Sai sót trong sách giáo khoa lớp 1 và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Sai sót trong sách giáo khoa lớp 1 và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

\"QuầyQuầy bán sách giáo khoa lớp 1. RFASai sót trong sách giáo khoa lớp 1 và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo00:00/08:39 

Tại phiên thảo luận các vấn đề về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020-2021 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khoá 14 diễn ra sáng ngày 4/11, Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Vũ Đức Đam cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm đối với những sai sót trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, trong đó trách nhiệm theo luật định là thuộc về Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều đang nhận được nhiều sự chú ý từ phía dư luận và cả Quốc hội thời gian gần đây vì nhiều sai sót.

Cụ thể, đây là năm học đầu tiên được triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bắt đầu đối với lớp 1. Các phụ huynh có con học lớp 1 và nhiều người chỉ ra nhiều sai sót nghiêm trọng về kiến thức và ngôn ngữ trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 được đưa vào giảng dạy năm nay.

Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được quy định rất kỹ trong Luật Giáo dục mới sửa đổi.

Trong đó, Điều 32, khoản 3 của Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định rất rõ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa từ việc hướng dẫn quy trình biên soạn, thành lập hội đồng và quy trình thẩm định, phê duyệt.

Vào ngày 24/10, truyền thông Nhà nước đưa tin cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận trách nhiệm trong việc ‘chỉnh sửa, hiệu đính’ sách giáo khoa lớp 1.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo bị phát hiện có những sai sót trong sách giáo khoa. Trước đó, báo nhà nước Việt Nam ngày 5/9/2019 đưa tin cho biết Bộ Giáo Dục & Đào Tạo yêu cầu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội làm rõ sai phạm của cá nhân, đơn vị có liên quan đến việc giáo trình của trường có \’đường lưỡi bò\’ đồng thời thu hồi các giáo trình, tài liệu có nội dung ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Cô giáo H, một giáo viên trường cấp I tại Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do bảo mật danh tính, với hơn 20 năm đi dạy, cho hay cô đã nhiều lần được nghe tin Bộ Giáo dục rút kinh nghiệm, nhưng thực tế không thay đổi:

“Chị thấy bên Giáo dục cứ rút kinh nghiệm chứ không sửa đổi, chỉ là lời nói rút kinh nghiệm vậy thôi, người dân phải chấp hành. Thay đổi nếu không học thì đi đâu học trong khi cả nước đều học như vậy. Mọi người làm sao có đủ khả năng đưa con ra nước ngoài học. Nói vậy, kêu than vậy chứ không thay đổi được gì vì khi Bộ ra quyết định thì phải chấp hành, ý kiến cũng không được gì, không thấy thay đổi thì dân phải chấp nhận. Chị thấy giáo dục Việt Nam ngày càng đi xuống, chỉ có màu mè với công nghệ thông tin nổi trội nhưng chất lượng vừa kiến thức vừa tư cách vừa đạo đức… càng ngày đi xuống.”

Còn theo PGS. TS. Mạc Văn Trang, bên cạnh việc nhận trách nhiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và những người liên quan phải bị truy trách nhiệm.

\"Giáo

Giáo trình trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp. Photo: Thanh nien

\"\"/

“Cách làm sách ở đây có nhiều sai lầm, quan điểm chưa rõ ràng, người biên soạn chưa làm hết trách nhiệm; không thực nghiệm; Hội đồng (kiểm duyệt) không làm hết trách nhiệm nên mới xảy ra sai sót; nhà xuất bản biên tập cũng không làm hết trách nhiệm nên biên tập, xuất bản rồi đến khi nhân dân kêu mới nói có những sai sót không tránh khỏi, sách giáo khoa phức tạp, khó lắm… Sai căn bản từ đầu cứ đổ loanh quanh mà không ai chịu trách nhiệm, không ai bị kỷ luật. Nhà nước quản lý như thế thì sao tiến bộ được?”

