Chủ nghĩa toàn cầu là ‘hình thái khác’ của Chủ nghĩa xã hội? (Phần 2)
Bình luậnThanh Đoàn • 04/11/20
Toàn cầu hóa có thể chỉ đơn giản là xu thế phát triển tất yếu của sự dịch chuyển khoa học, công nghệ, dòng vốn, lao động và tri thức giữa các quốc gia, lục địa trên toàn cầu nhằm tìm kiếm lợi ích đầu tư tốt hơn. Nhưng chủ nghĩa toàn cầu hóa thì hoàn toàn khác, một \”chủ nghĩa\” chỉ được hình thành khi có nền tảng lý luận và mục tiêu cụ thể của nó. Bề ngoài, chủ nghĩa toàn cầu theo đuổi một chính quyền toàn cầu, khoác cho mình chiếc áo \”đạo đức\” rất lộng lẫy như không có chiến tranh, không có bất bình đẳng, giải quyết các thảm họa môi trường….
Với những đọc giả chưa từng đặt câu hỏi về mặt trái của toàn cầu hóa, thì có thể tiêu đề \”bóng ma đằng sau chủ nghĩa toàn cầu hóa\” ở trên sẽ khiến bạn khó chấp nhận. Tại sao \”hệ tư tưởng toàn cầu hóa\” vốn tốt đẹp, nhân văn như vậy – lại có thể trở thành một thế lực chính trị? Tại sao toàn cầu hóa lại có thể trở thành bóng ma ám ảnh tương lai của nhân loại? Chúng ta có đang quá lời vì thiếu hiểu biết không?
NTDVN hy vọng có thể cung cấp thêm cho đọc giả của mình một góc nhìn khác, một phân tích khác, cũng để liễu giải tại sao mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung ngày càng sâu sắc và bất ổn đến thế, và tại sao Tổng thống Trump lại bị phản ứng dữ dội đến thế…
Chủ nghĩa toàn cầu có lý tưởng và mục tiêu về một thế giới đại đồng, nơi con người không sở hữu tài sản, nơi các quốc gia, chính phủ, dân tộc, tín ngưỡng mờ nhạt, chỉ còn lại một chính quyền toàn cầu \”nhân từ\” sẽ nỗ lực vì bạn mà phân phối lại tài nguyên, của cải và định hướng cho quốc gia, dân tộc của bạn.
Hiển nhiên, tín ngưỡng vào Thần sẽ không được những người theo chủ nghĩa toàn cầu đồng thuận. Và đương nhiên, chủ nghĩa toàn cầu theo đuổi một chính quyền toàn cầu lý tưởng của nó, cũng theo đó, khái niệm quản trị toàn cầu (global governance) đã xuất hiện với một hệ thống lập luận dưới nhãn dán của khoa học, phát triển và hòa bình cho toàn nhân loại…
Toàn cầu hóa – sự tất yếu của lịch sử phát triển – nhưng chúng ta không bàn về nó ở đây
Cùng với các cuộc Cách mạng Công nghiệp và làn sóng công nghệ thứ 3 thứ 4, sự phát triển khoa học kỹ thuật, sự biến động về kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ, và văn hóa cũng diễn ra ngày càng thường xuyên và mạnh mẽ. Theo đó, sự dịch chuyển lao động, dân cư giữa các quốc gia đã thúc đẩy sự giao thoa mạnh mẽ về khoa học, công nghệ, dòng vốn, lao động và văn hóa trên toàn cầu.
Đặc biệt ngày nay, viễn thông hiện đại, vận tải, máy vi tính, và mạng kỹ thuật số đã thu hẹp khoảng cách về thời gian, không gian, xóa nhòa ranh giới quốc gia vốn tồn tại hàng nghìn năm rất khó vượt qua ấy.
Thế giới dường như biến thành rất nhỏ, sự giao lưu, hợp tác giữa các quốc gia diễn ra thường xuyên hơn bao giờ hết. Sự tăng cường hợp tác toàn cầu này là kết quả tự nhiên khi kỹ thuật phát triển, sản xuất và di dân mở rộng. Loại toàn cầu hóa này là kết quả của một quá trình lịch sử tự nhiên.Một bức ảnh chụp ngày 20 tháng 11 năm 2017 cho thấy các logo của công ty công nghệ đa quốc gia Google của Mỹ hiển thị trên màn hình máy tính (Ảnh: LOIC VENANCE / AFP qua Getty Images)
Và quá trình phát triển tự nhiên mang tính lịch sử này thực sự mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, dân tộc nếu biết chân chính chọn lọc để tiếp nhận nó, ví dụ như đón nhận các dòng vốn FDI tốt mang lại công nghệ, tri thức và việc làm cho đất nước; phát triển thương mại quốc tế để mở rộng thị trường cho sản phẩm sản xuất trong nước và có thể nhập khẩu các mặt hàng mà trong nước không sản xuất được; giao lưu nhân lực để học hỏi và lan tỏa tri thức….
