Thủy điện miền Trung VN: Cần xem xét, cân nhắc những gì?
25 phút trước
Có bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam cho rằng thủy điện có vai trò tích cực với điều tiết nước, cắt lũ, trong khi người đứng đầu nội các, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lưu ý quan hệ giữa thủy điện nhỏ và tình trạng phá rừng, theo truyền thông nhà nước Việt Nam hôm thứ Hai.
Hôm 02/11/2020, báo Thanh Niên dẫn lời Bộ trưởng Công thương Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, tại một thảo luận ở tổ giữa các Đại biểu Quốc hội Việt Nam, cho rằng thủy điện tại Việt Nam hiện \”an toàn\” và có vai trò tốt, .
Ông được dẫn lời nói:
\”Hiện có 401/401 các đập thủy điện đã được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập; 100% đập thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập; có 376/401 đập chủ đập thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chứa.
\”Có 401/401 hồ chứa có các quy trình đã được các cơ quan có thẩm quyền của T.Ư hoặc địa phương phê duyệt theo quy định về phương án ứng phó thiên tai cũng như tham gia phối hợp trong phòng chống ứng phó bão lũ tại địa phương.
\”Qua thực tế, tất cả hồ, đập thủy điện tại khu vực đều đảm bảo an toàn về an toàn đập cũng như vận hành của hồ… Thực tế, qua số liệu quan trắc cho thấy các hồ thủy điện có tác dụng điều tiết, cắt lũ.\”
\”Sạt lở là do thời tiết, mưa bão\”
Cũng hôm thứ Hai, báo Tuổi Trẻ dẫn lời của ông Bộ trưởng Công thương Việt Nam tại cuộc thảo luận tại tổ giữa các Đại biểu Quốc hội Việt Nam, nhận định:
\”Một số thông tin hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt, đấy là cách viết thông tin trên truyền thông. Thực tế, qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn, như hồ thủy điện Đắc Mi 4 có thời điểm nước về hồ lên tới 17.000m3/giây, nhờ khả năng điều tiết, chứa nước đã cắt lũ đến tới 55%, không thì ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu.\”
Báo Tuổi trẻ cũng dẫn lời của Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường Việt Nam, tại sự kiện này cho biết:
\”Nguyên nhân sạt lở được kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục. Đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở.
\”Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài.\”
Hôm 02/11, vẫn báo Tuổi Trẻ dẫn lời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu về vấn đề trên.
\”Giải thích về nguyên nhân gây nên mưa lũ và sạt lở đất ở miền Trung, Thủ tướng cho rằng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng ông lưu ý đặc thù của địa chất khu vực này là kết cấu đất sét, mưa nhiều sẽ gây ra sạt lở.
\”Rừng già còn nhiều, khảo sát nhiều nơi thảm thực vật vẫn còn 80-90%, nhưng mưa thối đất thì không còn kết cấu nào chịu đựng được,\” Thủ tướng nhấn mạnh cần phải đánh giá đầy đủ toàn diện hơn để có biện pháp tối đa, thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn, hạn chế tác động của con người, hạn chế lấy rừng, lấy đất.\”
Đối với vấn đề phát triển thủy điện nhỏ, vẫn theo báo chí nhà nước, Thủ tướng Phúc nhấn mạnh phải \”xem xét để hạn chế phá rừng, tới đây những công trình nào xây dựng liên quan đất rừng phải trình Quốc hội xin ý kiến.\”
Chuyên gia từ miền Trung nói gì?
Hôm thứ Hai, một chuyên gia phát triển cộng đồng và nông thôn ở miền Trung Việt Nam bình luận với BBC về các luồng ý kiến nói trên trong nội các chính phủ Việt Nam và những tranh cãi liên quan vai trò thủy điện, thủy điện nhỏ và tác động môi trường của các công trình này.
\”Theo dõi các phát biểu trên, suy nghĩ và cảm nhận ban đầu, tôi nghĩ rằng vấn đề thủy điện và thủy điện nhỏ là một vấn đề không dễ cho một câu trả lời ngắn gọn, dù trên diễn đàn nào,\” nhà nghiên cứu Đặng Ngọc Quang nói với BBC News Tiếng Việt hôm 02/11 từ Quảng Bình trong lúc ông đang tham gia một dự án khảo sát thực tế ở địa phương.
\”Tôi nghĩ là cần phải đi vào bối cảnh cụ thể của từng trường hợp một và nếu chúng ta có thể nhìn nhận một cách tổng thể, thì có thể có một số vấn đề kinh tế – xã hội đối với thủy điện nhỏ ở Việt Nam nói chung và miền Trung Việt Nam nói riêng.
\”Còn nói chung, người ta cho rằng thủy điện nhỏ cũng có lợi ích, cũng như tác hại và nguy cơ nhỏ hơn so với những thủy điện quy mô trung và lớn.
\”Nhưng người ta cũng quan ngại việc lạm dụng thủy điện nhỏ để khai thác rừng, lấy tài sản từ rừng để bù đắp chi phí đầu tư vào thủy điện, hoặc thậm chí khai thác tài nguyên khác, trong đó có khoáng sản ở khu vực lập thủy điện là một vấn đề.
\”Đó là câu chuyện mang tính chất lợi dụng, nhân danh thủy điện, để mà khai thác gỗ, lợi dụng để mà khai thác khoáng sản, hay đặc biệt nghiêm trọng là khai thác sát hại những khu bảo tồn, thì những khu thủy điện đó phải nói thẳng là có hại.
