Quy trình kiểm phiếu ở Mỹ: ‘Khó lòng xảy ra sai sót’
06/11/2020
Quá trình kiểm phiếu bầu cử ở Mỹ được thực hiện bài bản, chặt chẽ với sự giám sát của đại diện cả hai đảng nên khó lòng xảy ra gian lận, một Điều hợp viên Cử tri có tham gia công tác kiểm phiếu tại quận hạt lớn thứ ba của nước Mỹ, nói với VOA.
Hoa Kỳ đang chứng kiến cuộc bầu cử Tổng thống hết sức sít sao giữa hai ứng viên là đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu phó Tổng thống Joe Biden. Ở một số tiểu bang chiến trường, người chiến thắng đôi khi chỉ hơn có vài chục ngàn lá phiếu.
Trong lúc tiến trình kiểm phiếu đang tiếp diễn với ứng cử viên Biden đang dẫn trước ứng cử viên Trump, trên mạng xã hội nhiều người lan truyền thông tin chưa xác nhận rằng ‘Đảng Dân chủ gian lận phiếu bầu’, nhất là phiếu bầu qua thư.
Chữ ký và mã vạch
Trao đổi với VOA, bà Nguyễn Kim Du Hạ, Điều hợp viên Cử tri ở quận hạt Harris thuộc tiểu bang Texas, giải thích cách kiểm phiếu bằng thư như thế nào để đảm bảo đúng phiếu, đúng người và không có bất cứ lá phiếu gian dối nào có thể lọt vào được.
Trước hết, nhân viên bầu cử sẽ kiểm tra chữ ký cử tri ký phía sau phong bì để xem có giống chữ ký của người đó khi đăng ký cử tri hay không. Một số tiểu bang khác còn kiểm tra thêm người này có đủ điều kiện bầu bằng thư không, hay có còn cư trú ở địa chỉ đã đăng ký không.
Nếu chữ ký không giống thì nhân viên bầu cử sẽ phải liên lạc với cử tri đó để xác nhận chính họ là người đã ký tên và gửi lá phiếu đi. Còn nếu cử tri nào quên ký tên sau phong bì, người đó cũng sẽ được liên lạc để xác nhận rồi mới đếm lá phiếu đó.
“Khi nào được xác nhận rồi thì lá phiếu đó mới được tính, bằng không thì nội trong 6 ngày phải hủy bỏ,” bà Du Hạ nói và giải thích rằng việc xác nhận này là để tránh trường hợp có người đánh cắp hay bầu giùm lá phiếu của cử tri khác.
Để tránh phiếu giả, mỗi lá phiếu bằng thư được gửi đi đều có một mã vạch (barcode) khác nhau cho mỗi cử tri. Phiếu bầu bằng thư sau khi nhận được sẽ được đưa qua máy quét mã vạch để xác định lá phiếu đó là chính xác của cử tri đó mà cơ quan bầu cử đã gửi đi, theo lời giải thích của người điều phối cử tri này. Còn nếu mã vạch không chính xác thì lá phiếu đó sẽ bị hủy.
Máy quét cũng làm công tác kiểm phiếu bằng cách đọc dò các ô lựa chọn đã được đánh dấu bằng mực xanh hay mực đen. Còn lá phiếu nào đánh dấu bằng mực đỏ sẽ bị máy scan thải ra một bên để con người xử lý.
“Không thể có chuyện những lá phiếu không rõ nguồn gốc mà vẫn được kiểm được,” bà khẳng định.
‘Không thể bầu hai lần’
Bà Du Hạ cũng cho biết là có khả năng một người có thể bầu hai lá phiếu nhưng công việc của nhân viên kiểm phiếu là phải kiểm tra để đảm bảo chỉ có một lá phiếu được tính cho mỗi cử tri.