Báo Nhà nước Việt Nam dẫn lời ông Vũ Đức Đam cho rằng việc cải tiến một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa giúp phát huy sáng tạo, không độc quyền như trước đây.

Tuy nhiên, vẫn theo ông Phó Thủ tướng, dù có một bộ sách giáo khoa hay nhiều bộ sách giáo khoa thì chất lượng ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn ngày xưa.

Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến đưa ra cho rằng nếu yêu cầu chất lượng sách mới ít nhất bằng với sách cũ thì tại sao cần thay đổi?

Chị Ngọc Tú, phụ huynh có con đang học lớp 1 và lớp 6 tại Long An đưa ra quan điểm cá nhân của chị qua Facebook Messenger như sau:

“Nếu muốn đổi thì quan trọng là sách cải cách mới phải dễ hiểu, dễ tiếp thu chứ không lộn xộn, phức tạp về nghĩa và cách giáo viên phải truyền đạt cho học sinh như hiện nay..”

Xác nhận thực tế vừa nêu, cô H., một giáo viên trường cấp I tại Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do bảo mật danh tính cho hay:

“Mỗi một lần đổi sách giáo khoa thì chị thấy chất lượng học trò đi xuống. Chị không đồng ý chuyện đổi sách giáo khoa vì làm cho mặt kiến thức khó hơn, không phù hợp với lứa tuổi của trẻ, tốn thêm tiền in ấn… Thay sách tùy theo trình độ, mọi mặt, tức nhiều tác động để có một bộ sách lý tưởng chứ không phải thay thế này.”

Chị Minh Anh, có con đang học lớp 1 tại Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh cho biết qua sự việc lần này sẽ cho con học trường quốc tế vào năm sau với hy vọng có thể cải thiện tình hình. Chị nói:

“Việc đổi thế nào là bộ máy chính quyền nhà nước, mình con dân đen nói được gì, người dân nói chẳng ai nghe hết. Chị không tin tưởng vào nền giáo dục Việt Nam nên việc sách giáo khoa ông này bà kia đổi chị không quan tâm. Mục đích cho con chị đến trường để biết đọc, biết viết Tiếng Việt, chỉ đơn giản vậy thôi.”

Với kinh nghiệm hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002, từ Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhận định với RFA qua điện thoại vào tối 4/11 như sau:

“Vòng lẩn quẩn của quản lý nhà nước. Giáo sư Ngô Bảo Châu và nhiều người khác đã lên tiếng. Thứ nhất là muốn thay sách giáo khoa phải đánh giá bộ sách giáo khoa cũ xem nó hỏng chỗ nào, yếu chỗ nào, kém chỗ nào, cần sửa chỗ nào. Thứ hai là trong tất cả mười mấy môn học thì có những quyển rất tốt thì tại sao lại thay? Có những quyển sai sót một chút thì tại sao biên soạn lại quyển sách mới, chỉ cần sửa những chỗ chưa đáp ứng được thôi. Còn những quyển quá lạc hậu, quá sai thì mới phải soạn mới từ đầu. Thay vì cuốn chiếu lại vứt đi hết, biên soạn hoàn toàn mới không hề đánh giá sách giáo khoa cũ mà biên soạn sách hoàn toàn mới rồi gọi tích hợp, nhưng khi biên soạn lại không tích hợp gì. Tích hợp gì mà lớp 1 8, 9 môn thì 8, 9 quyển sách rồi sách đọc thêm.”

Tại phiên hội thảo ngày 4/11, ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thay Giáo sư Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, do những sai sót trong bộ sách Cánh Diều.

Ngoài ra, ông Vũ Đức Đam cũng khẳng định sách Tiếng Việt lớp 1- bộ sách Cánh Diều có sai sót. Tuy nhiên, ông Đam cho rằng để đánh giá được sách giáo khoa sai đến đâu, đến mức nào thì cần phải có cơ quan chuyên môn vì các đại biểu, kể cả Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm dạy tiếng Việt lớp 1.

Bài Liên Quan

Leave a Comment