Bầu cử Mỹ: Mặt trận Thượng Viện cũng gay go không kém cuộc đua vào Nhà Trắng
Ngày 03/11/2020 nước Mỹ sẽ bầu ra vị tổng thống cho nhiệm kỳ 4 năm sắp tới, và mọi sự chú ý đều dồn vào cuộc đua tranh khốc liệt giữa tổng thống Donald Trump, thuộc đảng Cộng Hòa và cựu phó tổng thống Joe Biden, thuộc đảng Dân Chủ. Bên cạnh đó còn có một cuộc bỏ phiếu khác rất quan trọng : Bầu lại 1/3 Thượng Viện, hiện trong tay đảng Cộng Hòa.
Và ở đây, cuộc chiến giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa cũng gay go không kém, với đảng Cộng Hòa dồn sức giữ lại đa số ghế mà họ chiếm được từ năm 2018, trước làn sóng tấn công ào ạt từ phía đảng Dân Chủ mà một số nhà quan sát cho là rất có khả năng thành công.
Vai trò quan trọng của Thượng Viện Mỹ
Trong nhiệm kỳ 4 năm sắp kết thúc của tổng thống Donald Trump, vai trò tối quan trọng của Thượng Viện Mỹ – bao gồm 100 thượng nghị sĩ đại diện cho 50 bang, mỗi bang được 2 đại diện bất kỳ quy mô lớn hay nhỏ – đã nổi bật qua hai sự kiện.
Gần đây nhất là bất chấp mọi phản đối, ngày 26 tháng 10 năm 2020, 52 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã phê chuẩn đề nghị của tổng thống Trump, cử bà Amy Coney Barett làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, nâng đa số “thân” đảng Cộng Hòa trong định chế tư pháp cao nhất Hoa Kỳ này lên thành 6 người trên tổng số 9 thẩm phán. Trước đó, đã có hai thẩm phán khác do ông Trump đề nghi được chuẩn y là các ông Neil Gorsuch (năm 2017) và Brett Kavanaugh (2018).
Và nổi bật hơn cả việc Thượng Viện Mỹ, trong tay đảng Cộng Hòa, ngày 05/02/2020 đã phán quyết tha bổng tổng thống Donald Trump, bị Hạ Viện, trong tay đảng Dân Chủ đề nghị truất phế.
Quyền truất phế tổng thống hay bầu chọn thẩm phán Tối Cao Pháp Viện chỉ là hai trong số những thẩm quyền quan trọng của Thượng Viện Mỹ, bên cạnh các quyền khác như thông qua các đạo luật cấp quốc gia, phê chuẩn các thành viên chính phủ, các thẩm phán liên bang, các đại sứ…
Đảng Cộng Hòa khởi hành trong thế bất lợi
Hiện nay, cơ cấu đảng phái trong Thượng Viện Mỹ là đảng Cộng Hòa chiếm đa số với 53 thượng nghị sĩ, trong lúc đảng Dân Chủ chỉ có 45 đại diện, cùng 2 thượng nghị sĩ đồng minh nhưng tự nhận là “độc lập”.
Theo thông lệ, cứ hai năm một lần thì Thượng Viện Mỹ thay đổi khoảng 1/3 số đại biểu, đối với những người đã mãn nhiệm kỳ 6 năm. Trong cuộc bỏ phiếu lần này, đảng Cộng Hòa bị rơi vào tình thế bất lợi. Trong tổng số 35 ghế thượng nghị sĩ được bầu lại, bên Cộng Hòa nắm đến 23 ghế, trong khi phe Dân Chủ chỉ phải thay 12 ghế mà thôi.
Để nắm Thượng Viện, đảng Dân Chủ sẽ phải giành thêm 4 ghế. Nếu Joe Biden thắng cử, bà Kamala Harris sẽ là phó tổng thống và tự động được một ghế trong Thượng Viện và như vậy đảng Dân Chủ chỉ cần giành thêm 3 ghế. Ở phía đối diện, đảng Cộng Hòa chỉ được phép mất 3 ghế nếu ông Trump tái đắc cử, và 2 ghế nếu đương kim tổng thống bị thua.