“Có những người đã bỏ phiếu bằng thư rồi, mà đến ngày bầu cử họ không yên tâm lá phiếu của họ đã đến nơi thì họ có thể ra phòng phiếu để đích thân bỏ phiếu. Khi đó nhân viên phòng phiếu sẽ cho họ biết là lá phiếu của họ đã được nhận hay chưa. Nếu lá phiếu đã được nhận mà họ vẫn muốn bầu nữa thì họ sẽ được đưa cho một lá phiếu tạm thời (provisional ballot),” bà cho biết.
Tuy nhiên, trong vòng 10 ngày, những lá phiếu tạm thời này sẽ được dò với danh sách những người đã bỏ phiếu bằng thư. Nếu những lá phiếu bằng thư của họ đã được tính rồi thì lá phiếu tạm thời sẽ bị hủy bỏ, cũng theo bà Du Hạ.
Còn trong trường hợp lá phiếu bằng thư của không được tính vì không hợp lệ hay sao đó thì khi đó lá phiếu tạm thời mới được tính.
Theo luật của Texas thì phiếu bầu bằng thư trễ lắm là đến 7 giờ tối ngày 3/11, tức là ngày giờ đóng cửa phòng phiếu, theo dấu bưu điện và phải đến nơi trước 5 giờ chiều ngày 4 thì mới được tính.
“Riêng những lá phiếu trong quân đội đồn trú ở nước ngoài hay cử tri Mỹ đang sinh sống và công tác ở nước ngoài thì luật pháp Mỹ cho phép thời gian đến 6 ngày sau ngày bầu cử để nhận những lá phiếu này,” bà nói thêm.
Người mất vẫn có phiếu?
Trước những đồn đoán người đã mất có thể vẫn nhận được phiếu bầu bằng thư, bà Du Hạ xác nhận có trường hợp đó vì người đó mất mà chưa có cập nhật với văn phòng cử tri thì họ vẫn được gửi phiếu bầu bằng thư về nhà.
Tuy nhiên, khi lá phiếu đó gửi về thì việc kiểm tra chữ ký sẽ không thể để lọt lá phiếu giả từ người đã mất được, bà lý giải.
“Cho dù con cái, người thân giả chữ ký của người mất có giống hệt đi nữa, thì chúng tôi còn một công đoạn nữa là đối chiếu với danh sách cử tri từ quận hạt và từ tiểu bang.”
“Danh sách cử tri ghi danh từng địa phương được đưa lên tiểu bang để tiểu bang đảm bảo người đó chỉ có một, cư trú ở một địa điểm chứ không thể có tên hai lần ở hai nơi khác nhau,” bà nói thêm.
Do công tác kiểm phiếu chặt chẽ như vậy, bà Du hạ phân tích, nên khó lòng xảy ra sai sót. “Chỉ có thể sai lệch vài chục hay vài trăm phiếu mà thôi,” bà nói và cho biết cho dù phải đếm phiếu lại cũng khó có khả năng sai lệch cả ngàn phiếu.
‘Đủ hai Đảng giám sát’
Bà Du Hạ đơn cử trường hợp tại hạt Harris, bang Texas, rằng tất cả mọi quá trình kiểm phiếu đều diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa.
“Kiểm tra lá phiếu bầu bằng thư có đại diện của hai đảng kiểm tra cùng một lúc,” bà nói và lưu ý các nhân viên kiểm phiếu phải phi đảng phái.
“Hai Đảng họ cử người nào đến chỗ kiểm phiếu thì chúng tôi buộc phải chấp nhận người đó mà không được thắc mắc gì hết,” bà nói thêm. Đại diện của hai đảng ở một điểm kiểm phiếu đều phải cân bằng, nếu phía Cộng hòa có ba người, thì phía Dân chủ cũng phải ba người – không hơn không kém.
Trong trường hợp không có đủ đại diện hai đảng có mặt thì phải ngưng kiểm phiếu lại, chờ có đủ mới nối lại việc kiểm phiếu, bà nói thêm.
Cuối cùng, đại diện hai đảng phải ký tên xác nhận thì kết quả mới được công nhận, cũng theo lời bà Du Hạ.