Việt Nam ‘khẳng định chủ quyền’ trước tin TQ cho cảnh sát biển dùng vũ khí

Việt Nam ‘khẳng định chủ quyền’ trước tin TQ cho cảnh sát biển dùng vũ khí

05/11/2020


\"Một
Một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vào năm 2014.

Trước thông tin Trung Quốc đang xem xét dự luật cho phép cảnh sát biển của họ sử dụng vũ khí trong vùng lãnh hải nước này kiểm soát, Bộ Ngoại giao Việt Nam lặp lại tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Dương Hoài Nam nói tại cuộc họp báo ngày 5/11.

Một ngày trước đó, truyền thông Nhật Bản cho hay nếu một dự luật vừa được công bố của cơ quan Quốc hội Trung Quốc được thông qua, Bắc Kinh sẽ cho phép cảnh sát biển sử dụng vũ khí đối với các tàu nước ngoài có các hoạt động bị cho là “bất hợp pháp” và “không tuân lệnh” trong vùng lãnh hải mà Trung Quốc kiểm soát.

Do có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, chính phủ Nhật Bản cho biết đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan đến cảnh sát biển Trung Quốc, và sẽ đáp trả các động thái của Trung Quốc một cách bình tĩnh và kiên quyết.

Giữa bối cảnh đang diễn ra đại dịch trên toàn cầu, nhiều quốc gia đưa ra cảnh báo về những động thái ngày càng lấn tới của Bắc Kinh trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền của họ trong những khu vực tranh chấp, bao gồm cả Biển Đông.

Hồi tháng 4, một tàu cá với 8 ngư dân Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm trong khu vực đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Trung Quốc quản lý. Vụ việc khiến nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh về hành động bắt nạt này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục gây ra những vụ “tai nạn” tương tự đối với ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng biển tranh chấp.

Hôm 4/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong tư cách quốc gia Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, tổ chức một hội thảo trực tuyến giữa khối 10 quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc về nội dung “đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân” và thúc đẩy đưa vấn đề trở thành “lĩnh vực hợp tác ưu tiên” giữa hai phía.

“Đây là hướng mà chúng tôi muốn chuyển thông điệp đến các nước trong khu vực, trong khối ASEAN, tìm cách bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của các ngư dân Việt Nam và các nước hoạt động đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia mình”, báo Người Lao Động dẫn lời Phó phát ngôn viên Dương Hoài Nam nói thêm trong cuộc họp báo.

Bài Liên Quan

Leave a Comment