Chuyện ‘bẩn’ trong lĩnh vực năng lượng sạch ở Việt Nam
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 23/4/2019: người đàn ông đi qua một trạm điện gió ở tỉnh Bình Thuận AFPChuyện ‘bẩn’ trong lĩnh vực năng lượng sạch ở Việt Nam00:00/08:49
Phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi rất cần thiết cho Việt Nam. Thế nhưng qui trình đấu thầu không minh bạch, khả năng doanh nghiệp kém, tình trạng lách luật và chạy dự án gây nhiều cản trở cho phát triển của ngành này.
Năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời …là xu hướng và chủ trương phát triển điện được Nhà Nước Việt Nam khuyến khích hơn một thập niên qua.
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, cho biết định hướng là vậy nhưng do giá điện từ năng lượng tái tạo còn thấp nên chưa hấp dẫn được nguồn đầu tư trong nước cũng như FDI nguồn đầu tư trực tiếp từ bên ngoài.
Vào khi các cơ quan quản lý đã chuẩn bị trình Chính phủ những chính sách đổi mới để tạo động lực phát triển điện gió và điện mặt trời, thì Chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Đầu Tư Nước Ngoài, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Mại, cho biết nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam đang cạn dần, khả năng cung ứng hạn chế, nhập khẩu nhiên liệu cho phát điện gia tăng, cơ chế điện năng không còn thích hợp với định hướng phát triển điều gọi là “kinh tế xanh” của quốc gia.
Ông còn cảnh báo sự thiếu minh bạch, năng lực doanh nghiệp kém cộng thêm chuyện lót tay và lách luật để có được dự án… đã khiến lãnh vực năng lượng tái tạo của đất nước còn chưa “sạch”.
Tại buổi tọa đàm mang tên “Góp Ý Cơ Chế, Chính Sách Phát Triển Năng Lượng Tái Tạo” cuối tháng Mười vừa qua, chuyên gia kinh tế là tiến sĩ Cấn Văn Lực, cũng nói rằng hiện tượng lách luật, chạy dự án năng lượng tái tạo khiến công việc quản lý của các cơ quan hữu trách càng thêm khó khăn.
Cái khó, cái thách thức hiện nay, tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh, chính là hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh. Ông nói Luật PPP, sẽ có hiệu lực ngày 1/1/2021, là nền tảng thúc đẫy năng lượng tái tạo nhưng cơ chế chính sách ban hành lại quá chậm, thời gian kéo dài chỉ 1-2 năm không đủ cho doanh nghiệp xoay sở.
Nếu không có phí bôi trơn thì cái xe không chạy được. Tất nhiên người ta lợi dụng cái đó để kiếm chác – GS. Nguyễn Thế Hùng
Đối với Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Khoa Xây Dựng Thủy lợi-Thủy điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, suy cho cùng thì cơ chế đầu tư kinh doanh vào một lãnh vực tiền năng mà càng khó khăn, trì chậm chừng nào càng khiến tiêu cực phát sinh nhiều chừng ấy. Đây là những cái “còn chưa sạch” của năng lượng tái tạo, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng nói:
“Đúng như Tiến sĩ Nguyễn Mại gọi là phí bôi trơn đó, kèm theo cơ chế gây trở ngại cho doanh nghiệp mà không thể nào tránh được. Nếu không có phí bôi trơn thì cái xe không chạy được. Tất nhiên người ta lợi dụng cái đó để kiếm chác. Người nào mà nói không có tham nhũng thì rõ ràng không thể tranh luận với người đó được. Thậm chí còn cố ý tìm kẻ hở để chui vào đế lách luật. Chống tham nhũng phải là cơ chế sạch”.
Thống kê của Viện nghiên cứu thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho thấy năm 2016 tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo đạt khoảng 303 MW. Đến năm 2020 tổng công suất được ước tính khoảng 7.000 MW, gấp hơn 20 lần so với 2016. BIDV dự báo trong thời gian tới các dự án điện gió và điện mặt trời tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Còn theo số liệu từ Bộ Công Thương, cả nước đang có 187 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 12.000 MW, và 137 nhà máy điện mặt trời tổng công suất 13.618 MW. Tất cả đều được bổ sung qui hoạch.
Hình minh hoạ. Các tấm điện mặt trời được lắp gần một turbine ở trạm điện gió tại tỉnh Bình Thuận AFP
Dự kiến của Bộ Công Thương là 312 dự án điện gió và 331 dự án điện mặt trời đang được các địa phương đề xuất phát triển trong thời giam tới.
Trao đổi với RFA về thông tin này, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường Đặng Hùng Võ phân tích:
“Quá trình ấy bây giờ giống như cuộc chạy đua giữa các nhà đầu tư. Ai có được dự án trước sẽ đầu tư sẽ vận hành trước và sẽ có lợi nhuận trước. Chính vì vậy các nhà đầu tư phải chạy, phải tìm mọi cách để dự án của mình được phê duyệt”.