Nhưng đó là toàn cầu hóa tự nhiên, không phải là điều chúng ta bàn thảo ở đây. Trong bài viết này, điều chúng ta đề cập đến là hệ tư tưởng toàn cầu hóa hay còn gọi là chủ nghĩa toàn cầu hóa, vốn được nâng đỡ bởi một hệ thống lý luận kinh tế học, có mục tiêu rõ ràng và có một chiến lược phát triển, quảng bá tuyên truyền trong suốt một thế kỷ qua.
Vấn đề ở chỗ, hệ tư tưởng toàn cầu hay chủ nghĩa toàn cầu không tốt đẹp cho nhân loại, cho mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi gia đình như chiếc áo đạo đức rực rỡ mà nó đang khoác lên…
Mơ ước hòa bình của nhân loại từ hàng chục thế kỷ được thúc đẩy trong Chủ nghĩa toàn cầu
Chiến tranh liên miên trong nội bộ các quốc gia, giữa các quốc gia trong khu vực và thậm chí sau này là thế chiến thứ I, thứ II vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã thúc đẩy ý tưởng toàn cầu trở thành “chủ nghĩa toàn cầu”, với hy vọng rằng khi cả thế giới nằm dưới sự cai trị của một chính quyền toàn cầu, chính quyền đó sẽ giúp con người duy trì hòa bình trên khắp thế giới.
Chỉ bằng mục đích cao cả của nó là “mang lại hòa bình trên toàn cầu”, chủ nghĩa toàn cầu đã sớm được mơ ước, ủng hộ bởi rất nhiều nhà tư tưởng lớn, trường phái triết học… trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại. Nhưng chưa bao giờ trong lịch sử, chủ nghĩa toàn cầu phát triển mạnh mẽ như ngày nay, sau khi khoác lên mình chiếc áo đạo đức rực rỡ và cao cả về hoà bình, bác ái và bình đẳng cho toàn nhân loại.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên Từ điển bách khoa triết học của Stanford [1], chính phủ toàn cầu đề cập đến ý tưởng rằng tất cả nhân loại đoàn kết, thống nhất dưới một cơ quan chính trị chung. Nhìn lại lịch sử từ hàng ngàn năm qua có thể thấy rõ ràng tư tưởng về một chính phủ toàn cầu, một thể chế toàn cầu đã manh nha xuất hiện từ rất sớm.
Trong tác phẩm “Lịch sử của các ý tưởng” của Derek Heater, ông đề cập rằng lịch sử nhân loại thời trung cổ đã mơ ước về một chính phủ toàn cầu. Tuy nhiên, bản chất chính xác của hình thức của chính phủ đó đã thay đổi theo thời gian. Trong khi các ý tưởng Khắc kỷ về tính duy nhất của vũ trụ truyền cảm hứng cho các đề xuất của Cơ đốc giáo thời Trung cổ về một cơ quan chính trị toàn cầu; đồng thời, mô hình lịch sử của đế quốc La Mã (hoặc thần thoại của nó) đã truyền cảm hứng về một đế chế thế giới.
Vào thế kỷ XIII, nhà thơ, nhà triết học và chính khách người Ý, Dante (1265–1321), có lẽ đã trình bày rõ nhất lý tưởng Kitô giáo về sự thống nhất của con người và sự thể hiện của nó thông qua một thế giới được cai trị bởi một vị vua toàn cầu.
Trong The Banquet [Convivio], Dante lập luận rằng chiến tranh và tất cả nguyên nhân của chúng sẽ bị loại bỏ nếu “toàn bộ trái đất và tất cả những gì con người có thể sở hữu là một chế độ quân chủ, tức là một chính phủ dưới một người cai trị. Bởi vì ông ta sở hữu tất cả mọi thứ nên ông ta [người cai trị] sẽ không muốn sở hữu thêm bất cứ thứ gì, và do đó, ông ta sẽ khiến các vị vua hài lòng trong biên giới của các vương quốc của họ, và giữ hòa bình giữa họ”(Convivio, 169).
