; cũng như các cuộc tàn phá vô tội vạ lá phổi của cả nước; và Việt Nam (VN) đã ghi danh mình vào danh sách các quốc gia bị điểm mặt, đang phá hoại tầng ozon bảo vệ trái đất, khiến chúng ngày mỗi mỏng hơn; qua đó góp phần tạo nên hiệu ứng nhà kính của thế giới làm tăng nhiệt, tan chảy băng địa cực làm mực nước biển dâng cao, khí hậu thay đổi cực đoan bất thường.
Thay vì xây dựng đất nước thành một nơi đáng sống, những người cộng sản bá quyền đã chuyển hóa nó thành một chốn ngục tù hủy hoại người dân; và các thế hệ tương lai lãnh mọi hậu quả tận diệt nếu không kịp có những giải pháp hữu hiệu. VN có nhiều vùng rừng nhiệt đới với đầy đủ các sản vật phong phú của nó, hiện nay cũng đã hoang tàn, bị hủy diệt nặng nề không thể cứu vãn.
Trong hơn 2 thập kỷ qua, khi hơn 800 thủy điện ở đầu nguồn khắp nước được xây dựng hàng loạt, thì từng đợt lũ lớn hơn, mạnh hơn tràn về dâng nước cuốn trôi những gì cản đường nó. Bão bùng mỗi năm mỗi mạnh. Những cơn gió hung hãn quăng quật mọi thứ vốn đã xiêu vẹo sau cơn lũ. Hết lũ tới bão vậy đó. Dĩ nhiên, như chính quyền cộng sản VN thông báo rằng mưa lũ, cuồng phong bão tố là dị tượng thiên nhiên, và nó là do biến đổi khí hậu toàn cầu mà ra.
Vâng, nhưng chỉ đúng một phần thôi. Cần nhớ rằng dù cho là nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì nguyên cớ gây ra thời tiết cực đoan vẫn do bàn tay lông lá của con người, trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần vào đấy. Chỉ riêng tại VN mỗi năm mất hơn 2.500 ha rừng tự nhiên (5). Rừng cứ thế biến mất để rồi thay vào đó là những con bài lấp liếm trồng rừng phủ xanh. Chúng trở thành những vùng đất được chia chác tùy theo chức vụ trong đảng để rồi thuê người dân làm công trồng cây khai thác gỗ ngắn hạn. Một cánh rừng mưa nhiệt đới có mức độ đa dạng sinh học rất cao, bên cạnh nó là những loại gỗ quý hiếm. Rừng mưa nhiệt đới đã tồn tại trên trái đất hàng trăm triệu năm. Vì thế, phá rừng để tái trồng rừng là điều phi lý và ngụy biện.
Hơn nữa, rừng không còn thì những Tầng thảm tươi, Tầng dưới tán để giữ đất, giữ nước, giữ ẩm cũng biến mất. Thế là những con suối chảy róc rách góp phần điều hòa mạch nước đầu nguồn cho các con sông đổ ra biển sẽ khô kiệt trong mùa khô. Mùa mưa chúng lại biến thành những khe dốc gây lũ quét, lũ ống khốc liệt. Đây cũng là nguyên nhân gây sạt lở đất nghiêm trọng chôn vùi con người như ta đã nghe thông báo những ngày qua. Hệ quả không chỉ sạt lở cục bộ mà sạt lở diện rộng. Có khi là cả nửa quả núi như vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 vừa qua hoặc mới hôm qua, tối 29/10, trên đỉnh núi Tà Bang (thuộc thôn La Ri Lào, xã Hướng Sơn) lại xuất hiện vết nứt dài khoảng 200 m, có chiều rộng khoảng 20 – 50 cm. Dưới những vết nứt là khoảng không sâu hoắm và chính quyền phải di dời 32 hộ dân (6).
Không còn rừng sẽ mất đi hệ sinh thái phong phú đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới. Người dân vùng xuôi mất đi tường giậu bảo vệ mình trước mưa lũ, sạt lở, gió lốc do không còn gì cản trở chúng. Điều nghiêm trọng hơn nữa chính là nguồn nước ngầm sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước hết, tại VN, lòng tham và cơ chế bất hợp lý đã bảo kê cho việc phá rừng ngăn núi xây thủy điện. Phá rừng để trồng rừng. Rất nhiều diện tích rừng nguyên sinh bị mất đi rồi được thay thế bằng diện tích rừng trồng cây công nghiệp như cao su, tiêu, điều, chuối, và đặc biệt là trồng keo lấy gỗ. Đang khi các loại rừng công nghiệp này không có tác dụng trong việc giữ nước vì chúng không có hệ sinh thái đa dạng, cũng không có tán tầng như rừng nguyên sinh; hơn nữa phải tốn nước tưới chăm cây cho loại rừng này. Mục đích của rừng công nghiệp chỉ phục vụ cho việc lấy gỗ ngắn hạn, phục vụ cho các nhóm lợi ích, hoặc ban kinh tài của đảng; cứ 5 năm hoặc 10 năm khai thác một lần rồi tái trồng và cứ trồng cuốn chiếu để thu hoạch hàng năm như thế.