“Theo phản ảnh từ các địa phương thì có 2 dạng. Dạng thứ nhất là một dự án lớn chia thành nhiều dự án nhỏ, thì cấp phê duyệt nó nằm ở địa phương. Còn nếu dự án lớn thì phải lên phê duyệt cấp trung ương. Đấy là cách mà một vài dự án lớn đã làm, tiến sĩ Cấn Văn Lực nói rằng đấy là cái dạng lách luật”
“Còn dạng thứ hai, để chạy cho dự án mình được nhanh, được địa phương đề xuất lên Bộ Công Thương để đưa vào qui hoạch, thì Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mại có ý nói ở đây là phải bôi trơn, phải có phong bì. Và hơn nữa thì hiện nay qui trình về thủ tục hành chính đối với một dự án nó quá dài quá phức tạp, chính vì thế thường xuyên vẫn phải tìm cách bô trơn. Đó là cách mà Việt Nam vẫn gọi là chạy dự án. Ý của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mại là năng lực sạch mà quá trình thực hiện lại vấy bẩn”.
Việc chia năm xẻ bảy một dự án lớn thành nhiều dự án nhỏ để mau chóng được phê duyệt và đề xuất có sự tác hại không kém những “thủy điện cóc” tại một số địa phương Việt Nam trước nay, là khẳng định của Giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Thế Hùng:
“Ví dụ như năng lượng mặt trời, thực ra cái diện tích để lấy năng lượng mặt trời nó lớn, rồi thì nguyên vật liệu chế tạo khi bị quá hạn đi thì nó cũng gây ô nhiễm môi trường. Làm những nhà máy nhỏ này mà không tính toán cẩn thận thì sẽ rất không tốt . Phải có tính toán chi tiết, nghiêm ngặt, có phản biện độc lập thì mới có kết quả tốt”.
Theo các chuyên gia, so với những bất cập trong phát triển thủy điện, phát triển điện gió và điện mặt trời dù sạch hơn song vẫn có vướng mắc, chưa kể là có thể thay đổi trong mươi, mười lăm năm tới.
Sự thực mà nói các thủy điện vừa và nhỏ, hiện nay vẫn gọi là “thủy điện cóc”, cũng đã trải qua một quá trình khá giống với việc chạy dự án điện gió và điện mặt trời. Cụ thể một dự án đầu tư 100MW có thể sử dụng một diện tích đất khoảng 120 ha rừng. Được phép phá rừng đối với nhà đầu tư là cái lợi nhuận đầu tiên có thể kiếm được. – TS Đặng Hùng Võ
Trong một bài tham luận có tựa đề “ Vướng Mắc Trong Phát Triển Điện Gió và Điện Mặt Trời”, tác giả là nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường Đặng Hùng Võ từng nêu cái bất cập trong phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam cũng như các nơi khác trên thế giới:
“Sự thực mà nói các thủy điện vừa và nhỏ, hiện nay vẫn gọi là “thủy điện cóc”, cũng đã trải qua một quá trình khá giống với việc chạy dự án điện gió và điện mặt trời. Cụ thể một dự án đầu tư 100MW có thể sử dụng một diện tích đất khoảng 120 ha rừng. Được phép phá rừng đối với nhà đầu tư là cái lợi nhuận đầu tiên có thể kiếm được”.
“Thí dụ nhà máy điện mặt trời ở Tây Ninh công suất 100MW chẳng hạn, đã chiếm đến 117 ha đất rừng. Về mặt Nhà Nước là thiệt hại vì dùng quá nhiều tài nguyên để sản xuất ra một lượng điện sạch nhưng lại kéo theo chi phí về tài nguyên quá lớn”
“Điện gió thì cũng như vậy thôi, trong khi bây giờ nhiều nước ở Châu Âu đã đưa cả điện gió và điện mặt trời ra ngoài khơi xa. Chủ trương hiện nay của tất cả các nước là đẩy ra ngoài khơi xa để khỏi tốn đất, trong lúc Việt Nam vẫn cho phát triển điện gió và điện mặt trời khá mạnh, khá ồ ạt nhưng tất cả vẫn ở trên mặt đất”.
Hiện tại địa chính trị thế giới đang có những thay đổi đáng kể mà Việt Nam chịu ảnh hưởng khá mạnh, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ nói tiếp. Mặt khác, ông cũng lưu ý rằng nguồn FDI (đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) vào điện gió và điện mặt trời, phải đặc biệt chú trọng đến những diện tích đất rộng tại các địa điểm trọng yếu về quốc phòng và an ninh của Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Đầu Tư Nước Ngoài, Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Mại, qui hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cần phải công khai, minh bạch, để nhà đầu tư tiếp cận một cách bình đẳng và cộng đồng dân cư có thể theo dõi, giám sát.
Phải nghiêm minh trong việc thực hiện qui hoạch, Giáo sư Nguyễn Mại nhấn mạnh, không để xảy ra những chuyện chạy dự án, mua bán dự án để trục lợi, hay vì lợi nhuận mà coi nhẹ an ninh quốc gia.