\”Còn những thủy điện nhỏ bình thường ở những khu vực mà an toàn, ở những khu vực không gây hại đến môi trường, tức là đối với mỗi trường hợp cụ thể, thì người ta phải cân nhắc những điểm hợi và điểm hại cụ thể, về kinh tế, môi sinh về tác động đến môi trường, tác động đến xã hội, con người, nếu không người ta có thể lạm dụng, tôi nhấn mạnh là cân nhắc lợi hại cần cụ thể cho từng trường hợp, vì chúng khác nhau.\”
Đánh giá thế nào trong bối cảnh \’tham nhũng\’ tồn tại?
Vì những khía cạnh trên, chuyên gia về phát triển cộng đồng và nông nghiệp, nông thôn từ miền Trung Việt Nam, ông Đặng Ngọc Quang cho rằng khó có một đáp án chung, một câu trả lời chung nhất cho tất cả các thủy điện nhỏ, nếu nhà nước và giới quản lý vĩ mô, các nhà hoạch định chính sách thiếu các nghiên cứu đánh giá tổng thể, đồng thời có tham chiếu phản biện về các nghiên cứu trường hợp và được cập nhật về chính sách và thông tin quản lý, vận hành.
Tuy nhiên, ông Quang đưa ra một bình luận lưu ý từ một góc độ khác, ông nói:
\”Song trong bối cảnh tham nhũng, bối cảnh lạm dụng quyền lực, bối cảnh quan hệ sân sau còn tồn tại và phổ biến khá mạnh như tại Việt Nam hiện nay, khả năng thủy lợi nhỏ bị lợi dụng để các nhóm lợi ích, thậm chí nhóm lũng đoạn chính sách làm lợi cho mình, trong khi làm hại cho môi trường, làm hại cho tài nguyên thiên nhiên, hoặc làm hại cho rừng nguyên sinh, cho đời sống kinh tế, xã hội ở cộng đồng, làm hại cho môi trường sinh thái địa phương v.v…, những cái đó chứng tỏ trên thực tế rằng không ít những thủy điện nhỏ đã xâm hại đến môi trường, xã hội, thiên nhiên, tài nguyên.
\”Và những tác hại đó đem lại lợi nhuận, lợi ích nhiều hơn cho những người thủ lợi, các nhóm lợi ích, lũng đoạn, so với những cái mà người ta bỏ ra đầu tư và đầu tư ban đầu cho thủy điện nhỏ, và đó là động cơ để người ta lợi dụng, lạm dụng.
\”Và tôi cũng thấy có việc khác là người ta không tính đến những nguy cơ sạt lở có thể xảy ra trở lại, có thể bị gây ra trở lại, khi người ta làm thủy điện nhỏ ở những khu vực nguyên sinh, thí dụ như là tác động của con đường đến việc khai thác lậu tài nguyên rừng của những người lâm tặc trong những khu rừng nguyên sinh.
\”Người ta đã thấy rất rõ những con đường mở vào thủy điện ở những khu vực nguyên sinh là những lối mở giúp xâm nhập dễ dàng hơn cho những kẻ xâm nhập vào những khu rừng nguyên sinh để lâm tặc tăng cường phá hoại rừng, và cái này đã được nhiều nghiên cứu xác nhận.
\”Ngoài ra, thủy điện nhỏ như trường hợp mà người ta đã xác định ở một số nơi ở miền Trung trong đợt lũ lụt, lở đất năm nay, đó là nó làm ảnh hưởng tới kết cấu địa chất, làm suy giảm kết cấu bền vững ở nhiều khu vực đất đai mà có thể làm xảy ra tai nạn, rồi kết hợp với việc lấy đất, lấy rừng, chúng cộng hưởng làm tăng nguy cơ sụt lở rất lớn ở gần những nơi lập các thủy điện.
\”Rồi nguy cơ mà người ta tái định cư, di cư dân đến những nền đất mà bị trở nên lỏng và yếu hơn, dù người ta đã có bồi đắp thêm vào ở những khu vực tái định cư đã dẫn đến khả năng sạt lở nguy hiểm của cả một cộng đồng ở địa phương, như xảy ra với quy mô cả một làng mà do nền đất yếu, khi mà khả năng lũ quét lớn do cây rừng, lớp bảo vệ không còn nữa hoặc suy yếu đi, thì những tác hại là vô cùng to lớn.
\”Và nhìn lại, tôi nghĩ những tính toán dài hơi đã không được, hay thiếu được xem xét, do đó xét về tổng thể, để làm căn cứ cho hoạch định chính sách, Việt Nam cần phải có những điều tra, khảo sát ngay lập tức và cập nhật liên tục để xem xét và tính toán trong những khu vực thủy điện nhỏ mà người ta đã quy hoạch, có bao nhiêu cái có nguy cơ gây hại, nguy cơ cụ thể, tiềm tàng ra sao, cho con người và cho môi trường.
\”Nhưng nhiều nghiên cứu độc lập đã chỉ ra và khẳng định, những nguy cơ, nguy hại đó đã thực sự là lớn hơn những lợi ích mà thủy điện nhỏ đem lại, trong khi thông thường các thủy lợi nhỏ mang lại những công suất phát điện nói chung là thấp, và tôi cho rằng chính phủ, nhà nước không nên nói khái quát, chung chung được, mà phải xem xét từng trường hợp cụ thể và phải mở ra để lắng nghe những tiếng nói phản biện từ địa phương, từ các giới trong đó có giới khoa học, giới nghiên cứu, trong khi cần cảnh giác với ảnh hưởng tinh vi của các nhóm lợi ích, lũng đoạn chính sách vốn có thể gây ra những ảnh hưởng để họ được hưởng lợi nhiều hơn,\” nhà nghiên cứu Đặng Ngọc Quang nói.