Ý tưởng thống nhất nhân loại dưới một đế chế hoặc một quốc vương, đã trở thành một sự hấp dẫn phổ biến vào thế kỷ XVII với sự lôi kéo của hệ thống các quốc gia có chủ quyền sau Hòa bình Westphalia (1648).
Rồi thế chiến thứ I và thứ II xuất hiện lấy đi mạng sống của 50 triệu người trên khắp địa cầu, việc theo đuổi vũ trang và vũ khí hạt nhân của các quốc gia phát triển đã khiến con người trở nên bất an hơn bao giờ hết. Khao khát hoà bình vĩnh viễn cho nhân loại lại được cháy lên trong hàng triệu trái tim, một khao khát chân chính. Ảnh chụp trong Thế chiến thứ II về máy bay bay trên một thành phố của Hà Lan. (Ảnh: AFP qua Getty Images)
Lúc này, hệ tư tưởng chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx về một thế giới đại đồng, hoà bình vĩnh viễn cho nhân loại, nơi con người không sở hữu, không có lòng tham, nơi không có giàu nghèo nên không có cạnh tranh và chiến tranh… đã khiến nhiều con người trong thống khổ, trong khao khát hoà bình, tin tưởng. Và Karl Marx và các học trò của ông chính là những người đặt nền móng đầy đủ nhất để đảm bảo ý tưởng chính quyền toàn cầu, sự phát triển tự nhiên của toàn cầu hoá, trở thành chủ nghĩa toàn cầu.
Trong các tác phẩm của mình, Marx không dùng khái niệm toàn cầu hóa, mà dùng một từ có nội hàm hết sức gần là “lịch sử thế giới”. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (Communist Manifesto), Marx tuyên bố rằng khi chủ nghĩa tư bản mở rộng ra toàn cầu tất nhiên sẽ sinh ra giai cấp vô sản với số lượng cự đại, sau đó, cách mạng của giai cấp vô sản sẽ quét qua toàn cầu, lật đổ chủ nghĩa tư bản và lập nên “thiên đường” của chủ nghĩa cộng sản. [2]
Marx viết: “Giai cấp vô sản chỉ có thể tồn tại khi mang tính lịch sử thế giới, cũng như chủ nghĩa cộng sản, hoạt động của nó, chỉ có thể có sự tồn tại mang tính ‘lịch sử thế giới’.” [3] Cũng là nói, việc hiện thực hóa chủ nghĩa cộng sản phụ thuộc vào việc giai cấp vô sản cùng hành động chung trên phạm vi thế giới — cách mạng cộng sản ắt phải là một cuộc vận động toàn cầu.
Mặc dù sau này, Lenin đã sửa đổi học thuyết của Marx và đề xuất có thể phát động cách mạng trong hoàn cảnh chủ nghĩa tư bản bạc nhược (nước Nga), những người theo chủ nghĩa cộng sản chưa hề vứt bỏ mục tiêu cách mạng thế giới. Năm 1919, những người theo cộng sản Liên Xô không đợi thêm mà thành lập Quốc tế Cộng sản tại Moscow, với các chi bộ đảng phủ khắp 60 quốc gia. Lenin nói: Mục tiêu của Quốc tế Cộng sản là thành lập nước Cộng hòa Xô-viết Thế giới”. [4]
Nhà tư tưởng của Mỹ G. Edward Griffin đã tổng kết 5 mục tiêu cách mạng toàn cầu mà Josef Stalin đề ra như sau:
- Gây mông lung, phá rối, và tiêu hủy các thế lực tư bản chủ nghĩa trên khắp thế giới.
- Liên hợp tất cả các quốc gia lại, hình thành một nền kinh tế thế giới đơn nhất.
- Cưỡng chế các nước phát triển rót viện trợ trường kỳ vào các quốc gia kém phát triển.
- Chia thế giới thành các khối theo khu vực [như khối NATO, SEATO, và Organization of American States hiện nay] để làm mắt xích quá độ trong việc kiến lập chính phủ thế giới. Dân chúng sẽ sẵn sàng từ bỏ lòng trung thành với tổ quốc và dễ sinh ra gắn bó với khu vực hơn là với một chính quyền toàn cầu.