Việc thiếu nước sinh hoạt sẽ ngày mỗi trầm trọng vì nước đầu nguồn chỉ dư thừa thành lũ vào 3 tháng mùa mưa, còn lại 9 tháng kia trông chờ vào nguồn nước nào đây? Các mạch nước ngầm có nguy cơ cạn kiệt vì nhiều nguyên do: Do không có nguồn nước bổ sung đều đặn như khi còn rừng nguyên sinh. Do người ta khoan giếng lấy nước tưới cho các rừng công nghiệp đang trồng lan tràn hiện nay. Chúng làm tụt mạch nước ngầm vĩnh viễn cho đến khi khô kiệt vì chẳng có nguồn bổ sung vào đấy.
Thế là nguy cơ cháy rừng tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê VN, nạn cháy rừng thường xảy ra ở các địa phương tập trung nhiều rừng và rừng trồng các loại cây dễ cháy như: Rừng thông, rừng tre nứa, rừng bạch đàn, rừng khộp, rừng tràm, rừng phi lao. Chỉ riêng thiệt hại cháy rừng tỉnh Sơn La trong năm 2016 đã lên đến 919 ha, chiếm 27,68% tổng diện tích rừng thiệt hại trong năm của cả nước, gấp gần 2 lần tổng diện tích rừng thiệt hại của cả năm 2017 (7).
Có nghĩa là phần lớn các vụ cháy nằm ở các dạng rừng công nghiệp. Vì rừng nguyên sinh vùng nhiệt đới có độ ẩm cao, không dễ gì gây thảm họa cháy lớn như ở các dạng rừng khác. Vậy mà hiện nay, rừng ở VN đã bị thay đổi từ một hệ sinh thái khó cháy sang một hệ sinh thái dễ cháy. Không những cháy cục bộ mà còn cháy lan ra diện rộng. Nguyên do các vùng rừng dễ cháy đã bị đảng hô biến từ rừng nguyên sinh thành rừng công nghiệp và cứ như thế lan ra khắp VN. Cứ trông cả trăm xe chở gỗ tựa như xe chở hỏa tiễn ngang nhiên ra khỏi rừng sẽ biết ngay số phận những cánh rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ của VN đang ở tình trạng nào (8).
Những biệt phủ lộng lẫy của các quan chức đảng viên cấp cao, các tướng tá quân đội, công an ở VN hiện nay, chất đầy các tác phẩm chạm khắc từ gỗ quý hiếm, hoặc gỗ quý được dùng ốp trần, ốp tường, làm bàn ghế, phản, cửa nẻo v.v… đủ để ta hình dung ra dân chỉ bị đổ vấy trách nhiệm phá rừng. Chứ kẻ tàn phá đích thực là đảng cộng sản VN. Với quyền hành trong tay, đảng cộng sản VN đã điên cuồng tàn phá rừng để đổ vào lòng tham vô độ của nó. Hậu quả hiển hiện mỗi khi mùa khô hoặc mùa mưa lũ đến: cháy rừng, lũ lụt, cạn nguồn nước, sạt lở đất… Chúng đang tố cáo tội ác tàn hại môi trường của chính quyền cộng sản VN.
Rồi cứ thế, đất nước hình chữ S biến thành nơi bất ổn dễ gặp tai họa. Đợt lũ vừa qua hơn 100 người thiệt mạng, bão số 9 này hơn 57 người chết và 28 người mất tích. Nhưng đó cũng chỉ là số nhỏ so với tai nạn giao thông; 6 tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/6/2020): Toàn quốc xảy ra 6.790 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.242 người, bị thương 4.939 người (9). Đó là chưa kể những tệ tham nhũng, các loại tội phạm, tín dụng đen v.v… lan tràn trong xã hội VN nói chung và tại miền Trung nói riêng.
