Tàu cá Việt Nam ở vùng biển Indonesia cho thấy mức độ tranh chấp hàng hải của ASEAN
Một tàu đánh cá Việt Nam bị Indonesia phá hủy vì đánh bắt trái phép. 12/2014. Natuna. AFP
Một nhóm hoạt động đã kêu gọi Jakarta hành động chống lại sự xâm phạm ngày càng tăng của tàu đánh cá Việt Nam vào Indonesia.
Mạng báo South China Morning Post vào ngày 2 tháng 11 loan tin vừa nêu và cho rằng vấn đề này nêu bật tính chất phức tạp của các tranh chấp hàng hải trong khu vực vượt ra ngoài yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông.
Theo Destructive Fishing Watch (DFW) Indonesia, có đến 21 tàu cá Việt Nam trong số 31 tàu mang cờ nước ngoài đã thực hiện đánh bắt trái phép ở Biển Bắc Natuna của Indonesia từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2020.
Số liệu của chính phủ Indonesia cho thấy 23 tàu mang cờ nước ngoài đã bị Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp bắt giữ trong cùng kỳ năm ngoái, 4 trong số đó là của Việt Nam.
Ông Moh Abdi Suhufan thuộc DFW cho rằng, chính phủ Indonesia nên tăng cường giám sát và triển khai nhiều cuộc tuần tra quân sự hơn trên biển. Ông cho rằng, các tàu Việt Nam rất hung hãn và sẽ cố gắng bỏ chạy hoặc đâm vào các tàu giám sát của Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia.
Vào năm 2019, nhà chức trách Indonesia đã bắt giữ và phá hủy hàng trăm chiếc thuyền đánh cá trái phép.
Vào tháng 12 năm 2019, Jakarta và Bắc Kinh xung đột về việc tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm xung quanh quần đảo Natuna đã khiến Indonesia đệ đơn phản đối ngoại giao với Trung Quốc.
Sau đó, Indonesia đã cử tàu hải quân và máy bay chiến đấu tuần tra khu vực. Vào tháng 1/2020, ba tàu quân sự của Indonesia đã trục xuất hơn 50 tàu Trung Quốc ra khỏi khu vực này.
Quần đảo Natuna giáp Biển Đông, nơi có Trung Quốc và 4 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines, cùng tranh chấp lãnh hải. Bắc Kinh cho rằng Natunas là một phần của “ngư trường truyền thống” của họ và khu vực này nằm trong đường chín đoạn mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Indonesia hồi tháng 1 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Jakarta đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và chỉ ra rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông đã bị một tòa án năm 2016 ở The Hague bác bỏ sau một vụ kiện do Philippines tiến hành.
Theo DFW Indonesia, công chúng Indonesia có xu hướng chú ý nhiều hơn khi các tàu xâm phạm mang cờ Trung Quốc, vì “vấn đề chủ quyền rất nhạy cảm đối với người dân và quốc gia Indonesia”. Tuy nhiên, cũng có những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, bên cạnh những tranh chấp với Trung Quốc.
Ví dụ, Jakarta và Manila năm 2014 đã ký một thỏa thuận giải quyết tranh chấp về các đặc quyền kinh tế chồng lấn của họ, trong khi năm 2009 Malaysia và Việt Nam đã cùng đệ trình lên Ủy ban Giới hạn của Thềm lục địa để làm rõ lập trường và giới hạn pháp lý đối với các yêu sách của họ. trên biển.
Theo ông Basilio Dias Araujo, trợ lý thứ trưởng phụ trách an ninh hàng hải Indonesia, các tàu nước ngoài có thể tiến vào EEZ của nước này vì khu vực này không được giám sát tốt. Ông nói thêm rằng bên cạnh việc đánh bắt bất hợp pháp, sự hiện diện của họ cũng có những quan điểm chính trị, “đặc biệt là Việt Nam vì vẫn còn tranh chấp về ranh giới biển EEZ với Indonesia.
DFW Indonesia khuyến nghị Jakarta nên giải quyết tranh chấp với Việt Nam thông qua diễn đàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Trong khi ông Basilio lại cho rằng, Indonesia có \”cách riêng\” để đối phó với các quốc gia có ngư dân vi phạm các hành vi đánh bắt trái phép.