- Sau đó, hợp các khối theo khu vực này lại thành một chính quyền độc tài thế giới đơn nhất của giai cấp vô sản. [5]
William Z. Foster, cựu chủ tịch toàn quốc của Đảng Cộng sản Mỹ viết: “Thế giới cộng sản sẽ là một thế giới thống nhất, có tổ chức. Hệ thống kinh tế sẽ là một tổ chức lớn, dựa trên nguyên tắc hoạch định đang nhen nhóm ở Liên Xô. Chính phủ Mỹ Xô-viết sẽ trở thành bộ phận trọng yếu trong chính phủ thế giới này.” [6]Người sáng lập và chủ tịch điều hành của WEF Klaus Schwab bắt tay với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào ngày 27 tháng 6 năm 2016 tại Thiên Tân, Trung Quốc. Cuộc họp hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới quy tụ các nhà lãnh đạo kinh doanh, kinh tế và chính trị và các cựu quan chức. (Ảnh của Wang Zhao – Pool / Getty Images)
Quay trở lại tầm nhìn của Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2016 nơi chủ nghĩa toàn cầu được bảo hộ và quảng bá mạnh mẽ nhất, chẳng hạn về 4 tầm nhìn trong số 8 vấn đề mà DAVOS 2016 liệt kê dưới đây:
- Bạn sẽ không sở hữu gì. Và bạn sẽ hạnh phúc. Mọi thứ bạn muốn, bạn sẽ thuê, và nó sẽ được giao bằng máy bay không người lái => Xoá bỏ tư hữu (điểm thứ 1 và thứ 5)
- Hoa Kỳ sẽ không phải là siêu cường hàng đầu thế giới. Thay vào đó, một số ít quốc gia sẽ thống trị => Chia thế giới thành các khối theo khu vực [như khối NATO, SEATO, và Organization of American States) hiện nay] để làm mắt xích quá độ trong việc kiến lập chính phủ thế giới… (Điểm thứ 4)
- Người gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền để thải ra khí cacbon. Sẽ có một mức giá toàn cầu về carbon. Điều này sẽ giúp chấm dứt nhiên liệu hóa thạch (dầu lửa) => Cưỡng chế các nước phát triển rót viện trợ trường kỳ vào các quốc gia kém phát triển (điểm thứ 3)
- Các giá trị phương Tây sẽ bị thách thức đến mức sụp đổ. Không được quên nguyên tắc kiểm soát và cân bằng làm nền tảng cho nền dân chủ của chúng ta => Gây mông lung, phá rối, và tiêu hủy các thế lực tư bản chủ nghĩa trên khắp thế giới (điểm thứ 1)
Không nghi ngờ gì nữa, toàn cầu hóa [10] nhìn thì như một quá trình tự phát, nhưng vai trò của chủ nghĩa xã hội trong tiến trình này đã ngày càng rõ ràng, và đã trở thành một trong những tư tưởng chỉ đạo của toàn cầu hóa.
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, lực lượng cánh tả của các nước châu Âu không ngừng phát triển. Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa với chủ trương đi theo chủ nghĩa xã hội dân chủ bao gồm các đảng chính trị của hơn 100 quốc gia. Các đảng chính trị này chấp chính ở các nước, và còn mở rộng ra đại bộ phận châu Âu. Trong bối cảnh như vậy, phúc lợi cao, thu thuế cao, quốc hữu hóa đã ảnh hưởng đến toàn châu Âu.
Toàn cầu hóa đã khoét rỗng ngành công nghiệp Mỹ, thu hẹp giai tầng trung lưu, đình trệ thu nhập, phân hóa giàu nghèo, chia cắt xã hội. Những điều này đã thúc đẩy cánh tả và chủ nghĩa xã hội ở Mỹ phát triển mạnh, khiến quang phổ chính trị trên toàn cầu trong thập kỷ qua dịch chuyển mạnh về phía tả. Chủ nghĩa toàn cầu dần lớn mạnh và trở thành một thế lực chính trị lớn tại Mỹ, là công cụ mà phái cực tả hết lòng nâng niu và khai thác triệt để.
Tiếng nói của các nhà kinh tế học cảnh báo sự nguy hại của chủ nghĩa toàn cầu
Nhiều nhà kinh tế học đã đưa ra phản đối về sự nguy hại của chủ nghĩa toàn cầu – liên quan đến tính khả thi trong mục tiêu được bọc bằng chiếu áo đạo đức lộng lẫy – các nhà kinh tế học chỉ ra các thảm họa kinh tế – chính trị và suy thoái đạo đức của con người khi một thiết chế toàn cầu như thế được hình thành.