Làm sao hiện thực hóa Hà Nội thành Paris, Hồ Chí Minh thành Singapore (10), Đà Nẵng là thành phố đáng sống (11)? Làm sao có thể trước những hiện trạng môi trường bị tàn hại nghiêm trọng do bàn tay đảng lãnh đạo tạo nên! Những cái tên gây nhức nhối tâm hồn người dân cả nước như Formosa, con đường ô nhiễm nhất VN ở Đại Đồng, Tiên Du – Bắc Ninh (12). Hà Nội đứng vào bảng các thủ đô ô nhiễm nhất thế giới (13). Rồi thì đại nạn ô nhiễm nguồn nước ở VN tăng cao (14). Những nhà máy nhiệt điện, thuộc da, sản xuất mía đường, mì chính, đóng tàu… gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng (15) v.v…
Chúng diễn tả cho một đặc tính cố hữu của con người tự khi xuất hiện trên thế giới này. Khi con người gặp phải những gì cản bước tiến, ngăn trở sự thuận tiện là con người tấn công, triệt tiêu, san bằng. Như trên mảnh đất được chọn làm nhà ở, có cây nào, gò đồi nào chướng mắt là con người chặt hạ và san phẳng. Nhờ thế mà con người cải tạo đất đai, làm chủ môi trường mình đang sống.
Tuy nhiên, đặc tính cố hữu đó ngày nay không còn được như xưa. Xưa cần tấn công, cần gây hấn để tồn tại và phát triển. Nay là vì lòng tham vô đáy của những cá nhân khoác ý niệm vô sản nhưng lại là những kẻ thừa tiền, dư đất, ăn trên ngồi trốc và luôn bắt người dân sống theo ý niệm vô sản của chúng. Riêng chúng không bao giờ chịu thực hành. Và hết kẻ này đến kẻ khác muốn úp chụp lòng tham đó lên toàn bộ tài nguyên, khoáng sản và mọi nguồn lợi của đất nước trước khi về vườn, hạ cánh an toàn.
Vẳng trong mưa gió bão bùng, bên cạnh tiếng gió rít, tiếng mái tôn oằn xiết, rung giật chực bung lên trời theo trận gió và tiếng va đập dữ dội của tất cả những cành cây. Tất cả được cơn bão cuốn lên, tựa tiếng gào thét trên bầu trời được đáp lại bằng tiếng vang trong hàng triệu lồng ngực thấp thỏm trong những căn nhà tối om. Giữa bão lũ, trời kêu ai nấy dạ, chẳng biết khi nào nhà mình sẽ tốc mái, cây ngã hay sạt lở đất đè sập nhà và người hoặc bị nước cuốn trôi?
Nghịch lý là những mảnh đất chữ S này đã gánh biết bao tai ương hoạn nạn này lại được đảng và nhà nước mệnh danh là thiên đường cộng sản. Quả thế, khi ông trùm cộng sản ở Liên Xô cũ, Lê Nin, dám tuyên bố: “Chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa tư bản độc quyền; Chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa tư bản ăn bám; Chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa tư bản thối nát; Chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa tư bản giãy chết” (16). Đó là khi những người cộng sản chủ quan nghĩ rằng mình đã xây dựng được thiên đường cộng sản cho giai cấp vô sản đời này, một lần thay cho tất cả. Chính báo Nhân Dân, năm 2018, có bài viết xác quyết xã hội tư bản không phải là thiên đường (17. Vậy xã hội chủ nghĩa mới là thiên đường hay sao?
Bây giờ các thiên đường thuộc Liên Xô cũ thế nào? Những ngôn từ: “độc quyền, ăn bám, thối nát, giãy chết”, đang được đảng cộng sản VN tái hiện qua các công ty quốc doanh “độc quyền”, những hội đoàn thuộc trung ương hằng năm “ăn bám” hàng chục ngàn tỷ tiền thuế của người dân. Biết bao kẻ tham nhũng, tự diễn biến, tự chuyển hóa để bảo kê đánh bạc, phá rừng tàn hại môi trường, sống theo lối đạo đức “thối nát”, đang bôi bẩn bộ mặt của đảng cộng sản VN. Các quốc gia cộng sản như Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba, Lào, Việt Nam, đều là những quốc gia kém/đang phát triển và phải nhờ vào những cánh tay chìa ra của các nước tư bản “giãy chết” ấy.
Hiển nhiên, người thời nay đã chán ngán sự điên loạn tột cùng và những tội ác do đảng cộng sản gây ra. Chúng đang điều động những kẻ tàn phá tài nguyên đất nước, mà hậu quả suốt mấy tuần qua người dân miền Trung phải gánh chịu. Vậy mà những kẻ này luôn mồm rao giảng bài học đạo đức tư tưởng này nọ. Hết tàn dư chế độ cũ là đến phản động hay thế lực thù địch. Hoặc là tự diễn biến, tự chuyển hóa và nhận tiền từ nước ngoài gởi về chống chế độ. Vậy ông tổng bí thư – chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi kiều bào gởi tiền về cứu trợ và chính nhà nước nhận tiền của thế lực thù địch mỗi năm hơn chục tỷ đô ngoại hối, do kiều bào VN gởi về, để tự diễn biến, tự chuyển hóa chăng?
