Tàu NASA bay hơn 235 triệu km ngoài vũ trụ
Tàu thăm dò sao Hỏa đạt cột mốc quan trọng khi hoàn thành nửa chặng đường tới hành tinh đỏ trong khoảng 3 tháng.
Tàu vũ trụ mang theo robot tự hành Perseverance rời bệ phóng tại bang Florida, Mỹ, lúc 18h50 ngày 30/7 (giờ Hà Nội). Nhóm điều hành nhiệm vụ tại NASA thông báo, con tàu đã bay 235 triệu km, tương đương nửa chặng đường tới sao Hỏa lúc 3h40 ngày 28/10.
“Tôi nghĩ sẽ không có tiệc mừng, nhất là khi phần lớn chúng tôi đang làm việc tại nhà. Tuy nhiên, đây vẫn là cột mốc đáng chú ý. Mục tiêu tiếp theo sẽ là hố trũng Jezero“, Julie Kangas, chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA, cho biết. Hố trũng Jezero rộng 45 km là nơi robot Perseverance sẽ hạ cánh vào ngày 18/2 năm sau. Hố trũng này từng chứa hồ nước và châu thổ sông vào thời cổ đại.
Perseverance có kích thước tương đương một chiếc ôtô. Robot sẽ nghiên cứu chi tiết địa chất và khí hậu, tìm kiếm dấu vết sự sống và thực hiện một số nhiệm vụ khác. Nó cũng sẽ thu thập và bảo quản mẫu đất đá trên sao Hỏa để đưa về Trái đất trong các nhiệm vụ tương lai. Nhiệm vụ mang mẫu vật trở về dự kiến diễn ra vào năm 2031, do NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hợp tác thực hiện. Ngoài ra, Perseverance cũng mang theo Ingenuity, trực thăng nhỏ giúp các nhà khoa học khám phá sao Hỏa.
Do bay theo đường cong nên dù đã hoàn thành nửa chặng đường, vị trí của tàu NASA không ở chính giữa Trái đất và sao Hỏa. “Theo đường thẳng, Trái đất đang ở phía sau, cách con tàu 42,7 triệu km còn sao Hỏa cách 28,8 triệu km phía trước”, Kangas nói.
Trong quá trình tàu vũ trụ di chuyển, nhóm điều hành nhiệm vụ vẫn làm việc liên tục. Ví dụ, hai tuần qua, họ đã tiến hành kiểm tra 4 dụng cụ khoa học của robot Perseverance. Chúng vẫn hoạt động tốt. “Chúng tôi muốn xác nhận các thiết bị điện trên tàu vẫn chạy bình thường sau khi phóng”, kỹ sư Keith Comeaux tại JPL cho biết.
Theo Khoa học