Thứ nhất, quá trình tạo ra một chính phủ thế giới theo chủ nghĩa toàn cầu sẽ hại nhiều hơn lợi. Nhiều nhà tư tưởng và kinh tế học cho rằng chủ nghĩa toàn cầu là bất khả thi, là một thiên đường “không tưởng”, giống như sự thất bại của các thử nghiệm về con đường xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô, Venezuela, Cuba, Triều Tiên, Israel (những năm 60 của thế kỷ XX), Myanmar…
Giả sử rằng chính quyền thế giới sẽ dẫn đến những kết quả mong muốn như hòa bình vĩnh viễn, những người theo chủ nghĩa hiện thực hoài nghi rằng chính quyền thế giới có bao giờ hiện thực hóa như một thực tế thể chế, trước các vấn đề về bản chất tự cao hoặc hư hỏng của con người, hoặc logic của tình trạng vô chính phủ quốc tế đặc trưng cho một thế giới các quốc gia.
Tất cả đều ghen tị bảo vệ chủ quyền của riêng mình hoặc yêu cầu quyền lực tối cao. Do đó, chính phủ thế giới không khả thi như một giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, vì những khó khăn không thể vượt qua trong việc thiết lập “hệ thống phân cấp có thẩm quyền” ở cấp độ toàn cầu hoặc quốc tế (Krasner 1999, 42) [11].
Thứ hai, ngay cả khi chính phủ thế giới được chứng minh là một dự án chính trị khả thi, nó có thể là một dự án không mong muốn, nó chỉ tạo ra một thể chế độc tài chuyên chế khổng lồ mà thôi.
Một loạt các lý do giải thích cho tính không thể phá vỡ của nó nhấn mạnh đến sức mạnh tiềm tàng và sự áp bức của một cơ quan chính trị toàn cầu. Theo lập luận chuyên chế – chính phủ thế giới sẽ trở thành một chế độ chuyên chế toàn cầu, cản trở thay vì nâng cao lý tưởng tự chủ của con người (Kant 1991) [12].
Thay vì thực hiện công lý và hòa bình toàn cầu một cách khách quan, một chính phủ thế giới có thể hình thành một chế độ chuyên chế không thể tránh khỏi, có quyền bắt nhân loại phục vụ lợi ích của chính mình, và sự chống đối có thể gây ra các cuộc nội chiến liên miên và khó chữa (Waltz 1979) [7].
Trong một phiên bản khác của phản đối này – lập luận về tính đồng nhất – chính phủ thế giới có thể mạnh mẽ và lan tỏa đến mức tạo ra hiệu ứng đồng nhất hóa, xóa bỏ các nền văn hóa và cộng đồng khác biệt có giá trị về bản chất. Do đó, thể chế của một chính phủ thế giới sẽ phá hủy chủ nghĩa đa nguyên xã hội phong phú vốn làm sống động cuộc sống con người (Walzer 2004) [8]
Trong khi hai lập luận trên xuất phát từ nỗi sợ hãi về sức mạnh tiềm tàng của một chính phủ thế giới, một loạt mối quan tâm khác tập trung vào sự yếu kém tiềm ẩn khi chủ nghĩa toàn cầu thống trị thế giới này dưới hình thức của một chính phủ toàn cầu, e ngại rằng một cơ quan chính trị toàn cầu sẽ làm loãng luật, khiến chúng trở nên vô hiệu và vô nghĩa. Do đó, sự yếu kém được đặt ra của chính phủ thế giới dẫn đến sự phản đối dựa trên sự kém hiệu quả và vô hồn tiềm tàng của nó (Kant 1991).
Thứ ba, chủ nghĩa toàn cầu không thể giải quyết các vấn đề như chiến tranh, đói nghèo toàn cầu và thảm hoạ môi trường như nó tự tô vẽ cho mình.