Nói gọn hơn, theo G. Dimitrov, nhà nước độc tài là nhà nước có tham vọng: thứ nhất, \”dùng bạo lực hủy diệt tất cả các đảng phái và tổ chức khác\”; và thứ hai, nhằm đồng hóa mọi công sở nhà nước, kinh tế, văn hóa, quân sự, thể thao, thanh niên, tôn giáo, ấn loát, tuyên truyền, và những công sở khác, v.v…\”, nghĩa là đảng cộng sản VN muốn đồng hóa toàn bộ đời sống xã hội; hầu dễ bề thao túng, áp đặt và kiểm soát chặt chẽ dân chúng, vốn bị xem là mầm họa “lật thuyền” chế độ.
Hình ảnh người dân gánh chịu mọi tai ương như thể đang gồng gánh cả những tội lỗi của bao kẻ gieo mầm ác trong hàng ngũ những người cộng sản nắm quyền tại VN. Tại sao như thế? Người dân tự bao đời luôn là một giai cấp bị trị. Chủ nhân tốt dân nhờ. Chủ nhân ác nghiệt dân cam chịu. Cho đến một cấp độ nào đó. Người dân VN đang phải sống với một thứ ý thức hệ cổ lỗ sĩ, cằn cỗi và già nua như cái xác ướp cứng đơ, bất động nằm giữa Ba Đình. Và vì câm lặng trước tội ác mà người dân cũng phải “cộng nghiệp” trong đó.
Điều nhắn gởi với quan chức cộng sản đang say máu tàn phá đất nước yêu quý này rằng: các ông là con người, dân chúng biết và tôn trọng điều đó. Vậy hãy vui sống nhưng xin đừng dửng dưng rỉa lông thản nhiên trước đau khổ đồng loại; các ông cứ thỏa mãn các giác quan, xúc cảm của mình đi nhưng xin chớ lấy của công trang trải cho những đam mê hạ đẳng của mình. Các ông hãy xây dựng cuộc sống bằng tài năng thực sự của bản thân, chứ đừng tàn hại tài nguyên rừng, khoáng sản, đất đai, nguồn nước.. vốn là những tài sản kế thừa của các thế hệ con cháu. Cứ ôm ghế quyền lực mà các ông mê thích, nhưng đừng kêu gào bài học đạo đức, tư tưởng vớ vẩn nào đó cho ai cả. Và nếu còn chút trí lực xin hãy chịu khó đưa mắt nhìn vào thực tế đen tối đất nước để kịp biến đổi ý thức hệ, thay đổi thể chế, may ra còn lưu lại chút công đức cho con cháu, để rồi còn dám nhìn tiên tổ đã gầy dựng đất nước này.
Đời người không dài như ta tưởng. Cái chết tựa như khẩu phần được chia đều cho từng người. Dẫu có ướp xác, xây lăng, dựng tượng cũng chỉ gây cớ cho hậu bối chà đạp, kéo đổ chứ vinh quang gì. Biết bao vị vua còn sống được ca ngợi là minh quân, nhưng khi nằm xuống đều trở thành hôn quân vô đạo cả.
Tư liệu tham khảo:
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/tan-tac-sau-bao-so-9-1297868.html
(2) https://tuoitre.vn/nong-sat-lo-dat-vui-lap-45-nguoi-tai-quang-nam-20201028223842692.htm
(3) https://plo.vn/thoi-su/sau-bao-so-9-canh-bao-lu-dac-biet-lon-o-quang-nam-946815.html
(4) Việt Nam Sử Lược. Trần Trọng Kim. Tr 66.
(5) https://thanhnien.vn/thoi-su/moi-nam-viet-nam-van-mat-hon-2500-ha-rung-1294698.html
(7) http://consosukien.vn/van-nan-chay-rung-o-viet-nam.htm
(8) https://nongnghiep.vn/hang-tram-xe-cho-go-qua-tai-cho-xu-ly-d95509.html
(10) https://plo.vn/kinh-te/toi-muon-lam-thu-do-ha-noi-tuoi-dep-nhu-paris-702468.html
(11) https://baodanang.vn/channel/5433/202007/thanh-pho-dang-song-3478862/
(12) https://tuoitre.vn/muc-so-thi-con-duong-o-nhiem-nhat-viet-nam-20191218193734755.htm
(13) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50387334
(14) https://www.elle.vn/bi-quyet-song/tinh-trang-o-nhiem-nguon-nuoc-nghiem-trong-tai-viet-nam
(16) http://truongchinhtribentre.edu.vn/content
(17) https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/xa-hoi-tu-ban-khong-phai-la-thien-duong-334304