Luật an ninh: TQ được bắt bất kỳ ai tới Hong Kong
- Michael Bristow
- BBC News
4 giờ trước
Luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp dụng tại Hong Kong đã tước đi quyền ngôn luận ở vùng lãnh thổ này, và đang có tác động ở tầm mức rộng lớn hơn nhiều.
Luật áp dụng với tất cả mọi người trên thế giới, cho dù bạn ở bất kỳ nơi đâu. Những ai vi phạm đều có thể bị truy tố nếu họ tới Hong Kong.
Điều này đã khiến các trường đại học nước ngoài vấp phải vấn đề đau đầu không lường trước. Nay các trường phải tìm cách bảo vệ, để những gì sinh viên của họ nói hay viết ra sau này sẽ không bị dùng để chống lại chính những sinh viên đó.
Các cơ quan nước ngoài vốn nổi tiếng là những thành trì bảo vệ quyền tự do ngôn luận nay đang phải ứng phó với quy định kiểm duyệt của Trung Quốc.
Bất kỳ ai chỉ trích Trung Quốc và tới Hong Kong đều có nguy cơ bị bắt giữ theo luật mới.
Người Hong Kong ở nước ngoài
Nhưng các sinh viên Hong Kong đi du học đang đối diện với một đe dọa đặc biệt cụ thể, bởi họ trong tương lai sẽ có lúc quay về vùng vốn là thuộc địa của Anh Quốc này.
Họ không thể né tránh việc đặt chân lên đất Hong Kong như người nước ngoài.
Luật mới khiến họ lo lắng về việc phải hành xử ra sao khi ở nước ngoài.
\”Chúng tôi đã từng quen với việc bị chính quyền Hong Kong hủy hoại quyền tự do ngôn luận của mình tại Hong Kong, nhưng trông đợi là mình sẽ nhiều quyền tự do biểu đạt hơn khi lên tiếng tại Anh,\” một sinh viên Hong Kong đang theo học tại Đại học Leeds, Anh Quốc, nói. \”Nay thì sự thể giống như là chúng tôi vẫn đang bị giám sát.\”
Việc sinh viên này không muốn nêu tên thật là chỉ dấu cho thấy cô lo lắng tới mức nào.
Một sinh viên Hong Kong khác tại Leeds, người cũng muốn giấu tên, cho biết anh nay sẽ nói ít hơn trong lớp học để tránh gặp rắc rối về sau.
Shaun Breslin, giáo sư ngành chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Warwick, Anh, nói rằng một trong những cảm xúc bản năng đầu tiên của ông vào đầu năm học này là cần phải khuyên các sinh viên Hong Kong đừng tham dự một số khóa học nhất định mang tính nhạy cảm chính trị.
\”Nhưng bạn không thể làm vậy, bởi như thế là không cho họ cơ hội mà các sinh viên khác từ những nơi khác trên thế giới có được,\” ông nói.
\”Làm như thế sẽ là rơi vào cái bẫy không tự kiểm duyệt mình mà đi kiểm duyệt người khác.\”
Do vậy, trường của ông cũng như các trường đại học khác tại Anh và Hoa Kỳ đang nhanh chóng xây dựng bộ quy tắc hoạt động để nhằm bảo vệ sinh viên ở mức tối đa trong khả năng cho phép.
\”Chúng tôi không ghi lại các cuộc thảo luận. Quý vị không thể gán một số những từ ngữ hoặc ý kiến cụ thể nào với bất kỳ cá nhân nào, và chúng tôi đã gửi ra rất nhiều những lời nhắc nhở về cách thức dự học,\” giáo sư Breslin nói.
Tại Đại học Oxford, một phó giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc cho phép sinh viên nộp bài ẩn danh để bảo vệ họ; cách làm này được các cấp trên của bà ủng hộ.
Vấn đề đang được tranh luận tại nhiều trường đại học.
Sofia Tang, giáo sư luật tại Đại học Newcastle, Anh, gần đây tổ chức một hội thảo trực tuyến về việc áp dụng đặc quyền ngoại giao trong luật an ninh quốc gia Hong Kong.
Bà nói các sinh viên Hong Kong rất muốn biết quy định này sẽ ảnh hưởng tới họ ra sao khi họ theo học tại nước ngoài.
Nhưng đây không phải là điều dễ đánh giá.
Có một vấn đề lớn cho các sinh viên, đó là khó để biết điều gì được cho phép làm và điều gì là bất hợp pháp, bởi luật được soạn thảo theo hướng quy định rất rộng.
Luật coi các hành vi làm tổn hại tới an ninh quốc gia Trung Quốc là bất hợp pháp, nhưng điều đó thậm chí bao gồm cả những việc có thể làm khơi dậy \”lòng thù ghét\” đối với chính phủ Trung Quốc.
Vậy điều đó có bao gồm việc chỉ trích chính phủ Trung Quốc hay không?
Nhiều người cho rằng sự mập mờ trong quy định của luật này là cố ý, nhằm gây ra nỗi sợ hãi và tình trạng không rõ ràng.
Tham vọng của chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế những gì người dân từ hải ngoại nói về Trung Quốc không phải là chuyện mới.
Sinh viên Trung Quốc đại lục đi du học đã phải đối diện với nguy cơ bị bắt giữ khi về nước do những điều họ nói ở nước ngoài.
Người nước ngoài tới Hong Kong
Và Trung Quốc thường xuyên tấn công, công kích các chính phủ, công ty nước ngoài, các tổ chức nghiên cứu, các gương mặt thể thao, thậm chí cả những ban nhạc nước ngoài.
Trung Quốc gần đây chỉ trích nhóm nhạc Hàn BTS do một thành viên của nhóm không nhắc tới người lính Trung Quốc khi vinh danh những người đã ngã xuống trong Cuộc chiến Triều Tiên.
Trung Quốc thường tìm dùng sức mạnh kinh tế để trừng phạt những ai nói những gì mà Bắc Kinh không ưa.
Điều đó có nghĩa là các trường đại học nước ngoài chịu tác động tài chính từ Trung Quốc bị đưa vào thế dễ bị tổn thương.
Trước đại dịch virus corona, có khoảng 120 ngàn sinh viên Trung Quốc du học tại Anh, và nhiều trường đại học Anh phụ thuộc vào nguồn thu nhập mà những sinh viên này mang lại.
Sẽ thế nào nếu chính phủ Trung Quốc không cho sinh viên tới học nữa ra? Hồi đầu năm nay, đó chính xác là những gì chính phủ nói với các sinh viên Trung Quốc muốn tới Úc.
Một số trường đại học thậm chí còn có những quan hệ gần gũi hơn, và do đó có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Chẳng hạn như Đại học Liverpool đã mở một khu học xá tại Trung Quốc với Đại học Giao thông Tây An.
Luật có thể không ảnh hưởng tới hoạt động của họ, nhưng ngay cả các học giả nước ngoài chuyên về Trung Quốc cũng biết rằng sẽ có hậu quả xảy ra nếu như chính phủ Trung Quốc không ưa những gì họ nói.
Luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh có nghĩa là mọi người trên thế giới ai cũng có nguy cơ bị truy tố tại Hong Kong.