Chủ nghĩa toàn cầu sở dĩ được nhiều người ủng hộ vì các giá trị đạo đức mỹ miều mà nó tự tô vẽ cho mình. Nhưng hãy nhìn lại mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa toàn cầu và nền tảng lý luận mà nó dựa vào: xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân, phân chia lại của cải của nước giàu cho nước nghèo, nước giàu buộc phải tiếp nhận làn sóng di cư từ các nước nghèo và chi trả phúc lợi cao… Trẻ em Ấn Độ làm việc tại một dự án xây dựng phía trước Sân vận động Jawaharlal Nehru vào ngày 30 tháng 1 năm 2010 ở New Delhi, Ấn Độ. Người lao động, kể cả trẻ em đang được trả dưới mức lương tối thiểu để hoàn thành các dự án này trong khi cũng bị buộc phải sống và làm việc trong các điều kiện dưới tiêu chuẩn. (Ảnh của Daniel Berehulak / Getty Images)
Vậy câu hỏi là, khi tư nhân không sở hữu thì tức là chính quyền sẽ sở hữu thay tư nhân, chính quyền sẽ thay mặt tư nhân quyết định đầu tư, phân phối lại tài sản này, chỉ là chính quyền này được quyết định trên quy mô toàn cầu. Ở phân hệ thấp hơn, các quốc gia sẽ tự phân phối lại theo quyết định của họ…
Nói theo cách khác, nó là chủ nghĩa xã hội ở quy mô toàn cầu mà thôi. Và như chúng ta đã biết, khi động lực của đầu tư, tiết kiệm, sáng tạo và đổi mới là sở hữu tư nhân bị xoá bỏ thì trong trung và dài hạn, nền kinh tế đó rơi vào suy giảm rồi dẫn đến kiệt quệ như hàng tá các ví dụ về sự thất bại của mô hình kinh tế quản lý tập trung kiểu xã hội chủ nghĩa trong gần một thế kỷ qua trên khắp địa cầu. Đói nghèo sẽ là điều đang chờ tất cả chúng ta trong khi của cải thế giới rơi vào tay của Tập đoàn toàn cầu hoặc của các chính phủ quy phục tập đoàn này.
Thêm vào nữa, bài học về bình đẳng tuyệt đối cho thấy, khi đói nghèo, tư liệu và tư bản sản xuất bị tước đoạt thì không thể có hòa bình và ổn định, bởi đó là khi loài người phải chứng kiến bất bình đẳng lớn nhất, vô lý nhất và tai hại nhất.
Hoà bình thật sự không thể tồn tại ở các quốc gia chuyên chế độc tài, đó là hoà bình giả tạo được duy trì bởi đàn áp đẫm máu và lừa dối mà thôi. Ở quy mô toàn cầu cũng vậy. Chủ nghĩa toàn cầu – đi theo hướng này – rốt cuộc chỉ là địa ngục khoác chiếc áo \”giả thiên đường\” mà thôi. Có vẻ như loài người lại có thêm một lời nói dối thế kỷ.
Thanh Đoàn
(còn nữa)
Mời các bạn đón đọc Phần 3: Nạn nhân của Chủ nghĩa toàn cầu – Thế giới có thể tốt đẹp hơn theo cách khác
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] https://plato.stanford.edu/entries/world-government/
[2] Karl Marx, Manifesto of the Communist Party (Marx/Engels Internet Archive), https://www.marxists.org/archive/marx/works/1848/communist-manifesto/ch04.htm.
[3] Karl Marx and Friedrich Engels, The German Ideology, Vol. I, 1845, https://www.marxists.org/archive/marx/works/1845/german-ideology/index.htm
[4] V. I. Lenin, “The Third, Communist International,” Lenin’s Collected Works, 4th English Edition, Volume 29 (Moscow: Progress Publishers, 1972), 240—241, https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1919/mar/x04.htm.
[5] G. Edward Griffin, Fearful Master: A Second Look at the United Nations (Appleton, Wis.: Western Islands, 1964), Chapter 7.
[6] William Z. Foster. Toward Soviet America (International Publishers, 1932), Chapter 5.
[7] Ming Hui, How the Specter of Communism Is Ruling Our World, Chapter 17
[8] Krasner, S., 1999, Sovereignty: Organized Hypocrisy, Princeton: Princeton University Press.
[9] Kant, I., 1991, “Idea for a Universal History with a Cosmopolitan Purpose” and “Perpetual Peace: A Philosophical Sketch,” in Political Writings, H. B. Nisbet (trans.), Hans Reiss (ed.), 2nd ed., New York: Cambridge University Press, 41–53 and 93–130.
[10] Waltz, K.N., 1979, Theory of International Politics, Toronto: McGraw-Hill Publishing Company.
[11] Walzer, M., 2004, Arguing About War, New Haven: Yale University Press.
[12] Heater, D.B., 1996, World Citizenship and Government: Cosmopolitan Ideas in the History of Western Political Thought, London: Macmillan.