Theo đài phát thanh Pháp France Inter ngày 31/10 vừa qua, giới quan sát cuộc bầu cử Mỹ cho rằng cuộc đấu giành chức thượng nghị sĩ lần này đặc biệt quan trọng tại khoảng một chục bang mà kết quả thăm dò dư luận cho thấy cử tri còn do dự.
Cho dù một số trang web chuyên về dự báo – như FiveThirtyEight hay The Cook Political Report – đều dự báo thắng lợi của đảng Dân Chủ (FiveThirtyEight nói đến 74% khả năng đảng Dân Chủ giành được Thượng Viện), nhưng giới phân tích vẫn cho rằng họ sẽ chật vật hơn. Một trong những lý do là đối với Thượng Viện, xu hướng thường thấy nơi cử tri là tín nhiệm người cũ.
Những bang và gương mặt cần theo dõi
Đề cập đến cuộc bầu cử Thượng Viện, dĩ nhiên là phải chú ý đến những gương mặt cụ thể phải ra trình diện cử tri. Báo chí trong thời gian gần đây đặc biệt quan tâm đến trường hợp thượng nghị sĩ nổi tiếng là ủng hộ viên hết mình của tổng thống Trump là ông Mitch McConnell, và ông Lindsay Graham.
Theo ghi nhận của đài France Inter, ông McConnell, 78 tuổi, lãnh đạo phe đa số đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện, cho đến gần đây được cho là một nhân vật mà không ai có thể lật đổ, đã liên tục được bầu làm thượng nghị sĩ bang Kentucky trong suốt 6 nhiệm kỳ, và lần này ra tranh một nhiệm kỳ thứ 7.
Thế nhưng trong cuộc bầu cử lần này, ngay trong lãnh địa của mình, Mitch McConnell đã bị một phụ nữ trẻ của đảng Dân Chủ thách thức: bà Amy McGrath, 45 tuổi, nguyên là phi công trong Quân Đội Hoa Kỳ, phụ nữ đầu tiên thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến đã lái chiến đấu cơ F-18 đi tham chiến.
Tại một bang là thành trì của đảng Cộng Hòa, nơi mà tổng thống Trump đã chiến thắng với chênh lệch 30 điểm hơn đối thủ, bà McGrath đang cố thu ngắn cách biệt 10 điểm so với ông McConnell. Với lượng tiền to lớn đang đổ vào quỹ tranh cử của bà, hơn hẳn nguồn tài trợ cho đối thủ, giới quan sát đang rất thận trọng và không ai dám khẳng định là nữ ứng viên chắc chắn thua cuộc.
Còn tại bang Nam Carolina, thượng nghị sĩ đầy uy lực của đảng Cộng Hòa Lindsey Graham, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện đã đóng vai trò quyết định trong chiến thắng của ông Trump trên hai mặt trận Tối Cao Pháp Viện và “phiên tòa truất phế” gần đây, thì được cho là có nguy cơ thất cử.
Theo ghi nhận của báo Pháp 20 minutes ngày 29/10, một trong những người ủng hộ tổng thống Trump nhiệt tình nhất này những tưởng sẽ được bầu lại một cách dễ dàng tại một bang mà ông Trump đã giành chiến thắng vào năm 2016 với 15 điểm hơn bà Hillary Cliton.
Thế nhưng không ngờ là ông Graham đang phải đối mặt với ông Jaime Harrison, một đối thủ thuộc đảng Dân Chủ có sức lôi cuốn lạ thường, đã làm bùng nổ mọi kỷ lục gây quỹ (hơn 50 triệu đô la trong quý vừa qua), đến mức mà bản thân ông Graham đã phải than thở rằng đảng Dân Chủ đang “giết” ông bằng nguồn tài chánh.
Theo một kết quả thăm dò mới nhất, hiện nay ông Harrison – với 47% ý định bầu – đang bám sát ông Graham đang dẫn đầu với 49%, một kết quả đáng lo ngại tại một thành trì của đảng Cộng Hòa.
Nhìn chung, theo hãng tin Mỹ AP ngày 01/11, trường hợp của thượng nghị sĩ Lindsey Graham ở Nam Carolina cũng là hoàn cảnh chung của khoảng một chục ứng viên đảng Cộng Hòa trên toàn quốc, đang phải đối mặt với nguy cơ thất cử. Về phía đảng Dân Chủ, chỉ có hai ghế đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo RFI